hinh-anh-dat-nuoc-trong-9-dong-tho-dau-doan-trich-dat-nuoc-mat-duong-khat-vong-nguyen-khoa-diem-678

Cảm nhận hình ảnh đất nước trong 9 dòng thơ đầu đoạn trích Đất nước (Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm)

Cảm nhận hình ảnh đất nước trong 9 dòng thơ đầu đoạn trích “Đất nước” (“Mặt đường khát vọng” – Nguyễn Khoa Điềm)

I. Mở bài:

+ Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Thơ ông giàu suy tư, chiêm nghiệm, cảm xúc dồn nén.

+ Đoạn trích “Đất Nước” thuộc chương V của bản trường ca Mặt đường khát vọng viết năm 1971 tại chiến khu Bình Trị Thiên.

+ Chín dòng thơ đầu thể hiện những nét riêng trong cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm về hình tượng Đất Nước.

II. Thân bài:

Cùng với Xuân Quỳnh, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Bằng Việt, người con xứ Huế Nguyễn Khoa Điềm đã làm nên một thế hệ vàng những nhà thơ trẻ trong k/c chống Mĩ cứu nước. Nổi bật lên trên nền thơ của những cây bút trực tiếp cầm súng thời kì này là sự tự ý thức của tuổi trẻ về vai trò, trách nhiệm của mình trong cuộc chiến đấu và sự nhận thức sâu sắc về đất nước, nhân dân qua những trải nghiệm của bản thân. Tâm tư của người trí thức tích cực tham gia vào cuộc chiến đấu của nhân dân đã được Nguyễn Khoa Điềm thể hiện trên những trang thơ của ông bằng ngòi bút giàu chất trí tuệ, chất triết luận sâu lắng.

Vị trí đoạn thơ: Đoạn một thuộc phần đầu của bài Đất nước, gồm chín câu, nói lên những phát hiện mới mẻ của nhà thơ về Đất nước, trả lời cho câu hỏi Đất nước có tự bao giờ?

1. Giải thích:

– “Nét riêng”: là cái sáng tạo độc đáo, mới mẻ thể hiện phong cách của người nghệ sĩ khi khám phá, xây dựng hình tượng nghệ thuật.

– Nét riêng của Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn thơ là đã xây dựng được một hình tượng Đất Nước giản dị, quen thuộc qua hình thức nghệ thuật độc đáo.

2. Phân tích:

* Đất nước có từ lâu đời:

– Trước hết, ở hai câu thơ đầu của đoạn thơ, Tác giả đi tìm sự lý giải về sự sinh thành của đất nước. Đất nước có từ bao giờ ? Để trả lời cho câu hỏi này, nhà thơ đã viết :

+“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi: Đất Nước đã có từ rất lâu, rất xa.. . Chỉ biết rằng : khi ta cất tiếng khóc chào đời, thì Đất Nước hiện hữu.

+ Đất Nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể”. – “ngày xửa ngày xưa”( thời gian nghệ thuật thường thấy trong truyện cổ tích) có tính phiếm chỉ, trừư tượng, không xác định. Đó là thời gian huyền hồ, hư ảo, thời gian mang màu sắc huyền thoại.

– Hình tượng Đất Nước dung dị, đời thường được xây cất bằng những hình ảnh mộc mạc, giản dị: câu chuyện cổ tích, miếng trầu, cái kèo, cái cột, hạt gạo,…

* Nhà thơ còn nỗ lực hình dung về khởi đầu và quá trình trưởng thành của đất nước:

Hình tượng Đất Nước được cảm nhận trong chiều sâu văn hóa và lịch sử:

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc.

– Khởi thủy của đất nước là văn hóa được kết tinh từ tâm hồn và tính cách anh hùng của con người Việt Nam. Ở đây hình ảnh “miếng trầu” đã là một hình tượng nghệ thuật giàu tính thẩm mỹ từng xuất hiện trong các câu chuyện cổ tích,ca dao, tục ngữ. Bởi lẽ,“miếng trầu”là hiện thân của tình yêu thương, lòng thủy chung của tâm hồn dân tộc. Tục ăn trầu là một tập tục đẹp và lâu đời của người Việt. Câu thơ gợi tích trầu cau biểu hiện tình nghĩa vợ chồng gắn bó thủy chung,

+ Qua truyền thuyết Thánh Gióng thể hiện tinh thần bất khuất chống xâm lược của dân tộc ta từ thời dựng nước. Từ truyền thuyết dân gian đến tác phẩm thơ văn hiện đại, cây tre đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh tinh thần dân tộc quật cường đánh giặc cứu nước và giữ nước.

* Đất nước còn hình thành những mĩ tục thuần phong:

Đất Nước mĩ lệ, nên thơ trong không gian huyền thoại của những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết,…

– Hình ảnh: Tóc mẹ thì bới sau đầu:gợi lại cội nguồn dân tộc là một trong những nét đặc thù của văn hóa Việt Nam không bao giờ bị ngoại lai, dù phải trải qua hàng ngàn năm Bắc thuộc.

– Đất nước cũng hình thành từ lối sống giàu tình nặng nghĩa: Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn, gợi nhớ từ câu ca dao ca ngợi vẻ đẹp đậm tình nặng nghĩa trong cuộc sống vợ chồng.

Tay nâng đĩa muối chấm gừng
Gừng cay muối mặn, xin đừng quên nhau.

Theo tiến trình phát triển, dân tộc ta tiến lên nền văn minh nông nghiệp, từ việc xây dựng mái nhà che mưa trú nắng: Cái kèo, cái cột thành tên, đến cuộc sống lao động nông nghiệp vất vả để lo cái ăn:

Hạt gạo phải một nắng hai sương, xay, giã, giần, sàng,
Đất Nước có từ ngày đó…

Cội nguồn Đất Nước gắn với quá trình hình thành văn hóa, lối sống, phong tục tập quán, đời sống tinh thần của người Việt: tục ăn trầu, tóc búi sau đầu; truyền thống chống giặc kiên cường, bền bỉ; lối sống ân nghĩa, thủy chung; truyền thống lao động cần cù; quá trình hình thành, phát triển ngôn ngữ dân tộc;…

3. Nhận xét, đánh giá:

– Nghệ thuật:

+ Đoạn thơ đầu trả lời cho câu hỏi về cội nguồn đất nước – một câu hỏi quen thuộc, giản dị bằng cách nói cũng rất giản dị, tự nhiên nhưng cũng rất mới lạ: nhà thơ không tạo ra khoảng cách sử thi để chiêm ngưỡng và ca ngợi đất nước hoặc dùng những hình ảnh mĩ lệ, mang tính biểu tượng để cảm nhận và lý giải, mà dùng cách nói rất đỗi giản dị,tự nhiên với những gì gần gũi , thân thiết , bình dị nhất. giọng thơ thâm trầm, trang nghiêm; cấu trúc thơ theo lối tăng cấp: Đất nước đã có; Đất Nước bắt đầu; Đất Nước lớn lên; Đất Nước có từ… giúp cho người đọc hình dung cả quá trình sinh ra, lớn lên, trưởng thành của đất nước trong thời gian trường kỳ của con người Việt Nam qua bao thế hệ. Đặc biệt là cách nhà thơ viết hoa hai từ Đất Nước (vốn là một danh từ chung) cũng đã giúp ta cảm nhận tình yêu và sự trân trọng của nhà thơ khi nói về đất nước , quê hương của mình.

+ Kết hợp hài hòa giữa chất trữ tình và tính chính luận: Giọng thơ trầm lắng, cảm xúc dồn nén đầy tự hào về cội nguồn, về lịch sử hình thành và phát triển của Đất Nước. Những chiêm nghiệm, suy tư về Đất Nước của tác giả đã hướng thế hệ trẻ về cội nguồn lịch sử dân tộc, về ý thức trách nhiệm của thế hệ mình đối với Đất Nước.

– Nội dung:

+ Chín câu thơ mở đầu cho đoạn trích “Đất Nước” đã thật sự để lại những ấn tượng và cảm xúc sâu sắc cho người đọc về sự sinh thành và trưởng thành của đất nước. Bởi lẽ, đoạn thơ đã giúp cho tất cả mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, những ai mà còn có những nhận thức mơ hồ về đất nước mình thật sự phải suy gẫm.Bởi lẽ, đoạn thơ còn cho chúng ta hiểu được đất nước thật thân thương và gần gũi biết nhường nào .Từ đó đoạn thơ bồi dưỡng thêm cho chúng ta về tình yêu đất nước, quê hương mình và biến tình yêu ấy bằng thái độ, hành động dựng xây , bảo vệ đất nước.

+ Hình tượng Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm không xa lạ mà gần gũi, không trừu tượng mà cụ thể, không tráng lệ, kì vĩ mà dung dị, đời thường. Góp phần thể hiện chủ đề đoạn trích “Đất Nước của Nhân dân”

+ Với phong cách tài hoa độc đáo, Nguyễn Khoa Điềm đã tạo nên một không gian nghệ thuật riêng vừa bình dị, thân quen vừa bay bổng, lãng mạn khơi dậy tình yêu và trách nhiệm của mọi người đặc biệt là thế hệ trẻ đối với Đất Nước.

  • Kết bài:

Bằng sự vận dụng đầy sáng tạo hình thức thơ trữ tình- chính trị, đoạn trích Đất Nước đã quy tụ mọi cảm nhận, mọi cái nhìn và vốn liếng sách vở cũng như những trải nghiệm cá nhân của người nghệ sĩ để làm nên một tuyên ngôn về tư tưởng, về nhận thức của cả một thế hệ nghệ sĩ, ấy là tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân”.


Bài tham khảo:

Cảm nhận về đoạn thơ sau:

“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
……
Đất nước có từ ngày đó”

(Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm)

– Đây là 9 câu thơ đầu tiên của đoạn trích, là sự lí giải và cảm nhận Đất Nước ở phương diện lịch sử, văn hoá.

– Đất nước có từ rất xa xưa, thật dung dị, đời thường:

+ Đất Nước hiện lên qua câu chuyện cổ tích mẹ kể – có từ rất xưa rồi.
+ Đất Nước gắn liền với miếng trầu bà ăn – gắn với thuần phong mĩ tục.
+ Đất nước gắn với những dãy tre làng – gắn với truyền thống yêu nước.
+ Đất Nước gắn với “bới” tóc của mẹ – thói quen hàng ngày của những người phụ nữ VN ngày xưa.
+ Đất Nước gắn với gừng cay, muối mặn – những gia vị hàng ngày rất quen thuộc nhưng cũng là lối sống tình nghĩa thủy chung của con người.
+ Đất Nước hiện hình trong những sự vật gần gũi: cái kèo, cái cột.
+ Đất nước gắn với truyền thống lao động cần cù: hạt gạo một nắng hai sương.

– So sánh để làm nổi bật sự khác biệt trong cách cảm nhận về Đất Nước:

– Như vậy, trong những cảm nhận ban đầu của Nguyễn Khoa Điềm, lịch sử lâu đời của đất nước không được cắt nghĩa bằng sự nối tiếp của các triều đại hay các mốc son lịch sử chói lọi mà được nhìn từ trong chiều sâu văn hóa và văn học dân gian. Đây cũng chính là điểm mới trong cách tìm về nguồn cội của đất nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.

– Sự độc đáo trong nghệ thuật thể hiện: Một đoạn thơ ngắn nhưng gợi dậy biết bao nét văn hóa và văn học dân gian quen thuộc. Đoạn thơ là một định nghĩa theo cách riêng của Nguyễn Khoa Điềm về Đất Nước : không siêu hình trừu tượng mà gắn bó thân thuộc với mỗi người, Đất Nước của nhân dân. Lời thơ giàu chất liêu văn hoá dân gian, tạo một không gian nghệ thuật vừa gần gũi thân quen, vừa bay bổng, sâu xa.

Phân tích ý nghĩa bài thơ Đất nước (trích Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang