viet-doan-van-cam-nghi-ve-bai-tho-chuyen-co-nuoc-minh-cua-lam-thi-my-da

Viết đoạn văn cảm nghĩ về bài thơ Chuyện cổ nước mình của Lâm Thị Mỹ Dạ

Viết đoạn văn cảm nghĩ về bài thơ Chuyện cổ nước mình của Lâm Thị Mỹ Dạ.

Đoạn văn 1:

“Chuyện cổ nước mình” của Lâm Thị Mỹ Dạ đưa người đọc bước vào thế giới của những câu chuyện cổ. Những câu chuyện đó đem đến những giá trị nhân văn cao đẹp. Đó là tinh thần tương thân tương ái, tình nghĩa thủy chung son sắc và ở hiền gặp lành. Nhà thơ đã sử dụng những hình ảnh quen thuộc trong những câu chuyện cổ. Người đọc thấy hiện ra trước mắt mình là hình ảnh Thạch Sanh dũng cảm, cô Tấm hiền lành, hay anh chàng đẽo cày giữa đường…Từ đó, nhà thơ khẳng định “chuyện cổ” đã trở thành hành trang quan trọng trong cuộc sống. Và những câu chuyện cổ gửi gắm bài học nhân văn sâu sắc chắc chắn sẽ còn mãi với thời gian. Tóm lại, bài thơ đã giúp người đọc nhận ra những bài học ý nghĩa.

Đoạn văn 2:

“Chuyện cổ nước mình” của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã đưa tôi vào thế giới diệu kì của những câu chuyện cổ. Ở những câu thơ đầu tiên, tác giả đã bộc lộ trực tiếp tình yêu dành cho “chuyện cổ nước mình”. Bởi những câu chuyện đó đem đến những giá trị nhân văn cao đẹp. Đó là tinh thần tương thân tương ái, tình nghĩa thủy chung son sắc và ở hiền gặp lành. Tất cả chính là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ ngàn đời. Tiếp theo, nhà thơ đã sử dụng những hình ảnh quen thuộc trong những câu chuyện cổ. Người đọc thấy hiện ra trước mắt mình là hình ảnh Thạch Sanh dũng cảm, cô Tấm hiền lành, hay anh chàng đẽo cày giữa đường… Những câu chuyện đó đều gửi gắm một bài học của ông cha ta dành cho con cháu. Cuối cùng, nhà thơ khẳng định rằng “chuyện cổ” đã trở thành hành trang quan trọng trong cuộc sống. Với lời thơ giản dị, giọng điệu sâu lắng – bài thơ quả là một tác phẩm ý nghĩa. Khi đọc bài thơ, tôi đã nhận ra được nhiều điều ý nghĩa.

Đoạn văn 3:

Bài thơ “Truyện cổ nước mình” của Lâm Thị Mỹ Dạ viết bằng thể thơ lục bát, âm điệu nhẹ nhàng, mang màu sắc ca dao, dân ca. Qua bài thơ tác giả ca ngợi truyện cổ của nước mình mang nhiều ý nghĩa sâu xa, chứa đựng bao bài học quý báu của ông cha truyền lại cho con cháu đời sau. Tình thương người bao la mênh mông và triết lí về niềm tin “ở hiền gặp lành” là ý nghĩa sâu xa, là sự tuyệt vời của truyện cổ nước mình khiến cho nhà thơ phải “yêu” và quý trọng. “Truyện cổ nước mình” đã trở thành hành trang tinh thần, đem đến cho nhà thơ nhiều sức mạnh để vượt qua mọi thử thách “nắng mưa” trong cuộc đời, để đi tới mọi miền quê, mọi chân trời xa xôi đẹp đẽ. Đọc truyện cổ nước mình như được “nhận mật”, như được gặp ông cha, khám phá được bao phẩm chất tốt đẹp của tổ tiên mình. Truyện cổ nước mình hàm chứa bao bài học quý báu, đó là bài học về đạo lí làm người: sống phải chân thật chân thành, phải chăm làm siêng năng, phải có trí tuệ đừng a dua. Tác giả gợi lên thật khéo truyện “Tấm Cám”, truyện “Đẽo cày giữa đường”, …để nói về những bài học do ông cha gửi lại “đời sau” qua truyện cổ. “Truyện cổ nước mình” là một bài thơ hay, giản dị mà đậm đà. Bài thơ đã giúp mỗi tuổi thơ chúng ta yêu thêm truyện cổ của đất nước mình, dân tộc mình. Đọc bài thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ, chúng ta mới hiểu rõ vì sao nhân dân ta từ người trẻ đến người già, ai cũng yêu thích truyện cổ nước mình.

Đoạn văn 4:

Thông qua những câu lục bát tâm tình, nhà thơ gửi đến thông điệp về giá trị to lớn và sức sống bền bỉ của chuyện cổ trong việc lưu giữ lịch sử, văn hóa, văn học,… Điều khiến tác giả đặc biệt yêu thích chuyện cổ bởi “Tôi yêu chuyện cổ nước tôi/ Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa/ Thương người rồi mới thương ta/ Yêu nhau dù mấy cách xa cũng tìm.” Qua lời khẳng định này, em có thể cảm nhận được ý nghĩa ẩn sau mỗi câu chuyện cổ. Tất cả đều hướng con người đến lối sống hướng thiện, có tình, có nghĩa. Chuyện cổ nuôi dưỡng, bồi đắp lòng nhân ở mỗi người, là hành trang không thể thiếu suốt thuở ấu thơ “Mang theo chuyện cổ tôi đi/ Nghe trong cuộc sống thầm thì tiếng xưa/ Vàng cơn nắng, trắng cơn mưa/ Con sông chảy có rặng dừa nghiêng soi”. Không những vậy, chuyện cổ trở thành sợi dây vô hình gắn kết giữa các thế hệ với nhau. Dẫu trải qua hàng ngàn năm, thế hệ “người xưa” đã đi xa nhưng những câu chuyện cổ sẽ mãi là phương tiện để con cháu ngày nay tìm hiểu về phong tục tập quán, đời sống sinh hoạt của cha ông mình. Bài thơ không chỉ là lời nhắc nhở mọi người phải giữ gìn, trân quý những câu chuyện cổ mà cần lưu truyền chúng từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang