- Mở bài:
– Giới thiệu chủ đề nghị luận: Con người có thể lao động tạo ra của cải, vật chất chứ vật chất, của cải không thể mua được con người. Không có gì đáng quý sự sống của con người. Vật chất tuy quý nhưng sẽ trở nên vô nghĩa nếu không có con người, không có tình người.
– Giới thiệu câu tục ngữ: nhằm khẳng định giá trị vượt trội, hơn hẳn của bản thân con người và tình người so với vật chất, của cải, người xưa có câu: “Một mặt người bằng mười mặt của”.
– Nêu ý kiến khái quát về ý nghĩa câu tục ngữ: Câu tục ngữ là một lời khuyên đúng đắn, một bài học sâu sắc về giá trị con người, tình người trong cuộc sống.
- Thân bài:
1. Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ
– “Một mặt người”: con người, tình người trong cuộc sống. Chỉ số ít, sự nhỏ bé, ít ỏi.
– “Mười mặt của”: nhiều của cải, vật chất. Chỉ số nhiều.
→ Ý nghĩa: Con người tình người luôn đáng quý hơn mọi vật chất, của cải.
2. Bàn luận về ý nghĩa câu tục ngữ
– Con người là vốn quý nhất của xã hội. Trước hết, với trí tuệ và sức lao động của mình, con người sáng tạo, làm nên mọi giá trị vật chất và tinh thần. Không có con người, của cải dù nhiều đến đâu cũng trở nên vô nghĩa, không có ích gì. Lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng chính con người, bằng trí tuệ và sự lao động không ngừng, đã tạo ra mọi phát minh, thành tựu khoa học, công nghệ, nghệ thuật và văn hóa. Ví dụ, những nhà khoa học như Thomas Edison, Albert Einstein hay Isaac Newton đã để lại di sản tri thức vô giá cho nhân loại, điều mà tiền bạc không thể mua được. Như vậy, giá trị của con người không chỉ nằm ở sự tồn tại đơn thuần mà còn ở khả năng sáng tạo, sự cống hiến và tình yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau.
– Nhân phẩm, đạo đức, tình yêu thương, sự trân trọng lẫn nhau giữa con người với con người trong cuộc sống quan trọng, đáng quý hơn của cải vật chất. Bên cạnh giá trị sáng tạo, con người còn đáng quý bởi nhân phẩm và đạo đức. Một người giàu có nhưng thiếu nhân cách, sống ích kỷ, vô tâm sẽ không được xã hội tôn trọng. Trái lại, một người có phẩm hạnh cao đẹp, biết yêu thương và giúp đỡ người khác sẽ luôn được trân trọng. Điển hình là những tấm gương như Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã cống hiến cả cuộc đời cho dân tộc, dù sống giản dị nhưng được cả thế giới kính trọng. Điều đó cho thấy, nhân cách mới là thứ làm nên giá trị đích thực của con người, không phải vàng bạc hay tài sản.
Go-rơ-ki đã nói “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương”. Con người là yếu tố quyết định hạnh phúc, không phải vật chất. Hạnh phúc thật sự không đến từ tiền bạc mà từ tình cảm và sự yêu thương, gắn kết giữa con người với nhau. Một gia đình giàu có nhưng thiếu tình thương sẽ không bao giờ hạnh phúc bằng một gia đình tuy nghèo nhưng tràn đầy yêu thương. Tình cảm giữa con người với con người là thứ không thể đánh đổi bằng tiền bạc.
3. Bàn luận mở rộng
– Tuy nhiên, cũng không nên quá đề cao bản thân con người mà xem thường của cải vật chất. Sự tồn tại và phát triển của con người đều dựa trên của cải, vật chất. Tình yêu thương, sự giúp đỡ lẫn nhau trong xã hội, ngoài giá trị tinh thần còn dựa trên nền tảng vật chất. Không có đủ vật chất, của cải sẽ không có nền văn minh, đời sống con người vẫn trong vùng tăm tối, xung đột sẽ nảy sinh, xã hội sẽ mất trật tự.
– Trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người đề cao giá trị của vật chất, của cải, xem thường người khác. Họ vô tâm, vô xảm trước nỗi đau của người khác. Họ sống ích kỷ và tham lam, chỉ muôn vu vé cho mình. Những người như thế thật đáng lên án.
- Kết bài:
Câu tục ngữ “Một mặt người bằng mười mặt của” đã thể hiện sâu sắc quan niệm đạo lý của cha ông ta về giá trị con người. Trong một xã hội ngày càng bị cuốn vào guồng quay của vật chất, chúng ta càng cần ghi nhớ rằng con người mới là tài sản quý giá nhất. Vì vậy, hãy biết trân trọng giá trị của bản thân, yêu thương và giúp đỡ người khác, bởi đó mới là cách để tạo nên một cuộc sống ý nghĩa và bền vững