y-nghia-bai-ca-dao-o-dau-nam-cua-nang-oi

Ý nghĩa bài ca dao: Ở đâu năm của nàng ơi?…

Ý nghĩa bài ca dao: “Ở đâu năm của nàng ơi?”

– Ở đâu năm cửa nàng ơi?
Sông nào sáu khúc nước chảy xuôi một dòng?
Sông nào bên đục, bên trong?
Núi nào thắt cổ bồng mà có thánh sinh?
Đền nào thiêng nhất xứ Thanh?
Ở đâu mà lại có thành tiên xây?…

– Thành Hà Nội năm cửa chàng ơi
Sông Lục Đầu sáu khúc nước chảy xuôi một dòng.
Nước sông Thương bên đục bên trong,
Núi Đức Thánh Tản thắt cổ bồng lại có thánh sinh.
Đền Sòng thiêng nhất xứ Thanh
Ở trên tỉnh Lạng có thành tiên xây.


  • Mở bài:

Ca dao dân ca là sáng tạo văn chương của người lao động bình dân. Người nông dân sống gắn bó với đất, với làng, với quê hương đất nước. Bởi thế, quê hương đất nước không những là niềm tự hào mà còn là mọt phần thiêng liêng trong đời sống tâm thức của họ. Hát về quê hương, đất nước biểu lộ tình yêu sâu sắc của họ đối với mảnh đất chôn nhau cắt rốn ấy.

  • Thân bài:

Bài ca có hình thức kết cấu hai vế đối đáp tương ứng đoạn hát xe kết trong một lời ca giao duyên. Căn cứ vào cách phân chia các phần và những đại từ nhân xưng “chàng – nàng” ta có thể biết được điều đó. Phần đầu là lời hỏi của chàng trai, phần sau là câu đáp của cô gái. Đây là hình thức kết cấu không phổ biến nhưng rất đặc thù của thơ ca truyền thống dân gian. Hình thức ấy liên quan đến “hình thức sống”, tức là hình thức diễn xướng, môi trường thực hành sinh hoạt của tác phẩm văn học dân gian.

Nội dung lời hát đối đáp là tên và đặc điểm độc đáo của những con sông, dãy núi, thành quách, đền đài của cha ông ờ nhiêu vùng, miền khác nhau trong cả nước. Nghĩa là vừa có hỏi đáp về cảnh trí tự nhiên vừa tìm hiểu vẻ công trình nhân tạo do bàn tay con người xây dựng nên. Lời hát vừa là câu đố để thử tài, kiểm tra kiến thức văn hóa – lịch sử vừa gửi gắm kín đáo tình cảm của người hát.

Chàng trai và cô gái dùng những địa danh với những đặc điểm như vậy để hỏi đáp phải chăng vì họ muốn truyền tình yêu quê hương, đất nước cho nhau. Hơn nữa họ muốn khẳng định quan điểm thẩm mĩ của những người lao động: tình yêu và tự hào về vẻ đẹp của quê hương, đất nước là tiêu chí đầu tiên đánh giá mỗi con ngươi. Giống như một nhà văn Nga đã nói: Nếu như trong tác phẩm của anh không thể hiện được tinh cảm với mảnh đất mà anh dã sinh ra thì anh không phải là nhà văn chân chính. Cho nên, họ không thể hát xe kết cũng như hát giao duyên với một người không có tình cảm sâu nặng vói quê hương, đất nước.

Những địa danh ấy còn gợi lên gương mặt chung của đất nước Việt Nam với vẻ đẹp tự nhiên độc đáo, kì thú như : có “sông Lục Đầu sáu khúc nước chảy xuôi một dòng”, có “nước sông Thương bên đục, bên trong”; cộng thêm đó là vẻ đẹp giàu truyền thống văn hóa lịch sử “thành Hà Nội năm cửa”, “đền Sòng linh thiêng”. Ẩn sau trong đó là những gương mặt con người theo quan niệm “địa linh nhân kiệt”. Núi Tản Viên là nơi sinh ra Đức Thánh Tản, tỉnh Lạng là nơi thần tiên trú ngụ,…

  • Kết bài:

Những câu hát vút cao ca ngợi quê hương, đất nước có lẽ là những khúc ca đồng vọng trong mỗi trái tim của người Việt. Bởi vì, chúng đã nói lên tình yêu nước tha thiết, nhiệt thành trong lòng bao thế hệ con người Việt Nam.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang