Nghị luận: Tâm lý ta về ta tắm ao ta và vấn đề hội nhập thế giới

ta-ve-ta-tam-ao-ta

Nghị luận: Tâm lý “ta về ta tắm ao ta” và vấn đề hội nhập thế giới

  • Mở bài:

Khi con người ta được nuôi dưỡng và bảo bọc trong một điều kiện quá tốt, sẽ dễ dàng sinh ra tình cảnh dựa dẫm. Cũng như bên trong một đất nước quá đoàn kết, quá thân thuộc với nhau, sẽ khó có cơ hội tiếp xúc với Thế giới. Trong hoàn cảnh xã hội hiện đại này ngày nay, nếu giữ vững lập trường như trên, liệu Việt Nam có thể hay không hoà nhập vào thế giới dễ dàng?

  • Thân bài:

Cách nói “Ta về ta tắm ao ta” đã cho thấy ngữ phách không thân thiện của câu nói. Nó có phần kiêu ngạo và tự ái. Tự về tắm ao của bản thân là ngụ ý chẳng thèm, chẳng cần chơi với ai, ta vẫn có thể sống được, không ảnh hưởng. “Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” lại khẳng định chắc chắn hơn điều đó. Nghĩa là dù cho nước đục hay nước trong, quyết vẫn không tắm “ao” của người khác. Đó là một cách ứng xử, một lối sống mang đậm bản chất Á Đông.

Văn hóa Việt nam vốn rất bảo thủ nhưng cũng rất cởi mở. Bảo thủ ở chỗ nó giữ gìn rất cẩn thận các giá trị tốt đẹp có trong truyền thống của dân tộc. Nó giữ lâu quá, không chịu thay đổi gì, thành ra bảo thủ. Nền văn hóa ấy cũng rất cởi mở ở chỗ nó sẵn sàng tiếp nhận mọi giá trị tốt đẹp từ bên ngoài và vận dụng hữu ích vào trong đời sống con người, miễn điều tốt đẹp ấy không làm xâm hại đến văn hóa và chủ quyền đất nước.

Trước xu thế hội nhập với thế giới như hiện nay, tính bảo thủ bắt đầu bị thử thách dữ dội. Các giá trị vốn rất tốt đẹp trong truyền thống bắt đầu xung đột quyết liệt với các giá trị mới hình thành, đặt con người trước các đường hướng phải lựa chọn. Hoặc là đổi mới, hòa hợp các giá trị truyền thống với các giá trị hiện đại để tạo ra một giá trị phù hợp với thời đại. Hoặc là bỏ cái mới, giữ lấy cái cũ, tách mình khỏi thế giới, trong hay đục mình tự chịu, sướng hay khổ mình tự lo.

Tất nhiên, không có giá trị nào có thể tồn tại mãi mãi với thời gian. Nó buộc phải biến đổi để phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tại cho dù con người có muốn hay không muốn. Điều đó cũng thực cần thiết vì giá trị ấy sẽ được giữ gìn và phát huy sức mạnh trong một hình thức mới phù hợp hơn, tiến bộ hơn, mạnh mẽ hơn. Bởi thế, ta về ta tắm ao ta là một thái độ sống tiêu cực, làm trì trệ các hoạt động, từ bỏ cơ hội một cách đáng tiếc. Ta về ta tắm ao ta là một hành động của người giàu lòng tự ái, bất lực trước hoàn cảnh.

Hội nhập kinh tế thế giới là xu thế tất yếu của thời đại mới,sự phát triển của nền khoa học kĩ thuật, sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các vấn đề toàn cầu nảy sinh, khiến các nước phải hợp tác cùng giải quyết. Không gian sản xuất được rút gọn lại, quá trình tự động hóa tăng nhanh, nguồn nhân lực hoán đổi, thị trường cần phải mở rộng, nhu cầu chia sẻ công nghệ kĩ thuật giữa các nước khiến cho xu thế toàn cầu hóa không thể không diễn ra. Chỉ có hội nhập là phương thức giải quyết tốt nhất hiện nay đối với quốc gia Việt Nam.

Làm sao dễ dàng hội nhập được trong khi chỉ biết đến bản thân? Muốn hoà nhập cùng người khác hay hoà nhập vào một thứ gì đó, điều đầu tiên và cũng là điều quan trọng nhất, khó thực hiện nhất: buông bỏ cái tôi của mình, đặt lợi ích chung lên trên hàng đầu. Ngoài ra mỗi cá nhân còn phải tự trau dồi cho mình nguồn hiểu biết rộng lớn hơn, cũng có một quan niệm đúng đắn hơn khi làm việc chung, hợp tác.

Ngoài ra, còn phải có tri thức và kinh nghiệm để tránh được những rủi ro trong cuộc cạnh tranh khốc liệt. Nguồn nhân lực nước ta sẽ phải trực tiếp cạnh tranh về cơ hội việc làm, khả năng hợp tác với nguồn nhân lực trên khắp thế giới. Có nền tri thức vững mạnh mới đảm bảo được công bằng, hợp tác bình đẳng, lợi ích như nhau. Đồng thời còn phải chống lại thu thế thâu tóm, chống bị chèn ép hoặc lợi ích nhóm do các nước phát triển có thể gây ra. Cùng rất nhiều việc khác, mới có cơ may hoà nhập được cùng bạn bè Quốc tế.

Tuy nhiên vẫn còn có nhiều trường hợp Việt Nam chưa thực sự hoà nhập được với Cộng đồng Quốc tế. Đặt biệt là cộng đồng mạng Việt đã có những lời lẽ rất không văn minh đối với sự chiến thắng của nước bạn, thậm chí là bôi nhọ, lấy họ ra làm trò cười mà đùa bỡn thì thật là làm xấu mặt của toàn cả người dân Việt Nam. Đó là hành vi còn hạn chế, rất cần được khắc phục thì mới có thể dễ hoà nhập hơn.

Tuy nhiên, hòa nhập không có nghĩa là hòa tan khi tình hình hiện nay người dân Việt quá sùng ngoại. Quá đề cao đến sản phẩm của người nước ngoài trong khi sản phẩm trong nước cũng chẳng hề thua kém, hay thậm chí là đánh mất cả văn hoá của con người Việt Nam tinh tế mà sống dựa vào văn hoá của các nước khác. Có thể thấy gần đây nhất là ý kiến đòi bỏ đi Tết Cổ truyền mà ông bà ta bao đời nay trân quý, thay bằng một cái Tết của Phương Tây thì coi làm sao được. Hòa nhập cùng các nước khác không có nghĩa là đánh mất văn hoá của cả Đất nước, Tổ quốc yêu thương.

Tuy vậy vẫn phải ngợi khen cho những trường hợp thực hiện tốt trách nhiệm của mình. Như một tài khoản trên mạng xã hội Facebook đã đăng tải một đoạn văn ngắn bày tỏ sự yêu mến của mình đối với cộng đồng người Việt Nam. Cổ động viên ấy cho hay mình là người Uzbekistan, trong trận chung kết Châu Á đá ngày hai mươi bảy tháng một cùng Việt Nam, vì quá ủng hộ cho nước nhà, bạn nữ đã bị một thanh niên người Anh hoặc Úc đang say rượu doạ nạt, đòi đánh đập nếu cô không rời khỏi nơi đó.

Rất may cô được một nhóm khoảng mười thanh thiếu niên Việt Nam đến giải thoát cho cô, cũng như bảo vệ cô, cảnh cáo cho kẻ xấu xa đó một bài học. Cô nói cô rất cảm kích tinh thần hiếu khách của người dân Việt. Họ rất lịch sự và tử tế. Đất nước cô sẽ luôn mở rộng cửa hoang nghênh người Việt Nam ghé thăm. Qua sự việc đã cho thấy được sự tôn trọng, đoàn kết của người Việt Nam đối với người nước ngoài.

Như vậy, bản thân mỗi người Việt Nam đều phải biết quan tâm, có thái độ hữu nghị đoàn kết với người nước ngoài, biết giữ gìn phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam trong giao tiếp, cũng như tích cực chủ động tham gia các hoạt động Quốc tế.

  • Kết bài:

Vấn đề hội nhập trên Thế giới không phải là vấn đề đơn giản mà ngày một ngày hai là đã có thể giải quyết. Hội nhập chứ không hòa tan là chủ trương của đất nước nhằm để gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của truyền thống vốn vẫn còn phù hợp và có giá trị trong thời đại ngày nay. Tâm lí “Ta về ta tắm ao ta” sẽ làm rì trệ quá trình hội nhập với thế giới của đất nước, nhất định cần phải điều chỉnh cho phù hợp.

1 bình luận

  1. em rất thích web học văn này ạ, nhất là đọc những bài NLXH như thế này, viết rất mượt và hay ạ. em cảm ơn admin nhiều ạ, web giúp đỡ em rất nhiều trong môn văn

2 Trackbacks / Pingbacks

  1. Ý nghĩa bài viết "Chuẩn bị hành trang vào thế kỷ mới" của Vũ Khoan và nhiệm vụ của tuổi trẻ ngày nay. - Theki.vn
  2. Ôn tập luyện thi văn bản "Chuẩn bị hành trang vào thế kỷ mới" (Vũ Khoan) - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.