phan-tich-bi-kich-bi-cu-tuyet-quyen-lam-nguoi-cua-chi-pheo-trong-truyen-ngan-chi-pheo-cua-nam-cao-678

Phân tích bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao

Bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo trong truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao

  • Mở bài:

Đọc Chí Phèo, nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh từng nhận xét: “Khi Chí Phèo ngột ngưỡng bước ra từ trang sách của Nam Cao, người ta mới thấy đây là hiện thân đầy đủ nhất cho những gì gọi là cùng khổ của người dân cày trong một xã hội thuộc địa: bị đày đọa, cào xé, hủy hoại từ nhân tính đến nhân hình”. Có thể nói bi kịch cuộc đời, bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo là một trong những trang viết khố liệt và đau đớn nhất của nền văn học Việt Nam thế kỉ XX.

  • Thân bài:

Thật vậy, trong tuyệt tác “Chí Phèo”, Nam Cao đã khắc hoạ rõ nét một nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình: nhân vật Chí Phèo từ một chàng trai trẻ lương thiện, bị xã hội thực dân phong kiến đày đọa đến biến dạng cả tính cách lẫn ngoại hình. “Chí Phèo” như một bản án cáo trạng đanh thép tố cáo xã hội phong kiến đầy bất công đã đấy người nông dân vào con đường bần cùng hoá. Nối bật là bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo, hắn muốn hoàn lương nhưng không một ai chấp nhân. Chính những đặc sắc trong nghệ thuật xây dựng nhân vật, Chí Phèo trở thành thiên truyện có một không hai của văn học Việt Nam.

Qua bi kịch của nhân vật Chí Phèo, nhà văn đã lí giải thành công quá trình bị tha hoá của người nông dân hiền lành, lương thiện, chịu khó làm ăn. Thế nhưng, Chí bất ngờ bị đẩy vào tù vì cái tính ghen hiểm ác của cụ bá Kiến oai trấn làng Vũ Đại. Bước ra khỏi nhà tù, Chí thay đổi đến đáng sợ trở thành một “con quý dữ” gớm ghiếc, côn đồ và tàn bạo. Dáng chú ý hơn, Chí lại trở thành tay sai cho bá Kiến, hằng ngày ăn cơm của kẻ đã đưa hắn vào tù. Công việc của Chí là đời nợ và rạch mặt ăn vạ. Rồi trong một cơn say, hắn gặp Thị Nở – một người phụ nữ dở hơi, ế chồng, xấu đến “ma chê quỷ hờn”. Bằng sự quan tâm, chăm sóc và hương vị thơm nồng của bát cháo hành, Thị đã đánh thức phần người bị chôn vùi bấy lâu nay của Chí. Trong tình yêu thương của Thị Nở, hắn ao ước về một gia đình nhỏ với Thị và khao khát trở về làm người lương thiện.

Thế nhưng bi kịch lại đến với Chí một lần nữa: bà cô của Thị Nở ngăn cấm cuộc tình duyên, cánh cửa trở về với cuộc đời đóng sập trước mặt, đưa Chí trở lại vị trí của kẻ lưu manh bị xã hội ruồng bỏ. Chí nhận ra bi kịch của đời mình, tìm đến với rượu rồi trong cơn say khướt, Chí xách dao đến nhà bá Kiến để đòi nợ.

Càng đọc “Chí Phèo”, ta càng đồng cảm với nỗi đau khốn cùng của nhân vật. Chí Phèo sinh ra là một con người tuy không hạnh phúc hoàn toàn nhưng là một con người tốt đẹp. Thế mà, cuộc dời nghiệt ngã đã đảy Chí vào con đường lưu manh hóa rồi chết trên con đường trở về với nhân tính. Suốt quãng thời gian dài phải sống là thân phận một “con quỷ dữ”, một thằng lưu manh không ai muốn dây vào, Chí hoàn toàn mát hết lí trí, mất hết lương tri, lương năng, làm biết bao việc tàn ác, những việc vốn không bao giờ xảy ra với một chàng nông dân hiền lành như cục đất. Chí nhận ra sai lầm nhưng không có cơ hội để sửa sai, bị cả xã hội ruồng bỏ đến cùng cực.

Bi kịch đau đớn của Chí có lẽ bắt đầu từ cơ duyên gặp gỡ và yêu Thị Nở. Sau đêm ăn nằm cùng nhau dưới bụi chuối, bản năng sống của Chí đã trở về. Hắn không còn u mê như một con thú. Rồi chính tình yêu thương mộc mạc, sự chăm sóc chân thành của Thị, bát cháo hành thơm nức tình người đánh bay hơi rượu, giải cảm trên thân thể, giải độc trong tâm hồn và khơi dậy khát vọng sống của Chí. Hắn muốn trở lại làm người. và hơn thế, là một con người lương thiện, hòa nhã, thân thiện với mọi người. Đó là một khát vọng chính đáng, thật đáng trân trọng.

Chí tỉnh dậy sau cơn say và cảm thấy lòng “bâng khuân mơ hồ buồn”. Lần đầu tiên sau nhiều năm, Chí mới nghe thấy âm thanh của cuộc sống: tiếng chim hót vui vẻ, tiếng cười nói của những người đi chợ về, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuối cá. Những âm thanh bình dị của cuộc sống ngày nào chả có nhưng hôm nay bỗng vang động sâu xa trong lòng Chí Phèo và trở thành tiếng gọi của sự sống, của cuộc đời vẳng đến đôi tai lần đầu tiên biết nghe của hắn.

Bấy lâu nay, dường như Chí chưa bao giờ tỉnh táo để nhận thấy sự tồn tại của bản thân hắn trong cuộc đời này. Nhờ tiếng gọi của trái tim, hắn nhìn lại cuộc đời, nhớ tới ngày xa xưa: “một cái gì đó rất xa xôi”, rồi nghĩ đến hiện tại đáng buồn. Hắn đã tới cái dốc bên kia của cuộc đời và nhận ra sự cô độc còn đáng sợ hơn cả đói rét và ốm đau. Nghĩa là hắn sợ cái chết, nỗi sợ hãi cố hữu trong con người. Hắn không muốn chết như một con vật cô độc mà muốn chết như một con người, có người thân bên cạnh.

Nam Cao đã lột tả độc đáo từng phút giây bừng thức của nhân vật. Cả quá khứ, hiện tại và tương lai của Chí mở mịt như một ngày mưa, như bóng tối của vũ trụ. Hắn bâng khuâng về thực tại, về cuộc đời mình, lần dầu tiên linh hồn ấy trở về, biết nghĩ suy và đối mặt với chính mình, nhận ra sự tuyệt vọng cua bản thân.

Có thể nói, con đường từ trái tim đến trái tim thực sự cảm hoá được một con người, một con quỷ dữ mất hết nhân tính. Bát cháo hành giản dị, đơn sơ và chân thành của Thị Nở nhiệm màu như dòng nước cam lồ của Quan Âm đem đến cho trái tim Chí Phèo nguồn sống mạnh mẽ,  làm hồi sinh những rung động đầu tiên, le lói ngọn lửa của tình yêu chân thành với Thị. Hương vị của bát cháo hành không chỉ là tình thương, sự đồng cảm của nhân loại mà còn là tình cảm, là hạnh phúc lứa đôi, có sức mạnh xoá tan vùng kí ức đen tối, làm sáng lên niềm tin ở ngày mai. Ngòi bút phân tích tâm lí nhân vật của Nam Cao hết sức tinh tế và nhạy cảm khi mô tả quá trình hoàn lương của Chí.

Cảm động quá, Chí như muốn khốc. Đó như tiếng khóc hạnh phúc bắt đầu lại cuộc đòi mới: “Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hoà với mọi người biết bao”, hắn còn mong được nhận vào cái xã hội bằng phẳng, lương thiện của những người lương thiện. Chí đã trở lại là anh canh điền hiền lành của năm xưa. Ấy là bản tính của hắn ngày thường bị lấp đi, chôn vùi trong tận thẳm sâu tiềm thức. Như bao người, hắn từng có ước mơ về một gia đình nhỏ: chồng cuốc mướn, cày thuê, vợ dệt vải.

Tưởng chừng Thị Nở sẽ cùng Chí Phèo thực hiện những ước nguyện giản dị, vẽ lại cuộc đời mới để được sống hạnh phúc, sống là chính mình. Nhưng không, cánh cửa trở lại làm người lương thiện vừa được hé mở đã bị đóng sập lại ngay trước mặt hắn. Bà cô Thị Nở dứt khoát không cho cháu bà “lấy ai không lấy, ai đời đi lấy thằng Chí Phèo”- một kẻ chỉ có một nghề là rạch mặt ăn vạ. Bị Thị Nở dứt tình, Chí đau đớn tận cùng. Giá mà Thị Nở không đến với hắn, cứ để hắn say như lúc trước thì có lẽ hắn sẽ bớt khổ hơn lúc này.

Chí tìm đến với rượu như một thói quen. Chí hi vọng rượu có thể khiến hắn say rồi quên đi tất cả mọi chuyện. Hay đơn giản là dũng cảm bước qua lằn ranh lương thiện trở về với cái ác mà hắn vừa vạch ra. Thế nhưng, càng uống hắn càng tĩnh, càng cảm nhận nỗi đau, thấm thìa về cuộc đời mình. “Hắn ôm mặt khóc rung rúc. Rồi lại nôn”. Trong con quằn quại, đau khổ và tuyệt vọng, Chí quyết định trả thù, cũng là mọt thói quen, một việc quen thuộc mà hắn thường làm trước đây. Hắn định đến nhà bà cô Thị Nở trả cho bà món hận trong lòng.

Bước chân định mệnh đã đưa Chí đến nhá Bá Kiến. Trong cơn say, Chí mơ hồ nhận ra kẻ thù đích thực, kẻ đã gây ra cho cuộc đời hắn, nỗi đau của hắn là Bá Kiến chứ không phải Thị hay bà cô. Chi tiết hắn đứng chửi cùng với tiếng chó inh ỏi thật đắc địa. Tiếng Chí chửi nhà Bá Kiến, chửi cuộc đời, trong tiếng bầy chó sủa chan chát. Không ai muốn nghe, không ai dám đứng gần để nghe. Lúc này, là Chí hay là chó không ai còn phân biệt được nữa. Và cũng không cần phân biệt bởi đối với người làng Vũ Đại tiếng chửi của Chí Phèo hay tiếng chó sửa của nhà Bá Kiến đều đáng sợ.

Bá Kiến trở về, với bản lĩnh của con cáo già sừng sỏ, hắn tỏ ra bình tĩnh lắm. Thế nhưng, lúc này, mọi lời giáo huấn hay tranh luận với Chí đều trở nên vô nghĩa. Lưỡi dao công lí trong tay Chí Phèo đã kết thúc cuộc đời của Bá Kiến và cả cuộc đời Chí.

Cái chết bi thảm của Chí Phèo cho thấy khát khao cháy bỏng được sống lương thiện của người nông dân. Đây là bi kịch tất yếu của một con người sinh ra là người nhưng lại bị xã hội từ chối, xua đuổi. Từ đó, nhà văn tố cáo xã hội phong kiến nửa thực dân đã đẩy người nông dân lương thiện, hiền lành vào con đường tha hóa, bần cùng hoá và lưu manh hoá. Bằng bút pháp xây dựng nhân vật sống động, có cá tính độc đáo, lối kể chuyện mới mẻ, Nam Cao đã chạm khắc rõ cái bản chất “chó đểu” và tàn bạo của xã hội và khẳng định tâm hồn cao dẹp của người nông dân ngay khi họ đã biến thành “con quỷ dữ”.

Bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo, Nam Cao lên án sâu sắc xã hội tàn bạo chà đạp nhân phẩm con người của Chí Phèo phản ánh hiện thực mang tính quy luật: còn xã hội vô nhân đạo thì vẫn còn hiện tượng Chí Phèo hay rộng hơn là hiện tượng người thiện lương bị tha hóa rồi phải chết một cách thê thảm. Từ đó, ta nhận ra phải ngăn chặn xã hội vô nhân đạo làm tha hóa con người, phải thay đổi, cải tạo xã hội để nó nhân đạo hơn. Chỉ khi đó lương thiện mới được xác lập, con người mói được nhìn nhận.

  • Kết bài:

Qua số phận bi thảm và bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo, Nam Cao lên án sâu sắc xã hội tàn bạo chà đạp nhân phẩm con người, vạch ra mối mâu thuẫn gay gắt không thể điều hòa ở nông thôn Việt Nam đương thời và tình trạng tha hóa phổ biến trong xã hội. Đồng thời Nam Cao thể hiện tư tưởng nhân đạo tốt đẹp, niềm tin vào bản chất lương thiện của con người. Bi kịch của Chí Phèo chính là tiếng kêu cứu thiết tha của những người bất hạnh, là tiếng nói đấu tranh, đòi quyền được sống và được làm người lương thiện.


Bài văn tham khảo:

Chí Phèo là kiệt tác của Nam Cao và của trào lưu văn học hiện thực phê phán. Tác phẩm đã định vị Nam Cao trong văn giới, đã nâng tầm đón nhận của người đọc bằng sự mạnh dạn tạo ra một khoảng cách thẩm mĩ mới. Lê Văn Trương hăm hở giới thiệu Nam Cao với người đọc “Dám nói và dám viết những cái khác người, ông Nam Cao đã đem đến cho ta những khoái cảm mới mẻ, ông đã tỏ ra một con người có can đảm”.

Truyện mở đầu bằng tiếng chửi khác đời của một Chí Phèo không biết là đang say hay đang tỉnh. Sự tình ấy lẽ ra khiến người ta phải ngạc nhiên lắm lắm nhưng sự thực là cả làng Vũ Đại không một ai ngạc nhiên khiến Chí Phèo rơi vào khoảng ‘chân không”, người ta như vốn đã coi Chí Phèo không có trên đời này, không ai rỗi hơi nghe Chí và mở miệng với Chí làm gì. Thế đấy, truyện mở đầu bằng tình huống xung đột như thế: Chí Phèo xung đột với tất cả mọi người, kể cả cái ‘ đứa chết mẹ nào đã để ra” hắn. Đỉnh điểm ấy của Chí chỉ cách ngày Chí chết đúng …6 ngày! Nhưng 6 ngày ấy đã có giá trị hoàn nguyên, chiêu tuyết cả một cuộc đời Chí

Qua thiên truyện người đọc dễ dàng nhận ra chính Bá Kiến và chế độ nhà tù thực dân, chứ không phải một ai khác, đã đẩy Chí Phèo vào con đường tha hoá nghiêm trọng. Chí Phèo đi tù chỉ vì thói dâm đãng của mụ vợ ba và máu ghen bệnh hoạn của tên chồng cường hào Bá Kiến. Nhà tù thực dân đã tiếp tay tên chúa đất này nhào nặn Chí Phèo – một canh điền trẻ tráng, lành sạch- thành con người dị dạng dưới mắt dân làng: ” Hắn về lớp này trông khác hẳn, mới đầu chẳng ai biết hắn là ai. Trông đặc như thằng sắng cá! Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết! Hắn mặc cái quần nái đen với cái áo Tây vàng. Cái ngực phanh đầy những nét chạm trổ rồng, phượng với một ông tướng cầm chuỳ, cả hai cánh tay cũng thế. Trông gớm chết!”

Một ngày sau khi về làng, Chí Phèo gây sự ngay với cha con Bá Kiến: “Tao chỉ liều chết với bố con nhà mày đấy thôi. Nhưng tao mà chết thì có thằng sạt nghiệp”. Chắc hẳn ‘ Một ngày trong tù bằng ngàn thu ở ngoài” nên khi trải bảy tám năm ngồi tù Chí đã nghiền ngẫm ai là kẻ đã đẩy mình vào đó. Nhưng thật trớ trêu, lần “liều chết” đó cũng không vượt quá giới hạn của một cuộc ‘rạch mặt ăn vạ” . Đến đây Chí vẫn chưa hiểu hết mọi nguyên nhân dẫn đến thảm cảnh của mình

Lọc lõi trong thuật nắm thóp đứa bất trị, Bá Kiến dễ dàng thu phục và lợi dụng Chí Phèo để tác yêu tác quái dân làng. Vòng ‘kim cô” đã thắt, Chí Phèo trở thành đứa đâm thuê của Bá Kiến, thành con ác quỷ làng Vũ Đại. Mười mấy năm về làng, Chí Phèo mụ mị vì men rượu, đến nỗi ” Hắn biết đâu hắn đã phá bao nhiêu cơ nghiệp, đập nát bao nhiêu cảnh yên vui, đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc, làm chảy máu và nước mắt của bao nhiêu người lương thiện. Hắn biết đâu vì hắn làm tất cả những việc ấy trong lúc say; hắn say thì hắn làm bất cứ cái gì người ta sai hắn làm. Tất cả dân làng đều sợ hắn và tránh mặt hắn mỗi lần hắn qua”.

Chí Phèo đã tha hoá nghiêm trọng cả về nhân hình lẫn nhân tính. Qua cuộc đời của Chí Phèo, Nam Cao đã phát hiện ra một quy luật nghiệt ngã: Bọn cường hào và thực dân đã đẩy những người dân hiền lành, lương thiện vào con đường tha hoá và biến chất. Những người vốn là nạn nhân này lại trở thành ác quỷ phá hoại cuộc sống của bao nhiêu dân lành khác . Tiếng chửi đầu tác phẩm là tất cả nỗi phẫn uất, sự phá phách, cảm giác rơi vào “chân không” của Chí giữa cõi đời nhưng lúc đó Chí chưa phải là nhân vật bi kịch. Sự kiện ấy cũng chứng tỏ sức mạnh của thiết chế xã hội thực dân – phong kiến ở nông thôn (hiện hình qua Bá Kiến và bao nhiêu phe cánh khác dưới sự tiếp tay , hỗ trợ , đỡ đầu của thực dân) bấy giờ như một vỏ bọc không dễ gì chọc thủng được. Nó như một thứ hộp đen bao bọc lấy số phận con người, huỷ hoại bao nhiêu kiếp người .

Chí Phèo đã thật sự tha hoá từ lâu nhưng chưa bao giờ anh ta tỉnh để nhận ra sự thật nghiệt ngã ấy. Thậm chí có lúc anh ta tự đắc: “Anh hùng làng này cóc thằng nào bằng ta”. Như vậy, lúc bấy giờ Chí Phèo chưa phải là nhân vật bi kịch vì anh ta đã mất ý thức do những cơn say tràn từ cơn này sang cơn khác chưa bao giờ tỉnh táo để nhận ra sự có mặt của mình trên cõi đời này. Nói cách khác, ý thức anh ta bị rượu của Bá Kiến đầu độc. Chỉ sau đêm gặp Thị Nở và ốm nặng ,sáng hôm sau tỉnh dậy Chí mới thật sự tỉnh táo – sau mười mấy năm tính từ lúc đi tù về và lúc ấy mới đủ điều kiện xuất hiện tấn bi kịch nội tâm

Trước hết là sự thức tỉnh. Bắt đầu là tỉnh rượu. Đây là lần đầu tiên Chí tỉnh rượu. Lần đầu tiên, Chí cảm nhận được về căn lều của mình, một không gian quen thuộc mà như mới mẻ, lạ lẫm; cảm nhận và nghe được những âm thanh của cuộc sống xung quanh: ” Mặt trời bây giờ chắc đã lên cao và nắng bên ngoài chắc là rực rỡ”, ” tiếng chim hót , tiếng cười nói của những người đi chợ, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá ngoài sông…”; Chí nhớ lại ước mơ của những ngày còn trai trẻ từng “ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê. Vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”

Tiếp đến là tỉnh ngộ trong ý thức , trong tâm lí. Chí nhận thức được tình trạng thê thảm của bản thân : ” Tỉnh dậy hắn thấy hắn đã già mà vẫn còn cô độc. Buồn thay cho đời! Có lí nào như thế được? Hắn đã già rồi hay sao? Ngoài bốn mươi tuổi đầu… Dầu sao , đó không phải là tuổi mà người ta mới bắt đầu sửa soạn. Hắn đã tới cái dốc bên kia của đời. Ở những người như hắn, chịu đựng biết bao nhiêu là chất độc, đày đọa cực nhọc mà chưa bao giờ ốm, một trận ốm có thể gọi là dấu hiệu báo rằng cơ thể đã hư hỏng nhiều. Nó là một cơn mưa gió cuối thu cho biết trời gió rét, nay mùa đông đã đến. Chí Phèo hình như đã trông thấy trước tuổi già của hắn đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau”

Thị Nở, sau một phút loé sáng của tư duy và tình cảm, đã kịp đến đó và mang cho Chí một bát cháo hành. Chí cảm động trước tình người – sự chăm sóc ” vô tư ” của Thị Nở qua bát cháo hành nóng sốt, ngát hương . Lần đầu tiên Chí cảm thấy hạnh phúc thật sự khi được đùm bọc, yêu thương, Chí cảm thấy mình yếu đuối, rất cần một sự đối xử săn sóc như vậy. Chí ý thức thật rõ ràng cử chỉ của Thị Nở là tình yêu, hành động trước kia của Mụ vợ ba Bá Kiến là sự làm nhục . Chí phân biệt bát cháo hành của thị Nở mang cho là sự ân cần đùm bọc vì lòng thương yêu, còn trước kia Chí có ăn là do cướp giật. Chí khao khát được trở lại làm người lương thiện. Tình yêu của Thị Nở đã đánh thức bản chất lương thiện còn sót lại của Chí Phèo.

Liền sau đó là niềm hi vọng được nhen nhóm trong lòng, Chí thèm được làm hòa với mọi người, được trở lại làm người lương thiện. Chí đặt hi vọng vào Thị Nở. Hi vọng của Chí là biểu hiện mạnh mẽ nhất của nhân tính trong con người anh ta. “Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao! Thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Thị có thể sống yên ổn với hắn thì sao người khác lại không thể được. Họ sẽ thấy rằng hắn cũng có thể không làm hại được ai. Họ sẽ lại nhận hắn vào cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện”

Nhưng ngay sau phút thăng hoa bằng mơ ước, Chí lập tức rơi vào nỗi thất vọng và đau đớn. Bà cô, hiện thân của thành kiến nặng nề, không cho cháu bà đâm đầu đi lấy một thằng không cha lại chỉ có một nghề là “rạch mặt, ăn vạ”. Thị Nở thẳng thừng đoạn tình, đẩy Chí ngã mặc dù Chí cố chạy theo nắm lấy tay Thị Nở như là một nỗ lực cuối cùng để níu lại cho mình chiếc cầu phao mong manh duy nhất bắc qua bờ nhân thế .

Trong trạng thái phẫn uất, tuyệt vọng, Chí cố nốc rượu nhưng lạ thay càng uống Chí càng tỉnh, tỉnh vì ý thức làm người đã trở về. Hơi cháo hành hiện về trong tâm trí, Chí ôm mặt khóc rưng rức. Đây là lần đầu tiên Chí biết khóc và khóc được. Chí chưa hề khóc trong suốt cả mười mấy năm “trần trụi giữa bầy sói”- kể từ lúc ra tù .Đó là sự thức nhận bi kịch tinh thần của Chí Phèo, bi kịch bị khước từ quyền được làm người lương thiện.

Bị dồn đẩy đến chân tường, Chí Phèo xách dao đi, miệng lẩm bẩm đâm chết ” con đĩ Nở và con khọm già nhà nó” nhưng chân lại bước đến nhà Bá Kiến. Sự đổi hướng bước đi của Chí Phèo không một ai biết trước nhưng cũng không làm ai phải ngạc nhiên. Chí đến nhà Bá Kiến đòi lương thiện chứ không đến nhà thị Nở đòi tình yêu. Chí dõng dạc đòi lương thiện ở kẻ thù trực tiếp đã cướp đi cả cuộc đời hắn. “Ai cho tao lương thiện?” ., “Tao không thể là người lương thiện nữa!” là những câu nói bộc lộ rõ nhất ý thức của Chí về bi kịch của chính mình và Chí đã hành động cái hành động chót cùng của một số phận bi kịch.

Giết chết Bá Kiến, Chí quay lại kết liễu cuộc đời mình. Chí Phèo chết vì không tìm được lối thoát, vì xã hội không cho hắn sống tử tế. Ý thức nhân phẩm đã trở về, Chí không thể tiếp tục sống kiếp thú vật nữa. Chí chết trên ngưỡng cửa trở về với cuộc đời. Vì là chết trong sự ý thức nên đó không phải là cái chết của một con vật. Bằng bi kịch của một con người bị gạt bỏ quyền làm người ở đầu truyện hiện hình qua tiếng gào thét, chửi bới trong cô đơn và bi kịch bị từ chối khát vọng cải hóa thành người tốt đẹp ở cuối truyện do sự ghẻ lạnh của một cộng đồng ngái ngủ hiện hình qua tiếng khóc một mình; tiếng nói dõng dạc đòi lương thiện và những nhát dao định mệnh, cảm hứng tố cáo xã hội mãnh liệt cũng như tấm lòng nhân đạo sâu sắc của Nam Cao thật sự giàu khả năng thức tỉnh người đời.

Truyện ngắn Chí Phèo nhìn bề ngoài được trần thuật từ ngôi thứ ba, theo quan điểm trần thuật khách quan nhưng thâm nhập sâu vào tác phẩm ta thấy quan điểm trần thuật khách quan đã nhanh chóng chuyển thành quan điểm trần thuật theo nhân vật ( Chí Phèo , Bá Kiến, Thị Nở, đám đông dân làng,..). Người trần thuật – tác giả đã nhập vai vào nhân vật Chí Phèo để nói lên thật cụ thể tâm trạng đầy phân vân, do dự giữa việc vào hay không vào nhà bá Kiến báo thù. Ta còn thấy lòng chân thật và tâm trạng bâng khuâng, mơ hồ buồn vào cái buổi sáng sau lần gặp gỡ Thị Nở của Chí, nỗi niềm khao khát lương thiện của Chí Phèo: “Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao”…

Khi thì lời trần thuật lại nhập vào dòng tâm tư của nhân vật Bá Kiến để thể hiện thật là sắc sảo những suy nghĩ, những tính toán đầy nham hiểm, nét khôn ngoan róc đời của con cáo già này, qua đó lí giải nguyên nhân bi kịch của nhân vật chính Chí Phèo. Phải thừa nhận rằng chưa có nhà văn hiện thực nào ở nước ta tính cho đến bấy giờ xây dựng được hình tượng nhân vật cường hào sinh động, kì thú đến như vậy. Cứ như thế, phương thức trần thuật, quan điểm trần thuật trong Chí Phèo luôn thay đổi, đan cài, thâm nhập vào nhau, tạo nên cách dẫn chuyện phóng túng, tự nhiên và có chiều sâu của thiên truyện.

Chí Phèo có một kết cấu thật độc đáo. Chỉ có sáu ngày cuối đời Chí mà nhà văn mở ra bao nhiêu mối quan hệ chằng chịt , dích dắc của cả làng Vũ Đại từ bọn đàn anh ở cái thế ‘ quần ngư tranh thực”, đến sự nảy nòi ra những đứa ” đầu bò”, chuyện trai gái, ghen tuông, những mánh khoé bóp nặn của bọ cường hào, chuyện tình yêu, chuyện truy cầu nhân phẩm muộn mằn nhưng quyết liệt và cả một nỗi lo sợ mơ hồ mênh mông về một Chí Phèo con lại tái xuất giang hồ .…Làm được điều đó, tác giả đã thể hiện một năng lực kết cấu theo dòng suy nghĩ của nhân vật, nhất là Chí Phèo và Bá Kiến.

Một trong những thành công của nghệ thuật trần thuật ở Chí Phèo còn là ở chỗ tác giả thể hiện ý thức ngôn ngữ đám đông tạo ra một giọng điệu đa thanh, phức điệu tuyệt vời, càng đọc càng thấy thú. Nhất là đoạn dư luận người làng về lí do Chí bị bắt vào tù; đoạn Chí gây hấn với cha con Bá Kiến lần đầu sau khi đi tù về một ngày và đặc biệt là đoạn kết truyện. Truyện Chí Phèo bằng văn bản đã kết thúc nhưng chưa bao giờ người đọc cảm thấy câu chuyện này dừng ở đó. Hình thức đầu cuối tương ứng của truyện được đặt trên cái nền đa thanh ấy hẳn còn nhiều ” đa sự, đa đoan”

Với những gì nhà văn đã thể hiện bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo – từ khi đi tù về hiện ra một cách đầy góc cạnh. Có biết bao nhiêu thế lực xô đẩy Chí Phèo vào con đường tội lỗi. Nhưng ngược lại , suốt hơn chục năm trời kể từ khi ra tù về sống ở làng Vũ Đại, không hề có ai đối xử với Chí Phèo như một con người, cũng không hề có một cơ may nào, một bàn tay thân thiện nào chìa ra vẫy gọi, dù chỉ là từ xa, Chí Phèo trở về “trên mảnh đất người đời”. Chỉ có Thị Nở trong đêm trăng định mệnh và bát cháo hành nóng sốt , nồng nàn của tình yêu là chiếc cầu giao lưu giữa Chí với thế giới người ( gọi thế thôi chứ làng Vũ Đại chỉ là ” mảnh đất lắm người nhiều ma”).

Và con ma định kiến ngày thường vẫn nấp sâu trong cái vỏ bọc của những chủ nhân tuy cũng “thấp cổ bé họng” thôi nhưng khi họ được có chút quyền hành cũng tác uy tác phúc ra phết ! Hỏi có buồn không khi mà ngày Chí chưa bị Lí Kiến hại thì ngay mụ vợ ba của Lí Kiến cũng thèm muốn, lợi dụng thì đến đoạn cuối cùng đến cả thị Nở Chí cũng không lấy được! Câu nói cuối cùng của Chí Phèo trước khi vung nhát dao định mệnh tuy ngắn gọn mà chứa cả một triết lí, một bài học xương máu mà nói như Nguyễn Hoành Khung khi: “ý thức nhân phẩm đã trở về, CHÍ PHÈO không bằng lòng trở lại cuộc sống thú vật nữa. Trước đây để bám lấy sự sống, Chí Phèo đã bán linh hồn cho quỷ; giờ đây linh hồn ấy trở về, Chí Phèo lại phải thủ tiêu cuộc sống của mình”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang