Ý nghĩa nhan đề Bình Ngô đại cáo
Năm 1427, cuộc khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược toàn thắng, thay mặt Lê Lợi, Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo nhằm tổng kết giai đoạn lịch sử tuy đau thương nhưng vô cùng oanh liệt của dân tộc, nghiêm khắc lên án tội ác tày trời của giặc và ngợi ca chiến thắng vĩ đại của nhân dân Đại Việt. Tác phẩm không những là áng thiên cổ hùng văn, mà còn là sự mẫu mực của thể văn chính luận sắc sảo. Trong bài viết nhỏ này, chúng tôi đi vào tìm hiểu nhan đề tác phẩm như là một hướng khám phá bản chất nghệ thuật của tác phẩm.
Về nhan đề Bình Ngô đại cáo, sách Văn học 10 (T1, NXB GD 2002) giải thích: “Đại cáo có nghĩa là tuyên bố, tuyên cáo cho rộng khắp những điều quan trọng”. Như vậy, hai chữ Đại cáo trong nhan đề được hiểu như một cụm từ nói về quy mô, phạm vi phổ biến và ý nghĩa lịch sử, chính trị của tác phẩm trước thời cuộc.
Bình là dẹp yên, Bình Ngô tức là đánh cho giặc Minh thần phục mà không dám cưỡng lại. Điều đó chứng tỏ ngòi bút sắc sảo, tư duy thâm thúy và nghệ thuật lập luận đầy sức thuyết phục của tác giả.
Đáng lẽ phải viết Bình Minh đại cáo thì ở đay, Nguyễn Trãi đặt tên cho bài cáo là Bình Ngô đại cáo. Ngô hay nước Ngô chính là quê hương của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương. Năm 1356, Chu Nguyên Chương tự xưng là Ngô Quốc Công rồi Ngô Vương với ý muốn nhớ về nguồn gốc xuất thân và hồi cố về chiến công hiển hách của Ngô vương Hạp Lư, người đã từng làm cho nước Sở phải thất điên bát đảo thời Xuân Thu. Đây là cách nói có ý khinh bỉ, kết tội quân Minh tàn bạo, nhấn mạnh một cách tinh tế chiến thắng của Đại Việt và sự thất bại của nhà Minh vốn được gọi bằng cái tên Ngô trong bản tuyên ngôn.
Nguyễn Trãi muốn thiên hạ thấy rằng, bài cáo là một văn kiện mang tính pháp luật, có ý nghĩa trọng đại, ngang với văn kiện pháp luật mà Minh Thái Tổ ban bố. Văn kiện của Chu Nguyên Chương tượng trưng cho uy quyền và công cụ bảo vệ nhà Minh, ở Việt Nam, Nguyễn Trãi thay lời vua Lê Thái Tổ dùng Đại cáo để tuyên bố bình Ngô thắng lợi và khẳng định sự độc lập của Đại Việt.
Bình Ngô đại cáo là tác phẩm văn học chức năng hành chính quan trọng không chỉ đối với lịch sử dân tộc Việt Nam mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình phát triển văn học sử Việt Nam. Trong tác phẩm này, tác giả đã kết hợp một cách uyển chuyển giữa tính chân xác lịch sử với chất sử thi anh hùng ca qua lối văn biền ngẫu mẫu mực của một ngọn bút tài hoa uyên thâm Hán học