Vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên và cuộc sống con người Tây Tiến qua đoạn thơ: “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa…”
- Mở bài:
Cùng với “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm, “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi, “Tây Tiến” của Quang Dũng được coi là một trong những thi phẩm tiêu biểu nhất của nền thơ ca hiện đại Việt Nam giai đoạn 1946-1954. Bài thơ là một bức họa giàu chất cổ điển, cùng là khúc nhạc giàu chất lãng mạn về cảnh trí thiên nhiên, cuộc sống, con người miền Tây, đồng thời, bài thơ còn là tượng đài nghệ thuật giàu chất bi tráng về tập thể đoàn quân Tây Tiến hào hùng và hào hoa. Tác giả đã khắc họa tượng đài nghệ thuật về những con người ấy bằng ngòi bút tài hoa cùng hồn thơ thấm đẫm cảm xúc lãng mạn. Dường như tất cả đặc sắc nghệ thuật nổi bật của tác phẩm đã được chưng cất trong 8 câu thơ:
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”.
- Thân bài:
Tây Tiến là đơn vị bộ đội thành lập năm 1947 có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào bảo vệ biên giới Việt – Lào, địa bàn hoạt động suốt miền núi Tây Bắc từ Châu Mai, Châu Mộc sang Sầm Nứa cho tới miền Tây Thanh Hoá. Những người lính trong đoàn quân Tây Tiến chủ yếu là học sinh, trí thức ra đi từ những mái trường, từ phố phường Hà Nội chiến đấu trong những hoàn cảnh rất gian khổ, vô cùng thiếu thốn về vật chất, thậm chí chết vì sốt rét nhiều hơn là vì súng đạn. Tuy vậy, các anh vẫn phơi phới tinh thần lạc quan anh hùng. Họ mang trong mình sự trẻ trung khoẻ khoắn, hào hoa, thanh lịch. Ở họ vừa cháy bỏng lí tưởng “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” vừa mang trong mình nét lãng mạn, mộng mơ. Nét độc đáo này của người lính “Tây Tiến” đã thực sự làm hồn thơ Quang Dũng rung động.
Đoạn thơ nằm trong mạch thơ tập trung tái hiện bức tranh thiên nhiên cuộc sống con người miền Tây trong sự hài hòa hai vẻ đẹp vừa hoang vu, hiểm trở, dữ dội, hùng vĩ, vừa rất đỗi thơ mộng, mỹ lệ, trữ tình. 8 câu thơ tập trung làm bật lên vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình, đượm vẻ hoang sơ của thiên nhiên, cuộc sống, con người miền Tây qua cái nhìn của những người lính Tây Tiến.
Là một nghệ sỹ đa tài, hồn thơ của Quang Dũng rất nhạy cảm với những vẻ đẹp mang màu sắc bí ẩn của thiên nhiên, cuộc sống, con người nơi xứ lạ, phương xa. Cảnh ấy, người ấy lên trong một không gian, thời gian làm nổi bật nhất vẻ lung linh, huyền ảo, trữ tình của nó. Đó là khung cảnh một đêm liên hoan đầy tình nghĩa quân dân và một buổi chiều sông nước miền Tây gắn với một cuộc chia tay đầy lưu luyến.
Bức tranh miền Tây trong khung cảnh đêm hội liên hoan đầy tình nghĩa quân dân. Hồi ức nhà thơ sống dậy bằng những kỷ niệm khó quên về một đêm hội liên hoan đậm bản sắc miền Tây:
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”
Dòng thơ như cũng sáng lên bởi câu chữ, hình ảnh chứa đầy ánh sáng. Hai chữ “bừng lên” rất giản dị mà lại vô cùng hàm súc. Trước hết, nó gợi chính xác sự hiện diện bất ngờ của ánh sáng đêm rừng. Không chỉ vậy, dường như nó còn gợi được cả sự bừng tỉnh của thiên nhiên ở một vùng đất hoang sơ khi có con người xuất hiện.hình như những người lính Tây Tiến đang thổi hồn và đem đến sức sống cho vùng đất khuất thấp, hẻo lánh này. Hai chữ “bừng lên” còn diễn tả chân thực và đầy ấn tượng không khí náo nức, tưng bừng của đêm hội.
Khung cảnh đêm hội được thể hiện bằng hệ thống chi tiết vừa rất thực, vừa rất ảo: “hội đuốc hoa”, “xiêm áo”, “man điệu”, “nàng e ấp”. Qua ánh sáng lung linh của lửa đuốc, những âm thanh réo rắt, tình tứ của những điệu khèn có phần hoang dã, cái nhìn của những người lính Tây Tiến với cảnh và con người nơi đây thấm đẫm cảm xúc lãng mạn.
Chữ “đuốc hoa” là kết quả nhà thơ đã mỹ lệ hóa một hình ảnh vốn rất dân dã, bình dị những bó đuốc được đốt sáng bằng chất liệu như nứa, rơm, bỗng trở nên “đuốc hoa”, vừa có ánh sáng, màu sắc, hình ảnh gợi ta liên tưởng đến thứ ánh sáng ấm áp, tình tứ được đốt lên trong những dịp con người thực sự hạnh phúc – một đêm tân hôn hoặc một đêm dạ hội. Theo đó mà hình ảnh con người Miền Tây hiện lên thật quyến rũ, diễm lệ – “kìa em xiêm áo”, “nàng e ấp”. Hai chữ “kìa em” chứa đựng cảm xúc đầy ngỡ ngàng, ngạc nhiên xen lẫn mê say, vui sướng của những người lính Tây Tiến trước sự xuất hiện bất ngờ của những cô gái. Họ hiện ra trong những bộ xiêm áo lộng lẫy, với những cử chỉ e lệ, giàu chất nữ tính, trong những vũ điệu sôi động, đầy màu sắc xứ lạ. Họ giống như những tiên nữ giáng trần vậy.
Vẻ đẹp lý tưởng, sự trẻ trung, hồn nhiên của họ đã khơi dậy những cảm xúc lãng mạn, bay bổng, có chút đã tình trong tâm hồn những người lính vốn xuất thân từ tầng lớp trí thức thủ đô. Cảnh đêm hội còn truyền đến người đọc cảm giác ngất ngây, mê say như chính mình đang sống hòa nhập với khung cảnh ấy.
Bức tranh Miền Tây trong chiều sông nước gắn với buổi chia tay. Khép lại bức tranh đêm hội miền Tây là dòng hoài niệm đầy lưu luyến về một buổi chiều sông nước gắn với cuộc chia tay đầy nhung nhớ
“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
Giọng thơ không còn cái náo nức, rộn ràng, thay thế vào đó là một giai điệu trữ tình sâu lắng, bồi hồi, xốn xang, được gửi vào những dòng thơ đầy tài hoa, mở ra trước mắt người đọc là một không gian Miền Tây trong chiều sương gắn với một sự kiện thành kỷ niệm: một cuộc chia tay tiễn biệt người đi. Sự kiện này bản thân nó chứa đựng nỗi buồn bởi lẽ cuộc chia tay nào cũng là sự xa cách, có thể là tạm thời, có thể là vĩnh viễn. Cuộc chia tay ấy lại diễn ra vào buổi chiều, hơn thế lại là một buổi chiều sương. Nỗi buồn càng chất chứa, đong đầy.
Những cuộc chia tay được ghi lại trong thơ ca trung đại thường diễn ra ở một điểm cao bởi ở điểm nhìn ấy, cả người tiễn và người đi đều có thể nhìn thấy nhau trong thời gian lâu nhất. Điều đó giúp mỗi người bớt đi cảm giác chống chếnh, cô đơn khi phải rời xa những người thân yêu hoặc những người thân thiết của mình. Vậy mà cuộc chia tay, trong ký ức của Quang Dũng lại diễn ra trong một không gian che khuất tầm nhìn bởi những làn sương chiều giăng mắc. Câu chữ ko có từ nào trực tiếp diễn tả nỗi buồn vậy mà nỗi buồn nơi lòng người như chứa chan trong câu chữ mà còn thấm đẫm tâm hồn người đọc. Đây là dấu ấn lố “tả cảnh ngụ tình” vừa tinh tế, tài hoa, vừa chân thực, xúc động.
Ba chữ “chiều sương ấy” như gợi không gian hoài niệm vừa thăm thẳm, vừa vời vợi. Cảnh sông nước miền Tây còn được tái hiện với “hồn lau nẻo bến bờ”. Bến bờ vốn đã xa nẻo, càng khuất người, tất cả gợi lên một không gian xa vắng, quên lãng. Chữ “hồn lau” rất gợi, rất sống động. Thủ pháp nhân hóa làm lời thơ vốn dùng để đặc tả sắc màu trắng bạc của hoa lau – một loài hoa gợi về vùng không gian hoang sơ, hoang dại, đã trở thành ám ảnh trong thơ Quang Dũng.
Trong khúc ca “Những làng đi qua”, Quang Dũng kịp ghi lại một sắc hoa lau thi vị, gợi cảm như thế: “Hoa lau trắng bạc trời Yên Thế”. Giờ đây, hoa lau trở thành một sinh thể có điệu hồn, có nỗi lòng, tâm trạng riêng. Ta có cảm giác nếu không có bước chân người lính Tây Tiến đặt lên vùng đất này, hoa lau có đẹp đến đâu cũng chỉ nở, chỉ phô bày vẻ đẹp như chưa từng có. Bởi vậy điệu thơ như có gì xa xót trước một vẻ đẹp bị lãng quên. Đó là chất thi sỹ, chất lãng mạn của người lính Tây Tiến được đánh thức trong phút giây giao cảm bất ngờ giữa hồn người và hồn tạo vật. Điều đáng chú ý, trong cảm nhận của những người lính ấy, hồn lau kia phải chăng còn là mảnh hồn người lính Tây Tiến gửi lại Mai Châu khi giã từ theo quy luật tình cảm rất kì diệu mà Chế Lan Viên đã chiêm nghiệm:
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”
Đó cùng là tình cảm tha thiết mà người dân Miền Tây muốn dành cho những con người Tây Tiến trước lúc chia xa. Trên nền khung cảnh sông nước “hoang dại như thời tiền sử” đậm màu sắc cổ tích, huyền thoại ấy lại thấy thấp thoáng bóng hình cô gái Miền Tây:
“Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”.
Ta gặp ở đây một lối tạo hình rất cổ điển. Giữa dòng nước lũ mênh mang, mờ ảo, dữ dội, nhà thơ đưa nét bút chấm phá những đóa hoa rừng đong đưa như làm duyên cùng dòng nước, đồng thời chấm phá một dáng người mềm mại, uyển chuyển, duyên dáng, song cũng rất đỗi vững vàng, tự tin trên dáng thuyền độc mộc. Ngòi bút Quang Dũng không chỉ tả mà còn gợi tinh tế cái phần thiêng liêng của cảnh vật quê hương, xứ sở. Đọc câu thơ viết về thiên nhiên, cuộc sống, con người, ta cứ ngỡ mình được sống lại cảm giác mê say, ngỡ ngàng, thích thú khi được đắm mình vào những trang văn đầy chất thơ, nhạc, họa.
Thi trung hữu họa thể hiện rõ ràng trong thơ Quang Dũng. Dựng cảnh bờ bãi, con sông trong tùy bút “Người lái đò sông Đà” trong tùy bút của Nguyễn Tuân: “Cảnh ven song ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi. Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tinh không một bóng người. Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hưu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm. Bờ song hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ song hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”. Có thể nói, ở đây có sự gặp gỡ kỳ diệu trong cách cảm nhận, diễn tả những vẻ đẹp Miền Tây giữa một cây bút văn xuôi và thơ ca tài hoa ở những giai đoạn lịch sử khác nhau. Phải chăng sự gặp gỡ ấy có nguồn cội là chất tài hoa, nghệ sỹ của những người cầm bút, ở tình yêu, tiếng lòng tha thiết với những vẻ đẹp non sông gấm vóc tổ quốc ở những người nghệ sỹ đó và còn bởi chính vùng đất Tây Bắc tiềm tàng những vẻ đẹp nên thơ ấy.
Dòng thơ đưa người đọc vào thế giới riêng của Miền Tây – thé giới của cái đẹp được tạo nên từ sự hài hòa của nhạc, thơ, họa. Lời thơ ngân nga như những điệu hát. Hình ảnh thơ mềm mại như những nét bút chấm phá tài hoa. Nó lưu giữ vẻ đẹp thiên nhiên, cuộc sống, con người của một thời Tây Tiến.
- Kết bài:
Làm sao có thể không nhớ một Miền Tây hoang sơ mà thơ mộng, diễm lệ, trữ tình như thế. Làm sao có thể quên dược những người lính hào hoa, thanh lịch như thế, một nghệ sỹ – chiến sỹ tài hoa, lãng mạn như thế.
- Phân tích bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng
- Nghệ thuật xây dựng hình tượng người lính trong bài thơ “Tây Tiến” (Quang Dũng)