Cảm nhận về đoạn thơ: Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng…. Đi trả thù mà không sợ dài lâu

cam-nhan-ve-doan-tho-ho-giu-va-truyen-cho-ta-hat-lua-ta-trong-di-tra-thu-ma-khong-so-dai-lau

Cảm nhận về đoạn thơ: “Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng…. Đi trả thù mà không sợ dài lâu”

Gợi ý làm bài:

I. Mở bài:

Đề tài đất nước như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt văn học Việt Nam bao đời nay. Ta gặp một đất nước anh hùng trong kháng chiến chống Pháp mang hồn thu Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, đất nước cổ kính dân gian mang hồn thu Kinh Bắc của Hoàng Cầm, đất nước hóa thân trong dòng sông xanh đầy ắp kỉ niệm trong thơ Tế Hanh. Và thật thiếu sót nếu không nhắc đến những câu thơ viết về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm. Bằng bài thơ “Đất Nước”, Nguyễn Khoa Điềm đã tìm được một cách nói riêng để trang thơ đất nước có thêm một rung cảm thẩm mĩ mới mẻ, thể hiện rõ nhất qua trích đoạn sau:

“Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ truyền lửa cho mỗi nhà từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trông cây hái trái
Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại
Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân
Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại
Dạy anh biết “yêu em từ thuở trong nôi”
Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội
Biết trồng tre đợi ngày thành gậy
Đi trả thù mà không sợ dài lâu”.

II. Thân bài:

Cùng với Xuân Quỳnh, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Bằng Việt, người con xứ Huế Nguyễn Khoa Điềm đã làm nên một thế hệ vàng những nhà thơ trẻ trong k/c chống Mĩ cứu nước. Nổi bật lên trên nền thơ của những cây bút trực tiếp cầm súng thời kì này là sự tự ý thức của tuổi trẻ về vai trò, trách nhiệm của mình trong cuộc chiến đấu và sự nhận thức sâu sắc về đất nước, nhân dân qua những trải nghiệm của bản thân. Tâm tư của người trí thức tích cực tham gia vào cuộc chiến đấu của nhân dân đã được NKĐ thể hiện trên những trang thơ của ông bằng ngòi bút giàu chất trí tuệ, chất triết luận sâu lắng.

Đoạn trích “Đất nước” thuộc phần đầu chương thứ Năm của trường ca “Mặt đường khát vọng” viết năm 1971 – thời điểm cuộc kháng chiến chống Mĩ bước vào giai đoạn quyết định. Tác phẩm của ông không hướng vào hiện thực khốc liệt của chiến trường mà ông lặng lẽ đối thoại với lớp trẻ đô thị Miền Nam vùng bị địch tạm chiếm về sự nhận thức của tuổi trẻ Việt Nam trong những năm tháng ác liệt, lựa chọn đứng về phía nhân dân, tổ quốc chia sẻ vận mệnh và trách nhiệm với dân tộc trong cuộc chiến tranh giải phóng đất nước. Đoạn trích “Đất nước” tiêu biểu cho thơ Nguyễn Khoa Điềm, đó là sự cảm nhận, phát hiện về đất nước trong cái nhìn toàn vẹn, bao quát về nguồn gốc của đất nước và tư tưởng đất nước của nhân dân

1. Vị trí đoạn thơ:

Đoạn hai thuộc phần hai của bài Đất nước là cao điểm hội tụ của cảm xúc trữ tình với tư tưởng Đất nước của nhân dân.

2. Cảm nhận thơ:

Đoạn thơ đã biểu dương, ngợi ca vai trò của lịch sử, sức mạnh lớn lao kì diệu của nhân dân trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Trong sự nghiệp dựng nước, nhân dân là người kiến tạo và bảo tồn những giá trị văn hoá tinh thần, truyền thống của dân tộc:

“Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ truyền lửa cho mỗi nhà từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trông cây hái trái”

+ Cách dung từ họ: đại từ xưng hô số nhiều chỉ nhân dân – những con người bé nhỏ, bình thường thuộc đám đông trong xã hội, chứ không phải là các cá nhân anh hùng

+ Hệ thống các từ: giữ, truyền, gánh, đắp, be, dạy… được sử dụng đan dày trong đoạn thơ ghi nhận sự đóng góp lớn lao của nhân dân đối với sự nghiệp kiến quốc. Nhân dân, bằng những việc làm cụ thể, bé nhỏ,rất đỗi bình dị mà thiết thực, ý nghĩa đã làm nên Đất Nước.

+ Các hình ảnh gắn với chuỗi động từ này: hạt lúa, lửa, giọng nói, tên xã, tên làng, đập, bờ… một mặt tiếp tục thể hiện sự khám phá mới mẻ, độc đáo của nhà thơ về Đất Nước trong bề rộng không gian địa lí và tầng sâu của những truyền thống văn hoá; mặt khác còn khẳng định nhân dân chính là lực lượng đông đảo vừa kiến tạo bảo tồn. lưu giữ truyền thống giàu tình nghĩa, giàu tình yêu thương, cần cù lao động – đó là những giá trị văn hoá tinh thần cao quý của Đất Nước. Nhân dân cũng chính là người góp phần mở mang bờ cõi Đất Nước, khai sông, lấn biển qua mỗi chuyến di dân đầy gian khổ.

Trong cuộc đấu tranh giữ nước cũng chính là nhân dân chứ không ai khác viết lên trang sử bi tráng. Nhân dân, những con người “có ngoại xâm thì chống ngoại xâm/ có nội thù thì vùng lên đánh bại” khẳng định đầy tự hào và sức mạnh lớn lao của nhân dân chống thù trong, giặc ngoài. Chính nhân dân đã hun đúc nên truyền thống kiên cường, bất khuất. Đó là truyền thống chứa đựng bản lĩnh của một dân tộc.

Để Đất Nước này là “Đất Nước Nhân dân” chính là sự thể hiện cảm hứng chủ đạo bao trùm lên tòan đọan trích và cả Chương V của bản trường ca “Mặt đường khát vọng”. Đây chính là lời kết, là sự khái quát từ những gì đã được nhà thơ triển khai trên cả chiều dài của trang thơ và trong cả chiều sâu của dòng cảm hứng trữ tình- chính luận.

Nhân dân sáng tạo ra mọi giá trị văn hóa như ca dao, thần thoại. Như vậy cũng chính là đã sáng tạo ra đất nước. Để khẳng định điều này, Nguyễn Khoa Điềm đã lấy ý từ ba câu ca dao có nội dung sâu sắc để nói về ba phương diện quan trọng nhất của truyền thống nhân“Dạy anh biết “yêu em từ thuở trong nôi”

“Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội
Biết trồng tre đợi ngày thành gậy
Đi trả thù mà không sợ dài lâu”.

+ Đó là vẻ đẹp giàu lòng yêu thương ân tình của người Việt đã bắt nguồn từ thời xa xưa với những lời dân ca ngọt ngào:

“Yêu em từ thuở trong nôi
Em nằm em khóc, anh ngồi anh ru”

+ Và đó làvẻ đẹp của lối sống đậm nghĩa, vẹn tình, quý trọng tình nghĩa hơn cả vật chất ngàn vàng.Ở đây, ý thơ của nhà thơ được gợi lên từ chính những câu ca dao một thời đi vào đời sống tâm hồn của dân tộc :

“Cầm vàng mà lội qua sông
Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng”

+ Và đó còn là sự thể hiện của truyền thống kiên cường, bất khuất của trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta.Vẻ đẹp của truyền thống anh hùng ấy cũng được làm nên từ những câu ca dao từng ca ngợi tinh thần quật khởi của dân tộc :

“Thù này ắt hẳn còn lâu
Trồng tre nên gậy, gặp đâu đánh què”

Nhân dân đã làm ra văn hóa, làm ra đất nước bằng chính tinh cách, lẽ sống tâm hồn mình. tuổi trẻ thế hệ Nguyễn Khoa Điềm đã nhận thức được một cách sâu sắc Nhân dân là người làm nên lịch sử, làm ra văn hóa đất nước bằng tất cả tình cảm trân trọng và yêu thương . Suy tư và nhận thức này của nhà thơ là tư tưởng nghệ thuật đã trở thành truyền thống trong văn học Việt Nam.Từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu …đã từng nói lên nhận thức về vai trò của nhân dân trong lịch sử.Đến các nhà thơ, nhà văn trong thời kì kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ , nhận thức ấy đã được nâng lên thành một tư tưởng có tầm cao mới.

Qua đoạn thơ tác giả đã biểu dương, ngợi ca vai trò của lịch sử, sức mạnh lớn lao kì diệu của nhân dân trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Trong sự nghiệp dựng nước, nhân dân là người kiến tạo và bảo tồn những giá trị văn hoá tinh thần, truyền thống của dân tộc. Đoạn thơ ghi nhận sự đóng góp lớn lao của nhân dân đối với sự nghiệp kiến quốc. Nhân dân, bằng những việc làm cụ thể, bé nhỏ,rất đỗi bình dị mà thiết thực, ý nghĩa đã làm nên Đất Nước. Các hình ảnh gắn với chuỗi động từ này: hạt lúa, lửa, giọng nói, tên xã, tên làng, đập, bờ… một mặt tiếp tục thể hiện sự khám phá mới mẻ, độc đáo của nhà thơ về Đất Nước trong bề rộng không gian địa lí và tầng sâu của những truyền thống văn hoá, tạo nên sự thống nhất trong cách thể hiện Đất Nước ở toàn bộ chương V; mặt khác còn khẳng định nhân dân chính là lực lượng đông đảo vừa kiến tạo bảo tồn. lưu giữ truyền thống giàu tình nghĩa, giàu tình yêu thương, cần cù lao động- đó là những giá trị văn hoá tinh thần cao quý của Đất Nước.

Trong cuộc đấu tranh giữ nước cũng chính là nhân dân chứ không ai khác viết lên trang sử bi tráng.Nhân dân, những con người “có ngoại xâm thì chống ngoại xâm/ có nội thù thì vùng lên đánh bại” khẳng định đầy tự hào và sức mạnh lớn lao của nhân dân chống thù trong, giặc ngoài. Chính nhân dân đã hun đúc nên truyền thống kiên cường, bất khuất. Để chuyền tải tư tưởng Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại, người viết đã tìm đến nguồn chất liệu dồi dào và vô cùng thích hợp: nguồn chất liệu văn hóa, văn học dân gian.

Đoạn thơ có sự đan dệt của những ca dao, tục ngữ, hang loạt truyện cổ và vô vàn những tập quán, phong tục một cách sang tạo. Người viết có khi chỉ trích nguyên văn một câu ca dao: yêu em từ thuở trong nôi, song phần lớn chỉ sử dụng ý, hình ảnh ca dao: Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội; biết trồng tre đợi ngày thành gậy/ Đi trả thù mà không sợ dài lâu.

Với thể thơ tự do, vận dụng linh hoạt, nhuần nhuyễn, sang tạo chất liệu văn hoá, văn học dân gian; giọng điệu thơ có sự kết hợp giữa chính luận và trữ tình, suy tưởng và cảm xúc, đoạn thơ đã thể hiện được những nét riêng, độc đáo của Nguyễn Khoa Điềm khi biểu dương tôn vinh vai trò lịch sử, sức mạnh kì diệu của nhân dân trong suốt trường kì lịch sử.

 3. Đánh giá về tư tưởng của Nguyễn Khoa Điềm về Đất nước:

Tư tưởng của Nguyễn Khoa Điềm về Đất nước đó là: Đất nước của Nhân dân, của ca dao thần thoại, của đời thường. Qua đó, tác giả thể hiện tình yêu, niềm tự hào về Đất Nước, Nhân dân, thức tỉnh mọi người ý thức trách nhiệm xây dựng, bảo vệ Đất Nước. Trong đoạn thơ, sự triển khai cảm hứng của tác giả tuy phóng túng, đa dạng nhưng vẫn quy về điểm cốt lõi, đó là : Đất Nước của Nhân dân.

Thành công nghệ thuật của đoạn thơ này chính là là sự vận dụng những yếu tố dân gian kết hợp với cách diễn đạt và tư duy hiện đại, tạo ra màu sắc thẩm mĩ vừa quen thuộc lại vừa mới mẻ. Chất liệu văn hóa, văn học dân gian được sử dụng tối đa đã tạo nên không khí, giọng điệu, không gian nghệ thuật riêng : vừa có sự bình dị, gần gũi, hiện thực, lại vừa bay bổng, mơ mộng của ca dao, truyền thuyết nhưng lại mới mẻ qua cách cảm nhận và cách diễn đạt bằng hình thức thơ tự do. Chất dân gian đã thấm sâu vào tư tưởng và cảm xúc của tác giả, tạo nên đặc điểm nghệ thuật độc đáo của thơ Nguyễn Khoa Điềm.

III. Kết bài:

Qua đoạn trích Đất Nước, chúng ta phần nào nhận thấy đặc điểm của phong cách thơ Nguyễn Khoa Điềm là sự kết hợp giữa chính luận với trữ tình, giữa suy tưởng với cảm xúc, bộc lộ trực tiếp tình cảm, cảm xúc của tác giả trong cái nhìn, trong thái độ trân trọng, yêu quý đối với mỗi hình ảnh, chi tiết về Đất Nước gắn liền với Nhân dân được miêu tả và đề cập đến trong đoạn trích.

1 bình luận

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.