Phân tích vẻ đẹp hình tượng nhân vật Lục Vân Tiên trong đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga

ve-dep-hinh-tuong-nhan-vat-luc-van-tien

Phân tích vẻ đẹp hình tượng nhân vật Lục Vân Tiên trong đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga.

  • Mở bài:

Truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên được coi là một trong những tác phẩm tiêu biểu trong cuộc đời sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu. Có thể nói, nổi bật nhất trong đoạn thơ Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga là vẻ đẹp hình tượng nhân vật Lục Vân Tiên chàng trai hào hiệp, dũng võ, võ nghệ phi thường, sẵn sàng liều thân mình để cứu giúp người trong cơn nguy khó. Qua đó, tác giả ca ngợi, khẳng định và tôn vinh những con người hào hiệp, nhân nghĩa, thủy chung, nết na đức hạnh, sống đúng với chuẩn mực đạo lý tốt đẹp của con người.

  • Thân bài:

Lục Vân Tiên là người hào hiệp, dũng cảm, sẵn sàng hi sinh mình vì người khác, vị nghĩa vong thân:

Cũng như bao đấng nam nhi khác, Lục Vân Tiên cũng ôm khát vọng công danh, đem tài trí giúp ích cho đời, chàng ngày đem chăm lo học tập, rèn luyện võ nghệ cùng thầy ở trên núi. Năm ấy, triều đình mở khoa thi, cũng là lúc, Lục vân Tiên văn đã thông thạo, võ đã hơn người, chàng từ biệt thầy xuống núi, lên kinh ứng thí. Trên đường lên kinh, chàng bắt gặp cảnh người dân lao đao khốn đốn, hốt hoảng bỏ chạy vào rừng sâu vì bọn cướp ngang tàn, bạo ngược, chàng vô cùng tức giận, quyết ra tay giúp dân trừ bạo, diệt lũ tham tàn:

Vân Tiên ghé lại bên đường
Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô.

Đối với Lục Vân Tiên cứu người trong lúc lâm nguy không những là việc nên làm mà còn là bổn phận của đấng trượng phu thấy chuyện bất bình ra tay tương trợ. Đối diện với bọn cướp vừa đông đảo, khí thế hung bạo lại vũ khí sắc bén, Vân Tiên đã biết tự trang bị cho mình vũ khí, dù đó là vũ khí tầm thường. Cứ thế, chàng nhằm thẳng bọn cướp mà xông vào, chẳng hề sợ hãi.

Không những thế, chàng còn khẳng định lập trường chính nghĩa của mình, chỉ thẳng vào mặt bọn chúng mà trách tội:

“Kêu rằng bớ đảng hung đồ
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”

Trong mắt chàng, bọn giặc cướp Phong Lai chỉ là những kẻ hung đồ ngang ngược, ỷ thế làm càn, bức hại người dân vô tội. Hành động ấy trái với đạo lí, trời không dung, đất không tha. Phen này chàng quyết  ra tay tương trợ, trừ gian diệt bạo để bảo toàn công lý, chính nghĩa, cứu giúp muôn dân.

Nghe chàng nói lớn, tướng cướp Phong Lai “mặt đỏ phừng phừng” vô cùng tức giận, nhìn chàng ra vẻ dữ tợn:

“Thằng nào dám tới lẫy lừng vào đây
Trước gây việc dữ tại mày”

Sau đó ngay lập tức: “Truyền quân lệnh xuống phủ vây bịt bùng”. Trong hoàn cảnh ấy, Vân Tiên dẫu một thân một mình, tay không tấc sắt, chỉ có cây gậy vũ khí độc nhất trong tay mà vẫn không hề nao núng sợ hãi. Chàng xông thẳng vào vòng vây của mấy mươi tên cướp, thanh thế lẫy lừng, giáo gươm nhọn hoắt. Chàng tung hoành ngang dọc, tả đột hữu xông như chốn không người. Chỉ thoáng chốc, chàng đã đánh cho bọn chúng đến thất điên bát đảo, hoang mang tìm đường bỏ chạy:

Lâu la bốn phía vỡ tan
Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay

Ngay cả tên cướp đầu não là Phong Lai cũng trở chẳng kịp tay, bị Vân Tiên đánh đến trọng thương, sống dở, chết dở.

Hình ảnh của chàng lúc ấy thật oai phong lẫm liệt biết bao. Chàng chẳng khác nào Triệu Tử Long, người anh hùng dũng tướng thời Tam quốc ngày xưa, một thân một mình phá được vòng vây của hàng ngàn quân giặc. Nhưng khác với Triệu Tử Long, Lục Vân Tiên liều thân mình không phải để  báo đền ơn chủ tướng, giữ vẹn nghĩa vua tôi mà là để cứu giúp người trong cơn nguy khó mà là để cứu người trong lúc lâm nguy. Đối với chàng, những người gặp nạn kia hoàn toàn là một người xa lạ. Nhưng chàng vẫn không tính toán thiệt hơn, thấy việc nghĩa giữa đường đành ra tay tương trợ. Đó cũng là lý tưởng và nghĩa khí của người anh hùng xưa nay.

Hành động đánh cướp cứu người của Lục Vân Tiên thật cao đẹp và đáng ca ngợi. Nó chứng tỏ chàng là người anh hùng dũng cảm, võ nghệ phi thường, ít ai sánh kịp. Có thể nói, bằng hình ảnh so sánh, liệt kê, kết hợp với những từ ngữ tuy vô cùng giản dị nhưng Nguyễn Đình Chiểu đã khắc họa thành công hình ảnh Lục Vân Tiên một con người hào hiệp, dũng cảm, sẵn sàng hi sinh mình vì người khác, vị nghĩa vong thân. Lục Vân Tiên là hình ảnh mẫu mực, tượng trưng cho hình ảnh người anh hùng, đấng trượng phu thuở trước thấy việc nghĩa đều ra tay tương trợ, không quản ngại thân mình.

Không những dũng cảm, gan dạ, nghĩa hiệp phi thường, Lục Vân Tiền còn là người trọng nghĩa khinh tài, làm ơn không cần báo đáp:

Nét đẹp của người trai thời loạn anh hùng, quả cảm, cứu giúp người trong cơn nguy khó không chỉ dừng lại ở đó. Hành động và thái độ của chàng đối với Kiều Nguyệt Nga sau khi cứu giúp nàng thoát khỏi bọn cướp Phong Lai càng đáng để cho ta khâm phục. Nó chứng tỏ chàng là người trọng nghĩa khinh tài, làm ơn không cần báo đáp, độ lượng khoan dung, nhân từ phúc hậu.

Biết hai người con gái bất hạnh ấy hãy còn hoang mang, lo sợ sau cơn tai biến dập dồn, chàng vội vàng tìm lời an ủi khuyên lơn: “…rằng ta đã trừ dòng lâu la”. Hành động chàng ngăn hai cô gái xuống kiệu tạ ơn “Khoan khoan hãy ngồi đó chớ ra/ Nàng là phận gái, ta là phận trai” càng thể hiện chàng là người gia giáo, có tư cách đứng đắn, biết giữ gìn lễ nghĩa. Và khi Nguyệt Nga có ý muốn tạ ơn chàng đã ra tay cứu mạng, giúp nàng bảo toàn tiết hạnh sạch trong, khẩn khoản mời chàng về nhà mình để cha già tiện bề đáp trả thì Vân Tiên một mực từ chối. Vì chàng cho rằng:

Làm ơn há dễ trông người trả ơn
Nay đà rõ đặng nguồn cơn
Nào ai tính thiệt so hơn làm gì
Nhớ câu kiến ngãi bất vi
Làm người thế ây, cũng phi anh hùng

Đối với chàng, ra tay tương trợ người trong cảnh thế cô sức yếu là hành động nên làm, là bổn phận, trách nhiệm cảu kẻ làm trai, đấng trượng phu “đầu đội trời, chân đạp đất”, chẳng phải là ơn nghĩa cao sâu để người đáp trả. Đó chính là lí tưởng sống cao đẹp, là kim chỉ nam hành động của một con người, một tầng lớp người anh hùng trong xã hội ngày trước. Đó còn là nét đẹp trong đời sống của người dân Nam Bộ và của cả dân tộc ta mà tác giả muốn gởi gắm qua hình tượng nhân vật Lục Vân Tiên.

Bằng những từ ngữ hình ảnh thơ mộc mạc, bình dị, qua nhân vật Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu đã gởi gắm ước mơ, khát vọng, lí tưởng sống cao đẹp của mình về hình ảnh con trai thời loạn, dũng cảm, hiên ngang, tài ba lỗi lạc, nguyện đem tài trí của mình cứu khốn phò nguy, diệt lũ tham tàn, giúp vua bình định sơn hà xã tắc. Do đó dẫu lời văn đôi chỗ còn thô sơ, mộc mạc không mượt mà sâu lắng như Truyện Kiều nhưng hàng trăm năm nay, người dân Nam Bộ vẫn thích ngâm nga Lục Vân Tiên vì ẩn chứa đằng sau những lời lẽ mộc mạc ấy là nét đẹp tỏa ra từ tâm hồn. Từ nhân cách cao cả của một nhà thơ mù giàu lòng yêu thương dân, suốt cuộc đời dùng văn chương của mình để gìn giữ nền tảng chân lí cha ông, kêu gọi con người quay trở về với những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, sống nhân nghĩa thủy chung:

Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh là câu trao mình

Hay:

Nhớ câu kiến ngãi bất vi
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.

Hai câu thơ có nghĩa là thấy việc nghĩa mà không làm thì không phải là anh hùng. Qua đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga ta nhận thấy Vân Tiên thấy Nguyệt Nga bị nạn đã khẩn trương mau lẹ đánh tan bọn cướp. Và chàng đã đánh chúng bằng sự quả cảm giải nguy cho Kiều Nguyệt Nga. Đến khi Nguyệt Nga tỏ ý muốn được trả ơn thì chàng lại khẳng khái từ chối, đến một cái lạy của Nguyệt Nga, Vân Tiên cũng không nhận. Rõ ràng Vân Tiên đã xả thân vì nghĩa, không chút so đo tính toán. Từ hành động đó của Vân Tiên, ta hiểu được quan niệm anh hùng của Nguyễn Đình Chiểu. Đối với Đồ Chiểu, người anh hùng phải là người có tấm lòng nhân nghĩa, yêu thương con người, bất chấp hiểm nguy, cứu người hoạn nạn, không mưu lợi cầu danh. Đó là người phải là người có tài trí phi thường, võ nghệ cao cường để có thể tự bảo vệ mình, cứu người, đem lại điều tốt đẹp cho mọi người, hành động vì nghĩa lớn, vì lẽ phải, lẽ công bằng ở đời.

  • Kết bài:

Qua việc vận dụng nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật theo thủ pháp quen thuộc của truyện cổ dân gian, để cho nhân vật trực tiếp bộc lộ bản chất, tính cách bằng hành động cụ thể, Nguyễn Đình Chiểu đã khắc họa thành công vẻ đẹp hình tượng Lục Vân Tiên. Đó là người anh hùng thời loạn, dũng cảm hào hiệp, trọng nghĩa khinh tài, sẵn sàng liều thân mình cứu giúp người trong cơn nguy khó. Lục Vân Tiên mãi là nhân vật tượng trưng cho những phẩm chất tốt đẹp của người dân Nam Bộ và gởi gắm trong đó là biết bao hoài bão mong ước của Nguyễn Đình Chiểu về người anh hùng tài năng đức độ có thể cứu dân cứu nước.

Phân tích đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga (trích truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu)

6 Trackbacks / Pingbacks

  1. Phân tích nhân vật ông Ngư trong đoạn trích "Lục Vân Tiên gặp nạn" - Theki.vn
  2. Viết một đoạn văn cảm nhận nhân vật Kiều Nguyệt Nga qua đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” - Theki.vn
  3. Cảm nhận vẻ đẹp nhân cách của nhân vật Lục Vân Tiên qua đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga - Theki.vn
  4. Cảm nhận thái độ của Lục Vân Tiên đối với Kiều Nguyệt Nga sau khi đánh tan bọn cướp - Theki.vn
  5. Suy nghĩ về Lục Vân Tiên thời nay qua hai câu thơ: Nhớ câu kiến nghĩa bất vi Làm người thế ấy cũng phi anh hùng - Theki.vn
  6. Cảm nhận vẻ đẹp nhân vật anh hùng Lục Vân Tiên qua đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.