su-thay-doi-cua-nhan-vat-trang-va-nguoi-vo-nhat-trong-truyen-ngan-vo-nhat-cua-kim-lan

Dàn bài phân tích sự thay đổi của nhân vật Tràng và người “vợ nhặt” trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân

Dàn bài phân tích sự thay đổi của nhân vật Tràng và người “vợ nhặt” trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân.

  • Mở bài:

Kim Lân là cây bút chuyên viết truyện ngắn có sở trường viết về nông thôn và người nông dân. Ông có biệt tài miêu tả tâm lý nhân vật; văn phong giản dị nhưng gợi cảm, hấp dẫn; ngôn ngữ sống động, gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày và mang đậm màu sắc nông thôn. Vợ nhặt là tác phẩm xuất sắc của Kim Lân. Lấy bối cảnh nạn đói năm 1945, nhà văn khắc họa cuộc sống khốn khổ của người nông dân nhưng thấm đẫm tình người và hi vọng. Có thể thấy, sau cuộc gặp gỡ ở trên tỉnh và quyết định táo bạo của nhân vật Tràng và người “vợ nhặt”, tuy bất ngờ nhưng đã khiến cho cả hai có những thay đổi tích cực.

  • Thân bài:

1. Sự thay đổi của nhân vật Tràng.

– Trước khi nhặt vợ, ta chỉ biết Tràng là một người đàn ông nghèo khổ, xấu xí, thô kệch, sống với một người mẹ già nua. Càng đáng buồn hơn khi ta thấy Tràng có vẻ không được như người bình thường: có lớn mà chẳng có khôn theo quan niệm của dân gian. Một nhân vật như thế không khỏi gây cho người đọc sự thất vọng. Cuộc sống của Tràng có thể sẽ như thế đến hết cuộc đời: sống thui thỉu, hát hiu và buồn chán. Không ai nghĩ rằng Tràng có thể có được vợ.

– Nhưng từ khi nhặt người đàn bà đói rách về làm vợ, Tràng như đổi khác. Hắn cười rất nhiều, có những cảm giác mới mẻ, trỗi dậy tình nghĩa khi đi bên vợ. Tràng nhận thấy những nét u buồn và sự thay đổi ở vợ mình, muốn sống cho nên người để lo cho gia đình. Tràng hình dung lá cờ đỏ sao vàng và đoàn người đi trên đê như một biểu tượng của sự đổi đời…

2. Sự thay đổi của người “vợ nhặt”.

– Trước khi liều lĩnh đi theo Tràng, tình cảnh người đàn bà này rất thê thảm. Thị đói khát ê chề, không có việc gì làm cũng như không biết bám vào đâu để sống; ăn nói thì chao chát, chỏng lỏn, thái độ thì sừng sộ, chẳng kể gì đến thể diện, phẩm giá; gạ ăn một cách trơ trẽn, được mời ăn thì ăn uống rất tham, rất thô. Trước lời bông lơn của một người đàn ông chưa hề quen biết, chị ta lập tức bám theo, liều lĩnh đến mức đáng sợ.

– Từ khi cất bước theo Tràng, chị ta như trở thành một con người khác. Đi với Tràng mà bước chân có vẻ rón rén, ngượng nghịu, e thẹn, ít lời, ngại ngùng trước ánh mắt tò mò của những người xa lạ. Khi đã ở nhà Tràng, chị càng bối rối, bần thần nghĩ ngợi. Dẫu vẫn còn cảm giác xa lạ, nhưng chị có những lời nói, cử chỉ biểu hiện thiên chức làm vợ; cùng mẹ chồng quét tước, dọn dẹp cửa nhà, vườn tược, vun đắp cho tổ ấm của mình.

3. Tư tưởng nhân đạo của nhà văn.

– Qua những thay đổi của nhân vật Tràng và nhân vật “vợ nhặt“, Kim Lân đã thể hiện niềm tin sâu sắc, mạnh mẽ đối với con người. Trong ý thức của ông, những người nghèo khổ có thể bị biến dạng về nhân hình, nhân tính vì đói khát, nhưng không gì tước đoạt được của họ cái chất người quý giá.

– Nhà văn cũng bộc lộ cái nhìn yêu thương, nhân hậu qua những dòng văn miêu tả vẻ đẹp của tình người và khát vọng hạnh phúc bền bỉ của những kẻ đang đối mặt với tử thần.

  • Kết bài:

Những thay đổi tích cực của nhân vật Tràng và người vợ nhặt làm nổi bật giá trị nhân đạo của tác phẩm. Nhà văn tin tưởng sâu sắc vào con người lao động, vào bản năng sống, khát vọng sống mạnh mẽ của họ. Kim Lân đã được chuyển hóa thành một thiên truyện ngắn xuất sắc với cách dựng tình huống truyện và dẫn truyện độc đáo, nhất là bút pháp miêu tả tâm lí tinh tế, khiến tác phẩm mang chất thơ cảm động và hấp dẫn.

Đọc thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang