Hoa dã quỳ – vũ điệu cuồng say giữa cao nguyên.
Nếu có một lần đến với Tây Nguyên vào tháng 10 tháng 11 dương lịch, được lạc chân vào rừng hoa dã quỳ thì còn vui thú nào bằng. Tây Nguyên mùa tháng 10 se lạnh êm êm. Cái rét dịu ngọt mơn man khắp da thịt, lại thêm cảnh sắc hữu tình trải dài một màu vàng thơ mộng như nhung càng làm cho ta thêm phấn chấn mạnh bước du hành.
Truyền thuyết kể rằng thuở đất trời còn hoang sơ, các tiên nữ thường xuống trần lam hoa thưởng nguyệt, đắm mình trong các dòng suối xanh mát, ngày đêm ca hát. Họ chon những nơi có rừng cây, sương mờ lãng đãng để thoát ẩn thoát hiện, vui đùa thỏa thích. Lâu dần, các nàng tiên nhận thấy nơi này chỉ có cây xanh che bóng, không có loài hoa nào khác. Họ đã cầu xin thượng đế ban cho hạt giống các loài hoa để ươm trồng nơi này cho cảnh vật thêm tươi sắc. Thượng đế đã cho họ hai loại hạt giống quý, một là mầm hoa lan, hai là mầm hoa dã quỳ. Các nàng tiên vô cùng mừng rỡ. Lập tức họ đêm hạt giống gieo khắp mọi nơi. Đầu tiên, họ gieo hoa lan vào từng ngọn cây. Hạt giống gieo đến đâu liền nảy mầm đến đó. Họ nhanh chống gieo xong mầm hoa lan, cẩn thận thả vào từng thân cây. Đến lược cây dã quỳ, vì lấy quá nhiều hạt mầm cho nên đến chiều tối, mà vẫn chưa xong trong khi sương mù xuống ngày càng nhiều hơn. Cuối cùng họ nghĩ cách bay lên cao và thả hạt giống xuống đất cho kịp về trời. Hạt cây dã quỳ cứ thế bay khắp nơi. Các hạt mầm gieo đến đâu lập tức nảy mầm đến đó, chỉ sau một đêm đã vươn cao nở hoa rực rỡ.
Sáng hôm sau, các tiên nữ lại xuống trần, họ vô cùng thích thú vì mặt đất giờ đây tràn ngập hao vàng, còn trên các thân cây cổ thụ, hoa lan cũng thả từng chùm hoa rực rỡ. Khung cảnh chẳng khác nào vườn địa đàng dưới mặt đất. Bởi hoa lan được các nàng gieo cẩn thận nên từng lớp hoa bung đều trong thật đẹp mắt. Còn hoa dã quỳ bởi được vung vãi nên chạm đâu mọc đấy. Ngày nay, khi đến với Tây Nguyên, ta vẫn thấy từng đám hoa mọc chi chít, chen lấn nhau vươn hoa vàng rực rỡ trên các cung đường.
Trải dài từ phía Nam Tây Nguyên đến tận Gia Lai, Kon tim, dọc quốc lộ 14, đâu đâu ta cũng thấy một màu vàng ngút tận. Vàng hai bên đường, vàng trên sườn núi. Đến nơi đây, ta cứ ngỡ đất trời đang mở một đại tiệc sắc màu nào đó mà trải thảm vàng bất tận.
Thú vị nhất là được ngắm sắc hóa dã quỳ vào buổi sớm mai, bên một quán cà phê dọc đường. Buổi sớm, khi sương mờ vừa tan ta dã thấy hoa dã quỳ vươn cành hết sức. Cả rừng hoa như đang cố vươn lên xem hoa nào đón ánh mặt trời đầu tiên. Đâu đó, có hoa còn lấp ló, khép nép trong bờ như e ngại trước cái nhìn của du khách. Ánh nắng trải vàng khắp mọi nẻo đường, nhìn đâu cũng thấy một màu vàng non tơ, mượt mà, lúc này không còn biết là nắng chiếu vàng hoa hay hoa nhuộm vàng cho nắng nữa.
Buổi chiều buông xuống, ngắm hoa dã quỳ lại phát hiện ra một vẻ đẹp khác. Ánh chiều nghiêng nghiêng chiếu trên sườn đồi. Ba bốn cô nàng Jarai rủ nhau đi hái nắng. Thật tình, tôi cũng không hiểu đi hái nắng là đi đâu. Ngờ ngợ, tôi hỏi cô bán hàng nước. Họ nói, đi hái nắng là đi lên đồi hoa.
Bóng chiều vàng vọt càng làm cho sắc hoa thêm tươi thắm. Nó không còn một màu vàng tơ óng ả như sáng nay mà chuyển màu vàng đượm đậm đà như có ai vừa pha thêm màu cho bức tranh tuyệt sắc này. Tôi ngỡ ngàng nhận ra hình bóng các cô gái thoáng ẩn hiện trong rừng hoa, nụ cười tươi như tiên nữ, đưa tay nâng niu từng cánh hoa đang dần rũ xuống trong bóng chiều dần phai. Tiếng hát vẫn cứ lảnh lót trên ngọn đồi xa, lúc thanh cao như gió trời, lúc dìu dặt xuống thấp như tiếng thì thầm vang vọng khép lại hoàng hôn.
Dù là có thần tiên hay không, nhưng mỗi đêm vẫn còn vọng về từ trong rừng sâu, tiếng gió lùa, tiếng suối chảy âm âm, ngỡ như tiếng cười đùa của các tiên nữ còn mãi chơi chưa muốn về trời.