viet-doan-van-nghi-luan-200-chu-ban-luan-ve-quan-he-giua-cong-hien-va-thu-huong

Viết đoạn văn nghị luận 200 chữ bàn luận về mối quan hệ giữa cống hiến và thụ hưởng

Mối quan hệ giữa “cống hiến”“thụ hưởng”.

* Đoạn văn 1:

Cống hiến và hưởng thụ là hai biểu hiện có mối quan hệ chặt chẽ trong lối sống của con người. Cống hiến là đống góp một giá trị nào đó cho xã hội một cách vô tư, không vụ lợi, không đòi hỏi được đáp trả. Ngược lại với cống hiến là hưởng thụ. Hưởng thụ là tận hưởng những giá trị của cộng đồng, không phải do mình làm ra. Mối quan hệ giữa “cống hiến”“thụ hưởng” chi phối nhiều giá trị trong cuộc sống của con người. Cuộc sống nên cống hiến nhiều hơn là hưởng thụ bởi chỉ có cống hiến mới làm tăng lên các giá trị chung, thú đẩy xã hội phát triển. Nếu sống chỉ hưởng thụ mà không cống hiến không những bản thân ngày càng nghèo khó mà xã hội cũng không thể phát triển phồn vinh được. Hưởng thụ là một lối sống ích kỉ, đáng khinh ghét. Thước đo giá trị của cuộc đời không phải là thời gian bạn sống, không phải tiền bạc bạn có mà là những gì bạn đã cống hiến. Con người hạnh phúc nhất và thành công nhất khi cống hiến vì một mục đích nằm ngoài sự thỏa mãn ích kỷ cá nhân. Người biết cống hiến sẽ được người khác kính trọng và tôn vinh. Người chỉ biết hưởng thụ sẽ bị khinh ghét và loại bỏ khỏi tập thể. Hãy biết cho đi nhiều hơn là nhận về. Đừng tham danh lợi mà dẫm đạp lên đạo đức của bản thân và cuộc sống của người khác. Cống hiến là cách tốt nhất để gắn kết bản thân và cuộc đời với đây đủ ý nghĩa của nó.


* Đoạn văn 2:

Cống hiến và hưởng thụ là hai biểu hiện trong đời sống của con người. Cống hiến là sự đóng góp công sức, vật chất và tinh thần của cá nhân cho sự nghiệp phát triển chung của cộng đồng. Thước đo của cuộc đời không phải thời gian, mà chính là sự cống hiến. Hưởng thụ là tiếp nhận, tận hưởng những những thành quả do người khác tạo ra. Cuộc sống cần cống hiến hơn là hưởng thụ bởi cống hiến sẽ tạo ra các giá trị hữu ích, góp phần phát triển xã hội, làm tăng ý nghĩa cuộc sống. ngược lại, cũng cần phải biết hưởng thụ cuộc sống tốt đẹp để tái tạo sức lao động, cảm nhận giá trị cuộc sống, tăng cường tinh thần lao động cống hiến hơn nữa. Không nên sống một cuộc sống chỉ biết hưởng thụ mà không cống hiến bởi như thế sẽ làm hao mòn các giá trị hữu ích, đẩy cộng đồng vào chỗ nghèo khó, làm nảy sinh các tệ nạn xã hội. Để sống cống hiến, bạn phải biết sống vì người khác. Cuộc sống có thể khó khăn hơn khi chúng ta sống vì người khác nhưng chắc chắn sẽ ý nghĩa hơn, hạnh phúc hơn. Ngược lại, đừng xem nhẹ việc thụ hưởng bởi mục đích cuối cùng trong lao động của con người là được thụ hưởng thành quả lao động ấy. Lấy lợi ích từ lao đông làm mục đích phấn đấu; đồng thời biết chia sẻ nguồn lợi lao động ấy cùng người khác. Hãy rộng mở tâm hồn, sống vì cộng đồng chung, cống hiến nhiều hơn nữa, không tham tham, ích kỉ để xây dựng một xã hội phồn vinh, thịnh vượng, công bằng và văn minh.


* Đoạn văn 3:

Cống hiến là đóng góp công sức, đóng góp những thứ từ bình thường đến quý giá cho sự nghiệp chung của mọi người, của đất nước. Suy rộng hơn, cống hiến chính là góp phần xây dựng thế giới ngày một văn minh, tân tiến hơn. Thước đo của đời người không phải thời gian mà là sự cống hiến. Người biết cống hiến được tôn trọng và kính nể rất nhiều. Bởi khi ta biết cống hiến, chính là lúc ta biết đặt lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân. Biết hi sinh lợi ích của mình vì cộng đồng. Để làm được điều này, ta cần phải mở rộng tầm nhìn của mình đối với thế giới, tránh xa những nông cạn, vị kỉ, nhỏ nhen. Việc cống hiến còn giúp chúng ta hoàn thiện nhân cách và tâm hồn mình hơn, như biết bao dung hơn, trở thành người quảng đại hơn, yêu thương con người nhiều hơn. Chẳng phải làm được những việc lớn lao mới gọi là cống hiến. Nhưng chữ “cống hiến” rất đời thường. Đó là sự chăm chỉ lao động cùa người nông dân, là sự miệt mài với công việc của người trí thức, là sự hăng say trong học tập của lớp trẻ. Phải chăng đó là hình ảnh giản dị của anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sapa” của Nguyễn Thành Long, là các anh lính biên phòng hay hải đảo xa xôi đang ngày đêm canh giữ bình yên cho đất nước. Và cao hơn cả cống hiến, chính là đức hy sinh. Hãy nhớ về những vị anh hùng hữu danh, vô danh, họ đã hy sinh cả mạng sống để cho đất nước được yên tiếng súng, được độc lập tự do. Từ đó, nhắc nhở bản thân mỗi chúng ta phải biết sống vì mọi người, sống vì đất nước, dân tộc và “Đừng hỏi Tổ Quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ Quốc hôm nay”

Suy nghĩ về vấn đề cống hiến và hưởng thụ trong cuộc sống

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang