»» Nội dung bài viết:
Nghị luân biết vâng lời cha mẹ và thầy cô
- Mở bài
Ca dao có câu:
“Công cha nghĩa mẹ ơn thầy
Gắng công mà học có ngày thành danh”
Người xưa rất coi trọng lễ nghi, đặc biệt là đạo hiếu, nghĩa thầy trò. Điều cao quý nhất đảm bảo cho sự thành công của con người đó chính là biết vâng lời dạy bảo của cha mẹ, thầy cô. Không biết vâng lời cha mẹ là người con bất hiếu. Không biết nghe lời thầy cô là kẻ vô đạo. Bất hiếu và vô đạo thì không thể thành người được.
- Thân bài
Vâng lời cha mẹ và thầy cô là gì?
Vâng lời cha mẹ và thầy cô là biết lắng nghe và làm theo những lời dạy bảo của cha mẹ và thầy cô. Tuyệt đối không cải lời, vô lễ hay thờ ơ với lời khuyên dạy của cha mẹ và thầy cô đối với mình.
Tại sao phải biết vâng lời cha mẹ và thầy cô ?
Đối với cha mẹ:
Cha mẹ là người sinh thành ra chúng ta. Ơn nghĩa sinh thành là ơn nghĩa thiêng liêng và to lớn nhất trong vũ trụ này. Cha mẹ là người đã có công dưỡng nuôi, chăm sóc và lo lắng cho ta từng ngày đến khi khôn lớn. Cha mẹ dành cho ta những gì tốt đệp nhất ở đời, mong muốn ta nên người, có thể tự lo cho bản thân. Ta chính là niềm vui, niềm tự hào và hạnh phúc của cha mẹ. Mỗi thành công của ta trong cuộc sống đều do cha mẹ bồi đắp từng ngày. Công ơn ấy sánh ngang với trời cao, biển rộng, sông dài. Bởi thế, hãy biết vâng lời cha mẹ để cha mẹ vui lòng.
Trách nhiệm đầu tiên trong đạo hiếu là vâng lời cha mẹ, không bao giờ làm cha mẹ buồn lòng. Sau đó là có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ tuổi già, thờ cúng cha mẹ khi cha qua đời. Điều cao quý ấy đã là nguyên tắc ứng xử của dân tộc ta từ bao đời nay.
Đối với thầy cô:
Nếu cha mẹ có công sinh thành và dưỡng dục thì thầy cô là người giáo dục chúng ta nên người. Thầy cô khuyên dạy ta biết bao điều hay lẽ phải ở đời, dạy cho ta biết đối nhân xử thế, dạy cho chúng ta biết làm người tốt và sống tròn bổn phận. Thầy cô cũng truyền dạy cho chúng ta biết bao kiến thức, từng bước dẫn dắt chúng ta bước vào đời. Chính thầy cô là nguồn sức mạnh đầu tiên và hết sức mạnh mẽ khơi bùng khát vọng, đưa ta đến thành công. Không có thầy cô, chúng ta không thể làm nên điều gì. Công ơn ấy cũng lớn lao như trời cao, biển rộng, sông dài, suốt cuộc đời ta phải tri ân. Biết vâng lời thầy cô là quý trọng công ơn vô hạn ấy.
Cha mẹ và thầy cô là những người lớn tuổi, từng trải và giàu kinh nghiệm nên thường sâu sắc và đúng đắn. mỗi lời của cha mẹ và thầy cô xuất phát từ lòng yêu thương, vun đắp cho cuộc đời của chúng ta mỗi ngày thêm tốt đẹp. Biết vâng lời cha mẹ và thầy cô là đón nhận tấm lòng cao cả ấy.
Biết vâng lời cha mẹ và thầy cô thể hiện tấm lòng hiếu thảo và kính trọng đối với các bậc đáng kính. Đó cũng là đạo nghĩa mà dân ta bao nhiêu thế hệ gìn giữ và phát huy cho đến ngày nay.
Bởi những lí do ấy, mỗi học sinh phải biết vâng lời cha mẹ và thầy cô. Nếu không biết vâng lời sẽ khiến cho cha mẹ và thầy cô buồn lòng. Người không biết vâng lời cha mẹ và thầy cô thể hiện nhân cách kém cỏi, khó trở thành người hữu ích trong cuộc sống này.
Biết vâng lời cha mẹ và thầy cô ta cần làm gì?
Luôn lắng nghe và làm theo lời cha mẹ và thầy cô dạy bảo. Lễ phép và kính trọng cha mẹ và thầy cô. Phấn đấu chăm ngoan học tập tốt trở thành con ngoan, trò giỏi. Tỏ lòng tôn kính và biết ơn đối với cha mẹ và thầy cô.
Không những có ý thức sống hiếu thảo với cha mẹ và tri ân thầy cô, nâng cao trách nhiệm của mình trong cuộc sống mà còn phải có những hành động thiết thực, ý nghĩa tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với cha mẹ và thầy cô. Đối với cha mẹ, yêu thương và chăm lo cho cha mẹ. Giúp đỡ cha mẹ làm những công việc có thể làm được. Tôn kính và phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ tuổi già. Đối với thầy cô, ghi lòng tạc dạ công ơn dạy dỗ đến suốt cuộc đời. Một ngày được dạy bảo, suốt đời là thầy ta.
- Kết bài:
Bởi những công ơn to lớn ấy cho nên trong lễ nghi, cha mẹ và thầy cô đứng vào bậc tôn quý nhất. Công ơn sinh thành và giáo dục không bao giờ ta có thể trả hết được. Bởi vậy, khi còn trẻ, phải biết vâng lời cha mẹ thầy cô để thể hiện tấm lòng hiếu thảo và tôn sư trọng đạo. Có làm được như vậy mới có thể làm người tốt được.
Bài làm 2:
- Mở bài:
Ca dao có câu: “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy. Gắng công mà học có ngày thành danh”. Cha mẹ là người đã sinh thành và dưỡng nuôi ta khôn lớn. Thầy cô là người đã dạy dỗ ta trưởng thành. Bởi thế, suốt cuộc đời người phải biết vâng lời cha mẹ, thầy cô để thể hiện tấm lòng tri ân và kính trọng những bậc cao quý ấy.
- Thân bài:
Học sinh chúng ta nên biết vâng lời cha mẹ, yêu thương chăm sóc bố mẹ khi về nhà. Vâng lời bố mẹ sẽ được bố mẹ yêu thương và có nhiều lời khuyên bổ ích. Nhưng nếu không biết vâng lời cha mẹ thì bố mẹ chúng ta sẽ nghĩ chúng ta là những đứa con hư khi cha mẹ dạy thì không lắng nghe chỉ nghe qua loa, không biết khắc phục những việc xấu vì thế ta sẽ ngày càng xấu hơn trong mắt cha mẹ.
Biết vâng lời cha mẹ thầy cô chúng ta cần phải biết nghe lời dạy bảo của cô và cha mẹ không được cãi , biết khắc phục những việc làm không tốt và sữa chữa lỗi lầm qua lởi khuyên của cha mẹ thầy cô .
Học sinh không biết nghe lời cha mẹ, thầy cô dạy bảo là sống không đúng với đạo lí: “Cá không ăn muối cá ươn con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Vì thế ta phải luôn có trách nhiệm với cô giáo, thầy giáo và vâng lời cha mẹ. Như thế mới là một đứa con ngoan trong mắt cha mẹ và một học sinh biết vâng lời trong mắt thấy cô.
Cha mẹ là đấng sinh thành của chúng ta, những công ơn nuôi lớn và dạy dỗ ta nên người ta không thể nào trả ơn được hết. Thầy cô là người đã chỉ dạy và dìu dắt ta trong những năm tháng được ngồi trên ghế nhà trường, mang đến cho ta bài học hay, tốt đẹp và mở mang những thứ ta không thể biết ở trước mắt.
Khi thầy cô, cha mẹ dạy dỗ ta phải biết lắng nghe, thấu hiểu thật sâu và làm theo lời dạy bảo ấy. Ta không nên vô lễ, dùng những từ ngữ làm tổn thương người khác, cãi lại với những câu nói dạy bảo ta.
- Kết bài:
Vâng lời thầy cô, cha mẹ là thể hiện lòng biết ơn và hiếu thảo, kính trọng và làm nên nhân cách cao đẹp. Mỗi lời dạy bảo của cha mẹ và thầy cô xuất phát từ tình yêu thương vô hạn đối với chúng ta. Những lời khuyên bảo ấy sẽ giúp ta trở thành một con người có ích cho tương lai sau này