Viết đoạn văn nghị luận trình bày ý kiến về câu tục ngữ: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”
Đoạn văn 1:
– Giới thiệu vấn đề: Môi trường sống xung quanh có tác động to lớn đến việc hình thành nhân cách và lối sống của mỗi con người.
– Nêu ý kiến: Bởi thế, tôi tán thành với ý nghĩa câu tục ngữ: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”.
– Giải thích: “Mực” tượng trưng cho những điều tiêu cực, xấu xa, trong khi “đèn” đại diện cho sự tốt đẹp, sáng suốt.
– Ý kiến 1: Mượn hình ảnh “mực” và “đèn”, câu tục ngữ muốn nói rằng khi sống ở nơi có nhiều điều xấu, ta dễ bị ảnh hưởng bởi những điều xấu ấy và hình thành nên nhân cách kém cỏi. Còn khi sống trong môi trường lành mạnh, tốt đẹp, gần những người có nhân cách cao quý, có lý tưởng, hoài bão lớn lao, ta sẽ học hỏi được nhiều điều tốt đẹp và trở nên tốt hơn.
Lí lẽ: Thực tế, môi trường sống đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách và lối sống của mỗi con người. Nếu con người tiếp xúc nhiều với thói hư, tật xấu, con người dần sẽ tiếp thu những điều ấy một cách tự nhiên, rất dễ sa ngã và trở nên hư hỏng. Ngược lại, khi sống gần gũi, gắn bó với những người lương thiện, nhân cách tốt đẹp, giàu tri thức, giàu ước mơ, hoài bão, ta sẽ học hỏi được nhiều điều hay, lẽ phải, có động lực để vươn lên. Vì vậy, chúng ta cần chọn lọc môi trường sống và những mối quan hệ để không ngừng hoàn thiện bản thân.
– Ý kiến 2: Tuy nhiên, không phải lúc nào môi trường sống cũng quyết định sự hình thành nhân cách và lối sống của con người. Chính bản lĩnh sống của mỗi người mới quyết định cách sống và con đường hình thành nhân cách.
– Lí lẽ: Có người gần “mực” mà không đen. Như bông hoa sen thơm ngát giữa bùn lầy. Cũng có người gần “đèn” mà không rạng. Điều quan trọng hơn cả là bản thân mỗi người phải có bản lĩnh, nhận thức rõ đúng sai, biết tự rèn luyện để không bị cuốn theo điều tiêu cực.
– Khẳng định: Như vậy, câu tục ngữ không chỉ nhắc nhở về tầm quan trọng của môi trường mà còn khuyến khích con người tự nâng cao giá trị nội tại của mình.
– Liên hệ: Là học sinh, chúng ta cần siêng năng, chăm chỉ học tập, chọn bạn mà chơi, chọn nơi mà học, không ngừng bồi dưỡng nhân cách, hoàn thiện bản thân mình, mai này trở thành người hữu ích, đem sức mình xây dựng quê hương, đất nước.
Đoạn văn 2:
Câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” chứa đựng bài học sâu sắc về sức ảnh hưởng của môi trường sống và con người xung quanh đối với mỗi cá nhân. “Mực” và “đèn” ở đây là hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng cho những điều tiêu cực và tích cực trong cuộc sống. Qua đó, câu tục ngữ nhắc nhở chúng ta rằng môi trường sống và bạn bè có vai trò rất lớn trong việc hình thành tính cách, nhận thức và hành vi. Khi sống trong một môi trường tốt, được bao quanh bởi những người tử tế, có đạo đức, chúng ta dễ dàng học hỏi những điều tích cực, trở nên tốt đẹp hơn. Ngược lại, nếu gần gũi với những người có lối sống xấu, dễ sa ngã, chúng ta rất dễ bị ảnh hưởng tiêu cực. Vì vậy, mỗi người cần biết lựa chọn môi trường sống lành mạnh, bạn bè chân thành, giàu lòng nhân ái, đồng thời tự rèn luyện bản thân để không bị ảnh hưởng xấu từ bên ngoài. Câu tục ngữ không chỉ là bài học về sự lựa chọn mà còn là lời nhắc nhở mỗi người hãy trở thành “đèn” để lan tỏa ánh sáng tốt đẹp, góp phần xây dựng xã hội văn minh và nhân ái.