»» Nội dung bài viết:
Phân biệt truyện ngắn và tiểu thuyết
1. Tác phẩm văn học tự sự.
– Truyện ngắn và tiểu thuyết là loại hình tác phẩm tự sự. Tự sự là thể loại văn học có phương thức trình bày một chuỗi sự việc, từ sự việc này đến sự việc kia, cuối cùng dẫn đến một kết thúc, thể hiện một ý nghĩa. Tự sự giúp người đọc và người nghe có thể hiểu rõ sự việc, con người, hiểu rõ vấn đề, từ đó bày tỏ thái độ khen chê. Tự sự rất cần thiết trong cuộc sống, trong giao tiếp, trong văn chương. Đặc điểm:
+ Tác phẩm tự sự phản ánh đời sống khách quan thông qua các sự kiện, hệ thống sự kiện: thể hiện một bức tranh khách quan về thế giới, về những gì tồn tại bên ngoài người trần thuật, không phụ thuộc và ý muốn và tình cảm của họ. Tất cả những sự việc, sự kiện, biến cố bên ngoài hay những cảm xúc, tâm trạng, ý nghĩ bên trong được nhà văn xem như đối tượng để phân tích.
+ Tác phẩm tự sự có khả năng phản ánh hiện thực một cách rộng lớn, bao quát: trong tác phẩm tự sự, không gian và thời gian không bị hạn chế. Nhân vật tự sự được khắc họa đầy đủ, nhiều mặt, triển khai sâu rộng trong nhiều mối quan hệ đa dạng và phong phú. Nhân vật được khắc họa từ ngoại hình đến nội tâm, cả quá khứ, hiện tại và tương lai.
+ Tác phẩm tự sự luôn luôn có hình tượng người trần thuật: làm nhiệm vụ tường thuật, kể chuyện để phân tích, nghiên cứu, khêu gợi, bình luận, cắt nghĩa những quan hệ phức tạp giữa nhân vật và nhân vật, giữa nhân vật và hoàn cảnh… Trong tác phẩm tự sự, hình tượng người trần thuật giữ một vai trò hết sức quan trọng và luôn luôn muốn hướng dẫn, gợi ý cho người đọc nên hiểu nhân vật, hoàn cảnh… như thế nào.
+ Lời văn trong tác phẩm tự sự: chủ yếu là lời văn kể chuyện, miêu tả.
2. Đặc điểm của truyện ngắn.
– Truyện ngắn là một thể loại văn học. Nó thường là các câu chuyện kể bằng văn xuôi và có xu hướng ngắn gọn, súc tích và hàm nghĩa hơn các câu truyện dài như tiểu thuyết.
– Về nhân vật trong truyện ngắn:
+ Số lượng nhân vật trong truyện ngắn thường rất ít và cũng không có nhiều sự kiện phức tạp. Nó thường kể về cuộc đời hay một khoảng thời gian nhất định trong cuộc đời của nhân vật chính.
+ Nếu thế giới và cốt truyện trong tiểu thuyết chủ yếu chỉ xoay quanh nhân vật chính, thì trong truyện ngắn nhân vật chính chỉ là một phần nhỏ của thế giới và tượng trưng cho một ý thức hay một trạng thái xã hội.
+ Nhân vật trong truyện ngắn thường được mô tả nội tâm thay vì thông qua đối thoại kịch bản xuyên suốt cả cốt truyện.
– Về nội dung trong truyện ngắn: Vì truyện ngắn có ít nhân vật, sự kiện và biến cố nên các tình tiết trong truyện ngắn thường chỉ ghi lại những sự kiện tiêu biểu nhất, đủ để người đọc có thể liên tưởng đến cả quá trình. Nội tâm của nhân vật là mấu chốt quyết định cốt truyện nên nội dung chủ yếu xoay quanh những thay đổi trong ý thức, tâm trạng của nhân vật với bút pháp trần thuật là chấm phá.
– Bố cục của truyện ngắn không có kết cấu rõ ràng, mà chủ yếu là các sự việc đan xen vào nhau. Chi tiết là yếu tố quan trọng gửi gắm nội dung chính của truyện ngắn.
– Đề tài của truyện ngắn rất phong phú, đa dạng, chạm đến mọi ngóc ngách đời sống. Chẳng hạn, về cùng một chủ thể là người nông dân trước Cách mạng tháng Tám nhưng nhà văn Ngô Tất Tố thì liên tưởng đến sự bần cùng hóa của họ về vật chất (Tắt đèn, Lều chõng,…) thì dưới ngòi bút của nhà văn Nam Cao ông lại chỉ ra sự tha hóa về nhân cách của những con người ấy (Chí Phèo, Đời thừa,…).
3. Đặc điểm của tiểu thuyết.
– Tiểu thuyết là một thể loại văn xuôi có hư cấu, thông qua nhân vật, hoàn cảnh, sự việc để phản ánh bức tranh xã hội rộng lớn và những vấn đề của cuộc sống con người, biểu hiện tính chất tường thuật, tính chất kể chuyện bằng ngôn ngữ văn xuôi theo những chủ đề xác định.
– Tiểu thuyết có nhiều dạng thức kết cấu tùy theo yêu cầu của đề tài, chủ đề hoặc theo sở trường của người viết. Thậm chí người ta còn cho rằng, về nguyên tắc, tiểu thuyết không có một hình thức thể loại hoàn kết, bởi vì nó là “sử thi của thời đại chúng ta”, tức là sử thi của cái hiện tại, cái đang hàng ngày hàng giờ đổi thay.
– Tuy thường gặp những kết cấu chương hồi, kết cấu tâm lý, kết cấu luận đề, kết cấu đơn tuyến, kết cấu đa tuyến v.v. Tiểu thuyết vẫn không chịu được những chế định chặt chẽ, nó không có quy phạm cố định và người viết thậm chí có thể phá vỡ những khuôn mẫu sẵn có để vận dụng một cách linh hoạt và sáng tạo các hình thức kết cấu khác nhau. Kết cấu cho phép tạo nên một diện mạo chung nhất về tiểu loại: tiểu thuyết chương hồi, tiểu thuyết tâm lý, tiểu thuyết luận đề, tiểu thuyết đa thanh v.v.
4. Phân biệt truyện ngắn và tiểu thuyết.
– Căn cứ theo số trang mà truyện có thể in ra. Thông thường truyện ngắn có độ dài chỉ từ vài dòng đến vài chục trang, trong khi đó tiểu thuyết rất khó dừng lại ở con số đó. Vì thế, tình huống truyện luôn là vấn đề quan trọng bậc nhất của nghệ thuật truyện ngắn.
– Căn cứ vào chủ đề, đề tài: Truyện ngắn thường chỉ tập trung vào một tình huống, một chủ đề nhất định. Trong khi đó, tiểu thuyết chứa được nhiều vấn đề, phủ sóng được một diện rộng lớn của đời sống. Do đó, truyện ngắn thường hết sức hạn chế về nhân vật, thời gian và không gian trong truyện ngắn cũng không trải dài như tiểu thuyết. Đôi khi truyện ngắn chỉ là một khoảng khắc của cuộc sống.
– Căn cứ theo cách viết: Tiểu thuyết thì cứ triền miên theo thời gian, đôi khi có quãng hồi ức trở ngược lại. Truyện ngắn thì gây cho người đọc một cái nút, một khúc mắc cần giải đáp. Cái nút đó càng ngày càng thắt lại đến đỉnh điểm thì đột ngột cởi tung ra, khiến người đọc hả hê, hết băn khoăn.