cam-nhan-doan-tho-em-oi-em-dat-nuoc-la-mau-xuong-cua-minh-dat-nuoc-nguyen-khoa-diem

Cảm nhận đoạn thơ: Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình… (Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm)

Anh/chị hiểu như thế nào về tâm sự của Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn thơ sau:

Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ xở
Làm nên Đất Nước muôn đời …

(Đất Nước – trích “Mặt đường khát vọng”, theo Văn học 12, tập một, tr.249, NXB Giáo dục – 2006)


* Gợi ý làm bài:

– Đoạn thơ Đất Nước được trích trong trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, được sáng tác vào mùa đông năm 1971, nhà thơ bộc lộ tấm lòng yêu quê hương đất nước và ca ngơi truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc mình. Với đoạn thơ sau:

Em ơi em Đất nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên đất nước muôn đời…

– Nhà thơ đã bộc lộ tâm sự của mình về vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ trong cuộc chiến đấu chống xâm lược và sự tự ý thức sâu sắc về Đất nước, về nhân dân qua những trải nghiệm của chính mình.

– Đất nước có trong mỗi cá nhân, đất nước kết tinh trong mỗi con người. Bởi vì mỗi cá nhân không chỉ là riêng mình mà còn là của đất nước. Mỗi cuộc đời đều thừa hưởng được những giá trị vật chất và tinh thần của dân tộc. Cho nên tác giả nhắn nhủ chúng ta phải có trách nhiệm với đất nước. Lời nhắn nhủ ấy là với “em” nên nó có tính chất tâm sự riêng tư. Và đó là cả tấm lòng và ân tình của nhà thơ, là sự gắn bó sâu nặng với nhân dân đất nước trong quá trình chiến đấu gian khổ.

– Đất nước không ở đâu xa mà kết tinh, hóa thân trong mỗi người. Sự sống mỗi cá nhân chỉ tồn tại và có ý nghĩa khi biết gắn bó và san sẻ cùng nhân dân và đất nước. Mỗi cá nhân phải có trách nhiệm gìn giữ, phát triển nó, truyền lại cho các thế hệ tiếp theo. Mỗi người phải biết hóa thân cho sự tồn tại về hình thức (dáng hình) và nội dung, truyền thống tình yêu và sự bất tử muôn đời.

– Đoạn thơ như một lời nhắn nhủ với thế hệ trẻ về trách nhiệm với đất nước, tuy là đoạn thơ chính luận nhưng người đọc không cảm thấy là những lời “giáo huấn” mà chỉ như một lời tự nhủ, tự dặn mình, chân thành, tha thiết…


Tham khảo:

  • Mở bài:

Nguyễn Khoa Điềm là một trong những nhà thơ trẻ tiêu biểu thời chống Mỹ cứu nước. Thơ ông giàu chất trí tuệ, cảm xúc được dồn nén và có nhiều liên tưởng phong phú. Đoạn trích Đất Nước trích chương V của trường ca Mặt đường khát vọng (1971) khá điển hình cho vẻ đẹp của thơ Nguyễn Khoa Điềm những năm tháng ấy. Nghĩ vè đất nước, nhà thơ tâm sự:

Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ xở
Làm nên Đất Nước muôn đời …

  • Thân bài:

Đoạn thơ thể hiện suy nghĩ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm về mối quan hệ riêng – chung, quan hệ cá nhân – cộng đồng, sự tiếp nối của các thế hệ trong một đất nước, một dân tộc. Những suy ngẫm ấy được thể hiện ấy bằng thơ, tức không đơn thuần là tư tưởng, mà chứa đựng cảm xúc, tình cảm của tác giả, do đó có sức lay động tâm tư người đọc.

Bốn dòng thơ đầu nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nêu lên những cảm nhận của mình về đất nước. Nếu như ở đoạn thơ trước đó trong bài thơ, tác giả nhìn nhận đất nước từ bề dày văn hóa dân tộc hàng nghìn năm qua, thì ở đây lại là những suy nghĩ về đất nước từ cuộc sống hiện tại trong các mối quan hệ riêng – chung, cá nhân – cộng đồng, sự tiếp nối giữa các thế hệ.

Đất nước không chỉ có ngày hôm qua và hôm nay. Đất nước của ngày mai. Từng thế hệ kế tiếp sẽ làm cho đất nước trường tồn mãi mãi. Trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến khốc liệt thời bấy giờ, phải thấy ở những câu thơ trên còn là một khát vọng: đất nước sẽ hòa bình, đất nước sẽ tươi đẹp và còn nhiều hơn thế nữa. Nhà thơ nêu lên trách nhiệm của cá nhân đối với Đất Nước:

Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ xở
Làm nên Đất Nước muôn đời …

Câu trúc của câu thơ cũng theo kiểu suy luận: Đất Nước là… nêu lên một tiền đề. Từ tiền đề ấy, phải biết… / phải biết… để làm nên… Câu thơ giàu chất duy lý nhưng không lên gân mà trở thành lời nhắn nhủ tha thiết, ở đây có những từ tượng trưng rất đáng chú ý: máu xương, gắn bó, san sẻ, hóa thân, dáng hình, muôn đời. Sau rất nhiều suy nghĩ cụ thể về đất nước, đến đây nhà thơ khẳng định Đất Nước là máu xương của mình. Máu xương là sự sống. Rất ít trường hợp người ta ví một điều gì với máu xương, bởi nó biểu trưng cho sự thiêng liêng. Đất nước là máu xương có nghĩa là đất nước tồn tại như một sự sống và để có sự sống ấy hẳn phải có rất nhiều hy sinh. Quả đúng như vậy, biết bao con người, bao thế hệ đã ngã xuống cho sự sống còn của đất nước. Vì thế, mỗi một con người phải biết gắn bó và san sẻ. Gắn bó là yêu thương, quan hệ mật thiết với nhau. Từ gắn bó ấy mới có thể san sẻ, san sẻ về trách nhiệm, san sẻ niềm vui, niềm hạnh phúc cho nhau.

Đất nước vĩ đại nhưng đất nước là một thực thể sống. Thực thể ấy không phải là sự tập hợp của những cá nhân rời rạc mà là một cộng đồng. Hóa thân cũng có nghĩa là dâng hiến. Thời bình, người ta dâng hiên sức lực, mồ hôi cho Tổ quốc. Thời chiến, người ta dâng hiến cả sự sống của mình. Sự dâng hiến ấy, theo suy ngẫm của nhà thơ, là cuộc hóa thân. Bóng dáng mỗi người đã làm nên bóng dáng quê hương, xứ sở, đất nước. Không có sự hóa thân kia làm sao đất nước trường tồn, làm sao có được Đất nước muôn đời!

Những câu thơ đậm chất duy lý (khá chặt chẽ, lô gích) cất lên như tiếng gọi của trái tim, vì thế nó không thiết tha, thúc giục lòng người. Nhà thơ đã thể hiện những suy nghĩ mới mẻ của mình về đất nước bằng một giọng trữ tình, ngọt ngào. Câu chuyện về đất nước đối với mỗi người luôn là câu chuyện của trái tim, vừa thiêng liêng, cao cả, cũng vừa gắn bó, thân thiết. Từ suy nghĩ và tình cảm ấy, khi đối diện với kẻ thù của dân tộc, hẳn người ta phải biết làm chi cho Tổ quốc, giang sơn.

Đất nước thân thương gắn bó với mọi người. Phải biết hiến dâng cho “Đất nước muôn đời”. Đoạn thơ đẹp còn vì sáng ngời niềm tin về tương lai đất nước và tiền đồ tươi sáng của dân tộc. Đoạn thơ mang tính chính luận, chất trữ tình hàm ẩn tính công dân của thời đại mới. Giọng thơ tâm tình, dịu ngọt, tứ thơ dạt dào cảm xúc, sáng tạo về ngôn từ, hình ảnh, thể hiện một hồn thơ giàu chất suy tư, khẳng định một thi pháp độc đáo, có nhiều mới mẻ tìm tòi.

Ngày nay, đất nước đã sạch bóng quân thù. Nhưng trách nhiệm của mỗi công dân đối với đất nước vẫn rất cần đặt ra thường xuyên, bởi đó là câu chuyện không bao giờ cũ.

Phân tích ý nghĩa bài thơ Đất nước (trích Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm

1 bình luận trong “Cảm nhận đoạn thơ: Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình… (Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm)”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang