Cảm nhận vẻ đẹp tính cách nhân vật bé Thu

cam-nhan-ve-dep-tinh-cach-va-tinh-yeu-thuong-cha-tha-thiet-cua-nhan-vat-be-thu

Cảm nhận vẻ đẹp tính cách nhân vật bé Thu trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng.

  • Mở bài:

Xây dựng hình ảnh nhân vật bé Thu là một thành công nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Quang sáng trong truyện ngắn Chiếc lược ngà. Để lại ấn tượng sâu sắc ở nhân vật bé Thu đối với người đọc là vẻ đẹp tính cách và tình thương cha mãnh liệt, cá tính mạnh mẽ vừa cố chấp, ngang bướng, vừa dũng cảm, gan dạ, rất đáng trân trọng.

  • Thân bài:

Tính cách nhân vật bé Thu được hình thành trong hoàn cảnh khắc nghiệt. Chiến tranh đã làm bé Thu phải xa cha từ nhỏ. Nhiều năm xa cách, ngày cha về thăm nhà, bé Thu không thể nhận cha ngay vì gương mặt cha đã bị thương tích làm thay đổi. Khi em hiểu ra và nhận cha lại là lúc cha phải lên đường trở lại chiến trường. Ai ngờ, đó là lần cha em ra đi mãi mãi. Bé Thu trở thành chiến sĩ giao liên đi tiếp con đường cha em đã đi.

Tình thương cha và tính cách đầy ấn tượng của nhân vật bé Thu được khắc họa sinh động trong hoàn cảnh cảm động, éo le đó. Bé Thu có tấm lòng yêu thương cha mãnh liệt. Khi người cha từ chiến trường về thăm nhà :tình thương yêu cha của bé Thu được thể hiện một cách hết sức bất thường  đó là dứt khoát chối bỏ người cha hiện tại mà em cho là không phải cha mình để dành trọn vẹn tình thương yêu cho người cha mà em hằng mong nhớ.

Khi người cha chuẩn bị lên đường : một tình thương yêu cha mãnh liệt được bộc lộ gây xúc động khác thường. Trước lúc ông Sáu lên đường, thái độ và hành động của bé Thu đã đột ngột thay đổi hoàn toàn. Khi được ngoại giảng giải, nó trằn trọc thở dài suốt đêm như hối hận, dằn vặt vì thấy có lỗi; trở về nhà, lẳng lặng đứng quan sát và chờ đợi cha; phút chót cất tiếng gọi ba “tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người…”, “chạy thót lên, và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó…”, “nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai, và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa”, “Hai tay nó xiết chặt lấy cổ…nó dang cả hai chân rồi câu chặt lấy ba nó…”.

Có thể nói, trong giây phút nhận ra cha, mọi cảm xúc dồn nén trong bé vỡ òa làm xúc động lòng người về một tình phụ tử sâu sắc. Xuyên suốt đoạn trích, trong hai hoàn cảnh và hai cách ứng xử hoàn toàn khác nhau ,nhưng thực chất chỉ là một tấm lòng yêu cha sắt son của bé Thu – một em bé mới chỉ tám tuổi.Ấn tượng mà nhân vật để lại sâu sắc là vì thế.

Nhân vật bé thu được khắc họa là một nhân vật đầy cá tính. Đó là một nhân vật trẻ em có tính cách cứng cỏi , mạnh mẽ , dứt khoát (đến nỗi, nhìn thoáng qua, người ta có thể cho là ương ngạnh, bướng bỉnh, khó bảo…) nhưng cũng hết sức hồn nhiên, đáng yêu, ngoan ngoãn …

Thành công nghệ thuật của nhà văn khi xây dựng nhân vật bé Thu: nhà văn tỏ ra am hiểu tâm lí và tính cách trẻ em; cách chọn chi tiết nghệ thuật “đắt” (như chi tiết bé Thu không gọi ba, chi tiết bé Thu loay hoay chắt nước cơm, hất cái trứng ba gắp cho, chi tiết chiếc lược ngà mà Thu xin ba trước lúc ba đi…) . Nhờ những thành công nghệ thuật này mà nhân vật bé Thu để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc về tình ngườ i- tình cha con trong những năm tháng chiến tranh xa cách, thương đau; để lại ấn tượng về một em bé Nam Bộ thời chiến với tính cách đáng yêu, đáng mến.

  • Kết bài: 

Câu chuyện khép lại, nhưng người đọc không thôi ám ảnh về tiếng thét gọi ba tha thiết của bé Thu trên bến sông buổi sáng chia tay ông Sáu. Hình ảnh bé Thu nhận lấy chiếc lược ngà từ tay bác Ba không khỏi khiến chung ta ngậm ngùi. Chi tiết ấy khẳng định một điều rằng chiến tranh có thể ngăn cách con người nhưng không thể nào giết chết được tình yêu thương trong họ. Ông Sáu hi sinh, bác Ba lại tiếp tục truyền giữ ngòn lửa đấu tranh, rồi đến thế hệ bé Thu lại tiếp bước cha anh làm nên những trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc.


Bài tham khảo:

  • Mở bài:

Có những trang viết khiến người đọc rơi nước mắt khi chứng kiến những giằng xé, đau đớn và cả nước mắt. Có những nhân vật dù chỉ được vẽ qua nét bút của tác giả nhưng có sức hút cực lớn. Nhân vật bé Thu trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng là một hình tượng luôn khiến người đọc xúc động mạnh khi lật giở từng trang viết của tác giả.

  • Thân bài:

“Chiếc lược ngà” được sáng tác năm 1966, trong lúc cuộc kháng chiến đang diễn ra ác liệt, nhiều nguy hiểm và đầy trăn trở. Anh Sáu lên đường ra chiến trận khi bé Thu chưa tròn một tuổi, nhưng khi anh trở về thăm con thì bé đã lớn và nhất quyết không nhận ba. Sự day dứt, dằng xé, nước mắt, mâu thuẫn nội tâm trong một đứa bé đã khiến cho cốt truyện được đẩy đến cao trào. Ba ngày ở cạnh ba nhưng bé Thu nhất quyết không chịu nhận và khi nghe bà ngoại kể về vết sẹo trên gương mặt ba thì lúc đó bé mới ôm chặt anh Sáu, không cho đi. Tình cảm cha con vỡ òa, cảm xúc trong lòng người đọc cứ thế tan chảy.

Mặc dù mới lên 8 tuổi nhưng hình ảnh bé Thu được xây dựng rất sắc nét, cá tính rất là bướng bỉnh. Trong tâm trí của bé Thu chỉ có một tấm hình duy nhất của ba chụp với má vào ngày cưới. Đó là những gì mà bé Thu có để gìn giữ và đợi chờ ba trở về. Khi anh Sáu nhất quyết gọi  “Thu! Ba đây con” thì bé vẫn nhất quyết không chịu nhận, cự tuyệt một cách thẳng thừng.

Anh Sáu luôn dành tình cảm yêu thương chân thành và sâu sắc nhất cho bé Thu nhưng những gì mà anh nhận lại được  là sự lạnh lùng và xa lánh. Chỉ bởi về vết sẹo dài trên mặt, vì chiến tranh, những sự tàn khốc mà nó đã gây ra. Cá tính và sự bướng bỉnh của một cô bé 8 tuổi được  Nguyễn Quang Sáng thể hiện rất sắc nét và táo bạo. Qua đó giúp người đọc hình dung được sự kiên định, vững chắc trong trái tim của những con người Nam Bộ.

Sự bướng bỉnh, lạnh lùng của bé Thu dành cho anh Sáu còn thể hiện qua cử chỉ và lời nói. Khi mẹ bảo mởi ba vô ăn cơm thì bé Thu chỉ nói cộc lốc “vô ăn cơm”. Đặc biệt qua chi tiết chắt nước ở nồi cơm ra, bé Thu không chắt được nhưng nhất quyết không nhờ để cho anh Sáu chắt. Bướng bỉnh, lạnh lùng, hờ hửng đã khiến cho anh Sáu cảm thấy đau lòng.

Cao trào của tính cách bé Thu thể hiện qua bữa cơm, khi anh Sáu gắp cho bé Thu cái trứng cá vào bát, bé hất đổ cả chén cơm. Anh Sáu giận quá đánh thật mạnh vào mông nó. Tất cả mọi người cứ tưởng Thu sẽ giẫy nẩy lên và bỏ đi. Nhưng không, Thu ngồi im, đầu cúi gằm xuống, cầm đũa, gắp lại cái trứng cá để vào chén, rồi lặng lẽ đứng dậy, bước ra khỏi mâm.

Nguyễn Quang Sáng không chỉ dừng lại ở việc miêu tả tâm lí nhân vật của một đứa trẻ lên tám mà lấy tính cách đó làm tiêu để cho tình yêu thương ba tha thiết và mãnh liệt như thế nào. Suốt ba ngày ở cạnh ba nhưng bé Thu nhất quyết không nhận ba, chỉ đến khi nghe bà ngoại kể về vết sẹo trên mặt ba do chiến tranh gây nên thì lúc đó bé thu mới vỡ òa. Gương mặt nó buồn rầu như nghĩ ngợi gì, khi anh Sáu lên đường ra trận, không dám lại gần vì sợ con lại giãy nảy như lần trước. Anh chỉ dám nói rằng “Ba đi nghe con”, một câu nói nặng nề, đau đớn, dằn vặt của một người ba nhưng không làm cách nào để thuyết phục con gái.

Lúc ấy một cảnh tượng xúc động diễn ra. Bé Thu khóc thét lên “ba” tha thiết. Tiếng “ba” như vỡ òa, trào ra từ tận trong tim mà nó đã dồn nén bao nhiêu năm qua. Tiếng “ba” đó như khiến người đọc nghẹn đắng ở cổ họng, vì một tình yêu bền bỉ và sâu nặng. Tiếng kêu của bé Thu như tiếng xé, xé tan không khí tĩnh lặng, xé ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Bao nhiêu năm rồi, bé Thu vẫn luôn khát khao được gặp ba, được gọi tiếng ba. Tình cảm của bé Thu hoàn toàn đối lập với những ngày anh Sáu còn ở đây. Đó chính là niềm khao khát, tình yêu ba tha thiết, tình phụ tử sâu đậm.

Sự bướng bỉnh và tình yêu ba tha thiết là đặc điểm hội tụ để bé Thu có thể xác định cho mình con đường đi trong tương lai, sẽ nối bước cha, đánh đuổi kẻ thù xâm lược và trở thành một cô giao liên kiên cường trong cuộc kháng chiến về sau.

Bé Thu có tình yêu thương cha vô cùng sâu nặng, không có gì có thể thay thế được tình yêu thương ba trong lòng nó. Tác giả rất thành công trong nghệ thuật xây dựng tâm lí và khắc họa đậm nét tình yêu thương cha tha thiết của nhân vật bé Thu. Đặc biệt, ông tỏ ra rất am hiểu tâm lí trẻ thơ. Ngôn ngữ đậm chất Nam Bộ, gần gũi, bình dị, khiến câu chuyện sống động, chân thực như đang diễn ra trước mắt. Tất cả là nguồn sức mạnh để nhà văn thể hiện thành công tình cha con sâu nặng, cao đẹp và thiêng liêng trong cảnh ngộ chiến tranh.

  • Kết bài:

Nguyễn Quang Sáng đã rất thành công khi xây dựng nhân vật bé Thu với những tính cách, tâm tư tình cảm đã khiến người đọc thêm xúc động về tình phụ tự, tình cảm thiêng liêng nhất. Qua đó, tác giả còn muốn lên án, tố cáo chiến tranh đã khiến cho nhiều gia đình rơi vào cảnh ly biệt, những người con không được gần ba, vợ không được gần chồng, biết bao gia đình sinh ly tử biệt bởi chiến tranh tàn ác.

3 Trackbacks / Pingbacks

  1. Tóm gọn nội dung 4 truyện ngắn lớp 9 - Luyện thi văn 10 - Theki.vn
  2. Cảm nhận vẻ đẹp tình cha con trong hoàn cảnh chiến tranh qua truyện ngắn "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng - Theki.vn
  3. Nghị luận: "Một truyện ngắn hay vừa là chứng tích của một thời, vừa là hiện thân cho chân lí giản dị của mọi thời" - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.