Phong cách nghệ thuật và quan niệm văn chương của nhà văn Nguyễn Tuân.
I. Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân:
Có thể nói, Nguyễn Tuân là một hiện tượng độc đáo của nền văn học Việt nam thế kỉ XX. Tác phẩm của Nguyễn Tuân thể hiện sự chuyển biến từ nhà văn lãng mạn thành nghệ sĩ công dân gắn bó với sự nghiệp Cách mạng. Thành công lớn nhất của Nguyễn Tuân là thể loại tùy bút, bút ký – đây cũng là sự đóng góp lem nhất của Nguyễn Tuân cho văn học hiện đại.
Nguyễn Tuân có một phong cách nghệ thuật rất độc đáo và sâu sắc. trước hết có thể thâu tóm trong một chữ “ngông”. Phong cách ấy vừa kế thừa truyền thống “ngông” của các nhà nho tài hoa bất đắc chí, vừa tiếp nhận tư tưởng ảnh hưởng cá nhân chủ nghĩa có văn hóa phương Tây hiện đại. Vì vậy, mỗi trang viết của Nguyễn Tuân đều muốn chứng tỏa sự độc đáo, tài hoa, uyên bác.
Nguyễn Tuân tài hoa trong việc dựng người, dựng cảnh, trong những hiện tượng so sánh táo bạo, bất ngờ. Nguyễn Tuân uyên bác trong việc vận dụng sự hiểu biết thuộc nhiều ngành khác nhau để quan sát hiện thực cuộc sống. Từ sự quan sát tinh tế, kĩ lưỡng và vốn sống phong phú, ông sáng tạo hình tượng, mang đến cho người đọc một khối lượng tri thức đa dạng, phong phú. Bởi thế, văn Nguyễn Tuân vừa đĩnh đạc, cổ kính, vừa trẻ trung, hiện đại.
Nguyễn Tuân thường tiếp cận, phát hiện, miêu tả sự vật ở phương diện văn hỏa thẩm mỹ, tài hoa, uyên bác. Nhà văn không những phân loại nhân vật của mình không chi theo tiêu chí đạo đức, xã hội mà còn theo tiêu chí thẩm mỹ. Vì vậy, nhiều nhân vật được thể hiện như những người tài hoa nghệ sĩ. Cái gì trong văn nguyễn Tuân cũng trở nên sáng rực, hoặc là tài hoa, điêu luyện, hoặc là lớn lao, kì vĩ.
Nguyễn Tuân là người có một tình yêu thiên nhiên tha thiêt. Thiên nhiên đối với ông là nguồn tư liệu phong phú, ẩn chứa trong đó là cái đẹp, cái cao cả, thiêng liêng. Từ tình yêu thiên nhiên tha thiết áy, ông có nhiêu phát hiện tinh tế và độc đáo về thiên nhiên của đất nước, có cảm hứng đặc biệt trước những phong cảnh tuyệt mĩ, những gió bão thác ghềnh dữ dội.
Nguyễn Tuân có đóng góp lớn cho sự phát triển của ngôn ngữ văn học Việt Nam. Ông có kho từ vựng phong phú; có khả năng tổ chức câu văn xuôi đầy giá trị tạo hình, giàu nhạc điệu và có đóng góp lớn cho thể loại tùy bút.
Văn Nguyễn Tuân là kiểu văn đa giọng điệu. Ông vẫn tiếp cận thế giới, con người thiên về phương diện văn hóa nghệ thuật, nghệ sĩ. Ông còn tìm thấy chất tài hoa nghệ sĩ ở cả nhân dân đại chúng và biểu đạt nó với giọng văn tự hào, trân trọng và kính phục. Còn giọng khinh bạc thì chủ yếu chỉ là để ném vào kẻ thù của dân tộc hay những mặt tiêu cực của xã hội. Bởi thế, nhiều bài viết của ông có mạch văn quá phóng túng theo lối tùy hứng, khó theo dõi; nhiều đoạn tham phô bày kiến thức và tư liệu khiến người đọc cảm thấy nặng nề.
Với nét phong cách tài hoa và độc đáo ấy, Nguyễn Tuân xứng đáng là nghệ sỹ công dân, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của văn học Việt Nam hiện đại.
II. Quan niệm văn chương của Nguyễn Tuân.
Nguyễn Tuân là một nhà văn biết quý trọng thật sự nghề nghiệp của mình. Ngay từ trước Cách mạng tháng Tám, ông đã quan niệm nghề văn là một cái gì đối lập với tính vụ lợi kiểu con buôn, và ở đâu có đồng tiền phàm tục thì ở đấy không thể có cái đẹp. Đối với ông, nghệ thuật là một hình thái lao động nghiêm túc, thậm chí “khổ hạnh” và ông đã lấy chính cuộc đời cầm bút hơn nửa thế kỷ của mình để chứng minh cho quan niệm ấy.
Chính lẽ đó Thạch Lam trên báo Ngày nay (15/ 6/ 1940), đã dành những lời trân trọng khi viết về Nguyễn Tuân: “Trong cái vội vàng, cái cẩu thả của những tác phẩm xuất bản gần đây, những sản phẩm đã hạ thấp văn chương xuống mực giá trị của một sự đua đòi, người ta lấy làm sung sướng khi thấy một nhà văn kính trọng và yêu mến cái đẹp, coi công việc sáng tạo là công việc quý báu và thiêng liêng”. Và Vũ Ngọc Phan cũng đã nhận xét: “Chỉ người ưa suy xét đọc Nguyễn Tuân mới thấy thú vị, vì văn Nguyễn Tuân không phải thứ văn để người nông nổi thưởng thức. Một ngày không xa, khi mà văn chương Việt Nam được người Việt Nam ham chuộng hơn bây giờ, tôi dám chắc những văn phẩm của Nguyễn Tuân sẽ còn có một địa vị xứng đáng hơn nữa”
Trong một bài giảng bồi dưỡng người viết trẻ, Nguyễn Tuân đã bộc bạch quan niệm về nghề: “Nghề văn là nghề của chữ … Nó là cái nghề dùng chữ nghĩa mà “sinh sự”. Theo ông, đánh giá một nhà văn, đứng về mặt chuyên môn nghề nghiệp mà bàn, thì giá trị của người đó “là những công đức lập ngôn”, là ở chỗ ông ta “đã mở mang thêm vốn liếng dân tộc về tiếng nói được tới mức nào, và đã góp phần sáng tạo của mình vào ngôn ngữ Việt Nam như thế nào”.
Đọc Nguyễn Tuân, thấy rõ ở ông một ý thức trách nhiệm hoàn toàn tự giác và một tình yêu sâu đậm với những gì liên quan đến ngôn ngữ, đặc biệt là đến tiếng mẹ đẻ. Nguyễn Tuân không phải là nhà ngôn ngữ học, không phải là người lập thuyết. Ông là nhà thực hành tài hoa và sáng tạo với một ý thức rất cao về vai trò, trách nhiệm của nhà văn với ngôn ngữ mẹ đẻ, đúng như ông tự nhận trong mục chuyên môn của bản khai lí lịch ở Hội nhà văn: Chuyên viên tiếng Việt.
Người ta thường nói “văn là người”. Trường hợp nhà văn Nguyễn Tuân là điển hình về sự hài hoà thống nhất giữa văn phong và phong cách sống. Ông nổi tiếng về sự kỹ tính trong ứng xử, giao tiếp đồng thời cũng kỹ tính trong công việc cầm bút. Ông dùng chữ chọn lọc, viết văn thận trọng, đôi khi đến mức người đời cho là cầu kỳ.
Nói về phong cách sống, phong cách viết của ông, nhà văn lão thành Kim Lân bình phẩm: “Người chưa biết ông Tuân có thể cho ông là người cầu kỳ, kỹ tính trong giao tiếp ứng xử, cả khi ăn, khi mặc. Ông là người nghệ sĩ nên ăn mặc tưởng tuềnh toàng nhưng người ta vẫn thấy đẹp. Càng biết ông, người ta càng quý trọng tính thẳng thắn, chân tình và một phong cách sống đẹp của Nguyễn Tuân”.