nhan-vat-thuy-kieu-va-gia-tri-nhan-dao-truyen-kieu

Suy nghĩ về nhân vật Thúy Kiều và giá trị nhân đạo của Truyện Kiều

Suy nghĩ về nhân vật Thúy Kiều và giá trị nhân đạo của Truyện Kiều

  • Mở bài:

Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) là một kiệt tác của thiên tài Nguyễn Du và của nền văn học Việt Nam. Nó được xem là một bộ đại thành về đời sống và tình cảm của dân tộc ta thế kỉ 18. Truyện Kiều vốn dĩ nhanh chóng đi vào đời sống dân tộc là bởi chứa đựng những giá trị nhân đạo cao cả mà hiếm có tác phẩm nào có được

  • Thân bài:

Giá trị nhân đạo của Truyện Kiều thể hiện ở tiếng nói cảm thương sâu sắc trước số phận bi kịch, tiếng nói khẳng định, ngợi ca con người và những khát vọng chân chính của con người. Tiếng nói nhân đạo ấy toát lên từ hình tượng nhân vật Thúy Kiều: người con gái tài sắc vẹn toàn, hiếu hạnh, thủy chung nhưng xã hội phong kiến bất công đã nhẫn tâm chà đạp

Nhân vật Thúy Kiều hiện thân cho những bi kịch của người phụ nữ. Đời Kiều là “tấm gương oan khổ”. Số phận Kiều hội đủ những bi kịch của những người phụ nữ trong xã hội cũ. Nhưng hai bị kịch lớn nhất của đời Kiều là bi kịch tình yêu tan vỡ và bi kịch chà đạp về nhân phẩm.

Tình yêu  Kim – Kiều là một tình yêu lí tưởng với “Người quốc sắc kẻ thiên tài”. Nhưng vì gia biến, nàng phải bán mình chuộc cha, phải hi sinh tình cảm riêng tư để tròn chữ hiếu. Ở đoạn kết truyện, tác giả để cho Kim Trọng và Thúy Kiều đoàn viên trong tình bạn bè tri kỉ là một biểu hiện của lòng yêu thương và trân trọng giá trị làm người.

Kiều là người con gái luôn có ý thức về nhân phẩm nhưng lại bị chà đạp về nhân phẩm không thương tiếc. Câu kết đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” cho thấy nàng là một cô gái rất coi trọng phẩm hạnh, rất nết na:

“Êm đềm trướng rủ màn che,
Tường đông ong bướm đi về mặt ai”

Nhưng khi về đến nhà Mã Giám Sinh, nàng đã rơi vào cạm bẫy của Tú Bà. Và suốt mười lăm năm lưu lạc sau đó, cuộc đời nàng như: ngọn nước mới sa, hoa trôi man mác, tan tác như hoa giữa đường, … Không giữ được tấm thân thanh sạch, nàng quyết gìn lòng khiết hạnh giữa chốn bùn nhơ.

Thúy Kiều là hiện thân vẻ đẹp của nhan sắc, tài hoa, tâm hồn. sắc và tài của Kiều đạt tới mức lí tưởng. Thể hiện vẻ đẹp, tài năng của Kiều, Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp ước lệ của văn học cổ có phần lí tưởng hóa để trân trọng một trang tuyệt sắc giai nhân:

“Một hai nghiêng nước nghiêng thành
Sắc đành đòi một tài đành họa hai”

Còn tâm hồn nàng biểu hiện ở sự vị tha hiếm có – hi sinh hạnh phúc để trọn vẹn chữ hiếu, biểu hiện ở nỗi nhớ gia đình và băn khoăn lo lắng cho cha mẹ và hai em dù mình đang “góc bể chân trời”, biểu hiện ở lòng tự trọng không muốn vì sự đoàn viên của mình mà khiến Kim Trọng phải buông lơi hạnh phúc đang có với Thúy Vân, nàng đành lặng lẽ sống phần đời còn lại trong tình bạn với người mà mình đã “thề hải minh sơn”. Quả thực, phải thấu rõ nhân tình, phải trân quý con người, Nguyễn Du mới tinh tế mà chọn một kết thúc câu chuyện giàu giá trị nhân văn đến thế.

Thúy Kiều là hiện thân khát vọng tình yêu tự do, khát vọng hạnh phúc và khát vọng về quyền sống. Tình yêu của nàng và Kim Trọng vượt ngoài sự ràng buộc của lễ giáo phong kiến nhưng vẫn nguyên vẹn giá trị làm người: tự nguyện đính ước nhưng “nên chăng là cũng tại lòng cha mẹ”. Nàng và chàng Kim nguyện gìn giữ thân tâm trong sạch, tình yêu trong sáng đến khi nào Kim Trọng thành danh, xin phép cha mẹ mới thành gia thất với nàng.

Một điểm son nữa trong nhân cách của Kiều chính là “lượng bể bao dung” mà nàng dành cho Hoạn Thư dù ngày trước Hoạn Thư hành hạ nàng đủ kiểu. Nàng có khát vọng về hạnh phúc nên hiểu và trân trọng hạnh phúc của người. Dù rằng, Thúc Sinh cứu nàng, nàng phải gả nghĩa với họ Thúc nhưng với Hoạn Thư thì nàng đã chen vào niềm riêng tư của người khác. Cho nên, việc nàng không báo oán Hoạn Thư cho thấy nàng hiểu người, hiểu đời và vì vậy giá trị làm người của Kiều càng thêm đáng quý.

  • Kết luận:

Thông qua cuộc đời và số phận đầy bi thương, tủi nhục của nhân vật Thúy Kiều, Nguyễn Du đã thể hiện là một nhà văn nhân đạo chủ nghĩa rất mực yêu thương, rất mực đề cao con người, để cao những khát vọng chân chính của con người.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang