cam-nhan-niem-suy-tu-ve-cuoc-giai-thoat-va-gia-tu-cua-lor-ca-qua-bai-tho-dan-ghita-cua-lor-ca

Cảm nhận niềm suy tư về cuộc giải thoát và giã từ của Lorca qua bài thơ Đàn ghi ta của Lorca (Thanh Thảo)

Cảm nhận niềm suy tư về cuộc giải thoát và giã từ của Lorca qua bài thơ Đàn ghi ta của Lorca (Thanh Thảo)

Thanh Thảo là một trong số những cây bút đi đầu trong việc cách tân thơ Việt với xu hướng đào sâu vào cái tôi nội cảm và tìm kiếm các hình thức diễn đạt mới, tiêu biểu là tập Khối vuông ru bích (1985). Thơ ông là tiếng nói của người trí thức nhiều suy tư, trăn trở về các vấn đề của xã hội và thời đại. Đàn ghi-ta của Lor-ca được rút ra từ tập thơ “Khối vuông ru-bích” – tập thơ thể hiện quan niệm sâu sắc, độc đáo của Thanh Thảo về thơ và cấu trúc thơ. Các bài thơ trong Khối vuông Ru-bíc nói chung và Đàn ghi-ta của Lor-ca nói riêng nhìn qua các chi tiết thì có vẻ lộn xộn nhưng thực chất chúng được kết dính với nhau bằng một thứ keo chắc chắn. Chất keo ấy là tư tưởng nghệ thuật và hình tượng thẩm mĩ của bài thơ.

  • Thân bài:

Gar-xi-a Lor-ca là một trong số những nhà thơ, nhạc sĩ lớn của Tây Ban Nha. Ông đã dùng tiếng đàn ghi-ta để giải bày nỗi đau buồn và khát vọng yêu thương của nhân dân. Trong bối cảnh đất nước Tây Ban Nha bị bao trùm bởi bầu không khí ngột ngạt của chế độ độc tài Lor-ca nồng nhiệt cổ vũ nhân dân đấu tranh với mọi thế lực áp chế độc quyền sống chính đáng và khởi xướng, thúc đẩy mạnh mẽ đến cách tân trong sáng tạo nghệ thuật. Tên tuổi của Lor-ca trở thành một biểu tượng, một ngọn cờ tập hợp các lực lượng thế giới đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, bảo vệ văn hóa dân tộc và văn minh nhân loại. Vì thế năm 1936, chế độ phản động thân phát đã thủ tiêu Lor-ca, đồng cảm, xót thương, trân trọng và ngưỡng mộ tài năng nhân cách của Lor-ca Thanh Thảo đi khắc họa thành công hình tượng Lor-ca từ nhiều góc độ: hào hùng mà mềm mại, đa tình mà bi tráng. Thanh Thảo đã dựng lại tượng đài nhà thơ, nhạc sĩ thiên tài Tây Ban Nha bằng tiếng Việt.

Niềm sót thương Lor-ca khi những tiếng đàn không được ai tiếp tục:

“không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng”

Để diễn tả niềm xót thương Lor-ca Thanh Thảo đã sử dụng nghệ thuật so sánh tiếng đàn với cỏ mọc hoang. Nói tới tiếng đàn là nói đến nghệ thuật Lor-ca, cỏ mọc hoang tượng trưng cho sự sống mãnh liệt và bất diệt. Thủ pháp nghệ thuật so sánh đã diễn tả sâu sắc niềm sót thương trước cái chết của Lor-ca. Sự ra đi của Lor-ca là một tổn thất lớn đối với quá trình cách tân nghệ thuật của đất nước Tây Ban Nha. Khi Lor-ca ra đi quá trình cách tân nghệ thuật ấy đã trở thành dang dở, nền nghệ thuật của Tây Ban Nha đã trở nên loạn nhịp vì thiếu một người nhạc trưởng chỉ huy, dẫn đầu. Vì vậy nghệ thuật của Tây Ban Nha sẽ ra sao nếu không còn Lor-ca nữa?

Sự ra đi của Lor-ca để lại một niềm tiếc thương vô bờ bến bởi khi còn sống Lor-ca đã viết: “khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn”. Cây đàn là sáng tạo nghệ thuật tuyệt vời của Tây Ban Nha vì thế cây đàn còn có tên gọi khác là Tây Ban Nha cầm. Biết bao thế hệ người dân Tây Ban Nha đã sống và chết với cây đàn ấy. Lor-ca cũng tha thiết yêu quê hương xứ sở, chàng cũng muốn được chôn cùng cây đàn ghi-ta để khi về còn lặng yêu chàng vẫn được hát những giai điệu dân ca của dân tộc mình. Nhưng khi Lor-ca bị giết chết, sự thực là chàng đã không được chôn cùng với cây đàn. Điều đó có nghĩa người ta đã không hiểu được tình yêu quê hương xứ sở của chàng. Với người nghệ sĩ đây là một nỗi đau lớn.

Hơn nữa Lor-ca là một người nghệ sĩ thiên tài, là con chim họa mi của xứ sở Tây Ban Nha vì thế Lor-ca muốn người dân Tây Ban Nha hãy chôn vùi tên tuổi của Lor-ca, chôn vùi những khám phá, sáng tạo nghệ thuật của ông để sáng tạo ra một nền nghệ thuật thực sự và vượt lên trên tên tuổi của Lor-ca. Nhưng rất tiếc người ta cũng không hiểu di nguyện của chàng. Vì quá ngưỡng mộ Lor-ca người ta đã đặt chàng lên bệ thờ tên tuổi và sự nghiệp của Lor-ca đã trở thành vật cản đối với những cách tân khám phá sáng tạo của người đời sau. Đó là nỗi đau lớn nhất của người nghệ sĩ chân chính.

Hai câu thơ sau nhà thơ Thanh Thảo đã cụ thể hóa niềm xót thương Lor-ca:

“giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng”

Câu thơ có sự giao hòa của ánh sáng và màu sắc gợi lên suy tư và liên tưởng nhiều chiều. Có thể hiểu vầng trăng sáng lung linh là giọt nước mắt khổng lồ và giọt nước mắt ấy long lanh tựa như trăng ở đáy giếng. Ta đã từng gặp cách liên tưởng này trong “Nguyệt cầm” của Xuân Diệu.

“Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạn
Trăng thương trăng nhớ hỡi trăng ngần
Đàn buồn đàn lặng ôi đàn chậm
Môi giọt nơi tàn như lệ ngân.”

Trong “Nguyệt cầm” Xuân Diệu” đã vận dụng thuyết tương giao của chủ nghĩa tượng trưng siêu thực để cảm nhận sự giao hòa của thiên nhiên mà ở đó trăng hóa thành đàn, ánh sáng của trăng thành sợi dây đàn và giọt âm thanh cũng đồng thời là giọt ánh sáng và giọt lệ. Sự cảm nhận tinh tế của Xuân Diệu về sự tương giao của vạn vật trong trời đất nhằm diễn tả sự cô đơn đến rợn ngợp trong tâm hồn người nghệ sĩ. Còn Thanh Thảo lại cảm nhận sự tương giao màu sắc và ánh sáng để làm nổi bật lên sự xót thương. Vì thế trước cái chết của người nghệ sĩ thiên tài, ánh trăng đã hóa thánh nước mắt.

Tuy nhiên câu thơ cũng có thể hiểu theo cách thứ hai: ánh sáng của trăng chiếu xuống nơi đáy giếng tạo nên một vẻ đẹp lung linh với niềm xót thương cho cái chết của người nghệ sĩ thiên tài. Thanh Thảo đã tưởng tượng làn nước ấy là những giọt nước mắt mà người đời đã khóc thương Lor-ca. Dù hiểu theo cách nào người đọc có thể cảm nhận được cái chết của Lor-ca đã chạm thấu cả đất trời,  để lại niềm tiếc thương vô hạn cho thiên nhiên, con người, sự sống và niềm tiếc thương ấy là vĩnh cửu.

Suy tư về cuộc giải thoát và giã từ của Lor-ca.

“đường chỉ tay đã đứt
dòng sông rộng vô cùng
Lor-ca bơi sang ngang
trên chiếc ghi ta màu bạc”

Cái chết của Lor-ca để lại một niềm thương tiếc nhưng với Lor-ca đó lại là một sự giải thoát. Thanh Thảo đã suy tư về cuộc giải thoát và giã từ của Lor-ca Thanh Thảo đã sử dụng yếu tố có tính chất tâm linh để chỉ số phận và cái chết bi thảm của Lor-ca “đường chỉ tay đã đứt”. Đường chỉ tay là đường sinh mệnh của con người nhưng đường chỉ tay đã đứt diễn tả số mệnh của Lor-ca vô cùng ngắn ngủi trong dòng sông cuộc đời bao la. Lor-ca đã ra đi rất thanh thản:

“Lor-ca bơi sang ngang
trên chiếc ghi ta màu bạc”

lần thứ hai tên Lor-ca lại xuất hiện nhưng không phải trong đời thường mà trong thế giới siêu thực. Để tên Lor-ca xuất hiện lần này nhà thơ muốn khẳng định rằng thế lực bạo tàn không thể tiêu diệt được anh. Câu thơ có sự xuất hiện của chủ thể nhưng hình tượng Lor-ca bắt đầu nhòe và mờ dần. Nhà thơ ảo hóa hình tượng nhân vật để khẳng định sự bất tử của Lor-ca. Ta có thể hình dung Lor-ca hiện ra trên chiếc ghi-ta lấp lánh sắc bạc của tình yêu đã hòa quyện làm nên sắc thái đa dạng tâm hồn. Những thế lực bạo tàn đã giết chết Lor-ca, người nghệ sĩ đấu tranh cho tự do công lí, cho sự cách tân nghệ thuật nhưng không một thế lực bạo tàn nào có thể tiêu diệt được tiếng đàn Lor-ca. Trước khi đi vào cõi vĩnh hằng Lor-ca đã:

“ném lá bùa cô gái Di-gan
vào xoáy nước
chàng ném trái tim mình
vào lặng yên bất chợt”.

Lá bùa của cô gái Di-gan cho chàng để làm vật hộ mệnh nhưng bây giờ “đường chỉ tay đã đứt” lá bùa đâu còn ý nghĩa gì. Chàng ném cả trái tim mình vào lặng yên bất chợt. Những câu thơ siêu thực ấy diễn tả sự ra đi dứt khoát dã từ của Lor-ca. Chàng muốn tự mình giải thoát khỏi những hệ lụy của trần gian để về với cõi vĩnh hằng. Nhưng tiếng đàn ghi-ta bất chợt lại ngân lên “li la li la li la”. Tiếng đàn ấy đã hòa nhập với non sông đất nước Tây Ban Nha, vượt qua biên giới và vang vọng trong tim mọi người. Thanh Thảo đã nhiều lần viết về tình yêu cái chết và sự bất tử. Thật đặc sắc qua âm thanh và giai điệu của tiếng đàn:

“anh rung giữa những sợi dây đàn
giữa những dây đàn dòng sông bỗng chảy xiết
và cô gái hiện lên đột ngột
cuốn ta về dòng sông.”

(Những người đi tới biển)

Một lần nữa dư âm của tiếng đàn ghi-ta kéo dài sự sống của Lor-ca. Bài thơ khép lại bằng những âm vô nghĩa nhưng chiếm một dòng thơ. Đây là khổ thơ duy nhất chỉ có một dòng: “li la li la li la” đưa Lor-ca vào cõi yên lặng vĩnh hằng.

Như vậy qua tác phẩm “Đàn ghi-ta của Lor-ca” nhà thơ Thanh Thảo đã xây dưng rất thành công hình tượng Lor-ca , một người nghệ sĩ mang khát vọng đổi mới, cách tân nghệ thuật. Một người chiến sĩ khao khát đấu tranh cho tự do công lí nhưng cuộc đời đầy ngang trái bi phẫn. Đó là cuộc đời của con người “nửa chừng xuân thoắt gẫy cành thiên hương”. Cái chết của Lor-ca là một tổn thất lớn với nền nghệ thuật của Tây Ban Nha và để lại niềm tiếc thương muôn đời cho hậu thế. Tuy nhiên người nghệ sĩ ấy sẽ mãi mãi bất tử với những âm thanh giai điệu của tiếng đàn ghi-ta.

Để xây dưng thành công hình tượng Lor-ca Thanh Thảo đã sử dụng những hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng siêu thực gợi chiều sâu của suy tư liên tưởng. Đồng thời đó cũng là những thi liệu rất ám ảnh trong thế giới nghệ thuật của chính Lor-ca như đàn ghi-ta, bài ca mộng du, con ngựa đen,vầng trăng đỏ, chàng kị sĩ đơn độc, áo choàng đấu sĩ, sắc máu đấu trường, cô gái Di-gan, lá bùa hộ mệnh, hoa từ đinh hương. Chính những thi liệu ấy đã tạo nên tính chân thật của Lor-ca.

Thanh Thảo có lối diễn đạt câu thơ không viết hoa đầu dòng tạo mạch thơ liên tục xâu chuỗi với nhau để nối kết các biểu tượng đầy sức ám ảnh. Bài thơ còn có sự kết hợp giữa chất tự sự và chất nhạc. Có thể xem bài thơ như một câu chuyện kể về cuộc đời của một con người. Câu chuyện ấy được kể trên cái nền của âm nhạc. Vì thế có thể xem bài thơ như một bản giao hưởng bi hùng.

  • Kết bài:

Bài thơ “Đàn ghi-ta của Lor-ca” là khúc tráng ca ca ngợi Lor-ca. Đó là mẫu nghệ sĩ – chiến sĩ, vì dấn thân tranh đấu cho dân chủ và tự do nên bị bọn phát-xít hành hình. Đó là mẫu nghệ sĩ thuần túy, chỉ đam mê cái đẹp và sáng tạo nghệ thuật, nhưng đã bị giết hại oan khuất. Có lẽ ở một nơi nào đó, chàng nghệ sĩ nhân dân đang được sống giữa những sự yên vui và đầy ánh nắng của tự do nơi đó không có bạo tàn và chết chóc.

Phân tích bài thơ Đàn ghi ta của Lorca của Thanh Thảo

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang