day-thon-vi-da-han-mac-tu-phan-tich-va-cam-nhan

Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử

Phân tích bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử.

  • Mở bài:

Hàn Mặc Tử là một hiện tượng thơ kì lạ vào bậc nhất của phong trào Thơ mới. Cuộc đời ông ngắn ngủi, đầy bi thương nhưng lại là một nhà thơ có sức sáng tạo mạnh mẽ, để lại chặng đường thơ sáng ngời và nhiều bài thơ bất hủ cho hậu thế. Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” là một thi phẩm xuất sắc của Thơ mới và đồng thời tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Hàn Mặc Tử.

  • Thân bài:

– Bài thơ bắt nguồn cảm hứng từ bức bưu ảnh mà Hoàng Cúc – người tình trong mộng của Hàn gửi tặng kèm lời thăm hỏi khi Hàn đang lúc bệnh đau và không còn cơ hội để trở lại với cuộc sống đời thường. Bài thơ mang vẻ đẹp huyền ảo và trong sáng. Thực và hư hoà quyện tạo nên vẻ riêng cho cảm xúc. Bài thơ thể hiện tình yêu tha thiết của tác giả đối với xứ Huế, nơi nhà thơ đã từng có nhiều kỉ niệm ngọt ngào, đồng thời thể hiện khát khao được sống, được yêu. Đây cũng là những cố gắng cuối cùng của thi sĩ để níu lại trong mình những giây phút ngọt ngào của cuộc sống trần thế. Cảnh thì đẹp mà tình thì buồn là sự thể hiện đầy đủ nhất tình yêu cuộc sống của thi sĩ bất hạnh mà đầy tài năng này.

1. Bức tranh thôn Vĩ buổi bình minh (khổ thơ 1).

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

– Câu hỏi tu từ mở đầu bài thơ vừa là lời thăm hỏi, lời mời gọi tha thiết vừa là lời trách móc nhẹ nhàng của cô gái thôn Vĩ. Lời thăm hỏi này không phải là lời của cô gái thôn Vĩ mà là lời của Hàn trong lúc nhớ nhung tự tưởng tượng ra.

– Bức tranh thôn Vĩ buổi sớm mai đẹp tinh khôi, trong trẻo và tràn đầy sức sống. Là bức tranh phong cảnh nhưng cũng chính là bức tranh tâm cảnh bắt nguồn từ niềm vui khi Hàn nhận được tấm bưu ảnh – tín hiệu tình cảm của người tình mà Hàn thầm thương, trộm nhớ. Bức tranh thiên nhiên buổi bình minh có 3 đối tượng miêu tả: Nắng, hàng cau và vườn.

+ Nắng: Là cái nắng “mới” tinh khôi, trong trẻo của buổi sớm mai. Điệp từ “nắng” gợi tả không khí ấm áp, dễ chịu của buổi sớm.

+ “Hàng cau”: Là loài cây cao nhất trong vườn, đón ánh nắng tinh khôi đầu tiên của ngày mới.

+ “Vườn” : Tính từ “mướt” giàu giá trị biểu đạt, gợi tả khu vườn không chỉ tràn đầy sức sống mà còn óng ả, mượt mà, long lanh. Phép so sánh “mướt như ngọc” chứa đựng tình yêu, sự trân trọng, nâng niu của nhà thơ dành cho khu vườn thôn Vĩ. Phép so sánh để lại nhiều ấn tượng trong lòng người đọc.

– Điểm xuyết vào bức tranh thiên nhiên ấy là bóng dáng con người xuất hiện với vẻ đẹp phúc hậu, kín đáo, dịu dàng: “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Hình ảnh con người và thiên nhiên hài hòa. Về hình ảnh “mặt chữ điền”, đây là hình ảnh đặc sắc nhưng cũng gây nhiều tranh cãi từ phía người đọc: Theo G.S Bùi Minh Đức: Mặt chữ điền là khuôn mặt của người phụ nữ miền trung được xây dựng bằng bút pháp cách điệu hóa; theo nhà nghiên cữu Nguyễn Bích Thuận thì khuôn mặt chữ điền không sử dụng bút pháp cách điệu hóa mà là khuôn mặt tả thực do chính Hàn tự họa khuôn mặt mình – Hàn trở về thôn Vĩ nhưng vì mặc cảm bệnh tật chỉ dám đứng sau khóm khúc lặng lẽ, say sưa ngắm vẻ đẹp thần tiên của thôn Vĩ.

* Nhận xét: Bức tranh thôn Vĩ trong khổ thơ đầu đẹp, tươi sáng, trong trẻo, gợi cảm và đầy sức sống. Bức tranh thiên nhiên tươi vừa là bức tranh phong cảnh vừa là bức tranh tâm cảnh – tâm trạng của Hàn. Đó là niềm vui khi nhận được bức thư thăm hỏi – tín hiệu tình cảm của người trong mộng. Niềm hi vọng về hạnh phúc lứa đôi lóe lên trong tâm hồn Hàn cũng đẹp và tươi sáng như bức tranh thiên thôn Vĩ vậy. Nhưng ngoài niềm vui, còn ẩn chứa một nổi buồn thân phận (mặc cảm) bâng khuâng, kín đáo.

2. Bức tranh sông nước đêm trăng đẹp nhưng buồn (khổ thơ 2).

“Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay…
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?”

a. Không còn trong trẻo, tươi sáng và tràn đầy sức sống, khổ thơ này, khung cảnh mang nét đượm buồn chứa đựng dự cảm chia lìa.

– Những mặc cảm, chia lìa được hiện ra với hình ảnh “gió” và “mây”, “dòng nước”, “hoa bắp lay”:

“Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay…”

– Hai câu thơ đầu: “Gió theo lối gió, mây đường mây/Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay” chẳng còn những nét tương đồng như khổ thơ đầu mà gợi không gian ly tán, chia lìa. Gợi tả qua hình ảnh:

+ “gió” và “mây” chia cách đôi ngã: “gió” theo đường của “gió”, “mây” theo đường của “mây”. Trong tâm tưởng thi nhân bị ảm ảnh bởi sự chia cách lứa đôi mà phản chiếu nỗi ám ảnh ấy vào thiên nhiên.

+ “dòng nước” vốn vô tri vô giác cũng mang nỗi niềm tâm trạng “buồn thiu” như một sinh thể sống động.

– Nỗi buồn ấy còn lây lan sang cả “hoa bắp”. Hình ảnh “hoa bắp lay” nhẹ nhàng trong gió gợi lên sự hiu hắt, thưa vắng. Nỗi buồn sông nước đã xâm chiếm vào hồn hoa bắp bên sông. Nhịp điệu câu thơ chậm rãi như “điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế” (Hoàng Phủ Ngọc Tưởng) của sông Hương. Và đấy cũng chính là hồn Huế, nhịp điệu quen thuộc của Huế tự ngàn đời. (GS. Bùi Minh Đức). Đó là nỗi buồn hiu hắt, mang dự cảm về hạnh phúc chia xa.

b. Tình người, tình đời, tình yêu cuộc sống tha thiết, mãnh liệt của nhà thơ qua 2 câu thơ:

– Hai câu thơ trên là một tuyệt, là kết tinh rực rỡ bút pháp tài hoa, lãng mạn của Hàn Mặc Tử.

+ Về hình ảnh “sông trăng”. Với trí tưởng tượng phi thường, Hàn Mặc Tử đã hư ảo hóa thế giới thực, tạo ra một thế giới giới mới, thế huyền ảo, huyển hoặc đưa người đọc theo những chuyến viễn du đến một không gian huyền bí, ảo mộng mà ở đó chỉ có nước và trăng, giao thoa lấp lánh.

+ Đại từ phiếm chỉ “ai” trong“Thuyền ai” không mang sắc thái nghĩa mơ hồ mà bộc lộ tâm trạng bâng khuâng, ngỡ ngàng. Đồng thời, chứa đựng khát khao giao cảm của thi nhân. Trong thơ ca xưa, hình ảnh thuyền trăng cũng đôi lần xuất hiện như “Gió trăng chứa một thuyền đầy” (Nguyễn Công Trứ).

+ Về hình ảnh “trăng”, trăng xưa nay trong thơ ca được biết đến như là một người bạn tri kỉ, người bạn tâm tình của thi nhân. Đồng thời “trăng” còn là hình ảnh ẩn dụ của tình yêu, hạnh phúc lứa đôi.

+ Câu hỏi tu từ: Từ những phân tích trên có thể hiêu câu hỏi “Có chở trăng về kịp tối nay ?” là con thuyền kia có vượt được thời gian, chở niềm hạnh phúc về “kịp” những ngày khi ta còn trên cõi dương thế này hay không? Câu thơ là câu hỏi tu từ ẩn chứa bao nỗi niềm khắc khoải, mong chờ hạnh phúc, khao khát giao cảm với đời.

+ Chữ “kịp”: Nhất là chữ “kịp”, chữ “kịp” không chỉ tạo điểm nhấn cho câu thơ mà chữ “kịp” còn hé mở cho ta thấy một cuộc đời đầy mặc cảm, một thế sống đầy vội vàng, chạy đua cho kịp với thời gian ít ỏi còn lại. Đó cũng chính là tình người, tình đời, tình yêu cuộc sống tha thiết, mãnh liệt của nhà thơ.

* Nhận xét: Bức tranh thiên nhiên sông nước đêm trăng vẫn đẹp nhưng buồn. Đồng thời, bức tranh phong cảnh này cũng là bức tranh tâm cảnh – chứa đựng nỗi buồn về dự cảm hạnh phúc chia xa nhưng vẫn thấy ở đó niềm khao khát giao cảm với đời, khao khát yêu, khao khát hạnh phúc của thi nhân vào những năm tháng cuối đời.

3. Bức tranh sương khói mờ ảo cỏi mộng (khổ thơ cuối).

a. Bức tranh sương khói mờ ảo cỏi mộng là tâm trạng tuyệt vọng của thi nhân.

– Trước nỗi đau chia lìa, Hàn Mặc Tử rơi vào thế giới ảo mộng:

“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra…
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”

– Hình ảnh “khách đường xa” có thể là người đang sống ở thôn Vĩ, cũng có thể chính Hàn đang tưởng tượng mình là khách về chơi thôn Vĩ. Nhưng dù hiểu thế nào thì điệp ngữ “khách đường xa” cũng khơi gợi nên khoảng cách xa xôi, mờ mịt giữa người và người.

– Hình ảnh “áo em trắng quá” là hình ảnh đậm nét nhất, rực rỡ nhất, nhưng cũng gây tuyệt vọng nhất. Vẻ đẹp tinh khiết mà Hàn Mặc Tử hằng tôn thờ được thi sĩ dùng một sắc trắng kì lạ để cực tả “áo em trắng quá”, mà đôi khi, thấy cả ngôn ngữ cũng bất lực không theo kịp trực giác của nhà thơ. Hàn Mặc Tử đã dồn cả màu, cả ánh sáng để tả: “Chị ấy năm nay còn gánh thóc/Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”.

– Cụm từ “nhìn không ra” là một cách cực tả sắc trắng, trắng một cách kì lạ, bất ngờ (giống như cách viết “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”).

– Không gian thực hóa hư ảo bởi trí tưởng tượng của thi nhân. Nhén lên trong lòng thi nhân một thứ tình cảm rất khó xác định, khó nắm bắt: “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh/Ai biết tình ai có đậm đà ?”. Cảnh vật và con người chìm sâu vào không gian hư ảo, ma mị như đang ở một thế giới rất khác… cõi chết. Ranh giới giữa sống và chết, giữa thực và hư quá đỗi mong manh. Thi nhân cảm nhận rõ nét khoảng cách xa xôi, cái hư ảo ngày càng rõ của tình yêu, hạnh phúc.

b. Bức tranh tâm cảnh:

– Ẩn chứa sâu trong khung cảnh “sương khói” mờ ảo ấy là sự bất lực, nỗi tuyệt vọng của thi nhân.

+ Cảnh vật từ khổ một đến khổ ba biến đổi rõ rệt: từ tươi sáng, tràn đầy sức sống đến hiu hắt, đượm buồn với cảnh sông nước rồi hư ảo mờ nhòe ở khổ thơ cuối cùng. Tâm trạng thi nhân cũng thay đổi theo cảnh: từ hi vọng đến dự cảm chia lìa, hoài nghi đên tuyệt vọng.

+ Đại từ phiếm chỉ “ai” xuất hiện trong câu hỏi tu từ “Ai biết tình ai có đậm đà ?” mang nét nghĩa mơ hồ. Câu hỏi tu từ không thỉ thể hiện sự hồ nghi về tình yêu mà còn là sự hồ nghi về tình đời, tình người. Trong hoàn cảnh của bản thân hiện tại, chỉ có tình người, tình đời mới níu nhà thơ lại với trần Thế mà cái tình kia sao quá đỗi mong manh.

+ Tâm trạng nhà thơ quyết định cảnh chứ không phải cảnh quyết định tâm trạng. Nhìn chung vào bức tranh tổng quan và sự biến đổi của nó chúng ta sẽ cảm nhận rõ điều này.

4. Thái độ của nhà thơ qua 3 câu hỏi tu từ:

– Trong khổ thơ nào cũng xuất hiện câu hỏi tu từ, từ “Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?”, “Có chở trăng về kịp tối nay?” đến “Ai biết tình ai có đậm đà ?”. Thế mới thấy, bao trùm cả bài thơ là những nỗi niềm khắc khoải, hồ nghi nhưng lại là niềm khát khao tình yêu,, hạnh phúc của thi nhân.

  • Kết bài:

Vowuis những hình ảnh thơ độc đáo, gợi cảm, ngôn ngữ trong sáng tinh tế đa nghĩa kết hợp những biện pháp nghệ thuật làm tăng lên tầng nghĩa cho ý thơ (nhân hóa, so sánh, câu hỏi tu từ), bài thơ tái lược ba bức tranh thôn Vĩ có sự dịch chuyển đặc sắc, qua đó bày tỏ tình cảm yêu mến với thiên nhiên, con người xứ Huế, tình yêu tha thiết với cuộc đời. Bài thơ cũng thể hiện rõ nỗi buồn, đau thương về số phận, tình yêu, hạnh phúc.


Tham khảo:

Phân tích bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử.

  • Mở bài:

Đây thôn Vĩ Dạ là một bài thơ hoài niệm. Theo tư liệu về Hàn Mạc Tử, khi còn làm việc ở Sở Đạc điền Quy Nhơn, Hàn Mạc Tử đã đem lòng yêu Hoàng Thị Kim Cúc – con gái ông chủ sở Đạc điền Quy Nhơ, quê ở thôn Vĩ, xứ Huế. Tất cả tình cảm của mình Hàn Mạc Tử gửi gắm vào tập Gái quê. Khi Hoàng Cúc theo cha về nghỉ hưu ở Huế – Vĩ Dạ, Hàn Mạc Tử xem như nàng đã đi lấy chồng.

Ngày mai tôi bỏ làm thi sĩ
Em lấy chồng rồi, hết ước mơ
Tôi sẽ đi tìm mỏm đá trắng,
Ngồi lên đó thả cái hồn thơ.

  • Thân bài:

Hàn Mạc Tử khi lâm bệnh hủi năm 1936. Năm 1939, Hàn nhận được tấm bưu ảnh của Kim Cúc gửi tặng, đó là một bức ảnh chụp phong cảnh xứ Huế, có sông nước, có thuyền, có bến có trăng, cùng những hàng cau cao vút kèm theo dòng chữ của Hoàng Cúc để an ủi nhà thơ. Bức bưu thiếp đã đánh thức cảm xúc của thi sĩ, nên có bài thơ tuyệt bút này.

Khổ thứ nhất mở đầu bằng một câu hỏi tu từ.

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”

Câu thơ thoáng như một lời trách móc nhẹ nhàng có pha chút tiếc nuối của ai đó, nhưng đằng sau đó là lời chào mời tha thiết khách đến thăm để được thưởng thức cảnh đẹp của “thôn Vĩ”.

“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”.

Về thôn Vĩ để được “nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”. Nhà thơ nói đến cây cau trước tiên vì cau là loài cây thanh nhã, xinh xắn với thân thẳng tắp, tán lá xanh tươi, gợi sự ngay thẳng thủy chung. Hình ảnh hàng cau ở đây còn có một chi tiết khó quên, ấy là “Nắng hàng cau, nắng mới lên”. Điệp từ “nắng” gợi cho ta ánh nắng ban mai, biểu tượng cho sức sống, niềm vui đang lan tỏa tràn đầy mặt đất. Trong ánh nắng ban mai, những thân cau còn đọng sương đêm sáng lên lấp lánh như đang vươn lên hút lấy những ánh vàng rực rỡ

Cảnh đẹp, thu hút sự chú ý của tác giả. Câu thơ thứ ba cất lên như một tiếng reo thích thú biểu hiện sự ngạc nhiên, ngưỡng mộ. Khung cảnh Vĩ Dạ đẹp như một bức tranh: “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”. Vườn Vĩ Dạ với những cây trái được sự chăm sóc bởi bàn tay khéo léo, lại được tắm gội mưa gió thường xuyên, nên mượt mà và dưới ánh nắng ban mai lấp lánh như những viên ngọc bích. Hình ảnh so sánh của tác giả trong câu thơ vừa chính xác, vừa gợi cảm. Có thể nói, tả vườn của Hàn Mặc Tử đã đạt đến độ tinh tế của một họa sĩ tài hoa.

Chỉ bằng vài nét vẽ chấm phá, Hàn Mạc Tử đã phác họa được khung cảnh khu vườn một làng quê xứ Huế vừa quen thuộc, bình dị, vừa thi vị độc đáo. Ngắm vườn xứ Huế trong cái “nắng mới lên” thật thanh thản. Nhưng cảnh vật Vĩ Dạ bỗng sinh động hẳn lên, khi bóng dáng con người xuất hiện: “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Mặt chữ điền thường gợi về vẻ đẹp phúc hậu. trang trọng, quý phái, còn lá trúc gợi cái dáng vẻ mảnh mai, xinh xắn, thanh tú. Câu thơ ngoài ý nghĩa tả thực: thấp thoáng sau khóm trúc có khuôn mặt rất phúc hậu của ai đó hình như đang dõi theo khách đường xa, còn có ý nghĩa tượng trưng, cách điệu hóa.

Cảnh và người tô điểm cho nhau: cảnh xinh xắn, thơ mộng, người phúc hậu qúy phái. Tất cả tạo nên một vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng. Nhờ thế câu thơ đã làm bật được cái linh hồn vườn cây xứ Huế mà khổ thơ tập trung biểu hiện.

Tóm lại, bằng những chi tiết rất quen thuộc và bình dị, Hàn Mạc Tử đã khắc họa một bức tranh quê Vĩ Dạ tràn đầy sức sống với vẻ đẹp bất ngờ, có sự hài hòa giữa cảnh và người. Đoạn thơ làm khơi dậy trong tâm hồn người đọc biết bao nỗi niềm quê hương làng mạc Việt Nam.

Khổ thơ thứ hai cho thấy một thế giới khác của Huế: dòng sông Hương và vẻ đẹp êm đềm trầm tư của Vĩ Dạ nói riêng và Huế nói chung:

“Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay…
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?”

Về với Vĩ Dạ, về với Huế, với núi Ngự, sông Hương, Hàn Mạc Tử cũng cảm nhận được cái linh hồn, cái nhịp điệu rất Huế ấy. Khung cảnh Huế dưới ngòi bút của Hàn Mạc Tử có sông nước, bờ bài, có gió, có mây và con thuyền ai đó đậu dưới trăng nơi bến vắng. Tất cả tạo nên một bức tranh êm đềm, thơ mộng.

Hai câu thơ đầu tả cảnh nhưng thấm đẫm tình người, gợi cảm giác chia li buồn vắng đến não nề:

“Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay…

Phải chăng một mối tình đơn phương, chưa có phút giây gặp gỡ ngọt ngào đã sớm chia li nên cảnh cũng hòa vào lòng người mà sầu tủi, phân li? Bởi đang trong tâm trạng buồn như vậy nên nhìn vào đâu cũng thấy buồn. Gió thổi mây bay thường là một chiều, nhưng đây lại đứt gẫy, như là không có sự gặp gỡ. Điệp từ “gió” và “mây” đã thể hiện ra điều dó. Và ngay đến dòng nước vô tri kia cũng trở nên buồn hiu cùng với hoa bắp hiu hắt khẽ “lay”. Không chỉ tả cảnh và tình trong cảnh, mà dường như còn muốn tả cái nhịp điệu của cảnh. Đó là cái nhịp điệu êm đềm, lững lờ, nét trầm tư rất điển hình không nơi nào có được của Huế. Hai câu thơ có cái nhịp khoan thai chậm rãi cũng đã diễn tả rất thành công cái cảm xúc trên.

Viết về Huế không thể không tả trăng. Trăng dưới ngòi bút của Hàn Mạc Tử huyền ảo, tràn đầy vũ trụ, tạo nên một không khí nửa thực, nửa hư như trong mộng:

“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”

Chỉ có trong mộng thì sông mới là sông trăng và thuyền mới chở trăng.Ở đây Hàn Mặc Tử là con người có con mắt rất mơ, rất ảo. Nhìn vào sự thật thì sự thật thành chiêm bao, nhìn vào chiêm bao lại thấy sẽ sang địa hạc huyền diệu. Lời thơ của Tử thanh tao quá! Ngọt lịm cả người” (Bích Khê).

Trăng là biểu tượng cho cái đẹp của cuộc đời và thiên nhiên. Trăng cũng tượng trưng cho hạnh phúc thanh bình. Vì vậy, hình ảnh thơ của Hàn Mạc Tử đã khơi dậy trong trái tim người đọc một niềm tin, niềm vui, một khát vọng hướng tới cái đẹp hoàn mĩ và thánh thiện. Nhưng lời thơ lại cất lên như một câu hỏi vô vọng. Hai câu thơ sau của khổ thơ thể hiện tâm trạng khát khao gặp gỡ đồng thời cũng thể hiện nỗi niềm lo âu. phấp phỏng về sự muộn màng. Chỉ một chữ “kịp” câu thơ cuốì cùng đã nói lên điều đó.

Khổ thơ thứ ba cho thấy vẻ đẹp huyền ảo của xứ Huế và tình người tình đời thiết tha mà xa xăm vô vọng của tác giả.

“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra…
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”

Điệp ngữ “khách đường xa” vừa thể hiện tâm trạng khác khoải nhớ mong tha thiết vừa diễn tả cái khoảng cách xa vời của mối tình đơn phương vô vọng. Vì vậy, “mơ khách đường xa” tác giả chỉ thấy “áo’’ nhưng “nhìn không ra”. Cô gái này là ai? Một cô gái Huế nào đó hay chính là cô gái thôn Vĩ chập chờn trong cõi mộng của nhà thơ khiến cho tác giả có cảm giác bâng khuâng hư thực? Chỉ biết đây là một hình ảnh vừa rất đỗi gần gũi tha thiết vừa xa xôi. Gần gũi vì nó đã trở thành một hoài niệm thường trực, xa vời vì khoảng cách thời gian, không gian và làn khói sương của một mối tình chưa có lời ước hẹn “Áo em trắng quá nhìn không ra” là một câu thơ khá đặc sắc. Màu trắng là màu áo dài của nữ sinh xứ Huế và cũng là màu gợi về sự thanh khiết trắng trong rất phù hợp với cô gái trong mộng tưởng. Cái màu trắng cả không gian, làm nhập nhòa cả thị giác của tác giả. Và “áo trắng quá” lại càng khó nhận ra khi lẩn vào sương khói hư ảo của Huế lắm nắng, nhiều mưa và sương khói của mối tình chưa có ước hẹn. Vì vậy, tình cảm của người con gái thôn Vĩ hôm nào có bền chặt cho chăng? “Ai biết tình ai có đậm đà?”. Trong đau thương tột cùng mà nhà thơ vẫn có những phút giây thả hồn trong trẻo để hướng về một miền quê thân thiết và một mối tình đây mộng ảo để tạo nên một “viên ngọc thơ tuyệt vời, chói lọi nghìn năm” Chế Lan Viên .

  • Kết bài:

Bài thơ cố nhiên có một xuất xứ, có một nguồn cảm hứng cụ thể, nhưng qua việc phân tích, ta thấy, tác phẩm đã vượt xa ranh giới của những gì cụ thể, đạt tới sự khái quát hóa nghệ thuật cao độ để đến với cuộc đời bao la. “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mạc Tử không chỉ là một bài thơ thể hiện tình yêu với một người con gái xứ Huế, thậm chí không chỉ dành riêng cho một thôn Vĩ cụ thể mà còn là lời tâm sự thiết tha, là lời trăng trối của thi sĩ một Hàn Mạc Tử về tình yêu day dứt và quá đỗi sâu nặng đối với cuộc đời này.


Tham khảo:

Phân tích và cảm nhận bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử.

  • Mở bài:

“Đây thôn Vĩ Dạ” là một trong những bài thơ hay nhất của Hàn Mặc tử và của phong trào Thơ mới. Cuộc đời của Hàn Mặc Tử trải qua nhiều đau thương nhưng lúc nào ta cũng thấy ông dành cho cuộc đời một tình yêu mãnh liệt, đắm say đến cuồng nhiệt. Bởi Hàn Mặc Tử là một người đa tình, ông khơi nguồn cho thơ từ nhiều nguồn cảm xúc. “Đây thôn Vĩ Dạ” được sáng tạo nên từ hai nguồn cảm hứng: cảnh đẹp của Vĩ Dạ và tình yêu đối với cô gái Huế.

  • Thân bài:

Mở đầu bài thơ là lời trách móc nhẹ nhàng của người con gái xứ Huế (cũng có thể là sự phân thân của nhà thơ):

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”.

Rõ ràng là có một thế giới thiên nhiên rất thực đã và đang tồn tại trong Đây thôn Vĩ Dạ. Đó Là một thế giới của “vườn ai mướt quá”, của “lá trúc che ngang”  và “thuyền ai đậu bến sông trăng đó”… đầy tình tứ. Một thế giới xôn xao của ánh sáng và sắc màu song vẫn gợi lên sắc thái cổ điển: Mỗi hình ảnh, sự vật đều rất nổi nét trong những hình vẻ cụ thể, trong cả những câu mà tất thảy như bị nhoè mờ đi sau một màn sương khói mông lung vô tình hay hữu ý. Những “nắng”, những “vườn”, những “con thuyền”, “vầng trăng”“em” nữa,… tất cả đã tạo nên một tập hợp hình ảnh rất sống về cuộc đời trong tâm trí Hàn Mặc Tử, khi ông, trong một cảnh ngộ riêng có tính bi kịch, bị gạt ra ngoài guồng quay của nó và chỉ có thể đứng từ xa, hướng đến cuộc đời, để ngưỡng vọng và khao khát.

Tác giả rất chú trọng tới việc mô tả thiên nhiên trong sự gợi cảm như vốn có. Thậm chí, ông còn tái hiện lại cả những cảm giác, những tiếng reo thầm, những câu hỏi, những lời xuýt xoa của chính mình (Vườn ai mướt quá!) để tăng thêm tính xác thực cho những thông tin bằng hình ảnh mà ông đang đem lại cho độc giả. Và hiệu quả nghệ thuật đầu tiên là, ông đã tạo nên trong 12 câu thơ ngắn ngủi ấy một bức tranh thiên nhiên thật đậm chất tạo hình, gần gũi và sống động, như chính nó ngoài đời. Song Đây thôn Vĩ Dạ không đơn thuần là một bức tranh thiên nhiên, cho dù tác giả đã đưa vào bài thơ khá nhiều chi tiết tả thực.

Nhà thơ có lưu giữ trong trí của mình ấn tượng về một không gian quá khứ tràn đầy ánh nắng. Đó và sự dồn nén của lớp lớp thời gian trong một khoảnh khắc nghệ thuật, đã tạo nên thứ ánh sáng từng phản chiếu rực rỡ kì lạ trong những bức vẽ ngoài trời của Claude Monet (Pháp): tất cả đã trôi qua và tất cả cũng đã dừng lại trong cái khoảnh khắc kì diệu ấy của nghệ thuật, mãi mãi nguyên vẹn và tinh khôi như ”thuở càn khôn mới dựng /ên”. Song tính chất của thứ ánh nắng trong những hình ảnh thơ này không hoàn toàn giống như trong tranh của hoạ phái Ấn tượng: nó không phải là những cảm nhận tức thì của con mắt mà là sự cắt nghĩa, lí giải trong sâu xa, và nhiều khi không định trước của tâm hồn. Nó không chỉ tạo hình, nó còn biểu hiện (Mối quan hệ giữa tạo hình và biểu hiện trong tác phẩm nghệ thuật đã được bàn tới nhiều; ở đây, chúng tôi chỉ nêu ra như một tiền đề xuất phát, nhằm mục đích định hướng cho việc tìm hiểu sâu hơn những nét đặc sắc trong nghệ thuật diễn tả của tác phẩm này).

Không phải ngẫu nhiên mà tác giả viết: “nắng hàng cau, nắng mới lên”. Ta cũng có thể đọc khác đi một chút: (đấy là) nắng hàng cau (và đấy là) nắng mới lên. Hai lần chữ “nắng” được điệp lại, mở ra trong tâm trí của con người một không gian chan hòa ánh sáng. Từ một hình ảnh cụ thể, “nắng” đã trở thành một biểu tượng đầy ám ảnh của quá khứ.

Biến những hình ảnh miêu tả riêng biệt, cảm tính, thành những biểu tượng giàu sức gợi, đó cũng là một cách diễn tả của Hàn Mặc Tử trong Đây thôn Vĩ Dạ. Ở đây, hình ảnh được hiểu như là những dạng thức tạo hình cụ thể, sống động trong những tác phẩm văn chương mà người ta có thể tri giác được một cách trực tiếp. Những hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm văn chương nói chung, muốn đến được với độc giả, đều phải được tạo hình qua những chi tiết, hình ảnh như vậy, bởi vì, xét đến cùng, chúng cũng chỉ là một hiện tượng tinh thần. Phải hiểu được cái thế giới hình tượng được thiết lập nên từ những hình ảnh cụ thể đó, độc giả mới có thể khám phá, lí giải được các lớp nội dung ẩn chứa trong tác phẩm.

Như vậy, cũng có thể xem hình ảnh như là một hình thức mã hoá ý nghĩa của tác phẩm văn chương. Tuy nhiên, có những hình ảnh cũng chỉ mang ý nghĩa định danh, chúng gọi ra những ý niệm về sự vật, sự việc đúng như vốn có trong thực tế đời sống. Nhưng cũng có những hình ảnh mà khi được lựa chọn và đưa vào tác phẩm văn chương, theo một cách thức tổ chức nghệ thuật đặc biệt nào đó, chúng bỗng gợi lên vô số ý nghĩa rộng lớn và trừu tượng hơn, khác với cái nghĩa thực, cụ thể, vốn có ban đầu. Nói cách khác, những hình ảnh ấy trở thành cái vỏ vật chất ôm chứa nhiều lớp ý nghĩa mới, ngoài bản thân chúng: đó là những hình ảnh – biểu tượng.

Những hình ảnh ấy có khi nằm trong ý đồ sáng tác của nhà văn nhằm diễn tả một hình tượng định sẵn, nhưng nhiều khi lại được nảy sinh ra một cách ngẫu nhiên trong “cõi mù mờ” của vô thức người nghệ sĩ. Nói như C.G. Jung thì, biểu tượng, là một hình ảnh thích hợp để chỉ ra đúng hơn cả cái bản chất ta mơ hồ nghi hoặc của tâm linh và nó không bó chặt gì hết, nó không cắt nghĩa, nó đưa ta ra bên ngoài chính nó đến một ý nghĩa còn nằm ở tận phía ngoài kia, không thể nắm bắt, được dự cảm một cách mơ hồ và không có từ nào trong ngôn ngữ của chúng ta có thể diễn đạt thoả đáng

Trong bài thơ của mình, Hàn Mặc Tử đã tạo nên một thôn Vĩ đầy mê đắm, với những hình ảnh như vừa thoáng hiện ra từ trong cõi nhớ, lại vừa như một nỗi ám ảnh từ rất xa xưa trong tiềm thức. Nhất là trong khổ đầu tiên này:

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Không hiểu cái cơ chế tinh thần nào đã xui khiến ông lựa chọn những hình ảnh lộng lẫy và có sức ám ảnh đến thế? Có lẽ là nhờ sự tác động của lời mời gọi từ bên ngoài (Sao anh… ?) cộng hưởng cùng sự bừng tỉnh bên trong tâm hồn chủ thể trữ tình, tạo nên một cú va đập mạnh trong xúc cảm, mở đường cho sự trỗi dậy của những hình ảnh cũ xưa. Nỗi nhớ đã nhấc bổng tác giả lên khỏi mặt đất thực tại và ông đã sống lại hồi ức trong tột cùng cảm giác của mình. Nhờ sự nhập thân trọn vẹn ấy mà thôn Vĩ, lẽ ra phải được mô tả như những gì cũ càng trong quá khứ, lại hiện lên như những hình ảnh tươi mới nhất của hiện tại.

Nắng hàng cau / nắng mới lên / lá trúc che ngang / mặt chữ điền – Đấy là một tập hợp hình ảnh về những khu vườn thơ mộng nơi thôn Vĩ, nó cụ thể hoá cái ấn tượng ”mướt quá, xanh như ngọc” của khung cảnh thiên nhiên nơi ấy. Đó là những chi tiết phụ trợ, xung quanh cái trục chính là hình ảnh ” Vườn”. Song cái khu vườn ấy càng được chi tiết hoá, càng trở nên sống động và gợi cảm, càng đẹp một cách ám ảnh ấy, càng khêu gợi trí tưởng tượng của người đọc, càng khiến người ta nghĩ đến một cái gì đó, sâu hơn và xa hơn cái ý nghĩa hiển lộ ở bề mặt những hình ảnh kia. Nó – nói như Jean Chevalir – “báo hiệu một bình diện ý thức khác với cái hiển nhiên lí tính; nó là mật mã của một bí ẩn, là cách duy nhất để nói ra được cái không thể nắm bắt bằng cách nào khác”.

Tác giả càng mô tả “vườn ai” một cách tỉ mỉ, kĩ lưỡng, thì, vượt ra ngoài tầm kiểm soát của nhà thơ, ý nghĩa của nó càng bị biến dạng so với những hình ảnh thực tế xuất phát ban đầu. Chính điều này sẽ làm cho bức tranh thiên nhiên kia mất đi cái ý nghĩa sao chép thực dụng, mở ra những ý nghĩa rộng lớn hơn và cũng khó nắm bắt hơn, dẫn đến sự xuất hiện của những biểu tượng giàu ý nghĩa. Trở lại với hoàn cảnh ra đời của bài thơ này, có thể thấy rằng, “Vườn ai” – đó là một không gian ảo mộng tràn đầy ánh sáng và sắc xanh, đối lập hoàn toàn với cái không gian hiện thực bên ngoài chua xót mà tác giả đang phải vật vã với từng giờ khắc (1939).

Sự đối lập ấy càng khiến cho cái không gian phi thực kia trở nên lung linh hơn, nhưng cũng khắc khoải và dằn vặt hơn. Đó là vẻ đẹp của một thiên đường đã mất trong mắt kẻ tội đồ; Đó là ”vườn mơ, bến mộng, niềm nhớ nhung đằng đẵng, về một hạnh phúc nguyên thuỷ. Hạnh phúc của nguồn trong trẻo mà loại người phải từ giã ra đi và bị cấm cản đường về”. Cùng với tập hợp những hình ảnh đi kèm (nắng, hàng cau, lá trúc, mặt chữ điền…) – “Vườn ai”, trong sự lựa chọn của vô thức – đã trở thành một biểu tượng vừa mơ hồ vừa rõ rệt nhất, cho ”một cõi đi về” của những nuối tiếc và khát khao hạnh phúc trong tâm hồn người thi sĩ tài hoa mà bất hạnh ấy.

Tác giả đã đưa vào bốn câu của khổ thơ thứ hai khá nhiều hình ảnh cụ thể: gió, mây, dòng nước, hoa bắp, dòng sông ,con thuyền, vầng trăng… Tuy nhiên, khác với khổ thứ nhất ,những hình ảnh này không tạo nên một tập hợp thống nhất xoay quanh một chủ đề xác định: chúng được mô tả trong sự tách bạch và rời rạc. Nhà thơ như đang soi ngắm mỗi sự vật trong sự cô đơn của nó. Vì thế, không gian tuy đầy những sự vật, sự việc nhưng vẫn gợi một cảm giác hiu quạnh. Nó gợi ra một không gian khác, một không gian tâm hồn đổ vỡ và trống rỗng.

Như vậy, chính sự xếp đặt những hình ảnh vừa thực vừa ảo, theo một thể thức rời rạc và chẳng mấy ăn nhập với nhau ấy đã vô tình bộc lộ một sự ”bấn loạn nội tâm” nào đấy của con người . Và điều đó cũng có nghĩa là, nói ngẫu nhiên mà thực ra không hề ngẫu nhiên, những hình ảnh ấy vẫn phải trải qua những thao tác chọn lựa nhất định của những “ám ảnh vô thức” nào đó (nghĩa là có khi cả tác giả cũng không hề định trước). Bằng việc lựa chọn, sắp xếp và liên kết các hình ảnh, tác giả đã tạo nên độ nhòe của các chi tiết thực, từ đó mà đi đến việc mở rộng ý nghĩa của chúng, khiến cho những hình ảnh đơn nghĩa ban đầu hoá thành những biểu tượng.

Hình ảnh gió, mây thì hết sức cụ thể nhưng sự kết hợp của chúng trong câu thơ “gió theo lối gió, mây đường mây” thì lại mở ra những ý nghĩa hết sức mông lung. Cách nhà thơ bẻ rời những sự vật vốn gắn bó ra, đặt chúng trong các cụm từ đăng đối tách bạch, gợi rất rõ một cảm giác phân cách, chia li, rã rời. Cũng vậy, hình ảnh thuyền, trăng, bến sông, trong hai dòng thơ cuối khổ sẽ là một vẻ đẹp hiền lành và thơ mộng trong thi ca, nếu tác giả không liên kết chúng bằng một mốc thời gian đầy xác định “tối nay”, và đặt giữa tổ hợp hình ảnh quen thuộc ấy một từ “kịp” đầy nỗi niềm:

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?

“Vườn ai”, giờ lại đến “thuyền ai” (và ở khổ cuối sẽ là “tình ai”). Đại từ phiếm chỉ này giúp xoá mờ đi những đường biên quá rõ ràng và tạo nên sự mơ hồ hoá trong cảm nhận của độc giả. Đi cùng với cách nói phiếm chỉ này là cách kết hợp những hình ảnh vốn thực tế rất cách xa nhau trong một khoảng cách và quan hệ hết sức gần gũi: bến sông trăng, thuyền chở trăng về… Cách nói ghép nhập một loạt hình ảnh vào nhau như bến sông trăng rất dễ gây ra những nhập nhằng trong cách hiểu (Bến sông hay là bến trăng? Dòng sông hay là dòng trăng?). Song cũng vì vậy mà từ những hình ảnh cụ thể và xác thực, ý nghĩa của thuyền, bến, sông, trăng… bỗng trở nên “lung linh”, chúng “tiết lộ mà che giấu và che giấu mà tiết lộ”.

Cho nên, cái không gian thôn Vĩ rất thực, qua cách mô tả ấy cũng trở nên hư ảo mông lung. Bị đặt bên cạnh những hình ảnh lấp lửng như vậy, “tối nay” bỗng nhiên cũng chênh vênh giữa một bên là ý nghĩa thời gian rất xác thực, và một bên là những lớp nghĩa mới đầy trừu tượng, mơ hồ. Thiếu những tiền đề xác định của hoàn cảnh phát ngôn, độc giả bỗng nhiên cảm thấy nghi ngại nếu hiểu “tối nay” như ý nghĩa ban đầu của nó. Và chính vì vậy, ở đây, những khả năng liên tưởng đã được mở rộng. ”Tối nay” phải đâu chỉ là cái mốc thời gian cụ thể để cho con thuyền chở trăng kịp về tới bến, nó còn gợi ra cái giới hạn nghiệt ngã không thể tránh khỏi của cuộc đời mỗi con người. Câu thơ là sự suy ngẫm khắc khoải với những dự cảm không lành về cái giới hạn một mai rất gần kề kia của chính số phận mình, chứ phải đâu chỉ là những mơ mộng vô tư về sông nước! Nhưng vấn đề là, để đi đến những ý nghĩa rộng lớn và trừu tượng ấy, thi sĩ luôn phát xuất từ nhiều hình ảnh cụ thể, để chúng ”nói” với độc giả bằng thứ ngôn ngữ tự thân của chúng. Ma lực bí ẩn của những hình ảnh thơ này chính là ở chỗ chúng nhập nhoà giữa ranh giới chuyển vượt của cái đã biết và cái còn bị che giấu của ý nghĩa mà chúng chuyển tải.

Nếu ở khổ thứ nhất và thứ hai tác giả càng cố gắng chi tiết hoá bằng những tập hợp hình ảnh cụ thể thì ở khổ cuối, ông lại cố gắng tỉa bớt những chi tiết rườm rà không cần thiết. Khổ ba ít những hình ảnh cụ thể hơn hẳn so với hai khổ trên, song kĩ thuật tạo độ nhòe đã được tận dụng triệt để. Bước vào khổ thơ là bước vào một giấc mơ mông lung. Câu thơ đầu như tiếng vọng trong một giấc mơ, sương khói mờ mịt ấy dường như cũng là sương khói bao phủ giấc mơ, và cả màu “áo em trắng quá” tưởng rất xác định kia nữa cũng tựa như một ảo giác chập chờn trong mơ mà thôi (Thực ra, đặt màu áo trắng trên cái nền khói sương kia cũng là một cách tạo thêm độ mờ trong thị giác).

Vì vậy, việc chủ thể trữ tình thốt lên ”áo em trắng quá, nhìn không ra” có vẻ phi lí nếu xét từ một góc độ nào đó, song lại rất phù hợp với tính chất của một giấc mơ (vốn không hề tuân theo một lôgic hiện thực nào). Việc tạo ra một không gian mông lung như vậy, càng khiến cho hình ảnh Em – hình ảnh trung tâm của khổ thơ, càng trở nên mơ hồ và khó nắm bắt hơn bao giờ hết. Nhưng phải chăng, đó mới chính là ý nghĩa đích thực của biểu tượng này? Em là hạnh phúc và tình yêu và cũng như chính hạnh phúc và tình yêu mong manh lắm thay!

Bài thơ này chỉ có 12 dòng nhưng có đến ba câu hỏi, phân đều cho ba khổ thơ. Một câu mở đầu và hai câu đứng ở vị trí kết thúc. Chính những câu hỏi đã liên kết những hình ảnh bề mặt của bài thơ thành một thể thống nhất. Câu hỏi đầu tiên thực chất là một lời tự vấn, tuy nhiên, tác giả đã mượn lời của khách thể – một cô gái thôn Vĩ – tạo nên một cái cớ rất thơ để nhập cuộc trọn vẹn cảm xúc. Điều này giải thích vì sao thôn Vĩ có thể hiện lên với một loạt chi tiết hết sức gợi cảm và tập trung ở phía sau. Câu hỏi ở đây đóng vai trò gợi mở kỉ niệm và gọi dậy hình ảnh nhờ quan hệ hô ứng của lời hỏi đáp.

Tuy nhiên, cái cách tác giả giấu mặt sau lời của người khác cũng bộc lộ một cái gì đó như nỗi e dè kín đáo. Câu hỏi thứ hai nối kết những hình ảnh rời rạc ở bề mặt câu thơ trong một mối liên hệ ngầm, và vì vậy từ một câu hỏi vu vơ, không ăn nhập gì với ngoại cảnh, nó đã hé lộ một nội tâm đầy bất an của tác giả. Chính câu hỏi này đã cho thấy sự hiện diện rõ hơn của chủ thể trữ tình (cho đến trước đó, anh ta vẫn còn giấu mặt sau những hình ảnh của thiên nhiên). Tuy nhiên, nỗi xúc động thực của tác giả vẫn bị che đậy khá kĩ lưỡng sau một loạt những hình ảnh mơ hồ, bóng bẩy. Phải đến câu hỏi kết thúc, cái nỗi nấu nung khiến xui tác giả phải cầm bút mới thực sự lộ diện: Ai biết tình ai có đậm đà?

Như vậy, càng ngày, cùng với sự xuất hiện của những câu hỏi, tiếng nói của chủ thể trữ tình càng vang lên rõ rệt hơn, và vì vậy, cũng xúc động hơn. Điều đó diễn ra song song với quá trình nhoè mờ đi trên bề mặt những hình ảnh của thôn Vĩ. Nói cách khác, những hình ảnh cụ thể càng ngày càng mơ hồ hơn, như tự che giấu ý nghĩa của chúng, nhưng những câu hỏi càng ngày càng bộc lộ nội dung một cách trực tiếp hơn, mạnh mẽ hơn. Đó Là sự giằng co giữa Tình cảm và Lí trí: Tình cảm thì muốn thổ lộ, muốn giãi bày, nhưng lí trí thì ngại ngùng, gìn giữ; Tình cảm thì muốn chọn con đường phô bày một cách trực tiếp, nhưng lí trí lại mách bảo nên giấu mặt sau những hình ảnh gián tiếp; tình cảm thì chỉ muốn theo con đường ngắn nhất, nhưng lí trí lại đi đường vòng của những ẩn ngữ…

Sự giằng co vô thức này đã chi phối rất rõ kết cấu nội tại của thi phẩm: Cứ một câu hỏi tưởng chừng hé lộ một điều gì đó, lại đến một loạt hình ảnh mơ hồ như chỉ chực xoá đi những gì quá rõ ràng mà câu hỏi đã đem lại. Ngay trong một câu hỏi cũng vậy: những hình ảnh vừa như hết sức xác định, lại vừa như hết sức vu vơ, không nhằm vào một ai, một cái gì thực cụ thể cả. Sự song hành của hai quá trình diễn biến ngược chiều ấy thiết lập nên mối quan hệ đan chéo giữa cái đã biết và cái bị che giấu, tạo nên tính chất vừa khép vừa mở, vừa thực vừa ảo, vừa hướng nội vừa vọng ngoại, vừa đẩy độc giả ra xa, vừa kéo lại thật gần trong sự hỗn mang cảm xúc… của Đây thôn Vĩ Dạ.

Có thể nói rằng, bước vào Đây thôn Vĩ Dạ là bước vào những câu hỏi đầy ám ảnh về tình đời, tình người. Hiển nhiên những bức xúc tinh thần trong tác giả đã đóng vai trò động lực chính, song từ một góc độ nào đó mà xét, thì ”những câu hỏi lớn không lời đáp” ấy cũng là một kỹ thuật nhằm tạo nên độ vang của âm điệu và độ mở trong ý nghĩa của tác phẩm. Trên cái nền mông lung của khung cảnh, âm vang của những câu hỏi càng trở nên da diết khắc khoải hơn, và ngược lại, trong mối liên hệ với những câu hỏi có sức xoáy sâu ấy, những hình ảnh cụ thể bỗng lung linh thêm nhiều ý nghĩa. Rõ ràng, để mở được cánh cửa đi vào thế giới hình ảnh – biểu tượng của tác phẩm này, cần phải bám vào những câu hỏi như những cọc tiêu chỉ đường quan trọng.

Bài thơ có tiêu đề là Đây thôn Vĩ Dạ. Xuyên suốt bài thơ là những hình ảnh về cái thôn Vĩ ấy. Song từ những hình ảnh cụ thể của một khung cảnh thiên nhiên có thực, qua nghệ thuật diễn tả độc đáo của nhà thơ, đã trở thành một thế giới của biểu tượng. Toàn bộ những hình ảnh mô tả cụ thể, riêng lẻ trong bài thơ đều xoay quanh cái trục chính Thôn Vĩ, nhằm cắt nghĩa và bổ sung cho hệ biểu tượng ấy ngày một đầy đặn hơn, đồng thời cũng phức tạp hơn. Vừa là hình bóng của quá khứ êm đềm, vừa là sự phản chiếu của một hiện tại đau xót, và đồng thời còn thức dậy một tương lai với bao nỗi hoang mang thắc thỏm. Đây thôn Vĩ Dạ, nói rộng hơn, chính là biểu tượng cho thế giới tâm hồn Hàn Mặc Tử, khi cận kề bên bờ vực cái chết, vẫn không ngừng hướng về cuộc đời, về tình yêu, trong tột cùng đau thương và hy vọng. Nhà thơ quả đã tìm được cho cái thế giới nội tâm của chính ông một cái “vỏ vật chất” đầy biểu cảm.

  • Kết bài:

Từ hình ảnh tới biểu tượng là kết quả của những thao tác chọn lựa và kết hợp của thi sĩ, nhằm tìm ra cho những diễn biến nội tâm phức tạp của chính ông, một hình thức diễn tả phù hợp nhất. Tất nhiên, như đã nói ở trên, những thao tác ấy được vận hành không chỉ bởi phần hữu thức mà còn bởi sự vô thức trong chính con người tác giả. Điều đó mở ra những khoảng trắng trong tác phẩm và cho phép độc giả tiếp tục tìm kiếm những ý nghĩa mới của nó…


Tham khảo:

Phân tích và cảm nhận bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử.

  • Mở bài:

Phong trào Thơ mới xuất hiện trên thi đàn văn học đã tạo ra một bất ngờ lớn nhưng sự xuất hiện của Hàn Mặc Tử còn tạo ra sự ngạc nhiên hơn nhiều. Một đời thơ không dài nhưng Hàn Mặc Tử đã để lại một lượng tác phẩm đáng phục và anh được ví như “ngôi sao băng có ánh sáng khác lạ vụt qua bầu trời văn học” và làm người ta nhớ mãi không quên. Hàn Mặc Tử khiến người ta nhớ đến bởi giọng thơ độc đáo mới lạ của một hồn thơ luôn quằn quại đau đớn trong bất hanh. Bên cạnh những vần thơ điên, thơ say, thơ siêu thực với một thế giới đầy ma quái là một giọng thơ trữ tình đằm thắm. Tất cả thể hiện một tình yêu đời tha thiết, khao khát tình người đến cháy bóng. Dãy thôn Vĩ Dụ là một bài thơ như thế. Mười hai câu thơ là một mạch cảm xúc chan chứa tình cảm với xứ Huế thơ mộng, với con người trần thế.

  • Thân bài:

Đây thôn Vĩ Dạ ra đời khi Hàn Mặc Tử đã lâm bệnh nặng, không có cơ hội để trở về với cuộc sống đời thường bởi căn bệnh phong quái ác. Vì vậy bài thơ là sự hoà quyện giữa thực và ảo. Hiện thực là những kỉ niệm về xứ Huế, ảo mộng là những hình ảnh về con người trong mơ tưởng của thi nhân. Theo những người bạn của Hàn Mặc Tử kể lại thì bài thơ được gợi cảm xúc từ tấm bưu ảnh của Hoàng Cúc gửi cho thi sĩ. Bài thơ là sự quyện hoà của giọng điệu chủ thể trữ tình (thi nhân) và khách thể trữ tình (em).

Mở đầu bài thơ là khổ thơ viết về thiên nhiên thôn Vĩ với những vẻ đẹp đầy thơ mộng qua dòng hồi tưởng của nhà thơ. Câu thơ đầu có một khả năng gợi mở rất lớn :

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?”

Câu thơ là lời mời, lời trách hay sự nuối tiếc ? Có lẽ là cả ba. Đó là lời mời của cô gái nào đó đang trách hờn “anh” – chủ thể trữ tình của bài thơ hay câu thơ chính là sự phân thân của nhân vật trữ tình để bộc lộ tâm trạng nuối tiếc của mình vì không được trở lại thôn Vĩ nữa. Ba câu sau được nối với câu trước bởi nghệ thuật “vắt dòng” của câu hai. Nhìn nắng hàng cau là lời giải thích “sao anh không về để nhìn nắng” còn nắng mới lên tồn tại độc lập. Đây là lời của cô gái hay chàng trai ? Lời của cô gái nhưng bắt đầu có sự xuất hiện của nhân vật trữ tình. Cảnh và người thôn Vĩ hiện lên rõ dần. Bắt đầu là hình ảnh hàng cau – một loại cây quen thuộc trong những khu nhà vườn xứ Huế.

Đây là hình ảnh hàng cau trong nắng sớm ban mai, giữa những vườn mướt “xanh như ngọc”, một hình ảnh trong sáng, thân thuộc đến bất ngờ. Câu thơ như một cái ngước nhìn đầy thú vị. Nắng ban mai êm dịu xen giữa những thân cau thẳng tắp lá còn ướt đẫm sương đêm tạo ra cho cảnh vật một nét đẹp rất thơ mà cũng rất đời thường. Khi nhớ đến thôn Vĩ, nhớ đến xứ Huế mơ mộng người ta không thể không nhắc đến những khu nhà vườn xinh đẹp dưới ánh nắng mai:

“Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”.

Vẻ đẹp của thôn Vĩ đã được cảm nhận bằng nỗi nhớ của nhân vật trữ tình (tác giả) chứ không phải là của cô gái nữa. Nhân vật trữ tình đã hiện ra qua lời ngợi ca vẻ đẹp của thôn Vĩ. Chữ mướt gợi màu xanh non tơ, mềm mại đầy xuân sắc và màu “xanh như ngọc” là màu xanh như có ánh sáng từ bên trong. Ngọc vừa có màu vừa có ánh, vừa toả mát ánh sáng, vừa rười rượi sắc xanh, mướt quá là trầm trồ chứ không phải là nhận xét “quá mướt”. Đọc thơ Hàn Mặc Tử, Hoài Thanh có nhận xét : ”có những câu thơ đẹp một cách lạ lùng, đọc lên như rưới vào hồn một nguồn sáng lạ”. Nhận xét này thật đúng với câu thơ trên. Có lẽ những giọt sương đêm vẫn còn đọng trên lá và khi ánh bình minh soi xuống đã tạo cho khu vườn vẻ đẹp lung linh huyền ảo. Câu thơ cho thấy Hàn Mặc Tử yêu Vĩ Dạ, yêu Huế biết bao nhiêu. Ai có thể tin rằng câu thơ đầy sức sống này lại là của một thi sĩ không còn cơ hội trở lại với đời thường.

Tình yêu Vĩ Dạ của thi nhân bắt nguồn từ tình yêu cuộc sống, từ tình yêu với người con gái xứ Huế. Vì vậy con người xứ Huế trong cảm nhận của nhà thơ trong khung cảnh thật gợi:

“Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Câu thơ viết theo hướng cách điệu hoá. Cách điệu từ đường nét “lá trúc che ngang” đến hình ảnh “mặt chữ điền”. Mặt chữ điền từng xuất hiện trong những câu ca dao xứ Huế :

Mặt em vuông tựa chữ điền,
Da em thì trắng, áo đen mặc ngoài.
Lòng em có đất có trời,
Có câu nhân nghĩa, có lời thuỷ chung.

Vói biện pháp nghệ thuật cáẹh điệu hoá, tác giả đã diễn tả được vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng, hoà hợp với thiên nhiên của người Vĩ Dạ. Người Huế vốn rất yêu thiên nhiên, cây cỏ là bạn với họ. Họ chăm sóc cây cối giống như chăm sóc con người. Và những ngôi nhà truyền thống của người Huế bao giờ cũng ẩn sau những mảnh vườn mướt xanh. Bốn câu thơ đã tạo nên một vẻ đẹp lung linh huyền diệu cho thôn Vĩ.

Khổ thơ thứ hai có sự thay đổi về không gian và cảm xúc nhưng vẫn là dòng hồi tưởng của nhân vật trữ tình, kỉ niệm lúc này tràn về mãnh liệt đến nỗi từng bước của chàng trai lan toả, xen đầy cả không gian :

“Gió theo lối gió ý mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”

Mạch cảm xúc không dứt mà tạo một dư âm :

“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay ?”

Có lẽ cấu tứ của đoạn thơ này được bắt nguồn từ nỗi nhớ về dòng sồng Hương êm đềm. Cảnh vật trong khổ thơ buồn da diết, vừa hiện thực vừa hư ảo. Nó khiến người đọc như vừa gặp một ảo giác, cụ thể đấy mà cũng thật mơ hồ. Gió mây thường có mối quan hệ gắn bó khăng khít, “gió thổi mây bay”, nhưng ở đây gió mây lại theo hai đường, thậm chí ngăn cách nhau quyết liệt: “Gió theo lối gió mây đường mây” Gió mây ở đây không phải là hiện thực mà nó mang tâm trạng của người trong cảnh chia lìa. Nhớ Vĩ Dạ nhưng không thể trở về nơi ấy được nữa nên buồn và nỗi buồn đã tràn ra cảnh vật: “Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”. 

Trong hồi tưởng của nhân vật trữ tình, dòng Hương giang hiện lên thật buồn. Nhớ Hương giang lại nhớ đến những đêm trăng huyền diệu. Trăng gợi vẻ đẹp huyẻn ảo song trăng cũng dễ gợi sự cô đơn, lạnh lẽo :

“Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá
Hai người nhưng chẳng bớt cô đơn”.

(Xuân Diệu)

Trăng từng xuất hiện rất nhiều trong thơ Hàn Mặc Tử với đủ hình dạng, trạng thái khác nhau :

“Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi”.

Còn ánh trăng ở đây lại là một ánh trăng huyền ảo, một không gian tràn đầy trăng và thơ :

“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay ?”

Sáng tạo độc đáo của Hàn Mặc Tử là ở hình ảnh “sông trăng”. Trăng tràn đầy không gian từ dòng sông đến cõi mộng. Hàn Mặc Tử chịu ảnh hưởng của trường phái thơ siêu thực và tượng trưng Pháp, có lẽ câu thơ này là kết quả của những ảnh hưởng đó. Hai câu thơ hay mà không thể lí giải cụ thể. Đó cũng chính là bí mật hấp dẫn của thi ca. Ai có thể chở được ánh trăng. Câu thơ gợi lên vẻ đẹp huyền ảo của xứ Huế và thể hiện tâm hồn thơ lãng mạn của thi nhân.

Đến khổ thơ thứ ba, cảnh vật không còn nữa, kỉ niệm trở về ngập hồn nhân vật trữ tình. Và lúc này những rung động của anh đối với Vĩ Dạ đã tập trung ở hình ảnh người con gái “mờ mờ nhân ảnh”.

“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ớ đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà ?”

“Ở đây” là ở đâu ? Dù ở đâu thì cũng đã bị bao phủ bởi sương khói của thời gian. Ai là một đại từ phiếm chỉ. Một đại từ phiếm chỉ được sử dụng hai lần trong một câu thơ, gợi lên bao ý nghĩa. Câu thơ tha thiết một khát khao, một ước nguyện muốn có người hiểu được tâm sự của mình. Đồng thời thể hiện tâm trạng hoài nghi. Trong bài thơ có tới bốn lần tác giả sử dụng đại từ ai, và “anh” và “em” đã hoà nhập trong từ ai ấy, hoà nhập trong tâm tưởng của thi nhân. Câu thơ cuối cùng thoáng chút hoài nghi ấy xuất phát từ lòng khát khao sống, khát khao giao tiếp với cuộc đời ; xuất phát từ niềm khao khát thuỷ chung. Vượt lên nỗi đau riêng, thơ Hàn Mặc Tử nói lên tâm trạng chung của bao lứa đôi xa cách…

Mạch thơ đứt nối không theo tính liên tục của thời gian và duy nhất của không gian nhưng lại diễn tả mạch vận động nhất quán của dòng tâm tư. Hình ảnh độc đáo giàu sức gợi, ngôn ngữ cực tả trong sáng, súc tích khiến cho trường liên tưởng được mở rộng, khung cảnh thiên nhiên trở nên đẫy đà, giàu sức sống để nhấn mạnh hơn khao khát sống của người nghệ sĩ. Sử dụng hàng lọat câu hỏi tu từ, giọng điệu da diết khắc khoải khiến cho bài thơ đọng lại trong lòng người đọc là một nỗi băn khoăn, day dứt về cuộc đời.

  • Kết bài:

Cả bài thơ là một bức tranh thôn Vĩ vừa mang vẻ đẹp rất thực với tất cả nét trong sáng, tinh khôi, thơ mộng với những đặc trưng của thiên nhiên xứ Huế. Nhưng dường như những hình ảnh ấy mơ hồ, mờ nhòe như thực, như ảo. Tất cả được tái hiện lại qua kí ức của người nghệ sĩ. Ba khổ thơ với những hình ảnh dường như không liên quan nhưng sự thực chúng là những mảnh ghép kí ức của nhà thơ. Đồng thời cũng là nỗi đau đớn, quằn quại của Hàn Mặc Tử khi khao khát được sống, tha thiết với đời còn quá sâu nặng mà thời gian còn lại của đời người lại quá ngắn ngủi. “Thơ đi từ cái thực tới cái ảo ảnh, từ ảo ảnh đi tới cái huyền diệu, từ huyền diệu đi tới chiêm bao. Bao trùm cả bài thơ là thế giới mơ”, đó là lời của Hàn Mặc Tử về thơ và có lẽ là về chính Đây thôn Vĩ Dạ.


Tham khảo:

Phân tích bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử.

  • Mở bài:

“Đây thôn Vĩ Dạ” là thi phẩm xuất sắc nhất của Hàn Mặc Từ. Bài thơ tuyệt bút này đã từng gây ra biết bao tranh luận bởi cái hay của nó không chỉ thể hiện ở nội dung mà còn hay ở nghệ thuật từ âm điệu, câu chữ, hình ảnh đến cả nghệ thuật tả cảnh ngụ  tình được vận dụng một  cách thành thạo và khéo léo, nhưng cảnh thì ít mà tình thì nhiều cho nên cả bài thơ là một âm điệu du dương được gảy lên từ tiếng lòng của chính nhà thơ.

  • Thân bài:

“Đây thôn Vĩ Dạ” trích trong tập “Thơ Điên” là một bài thơ  như thế. Đây chính là sản phẩm của nguồn thơ lạ lùng kia – là một lời tỏ tình với cuộc đời  của một  tình yêu tuyệt vọng,  yêu đơn phương nhưng ẩn bên dưới mỗi hàng chữ tươi sáng là cả một khối u hoài của  tác giả. Bài thơ còn là tình yêu thiên nhiên, yêu con người Vĩ Dạ một cách nồng cháy – nơi chất chứa biết bao kỉ niệm và luôn sống mãi trong hồi tưởng của ông. Chính vì thế đọc bài thơ này ta thấy được một phương diện rất đẹp của tâm hồn nhà thơ

Có tài liệu cho rằng bài thơ được gợi hứng từ bức ảnh phong cảnh Huế cùng mấy lời thăm hỏi của Hoàng Cúc – người yêu đơn phương mà ông đã thầm  yêu trộm  nhớ  từ ngày  xưa – một người con gái dịu dàng thướt tha của thôn Vĩ xứ Huế.  Nhưng bức tranh thôn Vĩ mà Hoàng Cúc gửi cho tác giả chỉ là cái cớ trực tiếp để nảy sinh thơ, còn động lực và cội nguồn sâu xa làm nên cảm hứng thì Hàn Mặc Tử đã có sẵn lâu rồi, chỉ chờ đến cơ hội là nó sẽ bộc phát. Đó là vẻ đẹp của một dáng Huế yêu kiều – nơi đã khắc chạm một dấu ấn khó quên của một người con gái và cũng là nơi để lại một mối tình đơn phương trong lòng tác giả:

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?”

Xứ Huế mộng mơ đã từng là nơi khơi nguồn cho bao văn nghệ sĩ, không ít người đã có những sáng tác xúc động về xứ Huế mộng mơ này: “Đã bao lần đến với Huế mộng mơ, tôi ôm ấp một tình yêu dịu ngọt” hay là “Trở lại Huế thương bài thơ khắc trong chiếc nón, em cầm trên tay ra đứng bờ sông…”, Huế có trong câu hát, có trong lòng mọi người và nay lại có trong thơ Hàn Mặc Tử. Câu thơ mở đầu bài thơ là một câu hỏi mang nhiều sắc thái: vừa hỏi, vừa nhắc nhở, vừa trách móc, vừa như là một lời giới thiệu và mời gọi mọi người. Câu thơ có bảy chữ nhưng chứa tới sáu thanh bằng đi liền nhau làm cho âm điệu trách móc cứ dịu nhẹ đi, trách đấy mà sao tha thiết và bâng khuâng thế! Nhưng ai trách, ai hỏi? Không phải của Hoàng Cúc mà của chủ thể trữ tình Hàn Mặc Tử, từ nỗi lòng da diết vối Huế của thi nhân mà vút lên câu hỏi tự vấn khắc khoải này. Thật sự ở thôn Vĩ có cái gì đặc biệt và hấp dẫn mà tác giả đã giục giã mọi người đến đấy? Ba câu thơ tiếp theo sẽ vẽ ra một hình tượng chung – một mảnh vườn thông Vĩ:

“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Thôn Vĩ hiện lên trong thơ Hàn Mặc Tử thật giản dị mà sao đẹp quá! Bằng tình yêu thiên nhiên của mình, tác giả  đã mở ra trước mắt  ta một  bức tranh thiên nhiên tuyệt tác, đẹp một cách lộng lẫy. Thôn Vĩ nói riêng và Huế nói chung được đặt tả bằng ánh sáng của buổi bình minh và một vườn cây quen thuộc. Đây là ánh nắng mà ta có thể bắt gặp trong bài “Mùa xuân chín” của tác giả:

Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng”.

Nắng trong thơ Hàn Mặc Tử thường lạ, đầy ấn tượng với những “nắng tươi”, “nắng ửng”, còn ở đây là “nắng mới lên”. Điệp từ “nắng” đã tỏa sức nóng cho bức tranh, cho sự sống, nắng ở đây trong và sáng đang trải dài trên những tán cau còn ướt đẫm sương đêm. Hàng cau hiện lên trong một khoảnh khắc đặc biệt, gắn liền với cái “nắng mới lên” trong trẻo, tinh khôi, thật cụ thể và đầy gợi cảm trong buổi sớm mai.

Nắng mới cũng còn có ý nghĩa là nắng của mùa xuân, mở đầu cho một năm mới nên bao giờ cũng bừng lên rực rỡ nồng nàn. Đó là những tia nắng đầu tiên chiếu rọi xuống làng quê, chiếu thẳng vào những vườn cây tươi mát, sum sê làm cho những hạt sương đêm đọng lại sáng lên, lấp lánh như những viên ngọc được đính vào chiếc áo choàng nhung xanh mượt:

“Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”

Câu thơ sử dụng đại từ phím chỉ “ai” để nói đến con người xứ Huế. Câu thơ có vẻ đẹp thật long lanh, vì có sắc “mướt” chăng? Hay vì được sánh với “ngọc” chăng? Vườn thôn Vĩ như một viên ngọc lấp lánh đang tỏa vào không gian cái sác xanh của mình. Khung cảnh đơn sơ nhưng vô cùng lộng lẫy, chỉ bằng một vài từ gợi tả “mướt quá” và so sánh “xanh như  ngọc” Hàn Mặc  Tử đã tạo  nên  một bức tranh quê rực rỡ, chan hòa sự sống. Qua đó chứng tỏ, nhà thơ là một ngòi bút có tài quan sát tinh tế và trí tượng phong phú. Và cảnh vật ấy như sinh động hẳn lên khi có sự hiện diện của con người, nhưng người ở đây không phải toàn diện từ đầu đến chân mà chỉ là khuôn mặt “chữ điền” kín đáo, dịu dàng và phúc hậu:

“Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Ở đây  có hơi  hướng Á Đông cổ điển, mặt  chữ “điền” là khuôn mặt đượm nét phúc hậu đoan trang, nếu nói “lá trúc che ngang” thì chỉ có thể nói về một cô gái có vẻ đẹp rất Huế. Cô gái e lệ đứng thấp thoáng sau những lá trúc càng chứng tỏ “vườn ai” và vườn cô gái đứng chỉ là một. Thiên nhiên và con người hài hòa với nhau đã tạo nên cái thần thái, cái hồn của Vĩ Dạ – một Vĩ Dạ vốn thơ mộng. Và đối với tâm tưởng của Hàn Mặc Tử, đó là thôn Vĩ của tình yêu và hoài niệm.

Thôn Vĩ nằm cạnh ngay bờ sông Hương êm đềm nên  ắt hẳn  nhịp sống  của con người ở đây cũng sẽ bị chi phối bởi cái  êm ả của sông  Hương:  “Dòng  sông Hương vẫn êm ả lững lờ trôi” – nhẹ nhàng mà vô cùng đẹp. Từ cách tả cảnh làng quê ở khổ đầu tác giả đã chuyển sang  tả cảnh  sông với  niềm  bâng khuâng, nỗi nhớ mong, sầu muộn hư ảo trong giấc mộng. Ở khổ thơ thứ hai tâm trạng của tác giả đã chuyển sang một gam khác nên bước vào khổ thơ này chính là bước vào không gian tâm trạng riêng của Hàn Mặc Tử:

“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu  bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay”

Thực tại phiêu tàn bắt đầu bao trùm cả bài thơ. Nhịp thơ 4/3 cùng với hai hình ảnh đối lập: “gió” và “mây” đã gợi lên nỗi buồn vì mây và gió trôi nổi, lang thang chính vì thế mà nó bay thẳng vào thơ của Hàn Mặc Tử. Cái buồn sẵn có của nó kết hợp  với vần thơ của tác giả thì  chính nó đã tự làm cho nó buồn hơn bởi: gió đi theo đường của gió, mây theo đường của mây, gió và mây từ nay xa cách nhau, không còn là bạn đồng hành của nhau nữa nên không còn lí do gì để gặp nhau. Mượn hình ảnh mây và gió tác giả muốn nói  lên tâm trạng buồn của mình, về sự xa cách của mình và người yêu và cũng có thể sự xa cách đó là vĩnh viễn vì Hàn Mặc Tử bây giờ đã là một phế nhân, đang nằm chờ cái chết. Chúng ta không còn thấy giọng thơ tươi mát, đầy sức sống như ở đoạn trước nữa nhưng lại bắt gặp một tâm hồn đau buồn, u uất:

“Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”

Dòng sông Hương hiện lên mới buồn làm sao với những bông hoa bắp màu xám tẻ nhạt. Với  biện  pháp nhân hóa  “dòng nước buồn thiu” đã làm  cho hình  ảnh dòng nước trở nên u buồn, xa vắng. “Dòng nước buồn” vì tự mang trong lòng một tâm trạng buồn hay nỗi buồn chia phôi của gió – mây đã bỏ buồn vào dòng sông? Câu thơ này dường như còn thể  hiện nhịp sống thường ngày của người dân nơi đây: một lối sống êm đếm và buồn tẻ. Hình ảnh “hoa bắp lay” gợi một nỗi buồn hiu hắt – một nỗi buồn bao phủ từ bầu trời đến mặt đất, từ đất, gió, mây đến dòng nước và hoa bắp trên sông. Đằng sau những cảnh vật ấy là tâm trạng của một con người mang nặng một nỗi buồn xa cách, một mối tình vô vọng, tất cả bây giờ chỉ là hư ảo trong mộng tưởng.

Trên cái xu thế đang trôi đi, chảy đi, thi sĩ chợt ước ao một thứ có thể ngược dòng “về” với mình, ấy là “trăng”:

“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay? ”

Một không gian tràn ngập ánh trăng, một dòng sông trăng, một bến đò trăng, một con thuyền đầy trăng…Không gian “bến sông trăng” nghe sao mà quen thuộc đến thế: “Bến sông trăng ôi nỗi nhớ đã đi qua mong tìm đến, biết khi nào được gặp lại em yêu  hỡi. Trong cái  lãnh cung của sự chia lìa, vốn  không có “niềm trăng và ý nhạc” nên nhà thơ ao ước có trăng về như một niềm khao khát, một tri âm, một vị cứu tinh. Không biết thuyền có chở trăng về kịp cho người trên bến đợi hay không ? – đó là một câu  hỏi  biểu lộ niềm  lo lắng  của một  số phận  không có tương lai. Tác giả hiểu căn bệnh của mình nên  ông  mặc cảm  về thời gian ngắn ngủi của cuộc  đời mình. Giờ đây đối  với ông,  sống là chạy  đua với thời  gian, ông luôn tranh thủ từng ngày, từng buổi trong cái quỹ thời gian còn quá ít ỏi của mình. Chữ “kịp” nghe thật xót xa, đau đớn, gây nên nỗi xót thương cho người đọc. Bằng câu hỏi tu từ “có chở trăng về kịp tối nay ?” cùng với hình ảnh vừa hư vừa thực ở đoạn cuối  thơ  vừa như  khắc khoải, bồn  chồn,  vừa như  hi vọng chờ đợi một cái gì đó đang rời xa, biết khi nào trở lại. Đây chính là nỗi ước ao tha thiết với một nỗi buồn man mác của Hàn Mặc Tử khi vọng nhớ về thôn Vĩ Dạ.

Tiếp nối mạch thơ trên, khổ thơ thứ ba thể hiện một nỗi niềm canh cánh của  thi  nhân trong cái mênh mông, bao la của  trời đất.  Đó là sự hi vọng, chờ đợi, mong mỏi và một niềm khắc khoải khôn nguôi. Mặc dù lời thơ thấm đẫm cái buồn của tâm trạng nhưng tác giả vẫn không quên gợi cho ta về cảnh đẹp của Huế cũng như con người ở đây:

“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà ?”

Vườn đẹp, trăng đẹp và bây giờ  là đến hình bóng đẹp  của người “khách đường xa”. Điệp từ “khách đường xa” kết hợp với nhịp thơ 4/3 thể hiện nỗi niềm trông ngóng đến da diết của tác giả. Đây còn là cách nói về nỗi cách xa nhưng không chỉ có không gian mà còn có sự xa cách về tâm hồn và tình cảm. Có thể “đường xa” là xa về không gian, về thời gian nhưng cũng có thể là “đường đến trái tim xa”, cho nên tất cả chỉ gói gọn trong một chữ “mơ” duy nhất. Hình ảnh “sương khói” cùng với cụm từ “nhìn không ra” gợi lên hình ảnh của cô gái thôn Vĩ ngày xưa chập chờn trong cõi mộng tạo cho nhà thơ một cảm giác bâng khuâng, ngơ ngẩn. Mà tại sao lại “nhìn không ra” ? Có lẽ là do màu áo trắng của cô gái Huế trắng quá hòa lẫn vào làn sương mờ ảo. Thật ra “nhìn không ra” không phải là không nhìn ra, đây chỉ là một cách nói để cực tả sắc trắng – trắng một cách kì lạ, bất ngờ. Và hình như giữa giai nhân áo trắng ấy với thi nhân có một khoảng cách nào đó khiến thi nhân không khỏi không nghi ngờ:

“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà ?”

“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh” phác họa một cảnh tượng mờ mờ, ảo ảo lại còn có cả sương và khói khiến cho ta thấy con người này đang ở ranh giới giữa hai thế giới sống và chết, và thế giới nào cũng lờ mờ đáng sợ. Câu thơ diễn tả rất đắt nỗi đau của một con người đang phải đối đầu với “sinh, lão, bệnh, tử”. Tác giả đã cố níu kéo, cố bám víu nhưng không được vì cảnh và đời chỉ toàn là “sương” với “khói”. Điều đặc biệt ở hai câu thơ này là ngoài nói về nỗi đau, tác giả còn miêu tả rất thực về cảnh Huế – kinh thành sương khói. Trong màn sương khói ấy, con người như nhòa đi và có thể tình người cũng nhòa đi nên tác giả rất sợ điều đó. Tác giả không dám khẳng định tình mình với cô gái Huế mà chỉ nói “ai”– điệp từ “ai” dường như xuyên suốt cả bài thơ, khổ  thơ  nào cũng có sự hiện diện của “ai”, từ “vườn ai”, “thuyền ai” và bây giờ thì “ai biết tình ai có đậm đà”. Câu thơ ngân xa như một  tiếng than, nỗi đau của  Hàn Mặc  Tử như  đang trải ra, vào cõi mênh mông vô cùng. Lời thơ dường như nhắc nhở nhưng không bộc lộ tuyệt vọng hay hi vọng mà là toát lên một sự thất vọng. Sự thất vọng của một thi nhân – người chủ  của  những mối  tình  “khuấy” mãi không thành khối,  của một trái tim khao khát yêu thương mà không bao giờ và mãi mãi không có tình yêu trọn vẹn. Lời thơ như một lời thanh minh khiến cho ta cảm thấy cảm thông và xót xa cho tác giả nhiều hơn.

Bài thơ bắt đầu là một câu hỏi  tu từ “Sao anh  không về chơi  thôn Vĩ ?” và kết thúc bài thơ cũng là một câu hỏi tu từ “Ai biết tình ai có đậm đà ?” khiến cho nỗi niềm của tác giả được đẩy thêm tầm vóc. Những câu hỏi tu từ trong bài dường như cứ xoáy lên mỗi lúc một cao hơn ? Cảnh vật thì đẹp nhưng những hình ảnh về mảnh vườn xanh mướt, về bến sông trăng, về con thuyền và cả mối tình của tác giả dường như vô tình làm nhòe đi để tạo nét mênh mang, phù hợp với tâm trạng của nhà thơ – một con người đang ở giữa hai bờ của sự sống và cái chết. Cảnh thật  lung linh, huyền ảo,  đầy thơ  mộng nhưng lồng vào đấy  là tâm  trạng của chủ thể trữ tình thì cũng trở nên buồn, buồn nhưng mà có hồn. Thật vậy, âm hưởng của bài thơ chỉ cô đúc trong một chữ “buồn” nhưng không làm cho người ta bi lụy, bởi đằng sau nỗi niềm ấy của thi nhân ta thấy được một tình yêu thiên nhiên mãnh liệt, nồng cháy và một khát vọng về cuộc sống ấm tình hơn. Những chi tiết, những thủ pháp nghệ thuật, cách cấu tứ  đã được Hàn Mặc Tử chuyên chở bằng chính tình cảm của mình. Đọc cả bài thơ, ta không thấy có cái gì gượng ép, ngược lại ta như đang cùng sống với nhà thơ trong cái thế giới huyền ảo của ông. Bài thơ là sự kết hợp, giao hòa giữa tình và cảnh bộc lộ những nét đẹp, những nét trong sáng gắn với quê hương Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử.

  • Kết bài:

“Đây thôn Vĩ Dạ” là một bức tranh đẹp về cảnh và người của một miền quê đất nước qua tâm hồn thơ mộng, giàu trí tưởng tượng và đầy yêu thương của một nhà thơ đa tình đa cảm. Bằng thủ pháp nghệ thuật liên tưởng cùng với những câu hỏi tu từ xuyên suốt bài thơ, tác giả Hàn Mặc Tử đã phác họa ra trước mắt ta một khung cảnh nên thơ, đầy sức sống và ẩn trong đấy là nỗi lòng của chính nhà thơ: nỗi đau đớn trước sự cô đơn, buồn chán trần thế, đau cho số phận ngắn ngủi của mình. Dầu vậy nhưng ông vẫn sống hết mình trong sự đau đớn của tinh thần và thể xác.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang