Phân tích thân phận người phụ nữ qua bài “Tự tình II” (Hồ Xuân Hương) và “Thương vợ” (Trần Tế Xương)
- Mở bài:
Hình ảnh người phụ nữ vốn là đề tài quen thuộc trong ca dao và trong văn học viết. Các nhà văn, nhà thơ luôn có sự quan tâm sâu sắc đến thân phận và tiếng nói của họ trong cuộc sống đầy đau thương, trở ngại. Hồ Xuân Hương với bài thơ “Tự tình II” và Trần Tế Xương với bà thơ “Thương vợ” đã góp thêm một tiếng nói đồng cảm sâu sắc, cho ta hiểu hơn về cuộc đời và số phận khổ đau của người phụ nữ trong xã hội phong kiến vốn tồn tại nhiều bất công, ngang trái.
- Thân bài:
Với bài thơ “Tự tình II”, Hồ Xuân Hương đã tâm tình về cái thân phận bèo bọt đáng thương ấy trong xã hội phong kiến với đầy rẫy sự bất công. Mở đầu bài thơ, mở ra một không gian tĩnh lặng. Người phụ nữ đơn côi, một mình với không gian mênh mông, buồn chán đến tê lòng:
“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non.”
Không quá cầu kì trong câu chữ, bằng hình ảnh tả thực, Hồ Xuân Hương phơi bày cảnh sống lẻ loi, buồn chán đến tận cùng của người phụ nữ. Từng đêm, họ một mình đối diện với chính mình trong không gian quen thuộc. Đó là một không gian đơn điệu, buồn chán. Thời gian lại ở trong khoảnh khắc nhạy cảnh, dễ làm cho người ta nao lòng.
Từ ngữ giản dị đã gợi cho ta thấy được sự cô đơn lạnh lẽo trong cái không gian mênh mông thanh vắng đến trống trải của đêm khuya. Âm thanh của tiếng trống như làm khuấy động bầu không khí yên tĩnh xung quanh và trong tâm hồn của Hồ Xuân Hương.
Tiếng trống vọng về từ xa nhưng nghe hết sức rõ ràng. Bởi trong cái không gian ấy không có gì ngoài tiếng trống não nề điểm khắc cầm canh ấy. Tiếng trống cũng báo hiệu rằng đêm đã rất khuya. Sự sống như đang dừng lại. Tất cả đang chìm trong giấc ngủ say. Riêng góc trời này, chỉ có một người còn thao thức.
Hai từ “hồng nhan” làm hiện lên hình ảnh một người phụ nữ xinh đẹp, quyến rủ. Thế nhưng, nhan sắc ấy nó lại cứ “trơ” ra với nước non như là một sự mỉa mai. Từ “trơ” tách ra khẳng định sự hững hờ, bất lực của người phụ nữ trước cuộc đời. Lại thêm từ “cái” càng làm cho thân phận ấy trở nên nhỏ bé, vô nghĩa. Đối lập vói nó là cả “nước non”. Một cái quá nhỏ bé đến chìm khuất trong cuộc đời bề bộn. Lại ngắn ngủi trong dòng đời phù sinh. Một cái quá lớn lao. Lại thêm trường cửu với thời gian, không bao giờ phai mòn. Nói về thân phận ấy, Bà Hyện Thanh Quan cũng đã từng than thở:
“Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt.
Nước còn cau mặt với tang thương.”
(Thăng Long thành hoài cổ – Bà Huyện Thanh Quan)
Chữ “trơ” một lần nữa xuất hiện gắn với đời người, kiếp người. Nhưng lần này là “đá trơ gan”. Chữ “trơ” thể hiện sự chủ động, thách thức với đất trời và cái quy luật sinh diệt bất tận của vũ trụ.
Hồ Xuân Hương đã mạnh mẽ công khai một hiện thực hết sức bẽ bàng, chua xót mà bà đang nếm phải. Người phụ nữ với những phẩm chất tốt đẹp nhưng lại không thể tự quyết định giá trị của nó. Họ đáng được tôn trọng, đáng có một cuộc đời hạnh phúc. Nhưng ông trời đã gieo vào số phận của họ những tai họa. Tạo hóa gắn vào kiếp đời của họ những khốn cùng. Đặt mình ở đâu nào cũng thấy khổ đau. Đi con đường nào cũng vào bế tắc.
Hồ Xuân Hương cay đắng nhận ra được số phận của những người phụ nữ trong chế độ phong kiến thối nát là số phận bạc bẽo, đầy rẫy những trái ngang. Chính những luật lệ khắt khe của xã hội phong kiến, chế độ trọng nam khinh nữ đã làm cho người phụ nữ không có được một chỗ đứng trong xã hội. Phẫn uất trước những bất công, ngang trái nhưng không biết làm gì hơn. Bà cay đắng xác nhận cái thực tại đầy phũ phàng và tàn nhẫn ấy ấy:
“Chén rượu hương đưa, say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế, khuyết chưa tròn.”
Hồ Xuân Hương đã mượn chén rượu say để quên đi tình cảnh trớ trêu ấy. Bà muốn quên đi cái số phận hẩm hiu của mình, quên đi sự tồn tại vô nghĩa này. Thế nhưng say rồi lại tỉnh, tỉnh rồi lại say. Dù say hay tỉnh bà đều nhận ra rất rõ ràng rằng nghịch cảnh ấy không thể nào khác đi được.
Thời gian cứ tàn nhẫn trôi đi. Vầng trăng hết khuyết lại tròn. Vũ trụ cứ vận hành bất chấp mọi số phận. Trong sự tuần hoàn ấy, số phận người phụ nữ bị vùi dập, bị cuốn đi tàn bạo. Càng ngẫm nghĩ lại càng buồn tủi hơn, càng đau khổ hơn. Càng nhận ra cái vòng quẩn quanh trong cuộc đời thân phận thật sự của chính bản thân mình, lại càng thêm phẫn uất.
Đôi khi, họ muốn bức phá ra khỏi những ràng buộc ấy một cách mạnh mẽ:
“Xuyên ngang mặt đất, rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.”
Khoảng không gian như được mở rộng hơn, xa hơn qua tầm nhìn của tác giả. Những động từ “đâm”, “xiên” của đá, rêu gợi lên một sức sống hết sức mạnh mẽ. Dù đó là vật vô tri vô giác nhưng nó cũng có sức sống mãnh liệt đến nỗi nó cứ sống mãi sống mãi trong đôi mắt của Hồ Xuân Hương.
Đến vật vô tri cũng đòi lấy sự sống, đòi lấy sự giao cảm với đất trời. Bất chấp những trở ngại, nó cứ vươn lên không cần biết điều gì sẽ sảy ra.
Cùng với sự bướng bỉnh thể hiện sự kháng cự đầy quyết liệt của Hồ Xuân Hương đã nói lên một nỗi khao khát được hạnh phúc. Người phụ nữ cần có được một mái ấm gia đình, được người chồng thương yêu chăm sóc chứ không phải ngồi một mình trong đêm khuya thanh vắng với sự cô đơn và lạnh lẽo trong nỗi buồn tủi. Nhưng càng ước vọng càng thấy xa vời:
“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình xan xẻ tí con con.”
Hồ Xuân Hương đã chán ngán, ngán ngẫm với nỗi cô đơn, buồn tủi, khi ngày này lại tiếp nối ngày khác, xuân này lại nối xuân khác mà qua. Tâm trạng chán chường trước một mảnh tình không được trọn vẹn mà phải “chia năm sẻ bảy” để rồi cuối cùng chỉ còn một mảnh “tí con con”.
Mặc dù Hồ Xuân Hương có bản lĩnh, có giỏi giang như thế nào cũng không thoát khỏi được nghịch cảnh của số phận. Bởi người phụ nữ không hề có được địa vị trong xã hội này. Cái xã hội bất công “trọng nam khinh nữ”, đã làm cho người phụ nữ điêu đứng, nhưng cũng từ đó những phẩm chất tốt đẹp của họ được bộc lộ rõ nét hơn…
Ở bài thơ “Thương vợ”, Trần Tế Xương lại có một niềm cảm thông khác biệt. Hình ảnh người phụ nữ được soi chiếu qua sự cảm thông sâu sắc của người chồng. Toàn bộ công việc và đời sống của bà Tú được tái dựng sinh động. Cả tấm lòng thủy chung, son sắc, sự tảo tần và đức hi sinh cũng được trân trọng hết mức.
“Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo xèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ, âu đành phận
Năm nắng mười mưa, dám quản công”.
Hoàn cảnh kiếm sống vất vả, lam lũ của bà Tú đã được giới thiệu rất rõ nét. Chỉ hai từ “quanh năm” thôi cũng đủ làm hiện rõ cái cơ cực vất vả của bà. Thời gian cứ lặp đi lặp lại hết năm này sang năm khác, dù trời nắng hay mưa. Vả lại phải “buôn bán ở mom sông” là nơi chênh vênh đầy nguy hiểm. Bà Tú phải làm việc vất vả, cực nhọc để “nuôi đủ năm con với một chồng”. Tất cả nói lên cái gánh nặng đôi vai, một bên là chồng, một bên là con. Đó không phải là một điều dễ dàng mà ai cũng có thể làm được.
Tác giả đã sữ dụng biện pháp tu từ đảo ngữ một cách tinh tế ở hai câu tiếp theo:
“Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông”.
Câu thơ vừa nói lên được cuộc sống vất vả tảo tần buôn bán ngược xuôi, vừa khắc họa rõ nét chân dung của bà Tú ở những nơi nguy hiểm vắng vẻ. Công việc mưu sinh đáng ra việc đó phải dành cho người chồng, người cha, người trụ cột của gia đình. Thế nhưng, bà Tú lại phải gánh lấy không một lời than phiền oán trách. Câu thơ còn gợi tả cảnh chen chúc, bươn bả trên sông nước của những người buôn bán nhỏ.
Buổi “đò đông” không chỉ có những lời phàn nàn, cáu gắt, những sự chen lấn xô đẩy mà còn chứa đầy sự bắc trắc nguy hiểm. Lại thêm hai chữ “eo sèo” càng làm cho cái cảnh ấy thêm đáng buồn, hình ảnh bà Tú càng khắc khổ, gian nan.
Cái khổ ấy cũng là cái khổ của bao kiếp đời phụ nữ. Xã hội phong kiến đã đặt ra cho họ cái luật lệ bất công ấy. Thế nhưng, người phụ nữ cũng tự nhận lấy bồn phận cao cả của mình mà chẳng hề than phiền hay oán trách. Cái duyên đi liền với cái phận. Cái duyên hẩm hiu thì cái phận cũng nhọc nhằn. Trần Tế Xương ngậm ngùi nhận ra điều ấy:
“Một duyên hai nợ, âu đành phận
Năm nắng mười mưa, dám quản công”
Câu thơ nói lên cái đức tính cao đẹp, giàu đức hy sinh của người phụ nữ. Dù gian nan, vất vả thế nào thì cũng là duyên phận. Bà Tú chấp nhận tất cả. Bà giấu kín lòng mình với bao nỗi xót xa, tủi cực chịu. Bà âm thầm chịu thương, chịu khó vì chồng vì con.
Nghệ thuật đối trong hai câu thơ trên đã làm nổi bật phẩm chất tần tảo, thủy chung của bà Tú nói riêng và người phụ nữ Việt Nam nói chung.
Tác giả nói thay lời của vợ mình cũng là để than trách chính bản thân mình. Là người chồng mà không làm được việc tích sự gì để chăm lo đến gia đình. Để rồi còn trở thành một gánh nặng đè trên vai người vợ bé nhỏ kia. Bao tháng ngày qua đã nhẫn tâm “hờ hững” không hề quan tâm đến gia đình, vợ con. Bấy lâu, cũng không biết chia sẽ những nỗi vất vả của vợ.
“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc!
Có chồng hờ hững cũng như không.”
Phải chăng đây cũng chính là một gia đình điển hình trong chế độ phong kiến thời xưa với những thủ tục lạc hậu “tam tòng tứ đức” đã trở thành một sự ràng buộc đối với người phụ nữ.
Cái hay của bài thơ đâu chỉ ở cái tình mặn đắng, mà còn ở cái nghệ thuật trào phúng chua cay. Thơ xưa kị viết như nói. Thế mà Trần Tế Xương cứ nói một cách bình thản, chẳng ngại ngùng gì. Qua bài thơ, Trần tế Xương đã thể hiện quan điểm tiến bộ của ông so với thời đại đó là hết lời ca ngợi nỗi vất vả gian truân của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Họ vốn bị xem là lớp người không có danh phận. Nghĩa vụ của họ là phục tùng người chồng và gia đình một cách vô điều kiện. Họ bị ràng buộc trong quá nhiều bổn phận. Họ cũng không được than vãn hay kêu ca.
Trần Tế Xương đã có con mắt nhìn thấu vào kiếp đời bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội với trái tim đầy rung cảm. Không chỉ riêng gì bà Tú, đó còn là tất cả người phụ nữ đang phải gánh chịu những khổ đau cơ cực trên cõi đời này.
Xưa nay, các nhà Nho không khi nào ca ngợi hay tôn vinh những đóng góp của người phụ nữ đối với xã hội. Có chăng, đó là khi người phụ nữ đã qua đời, công đức của họ được ghi nhận bằng những lời phúng điếu ai vãn. Bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương chẳng khác gì bài thơ tế vợ lúc bà còn sống. Điều đó cho thấy, ông đã vượt qua được những định kiến khắc khe của xã hội phong kiến để thể hiện tấm lòng tri ân sâu sắc của mình đối với người vợ đầy mến yêu này.
- Kết bài:
“Tự tình II” (Hồ Xuân Hương) và “Thương vợ” (Trần Tế Xương) đã làm cho chúng ta hiểu rõ thêm về thân phận người phụ nữ thời xưa, với những khát vọng, những ước mơ nhỏ bé mà họ ao ước được một gia đình ấm êm, cuộc sống no đủ, có thể làm chủ được số phận của mình. Và ta càng hiểu rõ thêm những phẩm chất tốt đẹp, sẵn sàng hy sinh vì chồng vì con của người phụ nữ Việt Nam.