cam-nhan-niem-tu-hao-ve-dat-nuoc-cua-nguyen-khoa-diem-qua-doan-trich-dat-nuoc-trich-truong-ca-mat-duong-khat-vong

Cảm nhận niềm tự hào về Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm qua đoạn trích Đất nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng)

Cảm nhận niềm tự hào về Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm qua đoạn trích “Đất nước” (trích trường ca Mặt đường khát vọng)

  • Mở bài:

Là gương mặt nhà thơ trẻ trên diễn đàn văn học thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước, Nguyễn Khoa Điềm cùng thế hệ với những nhà thơ Trần Đăng Khoa, Trần Mạnh Hảo, Lê Thị Mây, Xuân Quỳnh, Phạm Tiến Duật, Lê Thị Thanh Nhàn. Trong dàn đồng ca chung một thời kì lửa cháy, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng viết về hào khí của một dân tộc hừng hực khí thế:

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai

(Theo chân Bác – Tố Hữu)

Bước chân của ông in hằn trên dải đất hình tia chớp. Đây là thời kì Nguyễn Khoa Điềm viết rất sung sức, ông cho ra đời nhiều tập thơ, trường ca có giá trị tiêu biểu như tập Đất ngoại ô, trường ca Mặt đường khát vọng. Ai đã từng đọc trường ca Mặt đường khát vọng thì đều thấy chương V của bài thơ với nhan đề Đất Nước – Chương hay nhất của bản trường ca này. Thành công lớn của chương V này là Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện được tư tưởng Đất Nước của Nhân dân:

“Để đất nước này là Đất Nước của Nhân dân
Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại.”

  • Thân bài:

Nguyễn Khoa Điềm được đào tạo góp phần hoàn tất nền văn hóa mới trong thời kì xã hội chủ nghĩa. Sau khi được đào tạo ông lại trở về quê hương trong những ngày quê hương đầy bóng giặc. Nguyễn Khoa Điềm tham gia kháng chiến, trở thành người chiến sĩ. Thơ của nguyễn Khoa Điềm mang đậm chất triết luận, triết lí. Ông thường viết về những vấn đề lớn lao như Tổ quốc, nhân dân và trách nhiệm của người công dân với đất nước.

Có thể khẳng định một điều rằng, tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” như một mạch ngầm chảy sâu vào nền văn chương nước nhà. Nó có từ thời cổ trung đại. Tư tưởng này đã xuất hiện trong thơ văn ở thế kỉ XV, Nguyễn Trãi đã từng đề cao vai trò của nhân dân: chở thuyền, lật thuyền:

“Chở thuyền cũng là dân
Lật thuyền cũng là dân”

Hơn 100 năm sau, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đề cao “Dân vi bản” (dân là gốc của nước). Tư tưởng này còn thể hiện rõ trong quan niệm của chí sĩ Phan Bội Châu, trong tư tưởng của Chủ tích Hồ Chí Minh vĩ đại.

Tuy nhiên tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” trong các bậc hiền triết ngày xưa vẫn mang đậm tính giai cấp. Chỉ đến khi cuộc Cách mạng tháng Tám thành công thì tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” mới được thể hiện rõ nét và sâu sắc.

Là một nhà văn được đào tạo dưới nền văn hóa xã hội chủ nghĩa, là sinh viên khóa đầu tiên Khoa văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Nguyễn Khoa Điềm được đào tạo rất hoàn hảo theo tư tưởng Mác – Lenin. Theo tư tưởng Mác – Lê nin, quần chúng nhân dân là người làm ra lịch sử. Chính cuộc kháng chiến chống Mĩ, hơn một lần như minh chứng để nhà thơ khẳng định tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân”. Chương V của trường ca Mặt đường khát vọng, nhà thơ thể hiện rất thành công tư tưởng này.

Thành công đầu tiên của Nguyễn Khoa Điềm khi thể hiện tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân”. Tức là Nhân dân làm ra Đất Nước. Nguyễn Khoa Điềm đã lựa chọn cho mình một chất liệu văn hóa phù hợp. Đó là lấy văn hóa dân gian làm chất liệu biểu đạt tư tưởng.

Chất liệu là hình thức bề ngoài nhưng nó là phương tiện để truyền tải nội dung. Chất liệu bên ngoài và bản chất bên trong có mối quan hệ hiện chứng hữu cơ với nhau. Trong bất cứ một nền văn học nào cũng có hai dòng văn hóa song song và tồn tại. Đó là văn hóa dân gian và văn hóa chính thống (còn gọi là văn hóa bác học). Trong đó văn hóa dân gian là cội nguồn của văn hóa nước nhà.

Tất cả những điều này đều do nhân dân sáng tạo ra. Nhất là nhân dân ta, trong quá trình lao động sản xuất, họ đúc kết những kinh nghiệm thành những câu tục ngữ, ca dao, những câu chuyện…, để thể hiện ước vọng của nhân dân ta trong buổi đầu chinh phục thiên nhiên, thế giới. Cho nên văn hóa dân gian là cội nguồn dân tộc. Nó như một mạch ngần thấm sâu vào tâm hồn người Việt Nam. Đó là sản phẩm của nhân dân, tư tưởng, văn hóa nhân dân.

Hình ảnh đất nước được xây dựng từ những chất liệu quen thuộc, gần gũi. Lấy ngay chất liệu, tư tưởng văn hóa nhân dân nên nguyễn Khoa Điềm rất thành công. Vì vậy chương V với nhan đề Đất Nước, từ nội dung đến hình thức đều thấm đẫm tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân”.

Đọc bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm, ta có cảm giác những câu thơ rất gần gũi trong tâm hồn của mỗi chúng ta. Từ thuở trong nôi, chúng ta đã từng được nghe những lời ru của bà, của mẹ, những câu ca dao, dân ca vô cùng gần gũi với chúng ta. Ta thấy đâu đó hình ảnh đời sống bình dị vô cùng gần gũi:

Khăn thương nhớ ai
Khăn roi xuống đất

Đi vào trong câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm “Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”

Ta cũng thấy đâu đây những câu chuyện cổ mẹ kể từ ngày xửa ngày xưa như: Sự tích trầu câu, truyền thuyết Thánh Gióng, Núi Vọng Phu trong câu thơ: “Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể”. Cả một thế giới huyền thoại hiện hình trong câu thơ, làm sống dậy những ước mơ, khát vọng của cha ông thuở hồng hoang chinh phục thiên nhiên và xây dựng cuộc sống. Ta bắt gặp đâu đây những câu ca dao, thành ngữ: “Miếng trầu là đầu câu chuyện” hay “Cơi trầu nên dâu nhà người” ở trong câu thơ: “Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn”. Hình ảnh thân thương gợi nhớ về cội nguồn tiên tổ làm ấm lại trong lòng người đã có quá nhiều mất mát đau thương muốn tìm nơi nương tựa.

Đọc bài thơ này, mỗi người Việt Nam từ trong tiềm thức của mình, hẳn không thể quên được khi đọc đến câu thơ: “Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất nước những núi Vọng Phu”. Vang vọng đâu đây câu ca dao mộc mạc từ xứ Lạng vọng về:

Đồng đăng có phó Kì Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh

Và cứ như thế, Nguyễn Khoa Điềm dẫn dắt người đọc đi hết nơi này đến nới khác, từ thời dại này qua thời địa khác trong dòng lịch sử mênh mang. Từ Bạch Đằng Giang kiêu hãnh phút chốc đã đến Cửu Long xanh thẳm. Rồi đưa người đọc đi qua Hạ Long để ngắm những thắng cảnh: Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh. Lai ghé qua lăng Phù Đổng, để thấy được sự tích trăm ao đầm để lại của chàng Thánh Gióng ngày xưa, đánh tan giặc Ân xâm lược: Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại.

Và dẫu đi đến, đâu bằng hàng loạt câu chuyện cổ tích, bằng hàng loạt những câu ca dao, ông cứ tâm tình, cứ thủ thỉ như kể cho người đọc nghe đất nước mình rộng lớn, lịch sử mình hào hùng trong niềm tự hào lớn lao. Tất cả điều lớn lao đó là sản phẩm của nhân dân.

Nhà thơ còn đưa chúng ta đến những phong tục của nhân dân ta như làm nhà, làm cửa, cách để tóc sau đầu, nền văn minh công nghiệp:

Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay, muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay,giã, giần, sàng

Như vậy rõ ràng, với cách lựa chọn này, Nguyễn Khoa Điềm đã rất thành công khi viết về Đất Nước. Có lẽ trước khi cầm bút viết bài thơ Đất Nước, Nguyễn Khoa Điềm luôn băn khoăn, trăn trở bởi hàng loạt câu hỏi: Đất Nước là gì? Đất nước này do ai sáng tạo ra? Đất Nước do ai gìn giữ và bảo vệ trong suốt bốn ngàn năm qua? Và cả bài thơ Đất Nước được việt về vô cùng thoải mái, phóng túng, tất cả như một dòng nội tâm tuôn chảy.

Chúng ta có cảm giác rằng nhà thơ không hề có sự sắp đặt theo khuôn khổ nào. Ông cứ dùng hàng loạt những thủ pháp nghệ thuật: lí giải, cắt nghĩa, khám phá. Vài bài thơ Đất Nước là một câu trả lời, một câu trả lời vô cùng sâu sắc và đầy triết luận, chất thơ. Tất cả điều này đều do Nhân dân. Tức là Đất Nước này do Nhân dân xây dựng lên. Đất Nước do Nhân dân gìn giữ và bảo vệ. Chính muôn triệu người dân là chủ thể của Đất Nước này, là chủ thể của lịch sử, của văn hóa, phong tục, tập quán.

Nhìn sâu vào bài thơ này ta thấy tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” được triển khai trên 3 bình diện sau: Thứ nhất, Đất Nước được triển khai trong không gian địa lí lãnh thổ. Nguyễn Khoa Điềm đi tìm Đất Nước rong những cái ngày xửa ngày xưa:

“Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi”

Như vậy, đi đến đâu trên dải đất Việt Nam, Nguyễn Khoa Điềm đều khẳng định nó, có từ “ngày xửa, ngày xưa mẹ thường hay kể”. Đất nước đã đi vào tâm hồn con người và kết tinh ở những câu chuyện còn truyền đời bất diệt. Những câu chuyện ấy cứ tự nhiên thấm vào tâm hồn của bao thế hệ. Những người bà, người mẹ chính là người giữ gìn và truyền tự giá trị cao quý ấy. Nó diễn ra rất tự nhiên như một dòng chảy bất tận.

Nguyễn Khoa Điềm đi lần giở lại những trang sử để xem Đất Nước do ai sáng tạo ra. Thực sự đó cũng là điều người đọc mong muốn. Trải qua thời gian, chưa hẳn ai cũng biết được Đất nước mình có từ đâu và do ai gây dựng nên.

Nguyễn Khoa Điềm đã tìm ra hai nguyên tố gốc, hai tế bào đầu tiên: đó là Đất và Nước… Dùng nghệ thuật cắt nghĩa, ông chia khái niệm Đất Nước thành hai yếu tố là Đất và Nước. Ông định nghịa Đất là không gian gìn giữ gắn bó với anh: “Đất là nơi anh đến trường”, “Nước là không gian gắn bó với em: “Nước là nơi em tắm”.

Rồi nhà thơ lại nhập vào khẳng định Đất Nước gắn với không gian, thời gian, kỉ niệm của tình yêu đôi lứa.

– “Đất Nước là nơi ta hò hẹn”.
– Đất Nước là “nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”.
– Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”.
– “Đất nước là nơi dân mình đoàn tụ”.

Vậy làm ra Đất Nước là ta, là anh là em, là muôn triệu người dân trong mấy nghìn năm lịch sử. Để có tính thuyết phục hơn, Nguyễn Khoa Điềm lại chứng minh:

Khi hai đừa cầm tay
Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất Nước vẹn tròn, to lớn

Đất Nước hài hòa, vẹn tròn, to lớn là khi chúng ta cầm tay mọi người. Như vậy, phát triển, gìn giữ đất nước này không ai khác là nhân dân. Và những câu hỏi đầu tiên đất nước này làm ra, ai gìn giữ đất, những con người làm nên chủ thể của đất nước.

Để chứng minh “Đất Nước là của Nhân dân”, Nguyễn Khoa Điềm đã đi ở khía cạnh thứ hai, lí giải tên địa danh. Một Đất Nước như thế này từ Bắc vào Nam là sự cộng gộp biết bao ngọn núi, con sông, ruộng đồng, gò bãi, ở đây cũng có tên đất, tên làng, tên núi, tên sông.

Một mảnh đất chừng nào chưa có tên gọi sẽ còn thiếu đi sự sống thiêng liêng của con người. Đặt tên gọi không thể tùy tiện được bởi đằng sau tên gọi là một huyền thoại, môt sự tích, là cuộc đời của một con người. Chính cuộc đời, con người ấy đã hóa thân thành “dáng, hình xứ sở” như:

“Những người dân nào đã đặt tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm”;

Hay những núi non là công sức của những người học trò nghèo. Điều này thể hiện tinh thần hiếu học của người dân Việt Nam.

Đó là hình ảnh của núi Vọng Phu. Ngọn núi của những người vợ hóa đá chờ chồng. Đất nước Việt Nam trong bốn nghìn năm trải qua biết bao cuộc chiến tranh trường kì gian khổ, biết bao người phụ nữ đã ngồi chờ chồng đến hóa đá. Nó tượng trưng cho đức tính của người phụ nữ Việt Nam thủy chung, sắc son… Trên đất nước Việt Nam này có biết bao danh lam thắng cảnh đẹp như: con cóc, con gà… Những người quê hương đã thổi hồn mình vào “con cóc, con gà làm cho Hạ Long thành thắng cảnh”. Nhiều, nhiều nữa không thể kể hết, Nguyễn Khoa Điềm đi đến kết luận khái quát:

Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha.

Qua đó, tác giả đã giáo dục thế hệ sau biết giữ gìn bảo vệ Đất Nước bới Đất Nước do Nhân dân làm ra, Đất Nước mang đậm lối sống ông cha.

Tác giả khẳng định Đất Nước do người dân xây dựng và bảo vệ:

Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt, đặt tên
Nhưng chính họ đã làm ra Đất Nước.

Như vậy gìn giữ, bảo vệ Đất Nước là nhân dân, Khi có thù trong, giặc ngoài, biết bao con người đã đứng lên, xung phong ra trận.

Đất nước còn được phát triển khai theo chiều dài lịch sử. Nói đến lịch sử của đất nước Việt Nam là nói đến bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước. Ở đây, Nguyễn Khoa Điềm không đi theo các nhà sử học gia chính thống.Họ thường nhìn lịch sử là sự kết nối của biết bao thời đại, triều đại. Đã có nguyễn Trãi đi theo hướng này: “Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập” (Bình Ngô đại cáo – Nguyễn trãi).

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nhìn lịch sử bốn nghìn năm là bốn nghìn lớp người, bốn nghìn thế hệ mang trong mình ngọn lửa của dân tộc Việt Nam.

Em ơi em hãy nhìn rất xa
Vào bốn nghìn nâm Đất nước
Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta.

Trong bốn nghìn lớp người ấy, họ đều mang trong mình tình yêu quê hương, đất nước Việt Nam:

Lớp cha trước, lớp con sau
Đã thành đồng chí chung câu quân hành.

Đó là tinh thần của những con người sẵn sáng ra trận, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng:

Tôi muốn viết bài ca trên báng súng
Con lớn lên để viết tiếp thay cha
Người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống
Người hôm nay viết tiếp người hôm qua.

Chính người dân Việt Nam đã đứng dậy bảo vệ và ngã xuống. Máu của họ đã thấm đẫm mảnh đất này. Cho nhên chính họ đã viết nên trang sử vàng Ăng – ghen đã từng nói; “Không có máu và mồ hôi của nhân dân, dân tộc ấy không có lịch sử”. Vì vậy viết nên lịch sử của Việt Nam là nhân dân, là muôn triệu người dân Việt Nam.

Hơn nữa, nói đến lịch sử trong thơ của Nguyễn Khoa Điềm không chỉ là lịch sử của chiến trận, mà còn là lịch sử của những con người biết gìn giữ văn hóa, ngôn ngữ:

Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ truyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi.

Trong bốn nghìn năm qua, người Việt Nam biết giữ gìn hạt lúa, ngọn lửa, ngôn ngữ cho thế hệ sau để làm nên Đất Nước.

Đất nước hiện hình trong bề dày văn hóa mất nghìn năm của dân tộc. Nếu chỉ dừng lại ở phương diện địa lí, phương diện lịch sử thì chưa thể có một khái niềm Đất Nước hoàn chỉnh bởi vì môt Đất Nước phải có bề dày văn hóa riêng của mình. Do đó, suy tưởng của Nguyễn Khoa Điềm đã triển khai bình diện thứ ba, đó là bình diện văn hóa phong tục tập quán.

Chúng ta gặp trong bài thơ này nhiều câu thơ, nhiều ý tưởng ở đó, nguyễn Khoa Điềm đã phá về một chiều sâu văn hóa lâu đời của người Việt. Cần phải công nhận rằng, Nguyễn Khoa Điềm không tìm kiếm văn hóa theo hướng liệt kê những đền đài, thành quách, những công trình văn hóa, những công trình sáng tạo về vật chất cảu nền văn hóa bác học. Trái lại, ông chỉ điểm đến những công trình tưởng như bình thường nhất nhưng lại sớm nhất, bền bỉ lâu, lâu đời nhất. Nó được gìn giữ qua bao đời. Đó là những câu chuyện cổ tích, những câu hò sông nước, những câu tục ngữ, lời ru, cách gìn giữ ngọn lửa, gìn giữ ngôn ngữ…

Tất cả đều là những công trình văn hóa chân chính gắn liền với sự sống bền bỉ của dân tộc. Đó là sự sống hằng ngày của nhân dân ta. Tư tưởng theo hướng này, Nguyễn Khoa Điềm đã có những khám phá bất ngờ có thể làm ngỡ ngàng tất cả chúng ta. Chẳng hạn khi viết về miếng trầu như là một sự sáng tạo về văn hóa:

“Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bao giờ bà ăn.”

Câu thơ mới đọc nghe như một nghịch lí, bởi Đất Nước có từ ngàn năm sao lại có thể bắt đầu bây giờ qua hình ảnh miếng trầu. Miếng trầu nhỏ bé kia lại chứa đựng những giá trị thiêng liêng lớn lao đến vậy? Nhưng khi chúng ta ngẫm nghĩ vào chiều sâu của câu thơ này thì chúng ta mới thấy hết sự hợp lí và sắc sảo của câu thơ. Miếng trầu bà ăn hôm này đều chứa đựng một phần Đất Nước. Mùi nồng của vôi, vị hăng của trầu, vị cay của thuốc… Chính là sự kết tinh mọi thăng trầm của lịch sử.

Hơn nữa, miếng trầu còn nhắc nhở người ta nhớ đến Sự tích Trầu Cau, câu chuyện cổ tích về tình cảm anh em, vợ chồng thắm thiết… Từ thuở khai thiên, lập địa và cho tận đến bây giờ. Vì vậy, mỗi miếng trầu ấy đều đã bốn nghìn năm tuổi. Câu thơ là sự đúc kết từ nhiều tập tục, nhiều giá trị nghệ thuật. Do đó, nó gợi cho chúng ta nhớ đến nhiều tập tục, nhiều giá trị nghệ thuật.

Do đó, nó gợi cho chúng ta nhớ đến những câu thơ, câu tục ngữ, thành ngữ gắn liền với tâm hồn người Việt, như “Miếng trầu nên dâu nhà người”. Cứ như thế, Nguyễn Khoa Điềm đã có những đóng góp độc đáo để thể hiện tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân”. Từ những cảm nhận trên, tác giả phải thốt lên khẳng định:

“Đất Nước của Nhân dân, Đất nước của ca dao thần thoại”.

Câu thơ như một lời kết gói gọn tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” mà tác giả muốn khẳng định trong đoạn trích này. Đúng là Đất Nước không ở đâu xa, không phải là những gì cao siêu, xa vời mà rất gần gũi gắn bó với mỗi chúng ta, do chính bàn tay người dân xây dựng và làm nên. Qua đó, tác giả như nhắc nhở mỗi chúng ta phải có ý thức trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ Đất Nước.

Để thể hiện tư tưởng tiến bộ trên chúng ta phải kể đến những thành công về nghệ thuật của đoạn trích này. Bởi nội dung và hình thức có mối quan hệ biện chứng với nhau. Xác định được mối quan hệ đó, tác giả đã dùng thể thơ mới – trường ca, khiến vần thơ mang tính triết luận nhưng vẫn đậm tính trữ tình. Tác giả đã chọn lộc chất liệu dân gian để xây dựng lên hình ảnh thơ. Giọng thơ mượt mà, trữ tình, cách xưng hô anh – em khiến bài thơ như câu chuyện tâm tình, như lời đối đáp của đôi lứa yêu nhau đang khẳng định Đất Nước là do nhân dân làm nên phải gìn giữ, bảo vệ Đất Nước.

Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Làm nên Đất Nước muôn đời…

Không mạnh mẽ, gân guốc, không đanh thép và hùng hồn, Nguyễn Khoa Điềm cứ nhẹ nhàng gieo vào lòng người những âm thanh trầm lắng trữ tình về một để tưởng như loogic triết luận khô khan với một giọng kể thủ thỉ, tâm tình rất riêng, độc đáo và đầy sáng tạo.

Nhà thơ đã thành công khi thể hiện tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân”. Tư tưởng này được Nguyễn Khoa Điềm thể hiện ở một thể loại thơ mới, đó là thể loại trường ca. Mọi khổ thơ đều dài, khó thuộc và khó nhớ. Do vậy bài thơ Đất Nước cũng không tránh được những khuyết điểm trên. Thế nhưng, nhìn một cách tổng quát thì Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm vẫn xứng quan trọng, đáng ghi nhớ, là một tác phẩm đã đi vào trí nhớ của bạn đọc bằng những vần thơ đẹp của những năm tháng không thể nào quên ấy. Đó là những vần xanh trong một thời kì lửa cháy.

  • Kết bài:

Sự kết hợp giữa chính luận với trữ tình, suy tưởng và cảm xúc, nhờ đó đoạn thơ đã đưa đến những nhận thức: đất nước không ở đâu xa, đất nước là những gì gần gũi thân yêu, bình dị trong cuộc sống hàng ngày, đất nước ở trong ta với tâm hồn, cốt cách. Đất nước ở ngoài ta với những nuôi dưỡng, dạy dỗ, chở che. Đất nước hình thành và phát triển qua cuộc chạy tiếp sức vĩ đại, vĩnh hằng của các thế hệ người Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Đất nước cũng là nơi những con người Việt Nam sinh ra, lớn lên, “yêu nhau và sinh con đẻ cái”, lao động dựng xây và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thân yêu. Đó là đất nước của nhân dân. Những tư tưởng ấy được thể hiện trong những vần thơ thấm đượm cảm xúc, trong những suy tưởng sâu xa, mới mẻ…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang