Giá trị nội dung và nghệ thuật của văn học dân gian

Giá trị nội dung và nghệ thuật của Văn học dân gian Việt Nam.

I. Giá trị cơ bản của văn học dân gian.

1. Giá trị nội dung.

  • Phản ánh chân thực cuộc sống lao động, chiến đấu để dựng nước và giữ nước của dân tộc.
  • Thể hiện truyền thống dân chủ và tinh thần nhân văn của nhân dân.
  • Bộc lộ đời sống tâm hồn phong phú, tinh tế và sâu sắc của nhân dân (yêu đời, lạc quan, yêu cái thiện, cái đẹp trong cuộc sống, căm ghét cái xấu, sự độc ác, sống tình nghĩa, thuỷ chung,…).
  • Tổng kết những tri thức, kinh nghiệm của nhân dân về mọi lĩnh vực trong mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, xã hội và chính bản thân mình.

2. Giá trị nghệ thuật.

  • Xây dựng được những mẫu hình nhân vật đẹp, tiêu biểu cho truyền thống quí báu của dân tộc.
  • Văn học dân gian là nơi hình thành nên những thể loại văn học cơ bản và tiêu biểu của dân tộc do nhân dân lao động sáng tạo nên. Văn học dân gian còn là kho lưu giữ những thành tựu nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc mà các thế hệ đời sau cần học tập và phát huy.

II. Vai trò của văn học dân gian.

1. Trong đời sống tinh thần của xã hội.

– Văn học dân gian nêu cao những bài học về phẩm chất tinh thần, đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc: tinh thần nhân đạo, lòng lạc quan, ý chí đấu tranh bền bỉ để giải phóng con người khỏi bất công, ý chí độc lập, tự cường, niềm tin bất diệt vào cái thiện,…

– Văn học dân gian góp phần quan trọng bồi dưỡng cho con người những tình cảm tốt đẹp, cách nghĩ, lối sống tích cực và lành mạnh.

2. Trong nền văn học dân tộc.

– Nhiều tác phẩm văn học dân gian đã trở thành những mẫu mực về nghệ thuật của thời đại đã qua mà các nhà văn cần học tập để sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị.

– Văn học dân gian mãi mãi là ngọn nguồn nuôi dưỡng, là cơ sở của văn học viết về các phương diện đề tài, thể loại, văn liệu,…

III. Một số lưu ý về phương pháp đọc – hiểu văn học dân gian.

Để hiểu đúng, văn bản văn học dân gian, chúng ta cần chú ý một số vấn đề sau :

– Nắm vững đặc trưng của thể loại, bởi lẽ không một nét độc đáo nào của một tác phẩm văn học dân gian cụ thể lại vượt ra khỏi những đặc trưng cơ bản của thể loại. Cần lấy những đặc trưng chung Về thể loại làm căn cứ để đọc hiểu những tác phẩm cụ thể.

– Muốn đọc hiểu chính xác một tác phẩm văn học dân gian, cần đặt nó vào trong hệ thống những văn bản tương quan, thích ứng (về đề tài, thể loại, cách diễn đạt)

– Trong quá trình hình thành, biến đổi, lưu truyền, tác phẩm văn học dân gian luôn gắn bó mật thiết và phục vụ trực tiếp cho các hình thức sinh hoạt cộng đồng khác nhau (gia đình, xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lao động, vui chơi, ca hát, lễ hội,…) của nhân dân. Bởi thế, để đọc hiểu chính xác và sâu sắc ý nghĩa tác phẩm, cần đặt nó trong mối quan hệ với các hình thức sinh hoạt cộng đồng.

IV. Ảnh hưởng của Văn học dân gian đối với văn học viết Việt Nam.

Nhận xét về ảnh hưởng to lớn của văn học dân gian đối với văn học thành văn Việt Nam, giáo trình Văn học dân gian nhận định: “Văn học dân gian là cội nguồn, là bầu sữa mẹ nuôi dưỡng nền văn học dân tộc Việt Nam. Nhiều thể loại văn học viết được xây dựng và phát triển dựa trên sự kế thừa các thể loại văn học dân gian. Nhiều tác phẩm , nhiều hình tượng do văn học dân gian tạo nên là nguồn cảm hứng, là thi liệu, văn liệu của văn học viết. Nhiều nhà thơ , nhà văn lớn của dân tộc (Nguyễn Trãi , Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du , Hồ Xuân Hương , Phan Bội Châu , Nguyễn Bính, Hồ Chí Minh, Nguyễn Duy….) đã tiếp thu có kết quả văn học dân gian để sáng tạo nên những tác phẩm văn chương ưu tú”.

Đó là một nhận định xác đáng thể hiện rõ mối quan hệ máu thịt gắn bó giữa văn học dân gian và văn học thành văn trong suốt tiến trình phát triển của văn học dân tộc. Văn học dân gian chính là nền tảng của văn học viết và có tác động lớn đến sự hình thành và phát triển của văn học viết, là nguồn cảm hứng dồi dào, tiếp thêm chất liệu và cảm hứng sáng tạo cho văn học viết.

– Về phương diện nội dung: Văn học dân gian cung cấp cho các nhà văn của mọi thời đại những quan niệm xã hội, đạo đức của nhân dân lao động, của các dân tộc. Ngoài ra, nó còn cung cấp những tri thức hữu ích về tự nhiên xã hội, góp phần quan trọng về sự hình thành nhân cách con người. Nó bảo tồn, phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc như: truyền thống yêu nước, tinh thần hướng thiện, trọng nhân nghĩa, giàu tình thương,… Biểu hiện rõ nhất là ở đề tài, nguồn cảm hứng, tư tưởng nhân ái, tình cảm lạc quan, yêu đời, tình yêu thiên nhiên, đất nước, tình yêu con người,…

+ Đề tài tiêu biểu trong văn học dân gian: Số phận người phụ nữ, thân phận người lao động nói chung, tình yêu đôi lứa, những kinh nghiệm sống quý báu, đặc biệt ngợi ca tình cảm gắn bó với quê hương, đất nước,…

+ Nguồn cảm hứng : Văn học dân gian thường lấy nguồn cảm hứng từ thiên nhiên, cuộc sống xã hội, lao động sản xuất,… Đặc biệt, ca dao Việt Nam đã đưa ra những tiêu chí về vẻ đẹp người con gái truyền thống.

+ Tư tưởng nhân ái : Văn học dân gian đề cao tình cảm yêu thương con người nhất là thân phận người phụ nữ, người lao động cùng khổ,…

– Về phương diện nghệ thuật: Văn học dân gian cung cấp cho các nhà văn một kho tàng các truyền thống nghệ thuật dân tộc, từ ngôn ngữ đến các hình thức thơ ca, các phương pháp xây dựng nhân vật, hình ảnh, cách nói, các biện pháp tu từ, thể loại, chất liệu dân gian,…

+ Ngôn ngữ : ngôn ngữ văn học dân gian mang đậm tính triết lí, giàu chất thơ song hình thức biểu đạt lại gần gũi, dễ hiểu. Người dân lao động thường dùng những cách nói trong giao tiếp hàng ngày để diễn đạt tư tưởng, tình cảm cũng như đúc kết kinh nghiệm sống.

VD : Truyền thống lấy lá trầu để làm ngôn ngữ bày tỏ tình cảm :

“Anh thương em trầu hết lá lươn
Bắc thang lên hái ngọn trầu vàng
Trầu em cao số muộn màng anh thương
Bây giờ em mới hỏi anh
Trầu vàng nhá với cau xanh thế nào?
Cau xanh nhá với trầu vàng,
Tình anh sánh với duyên nàng đẹp đôi.”

– Tiếp nối truyền thống ấy, Hồ Xuân Hương cũng sử dụng ngôn ngữ trầu cau để bày tỏ khát vọng hạnh phúc của người phụ nữ trong xã hội phong kiến :

“Quả cau nho nhỏ, miếng trầu hôi”

(Mời trầu)

Hình ảnh : Trong văn học dân gian phần lớn là cảnh thiên nhiên hay sinh hoạt rất quen thuộc với người bình dân. Trong cuộc sống hàng ngày, người dân lao động rất thân thuộc với mái đình, cây đa, bến nước,… vì vậy, trong tình yêu đôi lứa, trong nỗi nhớ quê hương,… người lao động đã tái hiện lại những không gian thân thuộc ấy trong lời ca của mình :

“Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương
Nhớ ai dãi nắng dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao”.

(Ca dao)

– Rau muống, con thuyền,… cũng là những hình ảnh không thể thiếu trong thơ Nguyễn Trãi:

“…Ao cạn vớt bèo cấy muống
Đìa thanh phát cỏ ương sen
Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc,
Thuyền chở yên hà nặng vạy then…”

(Thuật hứng 24 – Nguyễn Trãi)

+ Cách nói : Các hình thức lặp lại là đặc trưng nghệ thuật tiêu biểu trong ca dao: lặp lại kết cấu, hình ảnh, lặp lại dòng thơ mở đầu hoặc một từ, một cụm từ,…

Ví dụ :

Vì thuyền, vì bến, vì sông
Vì hoa nên bận cánh ong đi về.
Còn non còn nước còn trời
Còn cô bán rượu còn người say sưa.
Yêu nhau mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.

(Ca dao)

Trong “Truyện Kiều” (Nguyễn Du) cũng có những câu thơ có kiểu dùng từ tương ứng:

“Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa”

“Còn non, còn nước, còn dài
Còn về còn nhớ đến người hôm nay”.

Các biện pháp tu từ : Văn học dân gian thường sử dụng các biện pháp tu từ như: so sánh, ẩn dụ, nhân hoá,… để giúp hình dung một cách cụ thể thông qua những hình ảnh quen thuộc như : hạt mưa, tấm lụa đào, cái giếng, cây đa, bến nước, con thuyền, con đò,…

Trong ca dao :

“Thuyền về có nhớ bến chăng ?
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”.

“Trúc dặn dò mai, bến dặn dò thuyền
Nghe ai quyến rũ bỏ lời nguyền của anh
Bến dặn dò thuyền, trúc dặn dò mai
Nghe ai quyến rũ, không vãng lai chốn này”.

“Lênh đênh một chiếc thuyền tình
Mười hai bến nước biết gửi mình vào đâu”.

– “Thuyền – bến” còn là nguồn cảm hứng của các nhà thơ giúp họ sáng tác nên những tác phẩm mang đậm tính truyền thống như trong thơ Xuân Diệu :

“Tình giai nhân: bến đợi dưới cây già
Tình du khách: thuyền qua không buộc chặt”.

Và thơ Hàn Mặc Tử :

“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay ?”.

Hay với sự cách tân của Chế Lan Viên “thuyền – bến” lại là :

“Buổi sáng em xa chi
Cho chiều, mùa thu đến
Để lòng anh ghé bến
Nghe thuyền em ra đi”.

+ Thể loại : Hơn 90% số bài ca dao sử dụng thể thơ lục bát hoặc lục bát biến thể. Trong ca dao còn có thể thơ khác, như : song thất lục bát, vãn bốn, vãn năm. Nguyễn Du đã rất thành công trong việc sử dụng thể thơ lục bát của dân tộc với tác phẩm “Truyện Kiều”. Ngoài, còn có một số tác phẩm văn học viết cũng được sử dụng thể thơ dân tộc này : “Lục Vân Tiên” (Nguyễn Đình Chiểu), “Lỡ bước sang ngang” (Nguyễn Bính),….

+ Chất liệu dân gian : Các nhà thơ đã sử dụng rất linh hoạt chất liệu dân gian vào tác phẩm của mình :

VD: Câu thơ :

“Tay ai thì lại làm nuôi miệng
Làm biếng ngồi ăn lở núi non.”

(Nguyễn Trãi)

– Gợi liên tưởng tới 2 câu tục ngữ : “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”, “Miệng ăn núi lở”. Câu thơ :

“Gần son thì đỏ, mực thì đen
Sáng, biết nhờ ơn thuở bóng đèn”

(Nguyễn Bỉnh Khiêm)

làm chúng ta nhớ đến câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

Như vậy, trong quá trình phát triển, hai bộ phận văn học dân gian và văn học viết luôn có mối quan hệ biện chứng, tác động, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển. Văn học dân gian là nền tảng cho văn học viết tiếp thu. Trái lại, văn học viết có tác động trở lại làm văn học dân gian thêm phong phú, đa dạng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang