Đọc hiểu văn bản: chùm ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa

ca-dao-than-than-yeu-thuong-tinh-nghia-13485-2

Đọc – hiểu văn bản: chùm ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa

I. Tìm hiểu chung:

1. Khái niệm cao dao:

Ca dao là lời thơ trữ tình của văn học dân gian, diễn tả đời sống tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của nhân dân trong các quan hệ lứa đôi, gia đình, quê hương, đất nước…Trong xã hội cũ, ca dao trữ tình là những tiếng hát than thân, những lời ca yêu thương tình nghĩa: những tiếng cười hài hước, trào lộng, châm biếm thể hiện tinh thần lạc quan của người lao động.

Lời ca dao thường ngắn, phần lớn đặt theo thể loại lục bát hoặc lục bát thể biến thể, ngôn ngữ gần gũi với lời nói hằng ngày, giàu hình ảnh so sánh, ẩn dụ, đặc biệt là lối diễn đạt bằng một số công thức mang đậm sắc thái dân gian.

2. Đặc điểm của ca dao:

Về nội dung: ca dao phản ánh tâm tư, tình cảm, thế giới tâm hồn của người lao động. Nó thường được biểu hiện thành: những câu hát than thân, những câu hát yêu thương tình nghĩa, những tiếng cười trào lộng, châm biếm…

Về nghệ thuật: ca dao là sáng tác tập thể, vì vậy nó kết tinh nghệ thuật ngôn từ của nhân dân. Nó có những đặc trưng riêng về thể thơ, kết cấu… (ví dụ lối so sánh ví von, sự lặp đi lặp lại các hình ảnh giàu tính nghệ thuật, lối diễn đạt theo kiểu công thức…)

III. Đọc hiểu văn bản:

Bài 1:

Thân em như tấm lụa đào,
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai

Người phụ nữ ý thức về vẻ đẹp, tuổi xuân, giá trị của bản thân: “tấm lụa đào”: đẹp, mềm mại, tươi mát, có giá trị. Đây là lời than thân ngậm ngùi, xót xa của người phụ nữ khi ý thức về số phận mình: tấm lụa đào → phất phơ giữa chợ → biết vào tay ai.

Thương xót, cảm thông, chia sẽ với thân phận bấp bênh, bị lệ thuộc của người phụ nữ: “phất phơ giữa chợ”: rẻ rung, “biết vào tay ai”: không quyết định được cuộc đời, số phận mình.

Bà ca dao không chỉ là lời than về thân phận bị lệ thuộc của người phụ nữa mà còn là tiếng nói khẳng định giá trị, phẩm chất tốt đẹp của họ.

Nghệ thuật: so sánh “như”; ẩn dụ “tấm lụa đào”; sử dụng công thức ngôn từ “thân em”

Bài 2:

Thân em như củ ấu gai
Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen
Ai ơi, nếm thử mà xem!
Nếm ra, mới biết rằng em ngọt bùi.

Đây là lời khẳng định phẩm chất và vẻ đẹp đích thực của con người (ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen). Bài ca còn là lời mời mọc da diết của cô gái.

Lời mời mọc ấy là khát khao của con người mong muốn được khẳng định cái chân giá trị, cái vẻ đẹp của mình. Tư tưởng của bài ca dao vẫn là nỗi ngậm ngùi chua xót cho thân phận của người con gái trong xã hội xưa.

Bài 3:

Trèo lên cây khế nửa ngày,
Ai làm chua xót lòng này, khế ơi!
Mặt trăng sánh với mặt trời,
Sao Hôm sánh với sao Mai chằng chằng.
Mình ơi! Có nhớ ta chăng?
Ta như sao Vượt chờ trăng giữa trời.

Trong ca dao, mô típ dùng từ “ai” để chỉ các thế lực ép gả hay cản ngăn tình yêu nam nữ xuất hiện nhiều lần, ví như:

Ai làm cho bướm lìa hoa
Cho chim xanh nỡ bay qua vườn hồng.
Ai làm bầu bí đứt dây
Chàng nam thiếp bắc gió tây lạnh lùng.

Ở trong bài ca dao này từ “ai” cũng mang nghĩa như vậy. “Ai” ở đây có thể là cha mẹ, là những hủ tục cưới cheo phong kiến hay có khi là chính người tình…

Mặc dầu lỡ duyên, tình nghĩa vẫn thuỷ chung bền vững. Cái tình ấy được nói lên bằng những hình ảnh so sánh ẩn dụ (mặt trăng, mặt trời, sao Hôm, sao Mai).Điểm đặc biệt của những hình ảnh nghệ thuật này là tính bền vững, không thay đổi trong quy luật hoạt động của nó. Lấy cái bất biến của vũ trụ, của thiên nhiên để khẳng định cái tình thủy chung son sắt của lòng người chính là chủ ý của tác giả dân

Sao Vượt là tên cổ của sao Hôm. Nó thường mọc sớm vào buổi chiều, lên đến đỉnh của bầu trời thì trăng mới mọc. Vì thế câu thơ cuối “Ta như sao Vượt chờ trăng giữa trời” như là một lời khẳng định về tình nghĩa thuỷ chung son sắt và ý chí quyết tâm vượt qua những rào cản của tình yêu. Câu thơ là một lời nhắn nhủ với bạn tình, đồng thời cũng là một khát khao mong tình yêu có thể cập đến bến bờ hạnh phúc.

Bài 4:

Khăn thương nhớ ai,
Khăn rơi xuống đất.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn vắt lên vai.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn chùi nước mắt.
Đèn thương nhớ ai,
Mà đèn không tắt.
Mắt thương nhớ ai,
Mắt ngủ không yên.
Đêm qua em những lo phiền,
Lo vì một nỗi không yên một bề…

Thương nhớ vốn là một tình cảm khó hình dung, nhất là thương nhớ trong tình yêu. Vậy mà ở bài ca dao này, nó lại được diễn tả một cách thật cụ thể, tinh tế và gợi cảm bằng các hình tượng nghệ thuật: khăn, đèn, mắt.

Hai hình tượng khăn, đèn được xây dựng bằng thủ pháp nghệ thuật nhân hóa (khăn, đèn chính là cô gái), còn hình ảnh mắt được xây dựng bằng phép hoán dụ (dùng bộ phận để chỉ toàn thể – nhân vật trữ tình). Hình ảnh khăn, đèn, mắt đã trở thành biểu tượng cho niềm thương nỗi nhớ của cô gái đang yêu.

Cái khăn được nhắc đến đầu tiên và được điệp đi điệp lại nhiều lần bởi nó thường là vật kỉ niệm, vật trao duyên. Nó lại luôn luôn ở bên mình người con gái. Chính vì thế mà nó có thể cất lên lời tâm sự thay cho nhân vật trữ tình. Hình ảnh chiếc khăn gắn với các động từ như: thương nhớ, rơi xuống, vắt lên, chùi nước mắt… nói lên tâm trạng ngổn ngang trăm mối của người con gái.

Nỗi nhớ thương của cô gái còn thể hiện qua hình ảnh ngọn đèn – đó là nỗi nhớ được trải dài ra theo nhịp thời gian. Đèn chẳng tắt hay chính là ngọn lửa tình trong lòng cô gái đang thắp sáng suốt đêm thâu.

Từ hình ảnh khăn, đèn đến hình ảnh ánh mắt là cả một sự đổi thay rất lớn. Đến đây, không còn cầm lòng được nữa, cô gái đã hỏi chính lòng mình: mắt thương nhớ ai. Các hình tượng vẫn là một mạch thống nhất về ý nghĩa. Các câu hỏi vẫn cứ được cất lên. Và câu trả lời chính là ở trong niềm thương nỗi nhớ của người con gái đang yêu.

Nghệ thuật

+ Điệp từ, điệp câu.
+ Nghệ thuật nhân hóa (khăn, đèn, mắt)
+ Nghệ thuật hoán dụ” “mắt thương nhớ ai”
+ Hình ảnh biểu tượng: khăn, đèn, mắt
+ Câu hỏi tu từ đặc sắc.

Bài 5:

Ước gì sông rộng một gang,
Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi.

  1. Trong ca dao tình yêu, chiếc cầu là một mô típ rất quen thuộc. Nó là biểu tượng để chỉ nơi gặp gỡ, trao duyên của những đôi lứa đang yêu. Chiếc cầu thường mang tính ước lệ độc đáo – là cành hồng, là ngọn mồng tơi,… và ở đây là dải yếm. Con sông đã không có thực (rộng một gang) nên chiếc cầu kia cũng không có thực. Nó thực ra là một “cái cầu tình yêu”. Bài ca dao còn độc đáo hơn ở chỗ nó là chiếc cầu do người con gái bắc cho người yêu mình. Nó chủ động, táo bạo, mãnh liệt nhưng cũng trữ tình và ý nhị biết Chiếc cầu ở đây được làm bằng vật thuộc về chủ thể trữ tình (khác với cành hồng, cành trầm, ngọn mồng tơi… những vật ở bên ngoài chủ thể). Vì thế mà chiếc cầu – dải yếm như là một thông điệp tượng trưng cho trái tim rạo rực yêu thương mà người con gái muốn mời gọi, dâng hiến cho người yêu của mình.

Trong ca dao, hình ảnh chiếc cầu vốn rất quen thuộc:

– Hai ta cách một con sông
Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang
Cành trầu lá dọc lá ngang
Đố người bên ấy bước sang cành trầm

– Gần đây mà chẳng sang chơi
Để em ngắt ngọn mồng tơi bắc cầu
Sợ rằng chàng chả đi cầu
Cho tốn công thợ, cho sầu lòng em..

Hai bài ca dao trên đều là lời mời gọi của nhân vật trữ tình. Nó có hình thức giống như những câu hát giao duyên. Hai câu ca dao tuy khác nhau ở hình ảnh “chiếc cầu” (cành hồng, cành trầm) nhưng đều có giá trị thẩm mĩ cao.

Ở bài ca dao dưới, hình ảnh chiếc cầu vẫn rất gần gũi và giản dị (ngọn mùng tơi) nhưng nội dung cả bài lại mang hàm ý là lời trách móc, hờn dỗi nhẹ nhàng của cô gái hướng đến chàng trai (người ở phía bên kia).

Bài 6:

Muối ba năm muối đang còn mặn
Gừng chín tháng gừng hãy còn cay
Đôi ta nghĩa nặng tình dày
Có xa nhau đi nưa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa.

Bài ca dao ca ngợi lối sống tình nghĩa, thủy chung của người bình dân xưa. Hình ảnh “gừng cay – muối mặn” biểu trưng cho sự gắn bó thủy chung của con người.

Muối và gừng là hai hình ảnh nghệ thuật cũng được xây dựng từ những hình ảnh có thực trong đời sống (những gia vị trong bữa ăn). Gừng có vị cay nồng nhưng thơm, muối có vị mặn đậm đà. Từ hai ý nghĩa ấy, gừng và muối đã được chọn để biểu trưng cho hương vị của tình người trong cuộc sống – tình nghĩa thủy chung gắn bó sắt

Bài ca dao được viết bằng thể thơ song thất lục bát nhưng câu bát phá cách:

Đôi ta nghĩa nặng tình dày
Có xa nhau đi nưa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa.

Câu ca dao kéo dài tới mười ba tiếng như là một sự luyến láy vừa tạo ra tính nhạc cho câu, vừa khẳng định cái giá trị bền vững không phai của tình nghĩa vợ chồng.

Nghệ thuật:

+ Sử dụng hình ảnh biểu tượng: gừng cay – muối mặn
+ Lối nói trùng điệp, nhấn mạnh, tiếp nối.
+ Câu bát kéo dài thành 13 tiếng để khẳng định sự thủy chung son sắt.

  • Ý nghĩa văn bản:

Ca ngợi và khẳng định vẻ đẹp đời sống tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của người bình Việt Nam xưa trong ca dao -dân ca.

  • Câu hỏi và đề gợi ý

1. Nêu khái niệm ca dao?
2. Trình bày ngắn gọn đặc điểm về nội dung và nghệ thuật của ca dao?
3. Nêu khái quát nội dung và nghệ thuật của các bài ca dao?
4. Cảm nhận của em về bài ca dao sau:

“Khăn thương nhớ ai
…………………
Lo vì một nỗi không yên một bề”

Cảm nhận của em về bài ca dao sau:

“Muối ba năm hãy còn mặn

Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa”.

5. Qua các bài ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa đã học, hãy chọn 1 đến 2 bài phân tích để thấy được vẻ đẹp tâm hồn của người bình dân xưa.
6. Tìm 5 bài ca dao có mở đầu bằng công thức ngôn từ “thân em”
7. Hãy tìm thêm một số bài ca dao nói về nỗi nhớ người yêu của người bình dân xưa.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.