phan-tich-y-nghia-bai-tho-tu-tinh-ii-cua-ho-xuan-huong-10868-2

Phân tích bài thơ Tự tình II của Hồ Xuân Hương

Phân tích ý nghĩa bài thơ Tự tình II của Hồ Xuân Hương.

  • Mở bài:

Hồ Xuân Hương là một trong những nữ sĩ hiếm hoi và nổi bậc nhất của nền văn học trung đại Việt Nam. Bà xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, cha làm nghề dạy học, sớm tiếp cận với sách vở và văn chương. Hồ Xuân Hương là người đa tài, đa tình, phóng túng, giao thiệp rộng rãi nhưng cuộc đời, tình duyên lại gặp nhiều trái ngang, bất hạnh. tất cả những tâm sự bà đều gửi gắm hết cả vào trong những vần thơ. Thơ Hồ Xuân Hương là thơ của phụ nữ viết về phụ nữ, trào phúng mà trữ tình, đậm chất dân gian từ đề tài, cảm hứng đến ngôn ngữ, hình tượng. Bài thơ Tự tình II là một trong những tác phẩm xuất sắc, tiêu biểu cho hồn thơ Hồ Xuân Hương.

  • Thân bài:

Tự tình II là bài thơ thứ II, nằm trong chùm thơ Tự Tình gồm 3 bài của Hồ Xuân Hương. Bài thơ là lời tự bộc lộ tâm tình của tác giả, tập trung thể hiện cảm thức về thời gian và tâm trạng buồn tủi, phẫn uất và khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của nhà thơ trước cảnh đời trái ngang.

Mở đầu bài thơ là bối cảnh không gian, thời gian làm nảy sinh, bộc lộ tâm trạng.

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non”.

Thời gian là đêm khuya thanh vắng (quá nửa đêm). Đây là lúc con người thường rời khỏi cuộc sống bề bộn, đối diện với chính mình, sống thật với tâm hồn mình. Không gian hiện lên với tiếng trong canh văng vẳng điểm từng canh một. Tiếng trong canh tưởng sẽ làm không gin rộn rã lên nhưng ngược lại, nó khiến cho không gian càng thêm yên tĩnh vắng lặng. Hồ Xuân Hương vận dụng nghệ thuật lấy động tả tĩnh. Tiếng trong mệt mỏi vang lên rồi im lặng, để lại một khoảng trống mênh mông trong lòng người.

Đó không chỉ là thời gian, không gian của tự nhiên mà còn là không gian, thời gian của tâm trạng. Tiếng trống cầm canh nhắc nhở con người về bước đi của thời gian. Từng khắc, từng canh trôi đi. Bóng tối ngập tràn bóng tối. Im lặng nói dài im lặng. Nhưng con người vẫn thức, vẫn chờ đợi mỏi mòn một cái gì đó.

Nếu bài thơ Tự tình I lấy cảm hứng vào lúc gà báo sáng “Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom” thì bài Tự tình II lại lấy cảm hứng vào lúc nửa đêm. Đó là thời khắc của hạnh phúc lứa đôi, của sum họp vợ chồng. Vì thế cũng là thời khắc người vợ lẽ hay góa phụ cảm nhận được sâu sắc nhất, đầy đủ nhất, thấm thía nhất cảnh cô đơn, nỗi bất hạnh của thân phận.

Bị tách biệt, bỏ rơi ngay trong chính cuộc sống, chính trong gia đình của mình, gần đấy mà xa đấy, có mà lại như không có khiến cho nữ sĩ vô cùng xót xa. Khát khao đến thế, mong chờ đến thế nhưng đành bất lực, nhà thơ chỉ còn biết phó mặc cho cuộc đời: Trơ cái hồng nhan với nước non

Từ “trơ” gợi lên hết nỗi chán chường, mệt mỏi của con người trong đêm vắng và trong cuộc sống vốn có nhiều bất công. “Trơ” có nghĩa là trơ trọi, cô đơn. “Trơ” còn có nghĩa là tủi hổ, bẽ bàng. mọi cảm xúc tích cực dường như đã bị triệt tiêu hết thảy, chỉ còn lại đấy một cái xác vô hồn, vô cảm mà thôi. Lại thêm “cái hồng nhan”, một cách nói cường điệu, hóm hĩnh của Hồ Xuân Hương.  Vẻ đẹp của người phụ nữ bị rẻ rúng đến cùng cực. nó vốn rất quý giá, đáng được trân trọng nâng niu. Thế mà bây giờ nó được gọi là cái như một thứ đò vật không có giá trị gì.

Thủ pháp đối giữa “cái hồng nhan” và “nước non” tô đậm cảm giác đơn côi, trống vắng. Nếu câu phá đề giới thiệu về không gian và thời gian làm xuất hiện tâm trạng thì câu thừa đề đã diễn tả tâm trạng cô đơn, buồn tủi và bẽ bàng về duyên phận của nhân vật trữ tình. Kết hợp với nghệ thuật đảo ngữ đặc sắc đưa từ “trơ” lên đầu câu thơ có vai trò nhấn mạnh vào sự trơ trọi, lẻ loi.

Lời thơ tự tình tuy có chút tiêu cực nhưng chứa đầy bản lĩnh của Xuân Hương. Đó là thái độ phản kháng lại đối với số phận, phản kháng lại những luật lệ, ràng buộc cố hữu của xã hội phong kiến áp đặt lên số phận người phụ nữ. Họ không có quyền lựa chọn hạnh phúc và cũng không có quyền từ bỏ cái khổ đau, bất hạnh mà họ đang phải gánh lấy.

Tâm trạng ấy cũng là tâm trạng của Thúy Kiều khi nàng bị Tú Bà giam lỏng ở lầu Ngưng Bích:

“Khi tỉnh rượu lúc tàn canh,
Giật mình, mình lại thương mình xót xa”.

Để thoát khỏi nỗi buồn đang vây bám, nhà thơ tìm đến rượu và hi vọng rằng men rượu sẽ xua đuổi nỗi buồn đi xa, làm cho tâm hồn phấn chấn lên. Đó thực sự là một lối thoát, là hành động tích cực vượt qua nghịch cảnh. Thế nhưng, càng uống lại càng tỉnh. Càng tỉnh lại càng thêm buồn:

“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh, 
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”. 

Chén rượu thơm nâng cánh tâm hồn u sầu lên cao khiến nữ sĩ thấy say. Say rồi lại tỉnh. Dường như nỗi buồn trong lòng người còn sâu đậm hơn men rượu, đã hóa giải ma lực của nó rồi. Rượu không vơi cạn nỗi niềm mà khiến nỗi niềm trở nên thấm thía, đau xót hơn bởi “say lại tỉnh”. Chữ “lại” gợi lên cái vòng luẩn quẩn, trở đi trở lại trong bế tắc, xót xa, chán nản, thất vọng…

Mượn rượu để giải sầu nhưng lại vẫn trong vòng luẩn quẩn không lối thoát. Đó thực sự là bi kịch của Hồ Xuân Hương. Một bi kịch của số phận. Thi sĩ đắm say, tha thiết với cuộc đời nhưng rồi khi nhìn lại, lại thấy cuộc đời chẳng có gì khởi sắc, chẳng có giá trị nào tốt đẹp tương xứng với mình. Càng khao khát, càng mong cầu, càng tìm kiếm lại càng thấy nó xa vời hơn.

Thi sĩ tìm đến với trăng nhưng trăng lại trở thành hình ảnh soi chiếu thân phận: “Vầng trăng – bóng xế – khuyết chưa tròn”. Cuộc đời ấy như vầng trăng xế trên trời cao mãi khuyết vẫn chưa tròn. Đó là sự muộn màng, dở dang, tình duyên không trọn vẹn. Trăng trên trời khuyết rồi lại tròn còn cuộc đời con người chỉ có một lần được viên mãn. Tuổi xuân trôi qua mà hạnh phúc mãi chưa trọn vẹn. Câu thơ bộc lộ mãnh liệt nỗi buồn bã, chua xót trước sự éo le trong cảnh ngộ của mình. Dường như, trên khóe mắt của người con gái như ngấn lệ, hòa lẫn trong bóng trăng.

Nghệ thuật đối ở 2 câu 3 – 4, kết hợp giọng ngậm ngùi, nhấn mạnh ở những thanh trắc đã thể hiện nỗi xót xa, cay đắng cho duyên phận dở dang, lỡ làng của một người phụ nữ tài hoa, ý thức sâu sắc về giá trị bản thân. Người phụ nữ mang trong mình những giá trị tót đẹp đáng lẽ sẽ được hưởng hạnh phúc tròn đầy như quy luật của tự nhiên. Thế nhưng, họ lại gánh chịu nhiều khổ đau. Đó là tiếng nói của cái tôi cá nhân đầy mãnh lực mà Hồ Xuân Hương là người phụ nữ đầu tiên có nhận thức sâu sắc và dũng cảm thể hiện trong thơ.

Càng suy ngẫm càng thấy đau đớn, xót xa. Nhà thơ kêu gào trong phẫn uất:

“Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám, 
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn”. 

Đến đây, có sự thay đổi cả về giọng điệu và hình tượng thơ. Nghệ thuật đối kết hợp với nghệ thuật đảo ngữ cùng những động từ mạnh “xiên”, “đâm” cùng các bổ ngữ “ngang”, “toạc” tạo âm hưởng mạnh, tô đậm hình tượng thơ. Cảnh thiên nhiên có sức sống mạnh mẽ qua cảm nhận của người mang sẵn niềm phẫn uất như muốn phản kháng, thách thức lại số phận nghiệt ngã. Đó cũng chính là bản lĩnh, cá tính mạnh mẽ, không cam chịu của Hồ Xuân Hương trước nghịch cảnh đường đời.

Đã nhiều lần hơn thế, nữ sĩ từng muốn thay đổi mình, từng muốn chống lại cái ràng buộc bất công, phi lí của xã hội:

“Ví đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu”.

(Đề đến Sầm Nghi Đống)

Bà muốn được như những bậc nam nhân tranh tài đua sức. Thân gái hẳn đã kém gì đâu nhưng lại không được làm những việc mà người đàn ông có thể làm. Tài cao, chí lớn lại phải cam chịu cuộc sống nữ nhi thường tình. Thế nên, Hồ Xuân Hương quyết liệt phản kháng. Bà quyết liệt thách thức trời cao đất dày:

“Giơ tay với thử trời cao thấp
Xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài”.

Càng quyết liệt càng thêm đau khổ. Những tưởng tất cả những cơn thịnh nộ của chế độ nam quyền ấy sẽ vùi lấp thấn gái thuyền quyên trong nhục nhã, đè bẹp ước vọng sống, ước vọng vương lên nhưng Hồ Xuân Hương vẫn vững vàng đứng giữa đất trời vô cùng ngạo nghễ:

Tài tử văn nhân đâu đó tá
Thân này đâu đã chịu già tom.

Thế nhưng, đó chỉ là phép thắng lợi tinh thần mà Hồ Xuân Hương là con người duy nhất thực hiện điều ấy. Một mình bà hết sức nhỏ bé trước hệ thống tư tưởng và giáo điều vốn đã định hình và ăn sâu tận gốc rễ của con người, trở thành nếp nghĩ, nếp sống, lối ứng xử không thể nào thay đổi được. Thấy vọng, nữ sĩ trở về với chính cuộc đời mình, trong tuổi xuân muộn màng:

“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại, 
Mảnh tình san sẻ tí con con!”

“Xuân” có nghĩa là mùa xuân của đất trời, là dòng chuyển dịch của thời gian vĩnh hằng. “Xuân” còn có nghĩa là tuổi xuân, tuổi đời thơ mộng. Lại lại có nghĩa là trở lại, là thêm một lần nữa. Từ “ngán” bộc lộ sự buông bỏ, bất lực củ con người trước nghịch cảnh. Câu thơ vừa diễn tả nhịp tuần hoàn của mùa xuân nhưng đồng thời cũng biểu hiện tâm trạng chán chường. Bởi mùa xuân đến mùa xuân đi rồi mùa xuân lại đến theo nhịp tuần hoàn của trời đất còn tuổi xuân của con người đã qua đi thì không bao giờ trở lại và lòng người không gì đau xót, chua chát hơn khi phải từng ngày, từng giờ, từng phút nhìn thấy tuổi xuân của mình đang dần bị tàn phai trong nỗi cô đơn, buồn tủi.

Nghệ thuật dùng từ thuần việt theo cấp độ tăng tiến: Mảnh tình – san sẻ – tí- con con làm tăng cấp độ nỗi buồn, nâng lên tới tột đỉnh. Cả một quảng đời nỗ lực tìm kiếm hạnh phúc, giờ ngoảnh lại tuổi xuân không được cuộc tình, khối tình mà chỉ mảnh tình thôi. “Mảnh tình” vốn đã nhỏ bé nay còn đem ra “san sẻ”  nhiều lần rồi cuối cùng được nhận về một “tí con con”. Câu thơ nghe thật xót xa, tội nghiệp.

Hai câu kết thể hiện tâm trạng, chán chường, buồn tủi cho duyên phận song qua đó lại đồng thời thể hiện khát vọng hạnh phúc cháy bỏng của nhân vật trữ tình- người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Bài thơ bộc lộ mâu thuẫn giữa khát vọng và khả năng của con người. Nhân vật trữ tình từ chỗ khát vọng vươn lên đến khi thực sự rơi vào bi kịch của chính mình. Toàn bài thơ là chuỗi diễn biến tâm trạng của bi kịch ấy. Từ cô đơn, buồn tủi đến chán chường, mệt mỏi. Từ cay đắng, xót xa đến phẫn uất, tuyệt vọng. Co người muốn vươn lên để vượt thoát số phận bất hạnh nhưng rồi cuối cùng lại vẫn rơi vào nỗi xót xa, buồn tủi. Càng khát khao càng thêm đau đớn và bế tắc.

Qua tâm trạng đầy bi kịch của nhân vật trữ tình ta thấy được nỗi niềm tâm sự, tính cách và bản lĩnh của Hồ Xuân Hương. Trong buồn tủi, người phụ nữ gắng vượt lên trên số phận nhưng cuối cùng vẫn rơi vào bi kịch. Đó cũng chính là ý nghĩa nhân văn của bài thơ mà Hồ Xuân Hương muốn gửi đến hậu thế.

Ở bài thơ này, Hồ Xuân Hương còn tỏ rõ tài năng Việt hóa thơ Đường. Cách sử dụng từ ngữ giản dị mà đặc sắc, hình ảnh giàu sức gợi, tả cảnh sinh động trong thể thức Đường luật chứng tỏ tiếng Việt cũng có đủ sức mạnh để diễn tả mọi cung bậc trong đời sống tâm tư của con người. Bởi thế, hầu hết thi ca Hồ Xuân Hương vẫn theo dòng chảy chung nhưng đã thoát được các quan niệm sáng tác cố hữu vốn đề cao niêm luật chặt chẽ để bộc lộ được tiếng nói của thời đại mình.

Hồ Xuân Hương được đương thế ca ngợi là nữ sĩ tài sắc. Bà không những xinh đẹp mà còn ăn nói có duyên, tài ứng đối không ai sánh bằng. Đến tuổi trăng tròn, Hồ Xuân Hương cũng được cưới gả từ rất sớm như mọi con cái trâm anh thế phiệt bấy giờ. Nhưng dẫu qua hai lần đò đều không viên mãn. Cả hai lần đều làm thiếp khiến Hồ Xuân Hương mang trong lòng tâm sự buồn chán cho só kiếp của mình. Cuộc đời Hồ Xuân Hương có lẽ ứng với câu nói: Quân tử đa truân, hồng nhan bạc phận. Càng gắng gượng, bà càng thấy khổ đau.

  • Kết bài:

Tự tình II là một bài thơ đặc sắc, điển hình cho phong cách thơ của Hồ Xuân Hương, vừa mãnh liệt vừa đằm sâu. Lời thơ cứ tự nhiên như lời tâm tình, thủ thỉ nhưng lại hết sức chuẩn mực khiến người đọc có cảm giác nữ sĩ đang nói, đang than chứ chẳng có một dụng công nghệ thuật nào. Ấy vậy mà, xem lại, tác phẩm lại hết sức chặt chẽ và tinh tế vô cùng. Bởi thế mà từ xưa, Hồ Xuân Hương là một hiện tượng độc đáo, được mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm, là Thiên tài kì nữ trong lịch sử văn học Việt Nam từ xưa đến nay.


Tham khảo:

Cảm nhận bài thơ Tự tình của Hồ Xuân Hương.

  • Mở bài:

“Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi
Này của Xuân Hương đã quệt rồi”

Câu thơ trên đã khẳng định cả tính vô cùng mạnh mẽ của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương. Hồ Xuân Hương được mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm, một hiện tượng độc đáo trong thơ ca Việt Nam. Sự nghiệp thơ văn của bà hết sức đồ sộ, tuy vậy tình duyên và cuộc đời người phụ nữ ấy lại éo le, ngang trái. Chùm thơ “Tự tình” gồm ba bài thơ là tác phẩm gắn liền với tên tuổi của nữ nhà thơ. Trong đó, bài thơTự tình II được coi là áng thơ giàu cảm xúc nhất, phản ánh tâm tư tình cảm của chính tác giả – một người phụ nữ “hồng nhan bạc phận”.

  • Thân bài:

Mở đầu bài thơ, Hồ Xuân Hương trình bày về hoàn cảnh của mình:

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn”

Một câu thơ bảy chữ đã vẽ nên một bức tranh với cả không gian, thời gian và âm thanh. “Đêm khuya”, khi mọi vật đang chìm sâu trong giấc nồng thì tác giả của chúng ta lại đang còn thức. Từ láy “văng vẳng” gợi ra không gian thật bao la, rộng lớn – một khoảng không vô tận. Từ xa, tiếng trống chuyển canh “dồn” đến. Chắn hẳn, màn đêm ấy phải vô cùng tĩnh lặng thì tác giả mới có thể nghe được cả những âm thanh vang vọng nhỏ bé như vậy. Bức tranh được Hồ Xuân Hương vẽ nên, tưởng chừng như lấy động khắc tĩnh, nhưng thực chất lại là lấy tĩnh để miêu tả động. Dường như, cảnh vật yên ắng càng làm cho ta nghe được rõ hơn tiếng lòng ồn ã. “Tiếng trống dồn” lúc này như nhịp đập con tim của nhà thơ. Trong không gian tĩnh mịch, bóng tối như bọc lấy một trái tim cô đơn, hiu quạnh và rối bời. Người con gái ấy đang thổn thức không thể ngủ!

Tại sao? Tại vì nỗi cô đơn, xót xa tột cùng cho số phận hồng nhan, lẽ mọn:

“Trơ cái hồng nhan với nước non”

Như ta đã biết, cuộc đời và tình duyên của bà chúa thơ Nôm vô cùng hỗn độn, ngang trái: hai lần lấy chồng, hai lần làm lẽ, hai lần lỡ dở. Tính từ “trơ” vừa tái hiện lại hoàn cảnh lẻ loi, đơn chiếc của nhân vật trữ tình (chính tác giả), vừa bộc lộ được tâm trạng bẽ bàng, tủi hổ của bà. Nghệ thuật đảo ngữ từ “trơ” lên đầu câu càng nhấn mạnh sự ê chề của người con gái trong bối cảnh ấy. Cụm từ “cái hồng nhan” gợi cho ta một cảm giác rằng: cái đẹp – người con gái ở đây không hề được trân trọng mà ngược lại còn bị rẻ rúng, hắt hủi. Tác giả sử dụng nhịp thơ 1/3/3 như để khắc họa từng bước đi của thời gian. Màn đêm đang dần trôi, bỏ mặc con người tủi hổ vẫn chưa thể nào chợp mắt.

Hai câu thơ đầu cho ta thấy hình ảnh con người thật là nhỏ bé giữa không gian đất trời. Đó là nỗi cô đơn khủng khiếp của một kiếp người bất hạnh, cũng là những khao khát cháy bỏng về hạnh phúc và tuổi xuân.Bằng nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, tác giả đã bộc lộ tâm sự của chính bản thân mình, đồng thời cũng thể hiện sự cảm thông, chia sẻ đến những người phụ nữ nói chung, những kiếp người cũng giống như bà…

Trong nỗi cô đơn tuyệt vọng, người phụ nữ đã tìm đến với rượu, mượn men cồn để giải sầu:

“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh”

Trớ trêu thay, bà cứ uống say rồi lại tỉnh. Mà, khi tỉnh lại, nỗi buồn lại ập đến, tác giả đành phải tiếp tục chuốc say bản thân… Cứ thế, những hành động lặp đi lặp lại, tạo thành một vòng tròn luẩn quẩn, bế tắc, không lối thoát. Bạn đọc có thể thấy trong thơ ca, hình ảnh người phụ nữ uống say quả thực là hiếm gặp. Và những con người đó, đều là những người phụ nữ khác biệt và phi thường. Ví dụ như trong tác phẩm “Truyện Kiều”, đại thi hào dân tộc Nguyễn Du có viết:

“Khi tỉnh rượu lúc tàn canh
Giật mình mình lại thương mình xót xa”

Câu thơ trên đã miêu tả lại hoàn cảnh sống của Thúy Kiều ở lầu xanh. Sau những cuộc vui ê chề phải động đến rượu, Kiều tự thấy tủi hổ và xót xa cho số phận của mình. Từ đó, ta thấy được vẻ thanh cao ẩn sâu trong tâm hồn người phụ nữ. Quay lại với tác giả Hồ Xuân Hương, phương án thứ nhất là dùng rượu để quên sầu đã thất bại. Bởi càng uống, người con gái lại càng ý thức được hoàn cảnh đáng thương của mình, vết thương lòng lại càng thêm đau đớn rỉ máu…

Đến với câu thơ tiếp theo, nữ sĩ tìm tới thiên nhiên tươi đẹp với mong muốn tạm quên đi nỗi đau thực tại:

“Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”

Thế nhưng, một lần nữa bà lại không thành công. Cảnh vật trong mắt một kẻ buồn bã thì làm sao có thể tươi đẹp được!? Câu thơ vừa tả cảnh, vừa như kể lại câu chuyện bi kịch của cuộc đời tác giả. Cái đẹp nào rồi cũng sẽ bị bào mòn theo năm tháng. Hình ảnh “vầng trăng” ẩn dụ cho cái đẹp, cho con người, hay chính là nữ thi nhân. Tác giả mượn “vầng trăng bóng xế” để nói về tuổi xuân đã qua của chính mình. Tính từ “khuyết chưa tròn” là biểu trưng cho nhân duyên lỡ dở, gãy khúc của người thi nhân. Câu thơ sử dụng vô cùng thành công nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, cho ta thấy được sự đồng nhất giữa cảnh vật và con người cô đơn.

Như vậy, hai câu thực đã khắc họa lại một cách rõ nét tâm trạng của nhân vật trữ tình trước cảnh đời méo mó: tuổi đời đã nhiều mà tình duyên vẫn chưa trọn. Nhà thơ tự ý thức được thực tại bẽ bàng và tủi hổ của bản thân mình.

Tới hai câu thơ luận:

“Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn”

Phép đảo ngữ các động từ “xiên ngang”, “đâm toạc” lên đầu câu nhằm nhấn mạnh những hành động mạnh mẽ và dứt khoát, nhanh gọn. Chúng được nhà thơ kết hợp với phép liệt kê “mây từng đám”, “đá mấy hòn” cho ta hình dung những hình ảnh thiên nhiên vốn nhỏ bé, yếu mềm qua lời thơ của Hồ Xuân Hương lại trở nên thật quyết liệt và gai góc. Mượn hình ảnh của thiên nhiên, tác giả muốn bày tỏ những cảm xúc và khát vọng của chủ thể trữ tình. Mây và đá đang xé trời, rạch đất; thay Hồ Xuân Hương trút nỗi phẫn uất trước số phận hẩm hiu, bất bình. Cách sử dụng từ ngữ đã thể hiện được phong cách rất riêng của Hồ Xuân Hương. Bà luôn làm cho sự vật, cảnh vật trong thơ mình sinh động và căng đầy sức sống mãnh liệt. Từ đó, độc giả có thể nhìn ra bản tính, cá tính của bà chúa thơ Nôm – một người không cam chịu, một người phụ nữ luôn tràn đầy sức sống mãnh liệt ngay cả trong tình huống bi thương.

Phần kết, ta có thể hiểu hai câu thơ ấy như những lời than trách chán chường:

“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con”

Động từ “ngán” được nữ nhà thơ đẩy lên đầu câu, đẩy tâm trạng của nhân vật trữ tình lên đỉnh điểm của sự ngao ngán, ghét bỏ. Từ “xuân” trong câu thơ, ta có thể hiểu theo hai nghĩa: một là mùa xuân của đất trời – một mùa trong năm, và hai là tuổi xuân – tuổi trẻ của con người. Thế nhưng, mùa xuân của thiên nhiên, của đất trời thì vô hạn tuần hoàn; còn mùa “xuân”, tuổi xuân của con người thì một đi không trở lại. Tới đây, ta chợt nhớ tới những câu thơ của Xuân Diệu trong tác phẩm “Vội vàng”:

“Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi”

Quả là, chẳng gì có thể thắng nổi vòng tuần hoàn luân chuyển của thời gian. Ý thơ của Hồ Xuân Hương làm hiện lên hình ảnh một người đàn bà tù túng, bức bối trong dòng thời gian dày đặc buồn bã, đang cay đắng, chán chường nhìn hương sắc đời mình tàn tạ. Thật là tê tái và xót xa làm sao! Câu thơ cuối, tác giả sử dụng nhịp thơ 2/2/1/2. “Mảnh tình” chỉ là lát cắt nhỏ của một cuộc tình không trọn vẹn, đã vậy lại còn phải san sẻ đến “tí con con” – không thể nào nhỏ hơn được nữa. Cách sử dụng từ ngữ thuần Việt kết hợp với nghệ thuật tăng tiến cho ta thấy được sự giảm dần trong tình cảm và tăng lên trong nỗi buồn. Tình cảm càng phải sẻ chia, thì nỗi đau lại càng nhân lên gấp bội, lời thơ của tác giả càng bi ai, tăng thêm ý nghĩa ngậm ngùi chua xót. Hai câu cuối khép lại, là tâm trạng chán chường, buồn tủi của một con người gặp nhiều trắc trở, éo le ấm ức trong tình duyên.

  • Kết bài:

Tóm lại, bài thơ Tự tình II đã khắc họa rất rõ nét bi kịch của cuộc đời Hồ Xuân Hương. Bài thơ vừa là lời tâm sự của tác giả, vừa là tiếng lòng khao khát hạnh phúc cũng như sự phản kháng của bà trước số phận tăm tối, nổi trôi. Qua tác phẩm này, ta nhận ra và lên án sâu sắc chế độ phong kiến bất công, ngang trái. Đồng thời, thơ của Hồ Xuân Hương cũng là tiếng nói chung, sự phẫn uất và những niềm hy vọng chung của những người phụ nữ khác cùng thời. Bài thơ mang đầy giá trị nhân văn sâu sắc!


Tham khảo:

Cảm nhận nỗi cô đơn, buồn tủi của người phụ nữ trong bài thơ Tự tình của Hồ Xuân Hương

  • Mở bài:

Nhà phê bình văn học Hegel đã từng nói: “Thi ca là thứ nghệ thuật chung của tâm hồn đã trở nên tự do, không bó buộc vào nhận thức giác quan vê vật chất bên ngoài. Thay vì thế nó diễn ra riêng tư trong không gian bên trong và thời gian bên trong của tác giả và cảm xúc”. Đúng, văn chương đích thực phải là thứ văn chương “chín đủ cảm xúc” (Xuân Diệu), cũng là thứ văn khi đọc lên mà ta như thấy được cả thế giới tâm hồn, tình cảm của người cầm bút, nhất định phải là thứ văn mà sau khi gấp lại, người ta vẫn bâng khuâng mãi khôn nguôi. Tự Tình II của Hồ Xuân Hương là một kiểu văn như thế. Nó khiến ta xúc động nghẹn ngào trước những tâm sự cay đắng của người phụ nữ Việt Nam thời phong kiến, đồng thời trân trọng vẻ đẹp và khát vọng sống của họ.

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn
Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đã mấy hòn
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con”

Nửa đầu bài thơ là khoảng thời gian nghệ thuật “Đêm khuya”, khoảng thời gian thường gợi buồn nhất. Trong ca dao xưa, đêm khuya và chiều tà là lúc những làn sóng cảm xúc cuộn lên trong lòng người con xa xứ:

“Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”

Dịch bánh xe thời gian qua mảng văn học trung đại, khoảng thời gian này cũng xuất hiện khá nhiều tác phẩm văn học

“Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn
Tiếng ốc xa đưa vẳng trống dồn”

(Bà Huyện Thanh Quan)

Dường như, trời chiều là lúc dòng tâm sự đọng lại, bước chân của đêm tối nặng nề chậm chạp khiến cho lòng người nặng trĩu. Đây cũng là lúc người vợ lẽ hay người góa phụ cảm nhận sâu sắc và thấm thía nhất nỗi bất hạnh cô đơ. Từng tiếng trống dồn dập, thúc giục, guồng quay thời gian cứ tiếp tục trôi đi mà nào có đợi chờ gì tuổi xuân của một người phụ nữ vân khao khát hạnh phúc lứa đôi nhưng sớm phải chịu cảnh chăn đơn gối chiếc.

Âm thanh tiếng trống lại “văng vẳng”, một thứ thanh âm hết sức mờ nhạt, mơ hồ, từ xa dội vào tâm hồn người phụ nữ. Quả thật, âm thanh từ xa nên mờ nhạt hay chính tâm hồn người phụ nữ đang xao động mải mê tìm kiếm một thứ phù du xa xôi nên thanh âm của tiếng trống nhạt mờ thoáng qua như một làn gió nhẹ.

Hồng nhan là một người con gái đẹp, nhưng “cái hồng nhan” gợi cho ta liên tưởng tới một vật vô tri vô giác. “Trơ cái hồng nhan”, cụm từ trần trụi, thô mộc gợi ra bóng hình người con gái đẹpnhưng tâm hồn lại quá chai sạn mọi cảm xúc, cảm giác. Đặt “hồng nhan” bên cạnh “nước non” ta đã phần nào thấy được sự đối lập giữa một bên nhỏ bé, một bên rộng lớn, một bên yếu ớt, một bên bao phủ choán ngợp khắp bốn phương. Tuy nhiên, sự đối lập ở đây không những không làm cho hình ảnh hồng nhan bị che khuất, bị lu mờ mà trái lại càng tô đậm cho mối sầu vạn kỉ, mệt mỏi, cô độc thấu tận tim gan.

Trong hoàn cảnh khổ đau, kiếp người đó tưởng như đã hóa đá nhưng không, thẩm sâu trong trái tim con người ấy là một tâm trạng bồn chồn không yên:

“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”

Tìm đến rượu để quên đi nỗi đau nhưng trớ trêu thay, càng uống, nỗi đau càng thấm thía, càng khắc sâu vào trong trái tim mong manh, yếu đuối. Say lại tỉnh, tỉnh lại say, quá trình diễn ra lặp đi lặp lại như một vòng tuần hoàn. Cuộc đời người phụ nữ chỉ chìm đắm trong chuỗi ngày tẻ nhạt cùng với tâm trạng u uất. Chợt ta nhớ đến nàng Thúy Kiều đáng thương, nàng cũng từng bị giam cầm trong chuỗi thời gian vô vị đó:

“Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng”

Hai con người ấy, hai thân phận khác nhau nhưng cùng chung một số phận, một hoàn cảnh, eo le đáng thương làm sao. Hình ảnh “vầng trăng bóng xế” có lẽ là một hình ảnh ẩn dụ hơn là một hình ảnh tả thực. Trăng xế bóng hay cũng là cuộc đời người phụ nữ đã ngả chiều. Trăng thường gợi kỉ niệm, gợi sự tròn đầy viên mãn của hạnh phúc lứa đôi, bao cuộc tình thủy chung nồng thắm cũng diễn ra dưới ánh trăng, nhờ vầng trăng chứng giám:

“Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai miệng một lời song song”

Nhưng giờ đây, ánh trăng sắp tàn như cuộc tình dang dở của người phụ nữ đã đến hồi dang dở… Nhưng Xuân Hương là thế, một người phụ nữ không bao giờ chịu thua hoàn cảnh, luôn tìm cho mình một lối đi khác người, rất ngông, rất lạ đó, làm sao có thể để nỗi đau lấn át lí trí, tâm hồn? Trong tột cùng của khổ đau, cô độc, nữ sĩ vẫn tin ở chính mình, tìm thấy nguồn sức mạnh lớn lao để làm động lực:

“Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn”

Đưa con mắt lạc lõng ngắm nhìn mọi vật xung quanh, nhân vật trữ tình thấy “rêu từng đám” đang xiên ngang mặt đất, “đá” đang đâm toạc chân mây. “Xiên ngang, đâm toạc” là những động từ rất mạnh, cùng nghệ thuật đảo ngữ được sử dụng rất đắt đã diễn tả được sưc mạnh của sự sinh tồn trong những vật nhỏ bé, đơn sơ. Màu xanh non của rêu hiện diện trên sắc màu xám xịt của đất như khẳng định sức sống mãnh liệt của rêu. Không những thế, nó còn như biểu hiện của một tia hy vọng nhỏ bé nhưng hết sức thiết tha thoát khỏi xã hội đương thời phàm tục, dơ bẩn, cũng chính là thoát khỏi kiếp sống cô độc, lẻ loi như đang bóp nghẹt tuổi xuân của người phụ nữ.

Những hòn đá rắn rỏi chen vào khung trời rộng lớnnhưng trống trải cũng dủ làm khung cảnh trở nên sinh động hơn bao giờ hết. Chỉ với hai hình ảnh giản dị, nhỏ bé nhưng nữ sĩ đã đưa người đọc từ sự xót xa trước những khổ đau của người phụ nữ sang trân trọng sữ mạnh tinh thần, vẻ đẹp tính cách của họ. Đo cũng chính là một trong những nét độc đáo tạo nên cái “ngông” trong thơ của Hồ Xuân Hương. Tạo cho người đọc cảm giác mạnh, bất ngờ, đúng là chỉ có được trong nữ sĩ có một không hai của văn học Việt Nam.

Hai câu thơ cuối cùng:

“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con”

Nhưng cho dù có thể hiện mình mạnh mẽ và đầy niềm tin như thế nào nhưng người phụ nữu vẫn không thể phủ nhận hiện thực khắc nghiệt. Hai câu cuối cùng cất lên như một tiếng thở dài đày chua xót, đắng cay, ngán ngẩm về kiếp sống của một kiếp hồng nhan bị giam cầm trong hai từ “định mệnh”. Tuổi xuân – nhan sắc, hai thứ một khi đã ra đi thì không bao giờ có thể quay lại. Mùa xuân của thiên nhiên đất trời như đã được lập trình để quay trong một vòng tuần hoàn không có điểm kết thúc, nhưng trớ trêu thay, mùa xuân của đời người lại hữu hạn, xuân năm ngoái có thể là sự cách biệt với xuân năm nay. Chính vì vậy, mỗi mùa xuân đi qua, người phụ nữ lại càng một héo hon, già nua trong sự vui tươi, hồi sinh của đất trời. Qua đây ta cũng thấy được ý thức của con người về bản thân mình với tư cách cá nhân, có ý thức về giá trị của tuổi thanh xuân và sự sống.

Mảnh tình có ý diễn tả chút tình cảm nhỏ nhoi nhưng ở đây lại phải san sẻ, cuối cùng chỉ còn lại là tí con con không đáng kể. Đọc câu thơ, ta thấy thâm trong từng câu chữ la tâm trạng xót xa cảu một người phụ nữ tài hoa bạc mệnh Hồ Xuân Hương. Cuộc đời của người phụ nữ ấy là một chuỗi những đắng cay tủi nhục, là cuộc đời của những dòng nước mặt lăn dài: qua hai lần đò đều không viên mãn. Làm lẽ ông Tổng Cóc, sau đó là ông phủ Vĩnh Tường nhưng cả hai lần, người phụ nữu bất hạnh này đều không có được hạnh phúc tương xứng.

Nhưng ẩn sâu trong từng câu chữ không phải là một sự tuyệt vọng, đau xót, càng không phải bởi vì đó chính là Hồ Xuân Hương – người phụ nữu mạnh mẽ, bản lĩnh, có đủ dũng cảm để đương đầu lại với cả hiện thực phong kiến, cả những quy tắc lễ giáo ràng buộc. Ta như thấy những tia hy vọng tuy nhỏ bé nhưng hết sưc mạnh mẽ, có cơ sở: thi sĩ vẫn muốnn tiếp tục đem san sẻ với mong ước chân thành đẻ cho nhân tình thế thái đỡ xanh như lá, bạc như vôi.
Bài thơ “Tự tình” không những thành công trên phương diện nội dung mà ở phương diện nghệ thuật cũng đạt được những thành tựu đáng kể. Cách sử dụng từ ngữ cảu Hồ Xuân Hương hết sức giản dị, giàu sức biểu cảm, táo bạo nhưng cũng không kém phần tinh tế. Cách sử dụng từ ngữ cũng góp phần tạo nên tính đa thanh của tác phẩm: khi thì tủi hổ phiền muộn, lúc phản kháng bực dọc, khi lại chua chát chán chường nhưng vẫn ánh lên niềm lạc quan hy vọng. Ngoài ra tác giả còn sử dụng những vế tiểu đối như “hồng nhan” – “nước non” hay phép tăng tiến,… Với những nét đặc sắc về nghệ thuật ấy, Hồ Xuân Hương đã góp phần hoàn thiện một tiếng thơ hết sức táo bạo, mới lạ cho nền văn học trung đại Việt Nam.

Cùng với “ Tự tình II”, Hồ Xuân Hương còn đóng góp rất nhiều tác phẩm khác vào nền văn học trung đại như “Bánh trôi nước”, “Cảnh làm lẽ”, “Quả mít”,… Nhưng dù viết về đối tượng nào thì cuối cùng điều mà nữ sĩ muốn phản ánh là số phận, cuộc đời cùng với tài năng và tính cách của người phụ nữu trongn xã hội phong kiến. Ngoài ra bà còn chĩa thẳng ngòi bút của mình vào cả một bộ máy phong kiến cổ hu, lạc hậu, ràng buộc moi quyền sống, quyền hạnh phúc của người phụ nữ bằng một thái độ mạnh mẽ, cứng rắn đậm chất “ngông” của bà, điều này lại một lần nữa tô đậm dấu ấn rất riêng trong phong cách nghệ thuật Hồ Xuân Hương lên văn đàn Việt Nam.


Tham khảo:

Cái tôi trữ tình trong bài thơ “Tự tình II” của Hồ Xuân Hương.

  • Mở bài:

Hồ Xuân Hương là nữ sĩ nổi bậc nhất của nền văn học Việt Nam thế kỷ 18. Thơ Hồ Xuân Hương là tiếng nói mạnh mẽ của người phụ nữ với nhiều khát khao nhưng bị ràng buộc bởi lễ giáo phong kiến vốn hà khắc, độc đoán. Bài thơ Tự tình II là một thi phẩm tiêu biểu thể hiện tiếng lòng của nữ sĩ trong cảnh cô đơn, sầu tủi.

  • Thân bài:

Tự tình II là một trong số ít những bài thơ mà Hồ Xuân Hương bộc lộ trực tiếp “cái tôi” đầy xúc cảm và bản lĩnh của mình trước cuộc sống. Bài thơ mở đầu với một không gian trống vắng, lạnh leo: “Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn”.

Nhưng đấy cũng là một thời gian. Nói đấy đủ hơn,Tự tình là tiêng lòng cất lên vào một không – thời gian.Không – thời gian ấy trong văn học trung đại thường hiếm , và nếu có thì đó là tiếng lòng của một đấng máy râu ,xót xa , cảm hoài trước thời thế. Nếu xem Truyện Kiều ra đời sau khi Hồ Xuân Hương đã mất thì kiểu bộc lộc tâm tình thật có nhiều điểm tương đồng. Ở Thuý Kiều, với nhiều trạng huống, sau khi tảo mộ, gặp Kim Trọng: “Một mình lặng ngắm bóng nga”; lúc đã quyết định bán mình chuộc cha: “Nỗi riêng,riêng những bàng hoàng”; khi thất thân bởi Mã Giám Sinh “Đêm xuân một giấc mơ màng”, hoặc lúc ở lầu xanh “Khi tỉnh rượu lúc tàn canh /Giật mình mình lại thương mình xót xa)…”, Nguyễn Du đã đi hết những cung bậc của nỗi buồn chơ vơ, lạc lõng, bế tắc, tuyệt vọng của nhân vật.

Đêm khuya thanh vắng là lúc con người thường đối diện với chính bản thân mình, để xót thương, để tự vấn, tự nhìn ngắm lại bản thân. Tự tình là một cách đối diện như thé. Đấy là lúc những âm vang của cuộc đời dường như không động đến con người. Song con người lại cảm nhận được cả bước đi của cuộc đời. Tiếng trống canh chỉ văng vẳng , tức người nghe phải lắng tai nghe , nhưng nhịp điệu của nó thì đã qua đầy đủ ,với tất cả sự hối hả , thúc giục (trống canh dồn). Nó thúc giục người ta chẳng phải để hành động mà soi lại đời mình:

“Trơ cái hồng nhan với nước non”.

Hồng nhan là gương mặt hồng, má hồng, đồng thời cũng để người đàn bà đẹp,người đàn bà đẹp. Cách Hồ Xuân Hương trên, dưới bốn trăm năm có một người từng một mình một bóng dưới ánh trăng thanh, cũng cảm nhận bước đi của thời gian với bao u hoài:

“Thế sự du du nại lão hà,
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca”.

(Việc đời bối rối tuổi già vay,
Trời đất vô cùng, một cuộc say)

(Đặng Dung)

Người ấy là đấng trượng phu, đã sốt ruột, thậm chí đến đớn đau trước dòng thời đời tuôn chảy trong sự bất lực của chính mình. Còn ở đây, người đang cảm nhận về cuộc đời lại là một phụ nữ.Thế cuộc cũng khác. Người đó biết được giá trị của mình (là hồng nhan = người đàn bà đẹp, có tài sắc). Nhưng biết được phẩm giá của mình không phải để sung sướng, tự hào. Trái lại, biết chỉ thêm ngậm ngùi cay đắng. Vì sao như vậy? Từ cái đạt trước một danh từ sẽ khiến danh từ ấy mang sác thái ngữ nghĩa của sự xem thường, khinh miệt như: cái thằng ấy, cái con ấy v.v Hồng nhan vốn là danh từ để chỉ người đẹp khi đặt sau từ cái đã không còn nguyên giá trị nữa. Sự tươi xinh, đẹp đẽ kia chỉ có giá trị tự nó thôi. Chưa hết, trước cái hông nhan là tính từ trơ,vốn có hàm nghĩa xấu, chỉ sự không biết xấu hổ (Cứ trơ cái mặt ấy ra!), đồng thời chỉ sự lẻ loi, không biết nương tựa vào đâu (Đứng trơ giữa đồng). Hoá ra, hồng nhan – một phẩm giá con người trong cuộc thế này đã trở thành thứ gì chẳng có ích gì, thậm chí đang xấu hổ nữa!

Bốn câu thơ tiếp theo (câu thực và luân ) nói rõ thêm cái tình thế đáng buồn đó:

Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.
Xiên ngang mặt đất rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây,đá mấy hòn.

Chén rượu cũng như miếng trầu là những thứ không làm cho người no nê, nhưng nhiều lúc khiến người ta vui sướng, thân mật, bớt buồn, quên đời. Thế mà,chén rượu ở đây không giúp ích điều đó ,bởi hương đưa say lại tỉnh. Vầng trăng tròn chỉ sự viên mãn, tốt đẹp, song mong ước ấy mãi chưa tới (Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn).Thành ra hai câu luận có vẻ như tả cảnh (về mặt đất ,về bầu trời ) mà thực ra là sự bộc lộ một thái độ bực dọc theo kiểu của Hồ Xuân Hương. Cuộc đời đang diễn ra trước mắt của nữ sĩ thật vẹo vọ, khập khễnh, chẳng ra dáng ra hình gì!

Hai câu kết đẩy đến cùng tâm trạng của Hồ Xuân Hương trước cuộc đời:

Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẽ tí con con!

Cuộc đời đáng chán, đáng buồn như thế thì cái sự xuân tới ,xuân qua nào có gì đáng nói ? Nó lặp đi lặp lại buồn tẻ đến mức người ta phải ngán ngẩm. Thời Thơ Mới, các thi sĩ thường hay bộc lộ nỗi sầu,nỗi khổ trước cuộc đời. Hồ Xuân Hương không nói tới nỗi buồn – dường như điều đó trái với bản tính của thi sĩ, người thích sự thẳng thắn, mạnh mẽ. Bà nói tới nỗi niềm ngán ngẩm. Phải buồn lắm, chán lắm ngưòi ta mới có tâm trạng như vậy. Và ,cũng phải đau đớn, phẫn uất lắm người ta mới có một cách thề như vậy trước cuộc đời!

  • Kết bài:

Với lớp ngôn ngữ thơ Nôm bình dị, hình ảnh gợi cảm, giàu màu sắc, nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đặc sắc,.., bài thơ Tự tình (bài II) thể hiện tâm trạng, thái độ của Hồ Xuân Hương: vừa đau buồn, vừa phẫn uất trước duyên phận, gắng gượng vươn lên nhưng vẫn rơi vào bi kịch. Trước sự trớ trêu của số phận, người phụ nữ luôn khát khao hạnh phúc, vẫn muốn cưỡng lại sự nghiệt ngã do con người tạo ra. Sự phản kháng và khát khao ấy ở Hồ Xuân Hương làm nên ý nghĩa nhân văn sâu sắc cho tác phẩm.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang