»» Nội dung bài viết:
NGÀY MÔI TRƯỜNG THẾ GIỚI VÀ HÀNH ĐỘNG CỦA TUỔI TRẺ
Ngày Môi trường thế giới (World Environment Day) ra đời như một lời cảnh tỉnh: mọi hành động của chúng ta, dù nhỏ nhất, đều tác động đến môi trường và sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của chính chúng ta. Hưởng ứng ngày Môi trường thế giới, các bạn trẻ Việt Nam đã có những hành động tích cực để nâng cao nhận thức về vấn đề môi trường, góp phần thay đổi hành vi, lối sống để bảo vệ môi trường, hướng đến lối sống xanh.
1. Ngày Môi trường thế giới
Năm 1972, Đại hội đồng Liên hiệp quốc quyết định chọn ngày 5 tháng 6 hằng năm là ngày Môi trường thế giới. Mục đích của ngày Môi trường thế giới là giúp mọi người nhận ra tầm quan trọng của môi trường và khuyến khích các hành động bảo vệ môi trường.
Trong ngày này, rất nhiều hoạt động diễn ra: kí kết các hiệp ước về bảo vệ môi trường; diễu hành kêu gọi bảo vệ môi trường; trồng cây xanh; triển lãm tranh, ảnh về môi trường; thi tìm hiểu về môi trường; khuyến khích tái chế rác thải.
Một số chủ đề Ngày Môi trường thế giới trong những năm gần đây:
– Đa dạng loài — Một hành tinh – Một tương lai (2010);
– Rừng: Thiên nhiên trong bạn (2011);
– Kinh tế xanh: Bạn có ở trong đó? (2012);
– Hãy nghĩ kĩ trước khi sử dụng thực phẩm (2013);
– Hãy lên tiếng, cùng ngăn chặn nước biển dâng (2014);
– 7 tỉ giấc mơ – Một hành tinh – Sử dụng cẩn thận (2015);
– Đấu tranh chống lại việc buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã (2016);
– Kết nối Con người với Thiên nhiên – Trong thành phố và trên đất liền, từ các cực đến xích đạo (2017);
– Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông (2018);
– Ô nhiễm không khí và hành động của chúng ta (2019).
2. Những tiếng kêu cứu từ môi trường
Đã hơn 45 năm ngày Môi trường thế giới ra đời và đánh động ý thức người dân toàn cầu về vấn đề môi trường, thế nhưng thế giới vẫn chứng kiến hình ảnh Mẹ Thiên Nhiên chìm trong ô nhiễm: ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất đai,…
Không khí tại nhiều nơi trên thế giới đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí như: khí thải từ các nhà máy và các phương tiện chạy bằng xăng; đốt rừng, đốt rơm rạ; nấu nướng bằng than, củi;… Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí khiến cho khoảng 7 triệu người chết mỗi năm vì mắc các bệnh liên quan đến tuần hoàn và hô hấp.
Theo ước tính, hiện có khoảng 8,8 triệu tấn rác được thải vào đại dương hằng năm. Và mỗi năm có hơn 1.000 con rùa biển bỏ mạng vì mắc vào những tấm lưới đánh cá bị bỏ đi và những rác thải khác trong lòng đại dương. Hiện tại có hơn 26 500 loài vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do nạn săn bắt và môi trường sống bị phá huỷ.
Cũng như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề do ô nhiễm môi trường gây ra. Hiểu được điều này, nhiều bạn trẻ đã tham gia các hoạt động
3. Hành động vì một hành tinh xanh
Cũng như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề do ô nhiễm môi trường gây ra. Hiểu được điều này, nhiều bạn trẻ đã tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường như: vẽ tranh, làm thơ kêu gọi bảo vệ môi trường; tham gia vào các hoạt động như Thử thách 7 ngày sống xanh, Ngày chủ nhật xanh, Biến bãi rác thành vườn hao, Ngày hội tái chế, Đổi giấy lấy cây, Thách thức để thay đổi,… Những hoạt động này hướng đến việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi để bảo vệ môi trường sống và kêu gọi “lối sống xanh”, sống gần gũi, thân thiện với môi trường.
Các hoạt động phong phú, ý nghĩa của các bạn trẻ đã lan tỏa tình yêu môi trường, khơi dậy tinh thần trách nhiệm và hành động của tuổi trẻ trong việc bảo vệ môi trường.