soan-bai-nguoi-lai-do-song-da-nguyen-tuan

Soạn bài: Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân)

NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ
(Trích)
– Nguyễn Tuân –

I. TÌM HIỂU CHUNG.

1. Tác giả: Nguyễn Tuân.

– Nguyễn Tuân (1910-1987), là nhà văn xuất sắc của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại trước và sau cách mạng Tháng tám.

– Là người tài hoa, uyên bác, sáng tác thành công ở thể loại bút kí.

2. Tác phẩm.

– Hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ: Người lái đò Sông Đà  rút từ tập tùy bút Sông Đà (1960) – kết quả của chuyến đi thực tế Tây Bắc của Nguyễn Tuân.

– Thể loại: Bút kí.

II. Đọc – hiểu văn bản.

1. Hình tượng con sông Đà.

 Sông Đà trên trang văn của Nguyễn Tuân hiện lên như một nhân vật có hai tính cách trái ngược:

* Sông Đà hung bạo, dữ dằn:

+ Bờ sông được miêu tả với những cảnh đá dựng vách thành, những đoạn đá chẹt lòng sông như cái yết hầu, có chỗ con nai con hổ có thể vọt qua, nhẹ tay bên này ném hòn đá qua bên kia

+ Ghềnh Hát Loóng dài hàng cây số, với cảnh nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm…, cảnh va đập dữ dội, liên hồi thật ghê rợn được thể hiện qua nghệ thuật điệp khúc liên hoàn, lối ngắt nhịp, hình ảnh sống động…

+ Nước sông Đà dữ dằn được miêu tả sống động với hình ảnh so sánh, nhân hóa đặc sắc gợi nhiều liên tưởng (cái hút nước như những cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu, nước thở và kêu như cửa cống cái bị sặc), với âm thanh sống động của nước (ặc ặc như rót dầu sôi vào), gợi cảm giác của người vượt qua những chỗ nước xoáy… Những cái hút nước đáng sợ sẵn sàng nhấn chìm và đập tan chiếc thuyền nào lọt vào…

+ Thác sông Đà hùng vĩ được miêu tả từ xa tới gần, từ âm thanh đến hình ảnh (khi thì oán trách, lúc giọng gằn mà chế nhạo, lúc thì rống lên như tiếng ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu….; lòng sông toàn đá với những thạch thủy trận, đá mai phục ở đây hàng ngàn năm sẵn sàng giao chiến với người lái đò… Trùng vi thạch trận được tác giả miêu tả tỉ mỉ bằng các vòng vây, các tuyến phòng thủ của đá và nước….

⇒ Nguyễn Tuân là bậc kì tài trong lĩnh vực sử dụng ngôn từ. Dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân, với lượng kiến thức phong phú của nhiều lĩnh vực và nghệ thuật miêu tả so sánh, nhân hóa đặc sắc, Sông Đà như một con thủy quái khổng lồ dữ dằn, hung bạo, đáng sợ. Con sông Đà hung bạo là biểu tượng về sức mạnh dữ dội và vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên đất nước.

* Sông Đà thơ mộng, trữ tình

+ Dòng chảy sông Đà uốn lượn mềm mại được thể hiện qua nghệ thuật so sánh đặc sắc (từ máy bay nhìn xuống sông Đà như chiếc dây thừng ngoằn ngoèo dưới chân mình; như áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở  hoa ban hoa gạo tháng hai và khói Mèo đốt nương xuân…)

+ Màu sắc của nước sông thay đổi theo mùa, mỗi mùa có một vẻ đẹp riêng (Mùa xuân dòng xanh ngọc bích…, mùa thu nước sông Đà lừ lừ chín đỏ…- lưu ý hình ảnh so sánh.

+ Cảnh vật hai bên bờ sông Đà vừa hoang sơ nhuốm màu cổ tích, vừa trù phú tràn trề nhựa sống (Trên bờ, những đám ngô non mới nhú, một đàn hưu cúi đầu gặm cỏ trên đám cỏ tranh đẫm sương đêm…)

+ Sông Đà qua cảm nhận của tác giả: nắng cũng giòn tan và cái sắc Đường thi Yên hoa tam nguyệt; cảm giác đặc biệt khi gặp sông Đà (như gặp lại cố nhân, bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử, bờ sông hồn nhiên như nỗi niềm cổ tích

⇒ Qua hình tượng sông Đà, Nguyễn Tuân thể hiện tình yêu tha thiết với thiên nhiên đất nước. Với ông, thiên nhiên cũng là một tác phẩm nghệ thuật vô song của tạo hóa. Tác giả đã thể hiện sự tài hoa, uyên bác và lịch lãm. Hình tượng sông Đà là phông nền cho sự xuất hiện và tôn vinh vẻ đẹp của người lao động trong chế độ mới.

2. Hình tượng ông lái đò.

* Ông lái đò là nhân vật tiêu biểu cho người lao động đang từng ngày từng giờ làm việc, xây dựng cuộc sống mới, xây dựng quê hương đất nước.

– Trong cuộc chiến không cân sức, ông lái đò là vị chỉ huy cái thuyền sáu bơi chèo trong cuộc chiến với thiên nhiên dữ dội, hiểm độc ( sóng, nước, đá, gió…). Bằng trí dũng tuyệt vời và phong thái ung dung, tài hoa, người lái đò đã nắm lấy bờm sóng, vượt qua trận thủy chiến ác liệt, ba lần phá vòng vây của thủy trận, thạch trận để thuần phục dòng sông.

– Ông lái đò nhìn thử thách bằng cái nhìn giản dị mà lãng mạn; bình tĩnh và hùng dũng ngay cả lúc đã bị thương.

– Nguyên nhân làm nên chiến thắng: sự ngoan cường, dũng cảm, tài trí, chí quyết tâm và nhất là kinh nghiệm sông nước.

⇒ Hình ảnh ông lái đò cho thấy Nguyễn Tuân đã tìm được nhân vật mới: những con người đáng trân trọng, ngợi ca, không thuộc tầng lớp đài các vang bóng một thời mà là những người lao động bình thường – chất vàng mười của Tây Bắc. Qua đây, nhà văn muốn phát biểu quan niệm: người anh hùng không chỉ có trong chiến đấu mà còn có trong cuộc sống lao động thường ngày.

3. Nghệ thuật.

– Những ví von, so sánh, liên tưởng, tưởng tượng độc đáo, bất ngờ và thú vị.

– Từ ngữ phong phú, sống động, giàu hình ảnh và có sức gợi cảm cao.

– Câu văn đa dạng, nhiều tầng, giàu nhịp điệu, lúc thì hối hả, gân guốc, khi thì chậm rãi, trữ tình…

4. Ý nghĩa văn bản.

Giới thiệu, khẳng định, ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên và con người lao động ở miền Tây Bắc của Tổ quốc, thể hiện tình yêu mến, sự gắn bó thiết tha của Nguyễn Tuân đối với đất nước và con người Việt Nam.

III. BÀI TẬP VẬN DỤNG

1. Bài tập 1:

Trong tùy bút Người lái đò Sông Đà, nhà văn Nguyễn Tuân đã có những lần miêu tả bờ Sông Đà.

Ở thượng nguồn: “Hùng vĩ của Sông Đà không phải chỉ có thác đá. Mà nó còn là những cảnh đá bờ sông, dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời. Có vách đá thành chẹt lòng Sông Đà như một cái yết hầu. Đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách. Có quãng con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia. Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đang đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện”.

Ở hạ nguồn: “Thuyền tôi trôi trên Sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Lí đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi. Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú ên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịnh không một bóng người. Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”.

Cảm nhận của em về hình ảnh Sông Đà trong hai đoạn văn trên, từ đó làm nổi bật cái tôi tài hoa, uyên bác của nhà văn Nguyễn Tuân.

2. Bài tập 2:

Tùy bút “Sông Đà” là thành quả nghệ thuật đẹp đẽ mà nhà văn Nguyễn Tuân đã thu hoạch được trong chuyến đi thực tế gian khổ và hào hứng tới miền Tây Bắc rộng lớn, xa xôi của Tổ quốc. Nơi đây, ông đã khám phá ra chất vàng của thiên nhiên cùng “thứ vàng mười đã qua thử lửa” ở tâm hồn của những người lao động. Em hãy phân tích hình tượng ông lái đò để làm rõ điều đó.

Em hãy phân tích nhân vật người lái đò trong đoạn trích tùy bút “Người lái đò sông Đà”của Nguyễn Tuân. Từ đó liên hệ với nhân vật Huấn Cao trong truyện ngắn “Chữ người tử từ” để thấy sự thống nhất và khác biệt trong cách tiếp cận và khám phá con người của Nguyễn Tuân trước và sau Cách mạng tháng Tám 1945.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang