y-nghia-cua-tinh-tiet-kiem-trong-doi-song-con-nguoi-15698-2

Suy nghĩ về ý nghĩa của tính tiết kiệm trong đời sống con người

Suy nghĩ về ý nghĩa của tính tiết kiệm trong đời sống con người

  • Mở bài:

Trong xã hội hiện đại này, chỉ có lao động mới có thể giúp chúng ta có một cuộc sống đầy đủ, đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu để hoàn thiện cuộc sống. Tất nhiên lao động sẽ giúp chúng ta giàu có chứ không có bất kì mọt phương thức nào khác có thể làm được điều đó. Nhưng yếu tố làm nên cuộc sống phồn vinh và hạnh phúc chính là sự tiết kiệm của con người.

  • Thân bài:

Tiết kiệm là gì?

Tiết kiệm là biết sử dụng một cách hợp lí, đúng mức của cải vật chất, thời gian, sức lực của mình và người khác, không xa hoa, lãng phí, phung phí bừa bãi. Tiết kiệm thể hiện sự quý trọng kết quả lao động của bản thân và của người khác. Người có lối sống tiết kiệm luôn ăn mặc giản dị, tiêu dùng đúng mức, không lãng phí tiền của, thời gian, sức lực, không làm hư hỏng đồ dùng do cẩu thả và biết tận dụng đồ cũ còn có giá trị sử dụng trong cuộc sống của mình.

Tại sao phải biết tiết kiệm?

Tiết kiệm luôn được biết đến là sự cần thiết để đưa cuộc sống của con người đạt được sự phồn vinh, ấm no, hạnh phúc. Về tổng thể, tiết kiệm là biết để dành lại những phần ta không cần dùng cho mai sau, không tiêu xài quá lố. Có thể nói qua một số ví dụ điển hình: tiết kiệm điện, nước để giảm chi tiêu cho gia đình, hoặc đơn giản hơn là tiêu xài tiền tiết kiệm để dành cho những việc cần thiết.

Tiết kiệm là một phẩm chất cần có ở mỗi con người. Vì khi đã rèn luyện được đức tính tốt đẹp này, chúng ta đã một phần giúp cho cuộc sống của bản thân dễ chịu hơn, hạnh phúc hơn và phồn vinh hơn. Tiết kiệm là một trong những yếu tố quan trọng để ta đạt được đến thành công, vì nhờ đó, chúng ta biết tích góp những cái cần thiết kể cả là những thứ nhỏ nhặt, và từ đó “tích gió thành bão” chúng ta sẽ làm nên điều vĩ đại. Nói cách khác, tiết kiệm là bước đi đầu căn bản nhất để đạt được những điều vĩ đại.

Rèn luyện tính tiết kiệm như thế nào?

Để rèn luyện được tính tiết kiệm, chúng ta cần biết quản lí những chi tiêu, những nhu cầu trong cuộc sống, không tiêu xài quá lố, và quan trọng hơn, là biết tính toán, suy nghĩ, lựa chọn những cái mình cần hay không cần. Chỉ cần những điều trên, chúng ta đã một bước thành công trên con đường dẫn đến hạnh phúc, phồn vinh.

Nhờ vào đức tính tiết kiệm, Bill Gates, nhà lập trình nổi tiếng, cha đẻ của phần mềm lập trình máy tính Microsoft đã rất thành công trong con đường sự nghiệp của mình nhờ tính tiết kiệm. Ông tiết kiệm những chi tiêu không cần thiết, giảm bớt những hoạt động hằng ngày không hữu ích, tiết kiệm tài sản để dành cho những việc quan trọng sau này, tiết kiệm mang lại cho ông hạnh phúc. Isaac Newton sử dụng vật chất một cách tiết kiệm nhất để giành kinh phí cho những cuộc thí nghiệm khoa học, sáng chế. Chính lao động tạo ra các giá trị vật chất còn tiết kiệm mang lại cho cuộc sống sự phồn vinh.

Người ai không biết tự mình rèn luyện tính tiết kiệm, sa đà tiêu xài không đúng cách, lãng phí thì chắc chắn những điều vĩ đại, hạnh phúc, phồn vinh sẽ không bao giờ đến với họ. Những người như vậy mãi mãi sẽ không đạt được thành công, cứ dậm chân tại chỗ trên con đường hướng đến sự nghiệp mình mong muốn, không thể sánh đưa với các doanh nhân hàng đầu thế giới.

Tiết kiệm là một đức tính rất cần thiết cho hạnh phúc, phồn vinh cho cuộc sống của chúng ta. Tiết kiệm là con đường ngắn nhất để làm những điều bình thường thành những điều vĩ đại. Là yếu tố để tạo ra những bước ngoặt trong cuộc sống, tự mình tạo ra cuộc sống mà mình mong muốn nhất. Và quan trọng nhất, là để gầy dựng nên những ước mơ, những sự nghiệp mà chúng ta hướng đến.

Là học sinh, việc rèn luyện được tính tiết kiệm là vô cùng cần thiết. Vì nó sẽ dạy cho học sinh cách tiêu xài hợp lí và đúng đắn nhất. Tự mình biết quản lí những chi tiêu trong cuộc sống. Để sau này, khi đã bước ra xã hội, đức tính ấy sẽ giúp cho học sinh dễ dàng đạt được những điều mình muốn, những hạnh phúc, phồn vinh trong cuộc sống. Và thực hiện được những khát khao mà ta nhắm tới.

Cũng cần phải hiểu rằng tiết kiệm là sử dụng vật chất, tiền bạc một cách hữu ích chứ không phải là keo kiệt, bủn xỉn, xem vật chất là tất cả. Việc gì nên chi dùng thì chi dùng. việc gì không nên dùng, có thể dẫn đến lãng phí, thất thoát thì hãy tiết kiệm. Phải làm sao để phát huy giá trị của tiền bạc vật chất trong đời sống của bản thân, gia đình và xã hội bởi mục đích cuối cùng của đời người là được sống hạnh phúc chứ không phải là có nhiều tiền bạc. Không ai muốn làm tỉ phú trong nghĩa địa cả.

Phê phán:

Trong cuộc sống, vẫn còn có nhiều người không biết tiết kiệm. Họ sống buông thả, phung phí thời gian, tiền bạc, của cải của bản thân, gia đình và xã hội. Những người như thế thật dáng chê trách và lên án.

Bài học:

Tiết kiềm chưa hẳn đã giúp bạn giàu có nhưng lãng phí chắc chắn sẽ dẫn bạn đến sự nghèo khó. Hãy tiết kiệm mọi thứ, tiết kiệm mỗi ngày và kéo dài đến trọn cuộc đời mình để góp phần xây dựng cuộc sống tốt đẹp, phồn vinh.

  • Kết bài:

Người ta giàu vì biết lao động, giàu hơn nữa vì biết tiết kiệm chi tiêu. Vật chất chính là kết tinh của sức lao động mà có được. Thế nên, đừng bao giờ phung phí nó. Bạn phải sẵn sàng vất vả và chi tiêu tằn tiện để đưa được ý tưởng cất cánh. Không biết tiết kiệm dù có bao nhiêu tiền bạc đi chăng nữa cũng sẽ hết.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang