»» Nội dung bài viết:
Tuổi trẻ cần chuẩn bị những gì để “hội nhập kinh tế thế giới”?
- Mở bài:
Bước sang thế kỉ 21, thế giới đã có những bước phát triển đột phá. Không những trong lĩnh vực khoa học, kĩ thuật, công nghệ mà trên tất cả các mặt đời sống đều có nhũng thành tựu rực rỡ. Xu hướng hợp tác quốc tế ngày càng rõ ràng hơn. Để bước vào vận hội lớn ấy, tuổi trẻ Việt Nam cần sẵn sàng để chủ động và tự tin bước ra thế giới.
- Thân bài:
Hội nhập kinh tế là gì?
Hội nhập kinh tế là quá trình gắn nền kinh tế và thị trường từng nước với thị trường trong khu vực và trên thế giới thông qua các nỗ lực thực hiện mở cửa và thúc đẩy tự do hóa nền kinh tế quốc dân. Đồng thời, các nước gia nhập và góp phần xây dựng các thể chế kinh tế khu vực và toàn cầu.
Tại sao tuổi trẻ cần phải chuẩn bị để sẵn sàng hội nhập kinh tế thế giới?
Trước hết, có thể thấy, hội nhập kinh tế thế giới là xu thế tất yếu của thời đại. Dù muốn hay không, mỗi quốc gia trong quá trình hợp tác với các nước khác sẽ bắt buộc phải thực hiện các quy định chung. nghĩa là, nếu không hội nhập, quốc gia sẽ bị cô lập, tự tách biệt mình với thế giới.
Tuổi trẻ là tương lai của đất nước. Đất nước có phát triển vững mạnh ở tương lai hay không là phụ tuộc vào việc giáo dục thế hệ trẻ hôm nay. Không những cần chuẩn bị về tri thức, nhận thức, bản linh mà còn phải chăm lo bồi dưỡng đạo đức và phong cách làm việc cho lớp trẻ.
Tuổi trẻ năng động, sáng tạo, nhạy bén với cái mới. Trong thời đại nền công nghệ cao, kinh tế tri thức đang lên cao, rất cần trí tuệ ưu việt của con người. Chúng ta không thể hội nhập bằng những sản phẩm thô sơ, mang tính thủ công. Mỗi sản phẩm ra đời muốn đi vào thị trường quốc tế đòi hỏi phải kết tinh trí tuệ sâu sắc. Không những nó đáp ứng được yêu cầu của người dùng mà còn phải làm cho người dùng hài lòng và tin tưởng vào sự lựa chọn của mình.
Tuổi trẻ cần chuẩn bị những gì để hội nhập kinh tế thế giới?
Theo tác giả Vũ khoan, không gì quan trọng hơn là sự chuẩn bị con người. Chuẩn bị con người ở đây bao gồm tất cả các mặt thuộc về con người. Nghĩa là chuẩn bị toàn diện, sâu sắc và xuyên xuốt. Có thể cụ thể hóa các mặt ấy như chuẩn bị tri thức tiên tiến,chuẩn bị nhận thức tiến bộ, đột phá, năng lực tài chính, kĩ năng hội nhập, kỹ năng sống, bản lĩnh và phong cách làm việc quốc tế,…
Trong chuẩn bị hành trang tri thức quan trọng nhất là học tập tốt. Phải ưu tiên chuẩn bị kĩ lưỡng hành trang tri thức trước khi hội nhập kinh tế quốc tế. Trước hết là nâng cao nền tri thức bằng tiếp cận và tiếp thu tri thức từ các nước phát triển trên toàn thế giới. Lê-nin từng nói: “Tri thức là sức mạnh, ai có tri thức người đó có sức mạnh”. Lịch sử đã minh chứng rõ ràng điều đó. Ngày nay, tri thức không những phát huy sức mạnh tột bậc mà còn trở thành giá trị cốt lõi, quyết đinh sự phát triển thần tốc của thời đại. Tuổi trẻ cần phải nỗ lực học tập tri thức, nhất là tri thức trong lĩnh vực khoa học, kĩ thuật, công nghệ.
Trong chuẩn bị nhận thức, không gì quan trọng hơn đó là nhận rõ xu thế của thời đại. phải xem hội nhập kinh tế thế giới là một nhiệm vụ cần phải làm và không có lựa chọn nào khác. Bắt nhịp với thời đại nâng cao tầm vóc của dân tọc và bắt kịp với thế giới. Chỉ khi có nhận thức đầy đủ thì công việc làm ăn mới thuận lợi, rủi ro giảm đi và cạnh tranh công bằng với các nước.
Trong chuẩn bị kĩ năng làm việc và kĩ năng hội nhập trong môi trường quốc tế rất cần rèn luyện kĩ năng thực hành. Học sinh Việt Nam vốn kém về kĩ năng thực hành và làm việc thực tế do lối học chay, học tủ, học vẹt, học đối phó của nền giáo dục. Nó không những là một vấn nạ mà còn trở thành căn bệnh trầm kha, khó thay đổi. Bước vào hội nhập, chúng ta phải lấy chuẩn quốc tế để điều chỉnh tác phong làm việc của mình. Không nên bảo thủ, cố chấp với cái bản tính của dân tộc. Trên nguyên tắc thỏa thuận làm việc, mức dộ yêu cầu có đảm bảo mới mang lại giá trị và hiệu quả chân thực trong công việc làm ăn.
Để hội nhập và hợp tác làm ăn với các nước, một nhiệm vụ rất quan trọng đó là chuẩn bị năng lực tài chính. Mục đích của việc hợp tác là tạo ra các giá trị lao động được quy đổi thành tiền. Phải xây dựng năng lực tài chính tương xứng mới có thể tiếp cận và nắm bắt các cơ hội làm ăn trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Không những đó là nguồn lực chủ đạo xây dựng cơ sở kinh doanh mà còn duy trì cơ sở kinh doanh vững chắc trước những biến động.
Phải nhìn nhận đúng đắn và gắn kết bản thân với dân tộc và thời đại. Xây dựng tầm nhìn và khát vọng vươn xa Không phải có khát vọng, ý chí là sẽ thành công. Điều quan trọng là nhận rõ năng lực bản thần, gắn nhiệm vụ của bản thân với nhiệm vụ của dân tộc và thời đại. Sự vươn lên đạt đến thành công của bản thân góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Bồi dưỡng đạo đức làm việc và bản lĩnh văn hóa khi bước vào hội nhập là một nhiệm vụ rất cần thiết. Chính đạo đức nghề nghiệp kết nối con người lại với nhau. Không có gì có thể giữ vững sự nghiệp của con người bằng nền tảng đạo đức trong sáng và làm ăn lành mạnh, công bằng, tôn trọng lẫn nhau. Luôn xây dựng kế hoạch khi làm việc. Năng động, tích cực, sáng tạo trong mọi hành động. Rèn luyện kĩ năng làm việc quốc tế theo hướng tích cực, năng động và hiệu quả.
Ra sức nghiên cứu, học tập kinh nghiệm làm việc từ các quốc gia. Phát huy tích sáng tạo, say mê trong lao động lao động. Hình thành một bản lĩnh văn hóa trong thời kì hội nhập, để giữ gìn bản sắc dân tộc, đảm bảo hòa nhập chứ không hòa tan. Nâng cao năng lực ngoại ngữ, thích ứng với môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả, quốc tế hóa cao độ.
Vượt lên trên tất cả, hãy bồi dưỡng tình yêu thương con người, tình yêu nước sâu đậm và tinh thần quốc tế cao cả. Hội nhập để tìm kiếm thành công. Không hội nhập với thế giới là tự đưa mình trở về với sự ngu dốt, lạc hậu và nghèo khó. Vừa hội nhập vừa xây dựng. Vừa tiếp nhận vừa giữ vững bản sắc dân tộc.
Hội nhập với thế giới là một nhiệm vụ đầy khó khăn, thử thách, nhưng ở đó cũng tràn đầy cơ hội ở từng ngã rẽ. Hãy bắt đầu điều cần bắt đầu. Hãy kết thúc điều cần kết thúc. Bước lên đường. Vững bước trên đường. Ngay lúc này bạn ở đoạn đầu của cuộc hành trình. Cứ tưởng tượng tất cả những điều bạn sẽ học, tất cả những người bạn sẽ gặp, tất cả những trải nghiệm bạn sẽ có. Cơ hội chỉ đến với những ai đã luôn sẵn sàng đón nhận nó.
- Kết bài:
Con đường phía trước còn dài không phải lý do để đi chậm lại. Còn nhiều việc để làm không phải lý do để thấy nản lòng. Hội nhập để tiến bộ, để cùng chung sống. Đó là lý do để bắt đầu, để trưởng thành, để tìm những con đường mới. Đó cũng là lý do để đi vào bên trong và khám phá sức mạnh, sự tận tụy, lòng quyết tâm và tính kỷ luật của bản thân.
Nghị luận: Tâm lý ta về ta tắm ao ta và vấn đề hội nhập thế giới