Ý nghĩa biểu tượng “Cửu Trùng Đài”
Thứ nhất, Cửu Trùng Đài là một công trình kiến trúc đồ sộ, có thể xem là một tuyệt tác hoàn hảo trong giấc mộng của người nghệ sĩ. Công trình này có tầm vóc to lớn chưa từng thấy trong kiến trúc xây dựng tại Việt Nam từ trước đến nay: lượng gỗ cây, đá khối, cho dù đó là những con số nghe qua cũng đã đủ kinh hoàng (“hai trăm vạn cây gỗ chất đống cao như núi, toàn những gỗ quý vô ngần”,“hai mươi vạn phiến đá lớn, bốn mươi vạn phiến đá nhỏ, từ Chân Lạp tải ra”).
Tầm vóc của kỳ quan này không chỉ được khắc họa qua số lượng vật liệu mà chủ yếu qua tầm vóc ý tưởng của tác giả: một công trình độc nhất vô nhị, vượt xa tất cả những kỳ quan ở Trung Quốc, An Độ, Chiêm Thành,… và những công trình mà người đời từng biết đến, từng truyền tụng. Xây công trình, tác giả của nó không thèm “tranh tinh xảo” với người, chỉ “tranh tinh xảo với Hóa công” “Đây được xem là hiện thân của cái Đẹp, không phải cái Đẹp nói chung mà là cái Đẹp “siêu đẳng”. Với những nhà kiến trúc tài cao, đây là dịp thi thố tài năng, thực hiện “mộng lớn”, khẳng định thiên tài kỳ vĩ của mình”.
Thứ hai, Đài Cửu Trùng còn là hiện thân cho cái Đẹp xa hoa. Cửu Trùng Đài được xây dựng nên từ tiền thuế mà triều đình bóc lột đến cạn cùng mồ hôi, công sức lao động của nhân dân, từ máu và nước mắt của những người công nhân, từ sự nhẫn nhục trong căm phẫn của các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Cửu Trùng Đài với người nghệ sỹ sáng tạo ra nó là một công trình kiến trúc tuyệt mỹ để lại cho con cháu đời sau, với hôn quân Lê Tương Dực là nơi chốn để ăn chơi hưởng lạc nhưng với nhân dân lúc ấy, mục đích khi xây dựng nên Cửu Trùng Đài là vô nghĩa.
Tại sao họ phải đánh đổi mồ hôi, máu và nước mắt của mình để góp phần tạo nên một công trình vô nghĩa không nhằm phục vụ cho lợi ích thiết thân của bản thân mình, của giai cấp mình, thậm chí khiến chính mình bị chà đạp, bị bóc lột? Dưới góc nhìn của nhân dân, xây đài chỉ là để cho bọn vua quan ăn chơi, hưởng lạc. Bi kịch cũng nảy sinh từ mâu thuẫn này: nếu không có một ông vua ăn chơi hưởng lạc, không tiếc tiền để chi cho việc xây dựng một kỳ quan thì liệu rằng hậu thế đời sau có được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc đáng tự hào thế này chăng? Và nếu như không được tên hôn quân Lê Tương Dực phát hiện và tạo điều kiện thì liệu rằng tài năng của Vũ Như Tô có được thể hiện không?
Ý nghĩa biểu tượng của Cửu Trùng Đài được đánh giá ở nhiều góc độ trong mối quan hệ biện chứng, chặt chẽ với các nhân vật. “Cho dù đó không phải là một nhân vật bi kịch, song người đọc có thể từ hình tượng này gạch các dấu gạch nối về nhiều phía, xác lập quan hệ với nhiều nhân vật trong vở kịch để tìm hiểu ý nghĩa phong phú của nó: Với Vũ Như Tô, Cửu Trùng Đài hiện thân cho “mộng lớn”. Với Đan Thiềm, Cửu Trùng Đài hiện thân cho niềm kiêu hãnh nước nhà. Với Lê Tương Dực, Cửu Trùng Đài là quyền lực và ăn chơi. Với dân chúng, Cửu Trùng Đài là món nợ mồ hôi, xương máu,…”
Bài tham khảo:
Một mặt, Cửu Trùng Đài – như cái tên của nó – là một công trình kiến trúc mà tầm vóc không thể chỉ tính đếm bằng lượng gỗ cây, đá khối, cho dù đó là những con số nghe qua cũng đã đủ kinh hoàng (“hai trăm vạn cây gỗ chất đống cao như núi, toàn những gỗ quý vô ngần”,“hai mươi vạn phiến đá lớn, bốn mươi vạn phiến đá nhỏ, từ Chân Lạp tải ra”). Tầm vóc của nó, phải hình dung bằng chính tầm vóc ý tưởng, khát vọng đầy ngạo nghễ của người sẽ tạo ra nó: một công trình độc nhất vô nhị, vượt xa tất cả những kỳ quan ở Trung Quốc, An Độ, Chiêm Thành,… và những công trình mà người đời từng biết đến, từng truyền tụng.
Cửu Trùng Đài lại là một kỳ quan bền vững, bất diệt. Xây công trình, tác giả của nó không thèm “tranh tinh xảo” với người, chỉ “tranh tinh xảo với Hóa công” Đó là hiện thân của cái Đẹp, không phải cái Đẹp nó chung mà là cái Đẹp “siêu đẳng”. Với những nhà kiến trúc tài cao, đây là dịp thi thố tài năng, thực hiện “mộng lớn”, khẳng định thiên tài kỳ vĩ của mình.
Mặt khác, Đài Cửu Trùng còn là hiện thân cho cái Đẹp xa hoa. Xây nên kỳ quan ấy, tất nhiên cực kỳ tốn kém, một sự tốn kém không chỉ tính bằng tiền của ngân khố quốc gia, mà còn phải tính bằng cả mồ hôi, nước mắt và máu nữa. Đánh đổi bằng tất cả những thứ đó, Đài Cửu Trùng được xây lên với mục đích gì? Chưa biết trong tương lai thế nào, còn trước mắt, nhất là nhìn từ lợi ích của hôn quân Lê Tương Dực, thì “xây đài” chỉ là để “cho vua chơi”! Nhưng ví thử, không gặp một ông vua hưởng thụ xa hoa như Lê Tương Dực, thì chưa chắc và cũng chưa biết đến bao giờ, Vũ Như Tô được thi thố tài năng? Cái oái oăm là ở đó, và mầm mống bi kịch của Vũ Như Tô cũng là ở đó.
Theo đó, ý nghĩa biểu tượng của Cửu Trùng Đài được xác lập trên nhiều mối quan hệ. Cho dù đó không phải là một nhân vật bi kịch, song người đọc có thể từ hình tượng này gạch các dấu gạch nối về nhiều phía, xác lập quan hệ với nhiều nhân vật trong vở kịch để tìm hiểu ý nghĩa phong phú của nó: Với Vũ Như Tô, Cửu Trùng Đài hiện thân cho “mộng lớn”. Với Đan Thiềm, Cửu Trùng Đài hiện thân cho niềm kiêu hãnh nước nhà. Với Lê Tương Dực, Cửu Trùng Đài là quyền lực và ăn chơi. Với dân chúng, Cửu Trùng Đài là món nợ mồ hôi, xương máu,…
Trước lúc vở kịch hạ màn, sau khi dân chúng làm cái việc họ tất phải làm (đốt phá Cửu Trùng Đài thành tro bụi), Vũ Như Tô và Đan Thiềm tột cùng đau đớn, tiếc nuối “vĩnh biệt” Cửu Trùng Đài, và vĩnh biệt nhau (ĐAN THIỀM – Đài lớn tan tành! Ông cả ơi! Xin cùng ông vĩnh biệt!; VŨ NHƯ TÔ – Đan Thiềm, xin cùng bà vĩnh biệt!), thì cái tên Cửu Trùng Đài, trong một sắc thái chua chát mỉa mai, còn toát ra một ý nghĩa khác: Cửu Trùng Đài là “mộng lớn” là biểu tưởng cho sự bền vững trường tồn, nhưng, cái Đẹp và sự tồn tại của nó hóa ra lại chỉ ngắn ngủi và mong manh như một giấc chiêm bao!
Đó hẳn cũng là lý do để Nguyễn Huy Tưởng chọn cái tác phẩm thiên tài của người nghệ sĩ trong vở bi kịch này là một công trình kiến trúc kỳ vĩ (chứ không phải là một pho tượng, bức tranh, bản nhạc, cuốn tiểu thuyết,…), và người nghệ sĩ tác giả của tác phẩm ấy, phải là một kiến trúc sư (chứ không phải một nhà điêu khắc, họa sĩ, nhạc sĩ, hay một nhà văn). Sự lựa chọn của Nguyễn Huy Tưởng tất nhiên không bao hàm một cái nhìn thứ bậc, một thái độ trọng khinh, mà chỉ đơn giản là vì sự lựa chọn này giúp ông triển khai được nhiều mối quan hệ và tạo cho biểu tượng nghệ thuật trở nên lung linh, lấp lánh nhiều tầng ý nghĩa.