Cảm nhận vẻ đẹp tình cha con sâu nặng được thể hiện cảm động qua truyện ngắn Chiếc lược ngà
- Mở bài:
Nguyễn Quang Sáng quê ở An Giang, là nhà văn mà cuộc sống và sáng tác gắn liền với vùng đất Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến cũng như sau hòa bình. Truyện ngắn của ông có cốt truyện khá hấp dẫn, chi tiết chọn lọc, tình huống đặc sắc và kịch tính cao, đậm chất Nam Bộ với lối viết giản dị, ngôn từ mộc mạc. Truyện ngắn Chiếc lược ngà được đưa vào tập truyện cùng tên, viết năm 1966, khi tác giả hoạt động ở chiến trường Nam Bộ. Tình cha con thiêng liêng đã được tái hiện đầy xúc động, đặc biệt là qua hình ảnh ông Sáu trong đoạn trích.
- Thân bài:
Tình huống truyện được xây dựng dựa trên sự gặp gỡ đầy éo le của hai cho con sau một thời gian dài xa cách, háo hức con mong đợi, nhưng bé Thu không nhận ra cha, thậm chí em còn có những hành động phủ nhận rất quyết liệt.Thế nhưng đến khi ông ra đi thì em lại cất lên tiếng gọi “ba” và có những hành động biểu hiện tình yêu thương, sự lưu luyến đầy xúc động. Ở khu căn cứ, ông Sáu dồn hết tình yêu thương và mong nhớ vào việc làm một chiếc lược ngà để tặng con gái. Người cha tuy không thể tận tay giao món quà cho con, nhưng người đồng đội của ông đã thay ông làm điều đó, cũng như thay ông chứng kiến sự trưởng thành của đứa con gái nhỏ mà ông yêu thương tha thiết.
Phải trở về những nỗi niềm trong quá khứ ta mới hiểu được ý nghĩa của chiếc lược ngà mà ông Sáu làm tặng cho con gái mình. Trong buổi chia tay, ông Sáu đành buông xuôi trong đau khổ tạm biệt con ra đi. ông ngần ngại, e dè, không dám ôm hôn vì sợ nó giẫy lên lại bỏ chạy. Người cha ra đi mà lòng còn chưa yên, buồn bã vì tình cha con còn chưa gắn kết.
Nhưng như một phép màu, bé Thu cất tiếng gọi “Ba”, rồi nhào tới, ôm hôn ông thắm thiết. Chỉ khi tiếng kêu đó được thét lên thì mọi người mới vỡ lẽ ra rằng nó thèm được gọi ba như thế nào. Nguyễn Quang Sáng đã đặc tả rất chân thực, cảm động: “Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng, và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa”. Thu đã “vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó…Nó vừa Ồm chặt lấy cổ ba nó vừa nổi trong tiếng khóc: “Ba! Không cho ba đi nữa! Ba ở lạ với con!”. Cô bé đã “hôn ba nó cùng khắp,., hôn tóc, hôn cố, hôn vai và hôn cả vệt sẹo dài bên má của ba nó nữa”.
Sự lưu luyến vỡ òa này có nguyên nhân của nó: trong đêm bỏ về nhà ngoại, Thu đã được bà giải thích về vết thẹo làm thay đổi khuôn mặt ba nó. Sự nghi ngờ bấy lâu nay vì vậy được giải tỏa và có cảm giác em đã ân hận khi “thỉnh thoảng thở dài như người lớn”. Vì thế trong lúc này, tình yêu và niềm quyến luyến người cha bung lên thật mạnh mẽ và cuống quýt, trong đó có cả lòng hối hận…
Nguyễn Quang Sáng đã tháo gỡ nút thắt rất khéo léo và hợp lí. Hành động ôm hôn thắm thiết, mạnh mẽ, hối hả của bé Thu như muốn bù đắp tình cảm cho những ngày trước đó. Không có gì hạnh phúc hơn khoảnh khắc ấy. Mọi cung bậc cảm xúc từ bất ngờ, ngạc nhiên, sung sướng, hạnh phúc, cảm động, nghẹn ngào đều được thể hiện rõ qua hành động, ứng xử của ông Sáu. Ai có thể ngờ người lính dày dạn nơi chiến trường, quen sống trong mưa bom bão đạn, nguy hiểm cận kề lại rơi nước mắt.
Và từ giây phút ấy, cây lược ngà là kỉ vật gắn kết tình cảm cha con. ông Sáu ra đi với lời hứa: “Ba về, ba mua cho con một cây lược nghe ba! Thu hiểu được người cha phải đi chiến đấu, phải rời xa con, và vẫn mong có một mối liên kết, một hi vọng nào đó cho ngày cha trở về. Tình cảm sâu nặng của ông Sáu càng được đặc tả trong những ngày ở chiến khu cho đến khi hi sinh.
Nhớ lời dặn của con gái trước lúc chia tay, ông luôn nung nấu thực hiện cho bằng được, làm chiếc lược ngà dành tặng cho đứa con gái bé bỏng. Kiếm cho con cái lược trở thành bổn phận, là niềm day dứt khôn ngui, ông đã làm công việc đó bằng tất cả sức mạnh và tình yêu thương sâu đậm. Khi kiếm được khúc ngà voi, ông “hớn hở như một đứa trẻ được quà”. Ông đã tự tay làm ra chiếc lược, đặt vào trong đó tất cả tình cha con của mình, “cưa từng chiếc răng lược, thận trạng, mỉ cố công như người thợ bạc ”… “gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét: “Nhớ tặng Thu con của ba”.
Không đủ sức trăng trối ông Sáu “đưa tay vào móc cây lược, đưa cho tôi và nhìn tôi một hồi lâu”. Đó là bản di chúc không lời, nó thiêng liêng và cao cả hon cả một lời di chúc. Bởi đó là sự ủy thác, là ước nguyện cuối cùng của người bạn thân: ước nguyện của tinh phụ tử! Khi nhận được lời hứa từ đồng đội đưa cây lược cho bé Thu, “anh mới nhắm mắt đi xuôi cây lược đó không đon giản là cây lược xinh xắn, quý giá mà còn chứa đựng, kết tụ tất cả tình cảm của người cha xa con”.
Lòng yêu con đã biến người lính thành một nghệ nhân – một nghệ nhân chỉ sáng tạo một thứ duy nhất trên đời. Chiếc lược làm dịu đi nỗi day dứt, ánh lên niềm hi vọng khắc khoải sẽ có ngày gặp lại, trao tận tay con bé món quà kỉ niệm này. Người cha ấy đã hi sinh trước khi có thể trao lại cây lược cho con gái nhưng “tình cha con là không thể chết được”.
- Kết bài:
Với tình huống rất éo le nhưng độc đáo, cốt truyện mang nhiều yếu tố bất ngờ, tác giả đã lựa chọn ngôi kể phù hợp có sự đan xen miêu tả, bình luận, suy nghĩ với giọng kể giàu cảm xúc, chân thực, khắc họa nhân vật sinh động với diễn biến tâm lí tinh tế, ngôn ngữ tự nhiên, giản dị, đậm đà màu sắc Nam Bộ. Qua đó, nhà văn đã giúp ta hiểu thêm về những mất mát to lớn của nhân dân ta thời chiến tranh, là một bài ca cảm động ngợi ca tình cảm cha con sâu nặng, cao đẹp và thiêng liêng trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt.
Xem thêm:
- Cảm nhận vẻ đẹp tình cha con trong hoàn cảnh chiến tranh qua truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng
- Vẻ đẹp tình cảm gia đình, tình cha con, qua hai tác phẩm: Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng và Nói với con của Y Phương