suy-nghi-ve-su-cam-thong-chia-se-giua-con-nguoi-voi-nhau-trong-cuoc-song-qua-cau-chuyen

Suy nghĩ về sự cảm thông, chia sẻ giữa con người với nhau trong cuộc sống qua câu chuyện DIỄN GIẢ LÊ-Ô-BU-SCA-GLI-A

Suy nghĩ về sự cảm thông, chia sẻ giữa con người với nhau trong cuộc sống qua câu chuyện DIỄN GIẢ LÊ-Ô-BU-SCA-GLI-A

DIỄN GIẢ LÊ-Ô-BU-SCA-GLI-A

Diễn giả Lê-ô Bu-sca-gli-a kể về cuộc thi mà ông làm giám khảo. Mục đích của cuộc thi là tìm ra đứa trẻ biết quan tâm đến người khác nhất. Người thắng cuộc là một em bé khoảng 4-5 tuổi. Người hàng xóm của em là một ông lão vừa mất vợ. Nhìn thấy ông khóc, em bé lại gần rồi leo lên ngồi vào lòng ông. Em ngồi rất lâu và chỉ ngồi như thế. Khi mẹ em hỏi em đã trò chuyện gì với ông ấy, em chỉ trả lời: “Không có gì đâu ạ. Con chỉ để ông ấy khóc”.

1. Nhận thức về câu chuyện.

– Diễn giả Lê-ô Bu-sca-gli-a kể câu chuyện về một cậu bé bốn tuổi được bình chọn là đứa trẻ quan tâm đến người khác nhất chỉ vì hành động rất đơn giản của em. Người hàng xóm của em là một ông lão vừa mất vợ. Nhìn thấy ông khóc, em lại gần rồi leo lên lòng ông. Em ngồi rất lâu như thế chỉ để ông ấy khóc.

– Hành động ngồi im thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ của cậu bé với nỗi đau của người khác. Phù hợp với tâm lí, tính cách của một đứa trẻ 4 tuổi (chưa thể có những cử chỉ vỗ về, những lời động viên an ủi. Hành động tuy đơn giản nhưng xuất phát từ tình cảm chân thực nên đã chiếm được cảm tình của giám khảo.

– Qua câu chuyện, diễn giả Lê-ô Bu-sca-gli-a muốn đề cao sự cảm thông, chia sẻ giữa con người với nhau trong cuộc sống.

2. Suy nghĩ của bản thân sự cảm thông, chia sẻ giữa con người với nhau trong cuộc sống được gợi ra từ câu chuyện.

– Cảm thông, chia sẻ là tình cảm giữa con người với nhau: yêu thương, động viên, giúp đỡ nhau vượt lên được những khó khăn trong cuộc sống.

– Sự cảm thông, chia sẻ vô cùng cần thiết trong cuộc sống con người:

+ Trong cuộc sống đầy những khó khăn, con người luôn phải cố gắng nỗ lực nhưng phải bao giờ mọi việc cũng diễn ra theo ý muốn. Nhiều khi con người phải đối mặt với những thất bại, mất mát, thậm chí tuyệt vọng cùng cực. Khi đó con người cần sự giúp đỡ, động viên, chia sẻ và giúp đỡ của cộng đồng.

+ Sự cảm thông chia sẻ giúp con người vợi bớt nỗi đau, sự mất mát, có thêm nghị lực, sức mạnh niềm tin trong cuộc sống, làm cho mối quan hệ giữa con người và con người ngày càng tốt đẹp hơn, thân thiện gắn bó hơn.

– Có nhiều cách thể hiện sự cảm thông chia sẻ: lời nói, cử chỉ, việc làm thiết thực tùy theo hoàn cảnh, phụ thuộc tâm lí người được chia sẻ. Song điều cơ bản nhất là phải xuất phát từ tình cảm, sự rung động chân thành.

– Qua câu chuyện về sự cảm thông chia sẻ từ một đứa trẻ bốn tuổi, diễn giả muốn khẳng định: lòng vị tha, yêu thương là bản chất vốn có của con người, vì vậy cần vun xới cho đức tính đó được phát triển đến khi đứa trẻ đó trưởng thành.

– Phê phán những người có lối sống ích kỉ, ngoảnh mặt làm ngơ trước những khó khăn bất hạnh của người khác.

3. Bài học nhận thức và hành động.

– Để cho cuộc sống trở nên tốt đẹp, con người phải có tình yêu thương, lòng vị tha, nhân ái, biết chia sẻ, gắn kết với nhau.

BÀI VĂN THAM KHẢO:

Một trong những bài học dạo đức mà mỗi người cha, người mẹ, mỗi thày cô giáo đều truyền dạy cho các con, cho học trò của mình là lòng vị tha, là sự chia sẻ giữa người với người. Và thực tế đã có rất nhiều câu chuyện cảm động ngợi ca đức tính đó. Câu chuyện về đứa trẻ biết quan tâm đến người khác nhâ’t mà diễn giả Lê-Ô Bu- sca-gli-a đã kể cho chúng ta trong cuốn “Phép nhiệm màu của đời” thêm lần nữa khắc sâu hơn trong ta bài học về một nét đẹp trong cách ứng xử của con người.

Một cậu bé bốn tuổi được bình chọn là đứa trẻ quan tâm đến người khác nhất chỉ từ hành động rất đơn giản của em. Người hàng xóm của em là một ông lão vừa mất vợ. Nhìn thấy ông khóc, cậu bé lại gần rồi leo lên ngồi vào lòng ông. Cậu ngồi rất lâu và chỉ ngồi như thế. Khi mẹ em hỏi em đã trò chuyện những gì với ông ấy, cậu bé trả lời: “Không có gì đâu ạ. Con chỉ đề ông ấy khóc”. Cậu bé không hề cất một lời an ủi, không hề lấy khăn lau nước mắt cho ông lão. Điều đó dễ hiểu bởi cậu chưa phải là một người lớn để biết có những cử chỉ quan tầm như vậy. Nhưng hành động ngồi im trong lòng ông lão, để ống lão được khóc đã thể hiện sâu sắc được sự đồng cảm, chia sẻ ngây thơ của em. Người già cũng dễ khóc như con trẻ. Có thể em bé chưa ý thức được rằng ông lão hàng xóm đang vô cùng đau khổ vì mất đi người bạn đời của mình. Có thể em nghĩ rằng ông khóc cũng như em đã từng khóc, vì mẹ mắng, vì không được chơi thứ đồ chơi mà mình thích. Và bằng kinh nghiệm của một cậu bé bốn tuổi, em đã đồng cảm và an ủi ông lão bằng cách riêng của mình.

Điều mà diễn giả Lê-Ô Bu-sca-gli-a muốn nhấn mạnh, đề cao trong câu chuyện kể lại là sự đồng cảm, chia sẻ, là lòng vị tha giữa những con người với nhau. Kể lại hành vi đáng khích lệ của một cậu bé con chỉ là cách để ông khắc sâu hơn giá trị của đức tính cao đẹp.

Nhà thơ Tố Hữu từng viết:

“Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người với người sống để yêu nhau”

Lẽ sống lớn nhất trong cuộc đời mỗi người là tình yêu thương. Một trong những biểu hiện của lòng yêu là sự quan tâm, động viên nhau. Tại sao con người lại phải thấu hiểu, đồng cảm với nhau? Tại sao điều đó lại cần thiết trong cuộc sống của chúng ta?

Mỗi người sống giữa cuộc đời không phải chỉ biết vun đắp cho cuộc sống của riêng mình. Nếu chỉ biết đến cái “tôi”, nếu chỉ chăm chút cho bản thân mình được no ấm, đủ đầy, con người đó không bao giờ biết đến hạnh phúc đích thực. Và tất yếu, những kẻ như vậy sẽ bị cô lập giữa cộng đồng, xã hội. Mọi người xung quanh chắc chắn cũng không bao giờ để tâm đến loại người này. Cuộc sống đó có khác nào cuộc sống tù đày cô độc?

Trong cuộc sống, con người luôn cố gắng phấn đấu để vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, nhưng đâu phải lúc nào dòng đời của chúng ta cũng êm ả, “xuôi chèo mát mái”. “Sự đâu sóng gió bất kì” (Truyện Kiều), có ai dám khẳng định mình không bao giờ phải đối mặt với thất bại, mất mất, với những giờ khắc tuyệt vọng đến cùng cực? Ớ hoàn cảnh đó ai không cần được quan tâm, chia sẻ? Con người dẫu can đảm, nghị lực đến mấy cũng có phần yếu đuôi trong mình. Một ánh mắt, một lời động viên, một nắm tay xiết chặt, một bờ vai để tựa nương… là những điều quí giá nhất chúng ta cần bấy giờ.
Chúng ta cũng không khó khăn gì, cũng không mất mát, tổn hại nhiều lắm khi tỏ ra quan tâm, đồng cảm với nỗi đau khổ của người khác. Tình cảm, những rung động chân thành tự trong sâu thẳm trái tim mới là thứ quí giá, mới là chất vàng ròng có sức mạnh an ủi, nâng đỡ cho những đau thương, mất mất kia. Hãy nghĩ rằng chúng ta vẫn may mắn, hạnh phúc hơn họ. Hãy luôn ý thức rằpg dẫu có đồng cảm đến đâu, dẫu chân thành mong muôn cùng họ gánh vác, chịu đựng nỗi đau đó đến đâu, chúng ta cũng không thể giúp họ lấy lại được những gì đã mất. Vậy nên đừng bao giờ nhăn mặt khi tháng này phải ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, đừng bao giờ ngoảnh mặt làm ngơ trước những người ăn xin, đừng bao giờ cười trên nỗi đau khổ của người khác…

Tại sao nhà văn Nguyên Hồng lại khóc rưng rức khi nhân vật Gái Đen của mình phải chết? Tại sao nhân vật Giăng Van giăng (Những người khốn khổ) lại giúp đỡ một cách nhiệt tình những người khốn khổ như Phăng-tin, như chú bé Ga-vơ-rôt? Tại sao những người chiến thắng trong các trò chơi trên truyền hình lại luôn trích một phần trong giải thưởng của mình để ủng hộ quĩ chất độc màu da cam, quĩ tình thương? Tại sao những người nổi tiếng lại hăng hái làm công tác từ thiện xã hội?… Một câu trả lời có thể làm đáp án chung nhất cho tất cả những câu hỏi ấy là: Bởi vì họ có tấm lòng vị tha, có lòng yêu thương đồng loại.

Sự đồng cảm, sẻ chia là điều quí giá nhất con người có thể mang tặng con người. Nhưng cần ý thức rằng, cách biểu hiện, thể hiện tình cảm đó cũng là vấn đề quan trọng vô cùng. Cách cậu bé an ủi ông lão hàng xóm là ngồi gọn vào lòng ông và im lặng. Lúc này, “im lặng lặ vàng”, im lặng là cách hữu hiệu nhất để cậu bé tỏ rõ tình cảm của mình. Cậu im lặng để ông lão khóc cho vơi đi nỗi đau. Nước mắt sẽ đổi lại sự thanh thản, dịu lắng cho tâm hồn ông. Lẽ dĩ nhiên, đó chỉ là một cách an ủi và là cách an ủi của cậu bé bốn tuổi. Bằng sự trải nghiệm trong cuộc sống, chúng ta có thể có những phương thức khác thể hiện sự đồng cảm, sẻ chia của mình. Đô’i với những người đang trải qua nỗi đau mất mát người thân, chúng ta không nên gợi nhắc đến hình ảnh của người đã khuất trước mặt họ. Trước thất bại củá cậu học sinh trong kì thi đại học, chúng ta nên động viên cậu hướng vào tương lai phía trước, tin tưởng vào sự thành công của mình ở ngày mai, khơi sâu vào lòng quyết tâm và ý chí phấn đâu. Một điều cũng đáng lưu ý trong “nghệ thuật động viên” là cần chú ý đến tâm lí, tính cách của đối tượng mình đang bày tỏ tình cảm. Với đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi, cần hiểu rằng chúng rất dễ bị tổn thương nếu ta không tinh tế, cẩn trọng trong hành động hay lời ăn tiếng nói. Chúng cần sự dịu dàng, cần những cử chỉ vỗ về, che chở. Một hành động vuốt nhẹ lên mái tóc cũng có thể khiến chúng xúc động đến run lên. Một quyển truyện tranh nhiều màu sắc, hình hoạ cũng đủ khiến những em bé này thích mê. Đừng bao giờ tỏ ra khó chịu với gương mặt lấm lem, với bộ dạng nhếch nhác của các em. Hãy để các em cảm nhận hết lòng yêu thương của chúng ta…

Lê-Ô Bu-sca-gli-a đã để chúng ta những chiêm nghiệm về giá trị của sự cảm thông, yêu thương, chia sẻ thông qua câu chuyện của một cậu bé bốn tuổi. Phải chăng ông muốn nói rằng lòng vị tha là bẳn chất vốn có trong mỗi con người? Và đức tính cao quý đó phải được vun đắp từ khi con người còn là một đứa trẻ? Tôi nghĩ, cách hiểu nào cũng có cái hay của nó. “Nhân chi sơ tính bản thiện”, lòng yêu thương người khác cũng chính là một tính thiện sẵn có trong con người. Việc gìn giữ và phát huy đức tính đó trong cuộc sống là rất cần thiết. Trẻ con như trang giấy trăng tinh khôi, chúng ta hãy viết lên trên đó những bài học yêu thương để mỗi đứa trẻ khi lớn lên sẽ trở thành những người có tấm lòng nhân ái. Đức vị tha cần được gieo mầm trong chính tâm hồn các cô bé, cậu bé đó. Và cuộc bình chọn như Lê-Ô Bu-sca-gli-a cùng nhiều giám khảo khác đã làm là cần thiết để phát hiện và ngợi ca những tấm lòng cao cả.

Quanh ta hôm nay còn biết bao những trái tim giàu tình yêu như cậu bé trong câu chuyện kia. Hãy lắng nghe và chiêm ngưỡng chúng để thây rằng Trái đất này luôn được sưởi ấm bằng tình yêu, bằng sự cảm thông chia sẻ tuyệt vời giữa những con người với nhau.

BÀI VĂN THAM KHẢO 2:

Suy nghĩ về sự cảm thông, chia sẻ giữa con người với nhau trong cuộc sống

Cuộc sống hiện đại với nhịp sống nhanh và áp lực ngày càng gia tăng đôi khi khiến con người dần trở nên xa cách. Trong bối cảnh đó, sự cảm thông và chia sẻ giữa con người với nhau trở thành giá trị cốt lõi, giúp thắt chặt các mối quan hệ và mang lại ý nghĩa thực sự cho cuộc sống. Đây không chỉ là hành động mang tính nhân văn, mà còn là cầu nối tinh thần, là nền tảng của một xã hội hạnh phúc và phát triển bền vững.

Cảm thông là khả năng thấu hiểu và đồng cảm với nỗi buồn, niềm vui, khó khăn, hoặc niềm hạnh phúc của người khác. Đó là khi ta đặt mình vào vị trí của người khác, hiểu được cảm xúc và hoàn cảnh của họ. Chia sẻ, trên cơ sở cảm thông, là hành động cụ thể hóa sự thấu hiểu ấy bằng lời nói, việc làm hoặc sự giúp đỡ chân thành. Hai khái niệm này không thể tách rời, vì chỉ khi có cảm thông, sự chia sẻ mới thực sự ý nghĩa.

Sự cảm thông và chia sẻ có vai trò vô cùng to lớn trong việc xây dựng mối quan hệ giữa con người với con người. Nó là nền tảng của tình yêu thương, sự đoàn kết và lòng nhân ái.

Sống biết cảm thông và chia sẻ giúp làm tăng cường sự kết nối trong cộng đồng. Cảm thông giúp con người xích lại gần nhau, xóa nhòa khoảng cách về địa vị, tuổi tác, hoặc văn hóa. Khi một người sẵn lòng chia sẻ khó khăn với người khác, họ không chỉ mang đến niềm an ủi mà còn tạo dựng niềm tin, xây dựng một cộng đồng gắn bó hơn.

Sống biết cảm thông và chia sẻ giúp giảm bớt nỗi đau và khó khăn. Trong những lúc khó khăn nhất, một lời động viên, một cử chỉ sẻ chia cũng đủ để làm dịu đi nỗi đau và khơi dậy hy vọng. Sự cảm thông có thể là liều thuốc tinh thần, giúp con người vượt qua nghịch cảnh.

Sống biết cảm thông và chia sẻ giúp phát triển nhân cách và giá trị bản thân. Khi biết cảm thông và chia sẻ, mỗi người tự hoàn thiện nhân cách, sống có trách nhiệm và ý nghĩa hơn. Đây cũng là cách để mỗi cá nhân góp phần xây dựng một xã hội văn minh và tốt đẹp.

Trong xã hội hiện đại, giá trị của sự cảm thông và chia sẻ đôi khi bị xem nhẹ. Với sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội, nhiều người dường như chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân, ít dành thời gian để quan tâm đến người xung quanh. Những hình ảnh vô cảm, thờ ơ trước khó khăn của người khác không phải là hiếm.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng vẫn có rất nhiều tấm gương sáng về lòng nhân ái và sự sẻ chia. Những chương trình thiện nguyện, những cá nhân sẵn sàng giúp đỡ người nghèo, trẻ em mồ côi, người già neo đơn là minh chứng cho sức mạnh của sự cảm thông. Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, hình ảnh các y bác sĩ tận tụy cứu chữa bệnh nhân, người dân chia sẻ thực phẩm, nhu yếu phẩm cho nhau đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, yêu thương trong cộng đồng.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự thiếu cảm thông và chia sẻ là lối sống ích kỷ, sự vô cảm và áp lực từ cuộc sống hiện đại.

Để khắc phục, trước hét chúng ta cần giáo dục ý thức cảm thông và sẻ chia từ nhỏ. Trẻ em cần được dạy về tầm quan trọng của lòng nhân ái và sự giúp đỡ lẫn nhau. Xã hội luôn khuyến khích hành động nhân ái. Các cá nhân, tổ chức cần đẩy mạnh những hoạt động từ thiện, thiện nguyện để lan tỏa tinh thần sẻ chia. Cần nuôi dưỡng lòng trắc ẩn qua việc thực hành thường xuyên., Một lời chào, một hành động nhỏ như nhường chỗ, giúp đỡ người gặp khó khăn cũng là cách để nuôi dưỡng sự cảm thông trong lòng.

Cảm thông và chia sẻ không chỉ là những giá trị tinh thần mà còn là biểu hiện của sự văn minh, nhân ái trong cuộc sống. Khi biết đồng cảm và giúp đỡ nhau, con người không chỉ làm giàu giá trị bản thân mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội.

Cảm thông và chia sẻ là những ngọn lửa thắp sáng trái tim con người, giúp xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Hãy để lòng nhân ái dẫn đường, hãy sống với một trái tim rộng mở, biết đồng cảm và sẻ chia. Chỉ khi ấy, chúng ta mới cảm nhận được ý nghĩa thực sự của cuộc sống, rằng hạnh phúc lớn nhất chính là khi được yêu thương và sẻ chia.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang