y-nghia-nhan-de-bai-tho-tieu-doi-xe-khong-kinh-9089-2

Ý nghĩa nhan đề Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật

Ý nghĩa nhan đề Bài thơ về tiểu đội xe không kính.

Phạm tiến Duật đã lựa chọn nhan đề cho bài thơ tuy không thơ mà lại rất thơ: Bài thơ về tiểu đội xe không kính. Từ “bài thơ” có vẻ như hơi thừa, nhưng thực ra từ đó lại nằm trong chủ định của tác giả và tạo nên sự liên kết giữa hai sự vật có vẻ xa lạ nhau: “bài thơ”“xe không kính”. Xe không kính thì chẳng có gì làm nên thơ cả. Vậy mà nó đã trở thành hình ảnh trung tâm của một bài thơ.

Chính chất liệu chân thực từ cuộc sống ấy đã làm nên sức sống lâu bền của bài thơ. Tác giả đã tìm ra chất thơ ở những điều tưởng chừng rất khô khan, trần trụi. Đó chính là chất thơ từ hiện thực gian khổ, ác liệt ở nơi chiến trường. Hình ảnh “những chiếc xe không kính” rất độc đáo và gây ấn tượng thị giác mạnh mẽ. Xe vốn luôn có kính. Nếu kính vỡ thì sẽ được thay mới. Thế mà, những chiếc xe ấy vẫn không có kính sau bao chuyến đi về nơi bom đạn.

Hiểu được điều ấy mới thấy Phạm Tiến Duật đã muốn gợi lên và khẳng định tính chất cuộc chiến là vô cùng ác liệt, công việc của các chiến sĩ lái xe vô cùng hiểm nguy. Kính có thay rồi lại vỡ, chưa bao giờ nó được lành lặn, nguyên si. Thế mà các anh vẫn chạy, vẫn xem không hề gì, thật đáng khâm phục.

Cách đặt nhan đề “Bài thơ tiểu đội xe không kính” không những tự nhiên còn thể hiện sâu sắc phong cách thơ Phạm Tiến Duật: rất tinh nghịch, sôi nổi, rất lính và tràn đầy niềm tin vào cuộc sống và chiến đấu. Tác giả đã tìm thấy, phát hiện và khẳng định cái chất thơ, cái đẹp nằm ngay trong hiện thực đời sống bình thường nhất, thậm chí trần trụi, khốc liệt nhất, ngay cả trong sự tàn phá dữ dội, ác liệt của chiến tranh. Đó cũng là bút pháp của nền văn học kháng chiến chiến chống Mĩ cứu nước, vừa tự nhiên, sôi động vừa đậm chất sử thi hào hùng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang