“Cảnh ngày hè” thể hiện vẻ đẹp mùa hè và tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc đời, yêu nhân dân của Nguyễn Trãi
Dàn ý:
- Mở bài:
Xuất xứ: là bài số 43 thuộc chùm thơ Bảo kính cảnh giới trong Quốc âm thi tập.
Chủ đề: bộc lộ nỗi lòng, tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc đời, yêu nhân dân của Nguyễn Trãi.
- Thân bài:
Nội dung:
Vẻ đẹp rực rỡ của bức tranh thiên nhiên:
+ Mọi hình ảnh đều sống động: hoè lục đùn đùn, rợp mát như giương ô che rợp; thạch lựu phun trào sắc đỏ, sen hồng đang độ nức ngát mùi hương.
+ Mọi màu sắc đều đậm đà: hoè lục, lựu đỏ, sen hồng
Vẻ đẹp thanh bình của bức tranh đời sống con người:
+ Nơi chợ cá dân dã thì “lao xao”, tấp nập; chốn lầu gác thì “dắng dỏi” tiếng ve như một bản đàn. Cả thiên nhiên và cuộc sống con người đều tràn đầy sức sống. điều đó cho thấy một tâm hồn khát sống, yêu đời mãnh liệt và tinh tế, giàu chất nghệ sĩ của tác giả.
Niềm khát khao cao đẹp:
+ Đắm mình trong cảnh ngày hè, nhà thơ ước có cây đàn của vua Thuấn, gảy khúc Nam Phong cầu mưa thuận gió hoà để “Dân giàu đủ khắp đòi phương”.
+ Lấy Nghiêu, Thuấn làm “gương báu răn mình”, Nguyễn Trãi đã bộc lộ chí hướng cao cả: luôn khao khát đem tài trí để thực hành tư tưởng nhân nghĩa yêu nước thương dân.
Nghệ thuật:
– Hệ thống ngôn từ giản dị, tinh tế xen lẫn từ Hán và điển tích.
– Sử dụng từ láy độc đáo: đùn đùn, lao xao, dắng dỏi,…
Ý nghĩa văn bản: Tư tưởng lớn xuyên suốt sự nghiệp trước của Nguyễn Trãi – tư tưởng nhân nghĩa yêu nước thương dân – được thể hiện qua những rung động trữ tình dạt dào trước cảnh thiên nhiên ngày hè.
- Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua Bài ca Côn Sơn (Côn Sơn ca)
- Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi qua đoạn trích “Nước Đại Việt ta”
Bài tham khảo:
Tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc đời, yêu nhân dân của thi hào Nguyễn Trãi
- Mở bài:
Có thể nói Nguyễn Trãi đã ưu ái dành cho thiên nhiên một vị trí danh dự trong sự nghiệp thi ca của mình. Thiên nhiên lúc nào cũng được ông nâng niu, trân trọng và chăm chút từng ngày. Đặc biệt, đối với ông, mùa hạ có một sức cuốn hút mãnh liệt, lôi kéo hồn thơ khao khát phô bày. Bài thơ Cảnh ngày hè biểu hiện năng lực quan sát tinh tế và tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu cuộc đời và nhân dân đất nước tha thiết của một bậc hiền nhân một lòng vì nước vì dân.
- Thân bài:
Mở đầu bài thơ, Nguyễn Trãi nói đến hoàn cảnh khởi phát ý thơ nghe rất chân thành, mộc mạc:
“Rỗi, hóng mát những ngày trường
Hòe lục đùn đùn tán rợp giương”.
Hình ảnh con người hiện ra trong trạng thái thảnh thơi, vô ưu và nhàn tản giống như đã được trút bỏ hết sự đời chỉ còn lại niềm đam mê du sơn ngoạn thủy, tìm về với bản thể nguyên sơ của chính mình. Cảnh vật hiện lên với sắc màu xanh thắm biếc, không những thế nó còn cuồn cuộn sức sống như định phun, định trào tràn ra bên ngoài. Đâu chỉ tốt tươi, mang đến cái cảm giác thanh bình, yên ả, mà nó còn dẫn bước người thơ bước vào thế giới với muôn màu, nghìn sắc lung linh của bức tranh mùa hạ.
Thế nhưng, dù đã rất kín đáo nhưng Nguyễn Trãi cũng đã không thể giấu hết niềm tâm sự của lòng mình. Hài từ “ngày trường” khơi lộ điều đó. Ngày trường là ngày rất dài, khiến con người tù túng, không biết làm gì, cứ bồn chồn, đứng ngồi không yên.
Nguyễn Trãi viết bài thơ này lúc đã về ở ẩn ở quê nhà núi Côn Sơn. Bởi bất mãn với công việc triều chính, lại bị nghi oan bởi gian thần hãm hại, Nguyễn Trãi đã quyết định từ quan về quê tịnh dưỡng tuổi già. Thế nhưng, dù rời xa quan trường, trong lòng ông vẫn đêm ngày canh cánh lo cho dân cho nước. Nhìn thấy dân lành quanh năm đói khổ, lại bị quan tham hà hiếp, cuộc sống nhiều nơi cơ cực bần hàn khiến lòng ông không khỏi xót thương. Dù muốn làm điều gì đó giúp dân giúp nước nhưng gian thần cấu kết với nhau chặt chẽ, nhà vua tuổi nhỏ ít hiểu sự đời, một mình ông gồng gánh giang sơn khiến ông ham tâm tổn sức quá nhiều. Khao khát nhưng không thực hiện được càng khiến ông bất mãn thêm.
Thế nhưng, tình yêu ông dành cho thiên nhiên không hề thay đổi. Ông yêu mến cỏ cây, hoa lá và vạn vật trong cuộc sống này. Cái gì xung quanh ông cũng đẹp, cũng tươi, cũng thiết thực ,hữu ích:
“Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”.
Cây lựu bên hiên nhà từng chùm hoa đỏ, sắc màu như muốn phun vào không gian. Dưới ao hoa sen đã tiên mùi hương đi và sắp bước vào cuộc tàn phai. Hai hình ảnh đối lạp nhau về quá trình nhưng lại cộng hưởng về màu sắc càng làm cho bức tranh ngày hạ thêm sống động.
Chuyển đổi tầm nhìn, ông đưa ánh mắt ra xa hơn về phía làng ngư phủ, lắng nghe những âm thanh bình dị của cuộc sống làng chài:
“Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương”.
Đến đây, con người xuất hiện trong hình ảnh nhỏ bé, lại bao trùm trong làn khói mờ mịt làm cho cảnh vật bỗng nhiên chùng xuống, lắng tụ vào chiều sâu. Tiếng ve kêu đút đoạn ở lầu chiều càng làm cho cái nắng cuối ngày thêm gay gắt, không gian trở nên ngột ngạt đến bức bối.
Thì ra, Nguyễn trãi tưởng chừng như đã thoát khỏi vương lụy nợ trần, hòa mình với thiên nhiên cây cỏ nhưng thật ra ông chỉ tạm thời lánh mình. Dù ở bất cứ nơi đâu, trong khoảnh khắc nào, hễ con người còn đau khổ là tấm lòng ông vẫn chưa nguôi. Đó là xung đột lớn nhất trong tâm hồn Nguyễn Trãi giai đoạn cuối cuộc đời. Vừa muốn giúp đời giúp người nhưng thế sự đa đoan, lòng người hiểm ác, quan trường đầy cạm bẫy khiến lòng ông đau khổ vô cùng. Có lúc ông tâm sự:
“Bui có một lòng trung lẫn hiếu
Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen”.
Ngoài trung với vua, hiếu với nhân dân đất nước, trong lòng ông không còn gì khác nữa. Đó là tấm lòng trinh bạch của con người trọn đời vì nước vì dân.
Kết thúc bài thơ là khát vọng đem lại điều lợi ích cho muôn người:
“Dẽ có ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương”.
Xưa vua Ngu Thuấn thường dùng tiếng đàn để ca ngợi cuộc sống thái bình thịnh trị của muôn dân. Nay Nguyễn Trãi cũng muốn làm được điều ấy: khắp muôn phương nhân dân ấm no, hạnh phúc, không còn đói khổ hay đau thương nào nữa. Được như thế, ông cũng làm giống như vua Ngu Thuấn tấu lên bản nhạc thái bình, an vui. Quả là một con người có tấm lòng rộng bằng trời bể mới có ý nghĩ độ lượng, phi thường đến vậy.
- Kết bài:
Cảnh ngày hè không chỉ tiêu biểu cho “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi mà còn là một trong những bông hoa chữ Nôm của nền văn học Việt Nam. Bằng cách sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật độc đáo, bài thơ đã làm toát lên vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước cũng như vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi, thể hiện rõ tư tưởng yêu nước thương dân và tinh thần sống có trách nhiệm với dân với nước. Nguyễn Trãi lúc nào cũng lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ.