vinh-biet-cuu-trung-dai-trich-vu-nhu-to-nguyen-huy-tuong

Phân tích đoạn kịch Vĩnh biệt cửu trùng đài (trích Vũ Như Tô – Nguyễn Huy Tưởng) dưới góc độ thi pháp

Phân tích đoạn kịch “Vĩnh biệt cửu trùng đài” (trích Vũ Như Tô – Nguyễn Huy Tưởng) dưới góc độ thi pháp

Nhận xét về Nguyễn Huy Tưởng và vở kịch Vũ Như Tô, Phạm Vĩnh Cư viết: “Trong cuộc đời mình, Nguyễn Huy tưởng đã sáng tác nhiều vở kịch, trong đó “Vũ Như Tô ” là tác phẩm bi kịch duy nhất và đích thực của Nguyễn Huy Tưởng. Nó đáp ứng đầy đủ và khá hoàn hảo mọi yêu cầu, mọi tiêu chí của một thể loại văn học mà mỹ học Châu Âu xưa nay có lí do coi là thể cao quý và khó nhất” ( “Trong cuộc đời mình, Nguyễn Huy tưởng đã sáng tác nhiều vở kịch, trong đó “Vũ Như Tô ” là tác phẩm bi kịch duy nhất và đích thực của Nguyễn Huy Tưởng. Nó đáp ứng đầy đủ và khá hoàn hảo mọi yêu cầu, mọi tiêu chí của một thể loại văn học mà mỹ học Châu Âu xưa nay có lí do coi là thể cao quý và khó nhất” .

Khi dàn dựng vở kịch “Vũ Như Tô” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, đạo diễn Phạm Thị Thành nhận xét: “Vũ Như Tô là một trong những vở kịch sâu sắc và hoàn chỉnh nhất của Việt Nam”.Phạm Vĩnh Cư sau khi đã dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu vở kịch đã đánh giá: “Vũ Như Tô là tác phẩm bi kịch duy nhất và đích thực của Nguyễn Huy Tưởng. Nó đáp ứng đầy đủ và khá hoàn hảo mọi yêu cầu, mọi tiêu chí của một thể loại văn học mà mĩ học châu Âu xưa nay có lý do coi là thể loại cao quý nhất và khó nhất. Sáng tạo được những bi kịch thực thụ tức là sánh ngang với Eschyle, Sophocle, Shakespeare, Corneille, Racine – mơ ước của hàng trăm, hàng ngàn người viết kịch trên khắp thế giới trong ba thế kỷ nay. Điều đó làm cho chúng ta thêm tự hào về thành công rực rỡ của nhà viết kịch Việt Nam Nguyễn Huy Tưởng”. Những đánh giá nhận xét này phần nào giúp chúng ta nhận thấy được vai trò và vị trí vinh quang của Nguyễn Huy Tưởng, cũng như vở kịch “Vũ Như Tô” trong nền kịch Việt Nam.

Từ năm 2005, tác phẩm “Vũ Như Tô” được lựa chọn để đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn lớp 11 ở hai ban cơ bản và nâng cao bằng đoạn trích tiêu biểu “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài”. Với một vở kịch hàm súc, nhiều lớp nghĩa tiềm ẩn, việc giúp học sinh hiểu đúng và cảm thụ được giá trị tác phẩm quả là vấn đề không hề đơn giản.

Vở kịch “Vũ Như Tô” được Nguyễn Huy Tưởng hoàn thành vào năm 1941. Là một nhà văn, nhà tri thức giàu lòng yêu nước, Nguyễn Huy Tưởng rất quan tâm tìm trong quá khứ dân tộc câu trả lời cho các vấn đề hệ trọng của đời sống đất nước, của nghệ thuật vào thời điểm đó. Thực tế, khi giảng dạy văn bản này nếu giáo viên không gắn với đặc trưng cụ thể của thể loại thì có thể rất khó khăn cho học sinh khi tiếp cận vì kiến thức quá lớn, chung chung, mơ hồ. Vì vậy, vấn đề dạy học theo phương pháp nào để vừa đảm bảo chuyển tải được kiến thức vừa có độ sâu vừa dễ hiểu, học sinh lại vừa hứng thú say mê mới chính là mong muốn và điều cần làm được của giáo viên khi dạy học đoạn trích này.

Từ trước đến nay, đa số giáo viên vẫn hướng dẫn cho học sinh cách tiếp cận đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” chủ yếu theo các nội dung sau:

Xác định thể loại: bi kịch, Yếu tố xung đột kịch, Nhân vật Vũ Như Tô, Nhân vật Đan Thiềm, Ý nghĩa đoạn trích

Từ hướng tiếp cận trên, chúng ta có thể kết luận rằng việc tiếp cận đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” từ góc nhìn thể loại vẫn chưa đầy đủ và đôi lúc sa vào tiếp cận một văn bản kịch như phương pháp tiếp cận các thể loại văn xuôi khác.Bài viết đề xuất thêm một cách tiếp cận đoạn trích với hi vọng mang lại cho người đọc những vấn đề mới mẻ hơn – dù chưa hẳn là hoàn toàn đầy đủ.

1. Yếu tố bi kịch:

Theo Ăng-ghen, “xung đột bi kịch nằm ở giữa yêu sách tất yếu về mặt lịch sử và tình trạng không tài nào thực hiện được điều đó trong thực tiễn”. Nhân vật của bi kịch bao giờ cũng là con người lương thiện, dũng cảm, anh hùng, cao thượng, đấu tranh vì mục đích tốt đẹp, vì lí tưởng cao quý nhưng điều kiện khách quan chưa cho phép thực hiện được. Thực tại chưa đủ điều kiện cho cá nhân thực hiện khát vọng, lý tưởng của mình nên rơi vào thất bại, thậm chí dẫn đến cái chết thảm thương. Hiểu theo nghĩa thông thường là nỗi đau khổ vò xé dai dẳng không có cách nào giải thoát. Trong “Vĩnh biệt cửu Trùng Đài”, Vũ Như Tô là người nghệ sĩ thiên tài có lý tưởng cao đẹp nhưng lâm vào cảnh ngộ không giải quyết được một cách đúng đắn vấn đề sáng tạo nghệ thuật cho ai và để làm gì, nghĩa là không giải quyết được mối quan hệ phức tạp giữa nghệ thuật và đời sống, cuối cùng rơi vào bi kịch đau đớn.

2. Kịch tính:

Kịch tập trung miêu tả xung đột trong đời sống. Hê-ghen khẳng định: “Tình thế giàu xung đột là ưu tiên của nghệ thuật kịch”. Lấy xung đột trong đời sống làm cơ sở cho sự sáng tạo nghệ thuật, nhà viết kịch đến với hiện thực bằng con đường ngắn nhất. Xung đột kịch có thể diễn ra giữa các mặt khác nhau trong một con người, giữa các cá nhân với nhau, giữa các nhóm người, các tập đoàn người, giữa một đối tượng nào đó với hoàn cảnh xung quanh.

Tuy cũng xây dựng cốt truyện để phản ánh đời sống theo nguyên tắc khách quan, nhưng từ trong bản chất kịch và tự sự lại là hai thể loại khác nhau. Kịch khác tự sự ở kịch tính. Đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” nói riêng và toàn bộ vở kịch nói chung được xây dựng trên cơ sở một xung đột mang tính bao trùm. Đó là xung đột giữa khát vọng của Vũ Như Tô – một nghệ sĩ thiên tài (muốn “xây dựng cho đất nước một toàn lâu đài bền như trăng sao, để dân ta nghìn thu còn hãnh diện”) với lợi ích và cuộc sống lầm than của nhân dân: “Mày không biết mấy nghìn người chết vì Cửu Trùng Đài., mẹ mất con, vợ mất chồng vì mày đó ư? Người ta oán mày hơn oán quỷ” (Quân khởi loạn). Xung đột này làm nảy sinh hàng loạt xung đột chồng chéo giữa Trịnh Duy Sản với Lê Tương Dực dẫn đến Trịnh Duy Sản giết vua, giữa quân sĩ với Đan Thiềm…

Qua diễn biến từ đầu vở kịch cho đến đoạn trích, ta thấy có hai mâu thuẫn cơ bản như sau:

Mâu thuẫn thứ nhất là mâu thuẫn giữa đời sống xa hoa, trụy lạc của bọn tham quan bạo chúa với đời sống cơ cực, thống khổ của nhân dân lao động. Đó là mâu thuẫn giữa lợi ích của bậc chúa với quyền sống của dân chúng, tất yếu sẽ dẫn đến việc dân chúng nổi dậy diệt trừ tên bạo chúa và tất cả những kẻ bị xem là cùng phe cánh của hắn ở hồi cuối của vở kịch.

Trong những hồi trước, giữa tiếng đá đổ ghê người trên công trường xây dựng, nhiều người chết không thể lấy được xác, mùi xú uế bốc lên đến ngạt thở, thế mà vẳng từ xa lại là tiếng đàn địch, tiếng reo hò của vua quan và lũ cung nữ đang đánh trận giả bên Hồ Tây. Như vậy hỏi làm sao xã hôi lại không loạn, không biến ? Đây là lúc tức nước vỡ bờ, dân nổi can qua, các phe cánh nổi lên tranh giành quyền lực. Trong triều, ngoài nội, đâu đâu cũng loạn. Mâu thuẫn đã phát triển thành xung đột, thành cao trào. Kết quả là hôn quân Lê Tương Dực bị Trịnh Duy Sản giết chết. Nguyễn Vũ tự sát trong trò hề ngu trung, hoàng hậu nhảy vào lửa tự thiêu, đến hồi V – tức đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài”, Kim Phượng và đám cung nữ bị bắt bớ, nhục mạ; Cửu Trùng Đài, hiện thân cho tham vọng ăn chơi của Lê Tương Đực bị đốt thành tro bụi, Vũ Như Tô và Đan Thiềm bị giết. Tiếc rằng cuộc nổi dậy ấy không mang lại điếu gì tốt đẹp hơn cho dân chúng, bởi giang sơn sẽ rơi vào tay những kẻ cầm đầu cuộc phản loạn (tức phe cánh của Trịnh Duy Sản) mà bản chất cũng chẳng có gì đáng tin cậy.

Mâu thuẫn thứ hai là mâu thuẫn giữa niềm khao khát hiến dâng tất cả cho nghệ thuật của người nghệ sĩ với lợi ích trực tiếp và thiết thực của nhân dân. Xung đột trung tâm trong đoạn trích là xung đột trong chính nhân vật Vũ Như Tô. Chúng ta thấy, bản thân nhân vật Vũ Như Tô đã là một khối mâu thuẫn khổng lồ. Ở nhân vật Vũ Như Tô có sự chằng chéo nhau những mâu thuẫn, xung đột khó có thể dung hòa. Đó là hai mâu thuẫn, xung đột cơ bản trong bản thể con người Vũ Như Tô: một bên là con người công dân, một bên là con người của tài hoa nghệ sĩ. Có thể xem nhân vật Vũ Như Tô là đầu mối của những mâu thuẫn, xung đột kịch trong kịch “Vũ Như Tô’ nói chung và “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” nói riêng. Từ lúc Cửu Trùng Đài được chọn ngày phát mộc cho đến ngày mà tất yếu phải “hạ huyệt” nó, biết bao mồ hôi và nước mắt, biết bao tiền của và máu xương, biết bao loạn li chém giết… tạo nên chuỗi bi kịch ném vào lòng độc giả với những luồng suy nghĩ khác nhau về nhân tình thế thái.

Mâu thuẫn này xuất phát từ nguyên nhân sâu xa của bi kịch: trong xã hội cũ, người nghệ sĩ thiên tài không có điều kiện sáng tạo, không thể thi thố tài năng. Trước đó, ông chỉ là một người thợ thủ công vô danh. Vì thế khi biết rằng có thể mượn tay bạo chúa Lê Tương Dực để thực hiện được hoài bão của mình thì Vũ Như Tô sẵn sàng chấp nhận tất cả, kể cả khi phải trả bằng cồng sức, tiền bạc của nhân dân, bằng mồ hôi, xương máu của những người thợ. Chính niềm khao khát vô biên đã khiến người nghệ sĩ đắm chìm trong mơ mộng, đẩy Vũ Như Tô đến vị thế đối nghịch với dân chúng. Dù muốn hay không, Vũ Như Tô đã bất đắc dĩ trở thành kẻ thù của nhân dân lao động.

Ở “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài”, dân chúng không chỉ nguyền rủa tác giả Cửu Trùng Đài mà còn nghe theo lời của những kẻ cầm đầu cuộc nổi loạn đốt phá tan tành công trình nghệ thuật ấy và trừng phạt tác giả của nó. Đây là lúc mâu thuẫn, xung đột kịch đã lên đến đỉnh điểm. Nếu như trong những hồi đầu, nó chỉ là mâu thuẫn tiềm ẩn, có vẻ mờ nhạt, thấp thoáng đằng sau mâu thuẫn thứ nhất, thì giờ đây, nó hầu như đã nhập vào làm một với mâu thuẫn thứ nhất. Thậm chí người dân hầu như không mấy quan tâm đến việc trả thù bạo chúa Lê Tương Dực vì việc này đã có phe cánh của Trịnh Duy Sản đảm nhiệm, mà chỉ chăm chăm truy diệt, phanh thây Vũ Như Tô và người cung nữ “đồng bệnh” với ông là Đan Thiềm.

Các mâu thuẫn nói chung thường chỉ có thể giải quyết bằng hai cách: hoặc triệt tiêu (phủ định dứt khoát hẳn một phía, để thắng lợi cho phía kia), hoặc hoà giải (điều hòa, cải biến cả hai phía). Chẳng hạn, với mâu thuẫn thứ nhất, nhân dân nổi dậy giết bạo chúa là xong, nhưng mâu thuẫn thứ hai, chỉ có thể giải quyết theo cách hoà giải. Thế mà xem ra đã không có một cuộc hòa giải nào. Cơ hội duy nhất để chờ hoà giải là Vũ Như Tô phải tạm trốn đi, chờ thời. Nhưng Vũ Như Tô vừa mù quáng vừa cố chấp nên cơ hội này bị bỏ qua. Ở đây, dân chúng còn hồ đồ, mù quáng hơn cả Vũ Như Tô. Họ những tưởng đốt Cửu Trùng Đài là xong xuôi mọi sự. Cửu Trùng Đài bị đốt, nhưng Vũ Như Tô vẫn không hiểu gì, ông đi ra pháp trường, bình thản nhận cái chết mà không hiểu vì sao mình phải chết. Hai giá trị là Cái Đẹp và Cái Thiện đã không thể hoà hợp, chung sống với nhau. Cái Đẹp bị tiêu diệt thì Cái Thiện cũng không còn đất sống. Trong lời đề tựa viết một năm sau khi vở kịch ra đời, Nguyễn Huy Tưởng đã công khai bày tỏ nỗi băn khoăn của mình: “Đài Cửu Trùng không thành, nên mừng hay nên tiếc? Chẳng biết Vũ Như Tô phải hay những kẻ giết Vũ Như Tô phải… Ta chẳng biết, cầm bụt chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm”. Mâu thuẫn này chỉ có thể giải quyết ổn thoả khi đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân cùng nhu cầu về Cái Đẹp được nâng cao.

3. Cốt truyện tập trung cao độ:

Muốn phản ánh đời sống trong tính khách quan, tác phẩm tự sự và kịch phải dựa vào một hệ thống sự kiện, biến cố được tổ chức thành cốt truyện. Diễn biến của hệ thống sự kiện tạo thành cốt truyện trong kịch Vũ Như Tô để dẫn đến cốt truyện đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài”có thể tóm tắt như thế này: Để thỏa thú hưởng lạc xa hoa, Lê Tương Dực cho đóng cũi, giải Vũ Như Tô về triều, lệnh cho xây Cửu Trùng Đài. Vũ Như Tô có ý chống đối, nhưng rồi thuận lòng vào việc vì được Đan Thiềm khích lệ, cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ trỗi dậy. Vũ Như Tô muốn đem tài năng ra xây dựng cho đất nước một kì công nghệ thuật. Tể tướng Trịnh Duy Sản muốn can ngăn vua, xin đuổi Như Tô, bãi Cửu Trùng Đài, thải thợ vì xây Cửu Trùng Đài là mầm họa của quốc gia. Cửu Trùng Đài cứ được khởi công. Vua ban chiếu huy động nhân tài vật lực cả nước. Nửa năm sau người ta có thể thấy một Cửu Trùng Đài tráng lệ, song dân thì oán vua, oán Vũ Như Tô, xem ông là thủ phạm. Cuối cùng Trịnh Duy Sản khởi loạn giết vua, bắt Vũ Như Tô, Đan Thiềm, giết bọn cung nữ, dân chúng nổi lên đốt Cửu Trùng Đài (Hồi V – Đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài”).

Nếu kịch tính là đặc điểm của nội dung thể loại thì sự tập trung cao độ của cốt truyện là đặc điểm kết cấu của kịch bản văn học. Hai nghìn năm trước, nhà mĩ học cổ đại Arixtốt đã nhấn mạnh đặc điểm này. Đây là đặc điểm gắn với yêu cầu biểu diễn của nghệ thuật sân khấu. Khán giả đến nhà hát là để xem một vở kịch có đầu có cuối, diễn ra liên tục. Một vở kịch thường chỉ được phép trình diễn trong vòng 3 đến 5 giờ đồng hồ, trên sàn diễn rộng chừng mấy chục mét vuông. Chính không gian và thời gian hạn hẹp của sân khấu đòi hỏi hành động kịch phải thống nhất và cốt truyện kịch phải có sự tập trung cao độ. Cốt truyện tập trung là cốt truyện tạo ra được sự thống nhất cao độ giữa hệ thống sự kiện, biến cố, các chi tiết, tình tiết với tư tưởng chủ đề cơ bản và hứng thú trung tâm. Lí luận kịch gọi đó là “sự thống nhất hành động”, không được kéo dài không gian và mở rộng thời gian. Từ tất cả các vở kịch cổ điển được xem là kiệt tác như Ơđíp làm vua, Vua Lia, Hămlét…đến cả tác phẩm “Vũ Như Tô” đều xây dựng theo nguyên tắc thống nhất hành động như vậy. Trong “Vũ Như Tô”, đọc lời chỉ dẫn của tác giả hồi III và hồi IV cho tới đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” thấy hành động kịch tính từ khi Như Tô khởi công xây Cửu Trùng Đài cho đến khi dân chúng nổi lọan, đài Cửu Trùng bị đốt cháy, chỉ kéo dài chưa đến một năm và cũng chỉ diễn ra trong phậm vi trong cung điện của Lê Tương Dực.

4. Hành động kịch:

Xung đột kịch được cụ thể hóa bằng hành động kịch. Theo Arixtốt : “Hành động là đặc trưng của vở kịch”. Nếu xung đột được coi là điều kiện cần thiết làm nảy sinh tác phẩm thì hành động lại là yếu tố duy trì sự vận hành của tác phẩm. Hành động kịch không phải là một chuỗi tác động bên ngoài như chạy, nhảy, đuổi bắt, chém giết. Do đó, nó bão hòa nội dung tâm hồn, thể hiện khuynh hướng tính cách và ý chí tự do cá nhân con người. Trong đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài”, không có bất kì một cái tất yếu khách quan nào có thể chi phối, quyết định hành động nhân vật. Kết cục của Vũ Như Tô ở đoạn trích này là do trước đó ông đã lựa chọn xây Cửu Trùng Đài vì thấy đây là dịp thi thố tài năng và thực hiện hoài bão. Vũ Như Tô cũng có thể thoát chết nếu nghe lời khuyên của Đan Thiềm là bỏ trốn bởi sự lựa chọn ở lại sống chết với Cửu Trùng Đài đều xuất phát từ suy nghĩ và mộng đẹp của người nghệ sĩ “ta chỉ có một hoài bão là tô điểm đất nước, đem hết tài ra xây cho nòi giống một tòa đài hoa lệ, thách cả những công trình sau trước, tranh tinh xảo với hóa công”. Hành động của Vũ Như Tô ở hồi V thể hiện khuynh hướng tính cách của nhân vật này là người nghệ sĩ có nhân cách, hoài bão đẹp nhưng chính Vũ Như Tô lại là nạn nhân của chính mình khi mang những ảo tưởng nghề nghiệp; có khát vọng nghệ thuật chính đáng song đặt nhầm chỗ và chọn lầm thời; là một người nghệ sĩ tài hoa song lại không nhận ra được mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống, không nhận ra được đối tượng phản ánh và phục vụ của nghệ thuật chính là nhân dân.

5. Nhân vật kịch:

Trước hết, nhân vật kịch chịu sự chi phối ràng buộc chặt chẽ bởi những điều kiện, luật lệ của nghệ thuật sân khấu. Do không gian, thời gian hạn hẹp của sân khấu, một kịch bản không thể có quá nhiều nhân vật. Đặc trưng này dễ dàng nhận ra trong đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài”. Cả đoạn trích và tác phẩm đều cơ bản xoay quanh các nhân vật: Vũ Như Tô, Đan Thiềm, Lê Tương Dực, Trịnh Duy Sản, bọn cung nữ, quân sĩ (khi lên sân khấu thì chỉ có vài người). Kể cả khi đoạn trích có đề cập đến nhân vật “nhân dân” đi chăng nữa thì cũng chỉ mang tính chất ước lệ mà thôi. Điều này hoàn toàn khác với các thể loại văn xuôi khác. Ngay cả khi người ta biến quảng trường thành sân khấu thì yêu cầu về kịch tính, sự tập trung cốt truyện cũng không cho phép đưa vào kịch bản rồi lên sân khấu diễn hàng trăm nhân vật như trong tiểu thuyết“Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung.

Kịch là nghệ thuật thể hiện hình tượng con người một cách thống nhất. Tính chất xác định của tính cách là đặc điểm cơ bản của nhân vật kịch. Mặc dù Đan Thiềm đã cố thuyết phục Vũ Như Tô bỏ trốn để không uổng phí người tài nhưng Vũ Như Tô vẫn nhất quyết tin tưởng vào sự “quang minh chính đại”, vào khát vọng chân chính của bản thân, vẫn cố “phân trần giảng giải cho người đời hiểu rõ nguyện vọng” của mình, vẫn muốn xây nốt Cửu Trùng Đài dù Ngô Hạch đã ra lệnh cho quân sĩ bắt giải ra pháp trường. Còn Đan Thiềm thì từ đầu đến cuối đoạn trích vẫn một mực bảo vệ, lo lắng cho Như Tô, thậm chí là quỳ xuống cầu xin được chết thay cho ông Cả vì “Ông ấy là một người tài…Nước ta cần nhiều thợ tài tô điểm”. Tích cách Vũ Như Tô là tính cách của người nghệ sĩ tài hoa, hiện thân cho đam mê sáng tạo cái đẹp. Tính cách Đan Thiềm là tính cách của người đam mê cái tài, cụ thể là tài sáng tạo nên cái đẹp.

6. Ngôn ngữ kịch:

Trong kịch, các nhân vật được xây dựng bằng chính ngôn ngữ của họ. Ngôn ngữ kịch là ngôn ngữ khắc họa tính cách – ngôn ngữ biểu hiện đặc điểm, tính cách, phẩm chất của nhân vât, “cá tính hóa” nhân vật. Ngôn ngữ kịch còn mang tính hành động, những lời thoại thường đầy vẻ tranh luận, biện bác với nhiều sắc thái: tấn công – phản công, thăm dò – lảng tránh, chất vấn – chối cãi, thuyết phục – phủ nhận, cầu xin – từ chối, đe dọa – coi thường…Đây là đoạn đối thoại thể hiện các đặc trưng trên của ngôn ngữ kịch trong đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài”:

Vũ Như Tô: Có việc gì mà bà chạy hớt hơ, hớt hải? Mặt bà cắt không còn hột máu.

Đan Thiềm: (thở hổn hển) – Nguy đến nơi rồi… Ông Cả!
Vũ Như Tô: – Lạ chưa, nguy làm sao? Đài Cửu Trùng chia năm đã được một phần.
Đan Thiềm :- Ông trốn đi, mau lên không thì không kịp.
Vũ Như Tô: – Sao bà nói lạ? Đài Cửu Trùng chưa xong, tôi trốn đi đâu. Làm gì phải trốn?
Đan Thiềm: – Ông nghe tôi! Ông trốn đi! Ông nghe tôi! Ông phải trốn đi mới được!
Vũ Như Tô: – Làm sao tôi cần phải trốn? Bà nói rõ cho là vì sao? Khi trước tôi nhờ bà mách đường chạy trốn, bà khuyên không nên, bây giờ bà bảo tôi đi trốn, thế là nghĩa gì?
Đan Thiềm: – Có nghĩa lắm. Tôi không làm một việc gì vô lý cả. Khi trước trốn đi thì ông nguy, bây giờ trốn đi thì ông thoát chết.
Vũ Như Tô: – Sao thế?
Đan Thiềm: – Loạn đến nơi rồi. Dân gian đói kém nổi lên tứ tung. Giặc Trần Cao trước đã bị quan quân đuổi đánh, nay lại về đóng ở Bồ Đề, thanh thế rất mạnh. Trong triều, Nguyên Quận công Trịnh Duy Sản vì can vua mà bị đánh, nay mưu với mấy tên đồng chí, giả mượn tiếng đi dẹp giặc rồi quay binh về làm loạn.
Vũ Như Tô: – Tôi làm gì nên tội?

Trong đoạn đối thoại trên, lời nói của Đan Thiềm hướng tới Vũ Như Tô mà khuyên nhủ, thuyết phục; lời nói của Như Tô lại hướng tới Đan Thiềm mà phản đối; người này dùng lời nói để tác động tới người kia nhằm đạt mục đích của mình. Lời nói của Đan Thiềm bộc lộ sự thức tỉnh trong hoàn cảnh, sẵn sàng bảo vệ người tài năng, lời nói Vũ Như Tô thể hiện ý thức sáng tạo nghệ thuật nhưng sai lầm trong nhận thức.

Trong tất cả các lĩnh vực thì thành quả gặt hái được bao giờ cũng cần đến sự nỗ lực và cần sử dụng đến những cách thức, phương pháp khoa học nhất định. Triết học Duy vật Mác – Lê-nin đã thừa nhận rằng: không có nội dung nào nằm ngoài hình thức, cũng như không có hình thức nào lại không chứa nội dung trong đó. Văn học nghệ thuật gắn với quy luật ấy như một đòi hỏi tất yếu. Vì vậy, phải chăng khi viết “Vũ Như Tô”, Nguyễn Huy Tưởng đã nhận ra điều này và chút ít gửi gắm những nhắc nhở rằng chúng ta phải biết làm gì trước những công trình văn hóa mang “tầm trăng sao” của dân tộc.

Dạy kịch là dạy văn chương nhưng còn là dạy kĩ năng sống. Kĩ năng sống hiện nay đang là môn học của mọi người, mọi nhà. Kĩ năng sống trong cách nghĩ, cách nói, cách giao tiếp và hành động là cả một hành trình phấn đấu của con người. Học sinh có thể tích lũy được vốn sống quý báu qua từng bài học khi ngồi trên ghế nhà trường mà đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” (Trích “Vũ Như Tô”) của Nguyễn Huy Tưởng là một đoạn văn chứa nhiều tầng nghĩa sâu xa cần được khám phá.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang