»» Nội dung bài viết:
Nhận xét về nghệ thuật miêu tả dòng sông Đà của Nguyễn Tuân trong “Người lái đò sông Đà”
Con sông Đà hung bạo, dữ dằn, là kẻ thù đáng sợ của những người lái đò ngược xuôi:
Sông Đà hung bạo ở chỗ đôi bờ xích gần nhau, làm cho lòng sông hẹp lại như cái yết hầu thắt giữa hai vách đá dưng đứng hiểm trở: Hẹp đến nỗi mà “lúc đứng ngọ mới nhìn thấy ánh mặt trời”, có thể “nhẹ tay mà ném hòn đá qua bên kia vách” .Ở đây “con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia”. Ấn tượng hơn nữa là việc “Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đang ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cảnh cửa sổ nhà nào ở tầng nhà thứ mấy vừa tắt phụt đèn điện”. Ở đoạn này tác giả đã dùng tri thức ngược sáng của điện ảnh để cảm nhận, tạo cho người đọc một ấn tượng về vẻ đẹp của sự hùng vĩ mà thiên nhiên Tây Bắc đã mang lại.
Sông Đà hung bạo ở cái dữ dằn của gió – nước: Lại qua quãng mặt ghềnh Hát Loóng, dài hàng cây số, gió phối hợp với nước, với đá, với sóng tạo nên những cơn xoáy thật kinh hãi: “Nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm suốt tháng như lúc nào cũng đòi nợ xuýt”.
Nghệ thuật: sử dụng động từ mạnh, nhiều dấu phẩy liên tiếp tạo nên sự liệt kê trùng điệp của hành động “xô”: xô đá, xô sóng, xô gió… làm cho sự hung bạo trở nên dữ tợn hơn.
Sông Đà hung bạo hơn nữa là ở những cái hút nước giống như những cái giếng bê tông người ta thả xuống để chuẩn bị làm móng cầu: “Trên những cái hút nước ấy cũng đang quay lừ lừ những cánh quạ đàn”. Nước ở đó cứ “thở và kêu như cửa cống cái bị sặc” có lúc lại nghe rờn rợn như tiếng “rót dầu sôi”. Đúng là con Sông Đà không khác gì một loài hung thú đi đến đâu là gieo giắc hiểm nguy đến đó. “Cho nên không một chiếc thuyền nào dám men gần cái hút nước ấy… Bè gỗ nghênh ngang qua đây vô ý là bị cái hút nước đó lôi tuột xuống, có chiếc thuyền bị nó giồng ngay cây chuối ngược rồi vụt biến đi, bị dìm dưới lòng sông đến mươi phút sau, mới thấy tan xác ở khuỷnh sông dưới”. Cách so sánh, ví von, mô tả của tác giả gây cảm giác rất mạnh làm cho người đọc như nghe thấy, nhìn thấy được tận mắt cái hung dữ của Sông Đà mà thót tim lại.
Nhưng con Sông Đà hung bạo nhất có lẽ ở mấy chục con thác đá tạo thành các thạch thủy trân vô cùng hiểm trở với biết bao cửa tử. Trước hết là âm thanh của tiếng thác gào rùng rợn, hoang dã: Con Sông Đà đã trở thành một loại thủy quái vừa hung ác, vừa nham hiểm: Còn xa lắm mới đến cái thác dưới nhưng đã thấy tiếng nước réo gần mãi lên, réo to mãi lên. Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu, rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng”.
Ở đoạn văn này, tác giả đã huy động rất nhiều biện pháp nghệ thuật như: nhân hóa, liên tưởng, so sánh, sử dụng động từ mạnh làm cho hình ảnh sông Đà thật ghê rợn như một nhân vật mang tâm địa hiểm ác với cái kiểu khôn khéo, ranh ma.
Sông Đà hung bạo và dữ dằn đến còn ở những cửa tử đang mai phục ẩn nấp để gieo rắc kinh hoàng cho ông lái đò. Đá ở đây chia thành ba tuyến và năm cửa, bốn cửa tử và duy nhất chỉ một cửa sinh. Lòng sông thì trắng xóa làm nổi bật những tảng đá dàn bày thế trận, tảng nào, hòn nào, “trông cũng ngỗ nghịch” và như những vị tướng “có vị trông oai phong lẫm liệt”; “có vị thì như đang hất hàm bắt cái thuyền phải xưng tên xưng tuổi trước khi giao chiến”. Có vị “lại lùi một chút và thách thức cái thuyền có giỏi thì tiến gần vào”.
Những tri thức về quân sự, về võ thuật, thể dục thể thao, điện ảnh… của tác giả được dịp ném ra để diễn tả sự độc ác, xảo quyệt hết sức nguy hiểm của con thác khi nó mai phục để đột nhiên nhổm cả dậy vồ lấy con thuyền nơi khúc sông ngoặt, khi thì nó lại tỏ ra sơ hở để dụ con thuyền vào rồi bất ngờ quay lại đánh quật vu hồi. Khi đã giáp lá cà thì nó đâm thẳng vào hông ông lái đò, bẻ gãy cán chèo, rồi đá trái thúc gối vào bụng, giở đủ đòn âm, đòn tỉa, rồi túm lấy thắt lưng đòi lật ngửa bụng ông lái đò trên trận nước. Nó vừa đánh vừa reo hò la hét vang động cả một vùng sông nước hoang vu.
Nhận xét: Tính cách hung bạo của sông Đà cho thấy thiên nhiên Tây Bắc thật hùng vĩ và tình yêu của Nguyễn Tuân đối với Sông Đà và thiên nhiên đất nước thật bao la và bao dung.
Con sông Đà thơ mộng, trữ tình, đằm thắm khi đã về xuôi:
Bên cạnh tính cách hung bạo, dưới ngòi bút Nguyễn Tuân, con sông Đà lại rất trữ tình, thơ mộng,và gợi lên bao cảm xúc làm mê say lòng người. Tác giả tha thiết gọi con sông Đà là cố nhân đi xa thì nhớ nhung, gặp lại thì mừng vui khôn xiết.
Và vì yêu sông Đà nên tác giả không bỏ qua cơ hội ngắm nhìn “cái dây thừng ngoằn ngoèo dưới chân mình kia…”. Đó là lúc nhà văn nhìn con Sông Đà bằng con mắt thẩm mỹ văn hóa để phát hiện ra những vẻ đẹp và sắc màu đa dạng cuả con Sông Đà chảy dọc suốt miền Tây Bắc này. Ở những quãng yên tĩnh, thì Sông Đà quả thật rất thơ mộng như một người đàn bà kiều diễm với vẻ đẹp “Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn khói núi Mèo đốt nương xuân”.
Nghệ thuật nhân hóa đã được mở ra tuyệt đối làm người đọc dường như không còn nhận ra đây là con sông nữa mà là một mỹ nhân đang làm duyên làm dáng với Tây Bắc. Trữ tình và đáng yêu hơn nữa là màu sắc của con sông Đà. Nguyễn Tuân cũng đã nhận ra những sắc màu khác nhau của Sông Đà theo từng mùa mang vẻ đẹp riêng.
Qua làn mây mùa xuân, Sông Đà xanh màu ngọc bích. Xanh ngọc bích là xanh trong, xanh sáng, không có sự pha tạp có thể hiểu là trong vắt chứ nó không gợn thứ sắc màu đùng đục như màu xanh canh hến của sông Gâm và sông Lô. Qua ánh nắng mùa thu “Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt người bần đi vì rượu bữa”. Cách nhân hóa và so sánh này tạo cho người đọc không ghê rợn trước màu đỏ mà ngược lại rất thích thú bởi màu nước sông Đà mang vẻ đẹp của màu đỏ rất đáng yêu trên mặt người “bầm đi vì rượu bữa”.
Sông Đà thơ mộng và đáng yêu hơn nữa khi Nguyễn Tuân dùng những hình ảnh dịu dàng trong sáng nhất để tả đôi bờ sông Đà. Đó là thời điểm cho câu chữ Nguyễn Tuân lai láng chất thơ ca ngợi vẻ đẹp của dòng sông, bằng cái nhìn và tình cảm của một người tự nhận sông Đà như một “cố nhân”. Không gian lắng đọng trong vẻ đẹp của “bờ sông Đà, bãi sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm sông Đà”. Vẻ đẹp ấy như trang nghiêm trong mạch Đường thi cổ điển, vừa lắng đọng hoài vọng về một thuở Lý Trần Lê, vừa bâng khuâng cảm giác về sự sống này.
“Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịnh không một bóng người. Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm lộc đâm chồi. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”. Nhà văn đã để cho dòng cảm xúc dào dạt thốt lên thành lời đối thoại im lặng với thiên nhiên, bờ bãi ven sông, dường như con người muốn hoà vào cùng cảnh vật, để chiêm ngưỡng vẻ đẹp đầy sức cuốn hút của dòng sông.
Ngòi bút nhà văn đến lúc này mới thật sự tung hoành trong sự say sưa khám phá cội nguồn, kể về lịch sử dòng sông gắn với cuộc sống và con người Tây Bắc, những người đã đón nhận những tặng vật hào phóng của sông Đà. Cảm xúc từ thực tại của Nguyễn Tuân còn khơi nguồn cho những mơ ước mang tính dự báo về tương lai, biến sức mạnh của dòng sông trái tính trái nết thành nguồn thủy điện dồi dào. Rõ ràng, thực tại cuộc sống mới đã giúp cho Nguyễn Tuân có những dự cảm chính xác, có niềm tin vững chắc vào những con người đang xây dựng một chế độ mới, đem lại sinh khí mới cho cuộc sống ở sông Đà.
Nhân xét: ngôn ngữ đặc sắc, sử dụng nhiều ngôn ngữ của nhiều lĩnh vực; văn phong khoa học; nhiều biện pháp tu từ: nhân hoá, so sánh…