»» Nội dung bài viết:
Có người cho rằng: Ta hãy học theo cách của dòng sông nhìn thấy núi thì đi đường vòng. Nhưng lại có ý kiến khác: Trong rừng có rất nhiều lối đi, ta chọn lối đi chưa có dấu chân người.
Suy nghĩ của anh (chị) về những ý kiến trên.
* Gợi ý làm bài:
I. Mở bài:
– Giới thiệu: Mỗi người đều có lựa chọn của riêng mình.
– Dẫn vào 2 ý kiến: Có người cho rằng: Ta hãy học theo cách của dòng sông nhìn thấy núi thì đi đường vòng. Nhưng lại có ý kiến khác: Trong rừng có rất nhiều lối đi, ta chọn lối đi chưa có dấu chân người.
II. Thân bài:
1. Giải thích.
– “Dòng sông khi gặp núi thì đi đường vòng“: ý nói khi con người gặp khó khăn, trở ngại nên tìm hướng đi khác dễ dàng hơn.
– “Chọn lối đi chưa có dấu chân người“: dũng cảm, dám khám phá cái mới, dám đương đầu với thử thách.
→ Bằng cách nói hình ảnh, hai ý kiến nêu lên những bài học về lẽ sống: cách sống linh hoạt, khôn khéo; cách sống dũng cảm, mạo hiểm.
2. Bàn luận.
– Trong cuộc sống, chúng ta luôn phải đối đầu với những khó khăn, trắc trở. Hoàn cảnh, tính cách buộc mỗi người phải có sự lựa chọn ứng xử khác nhau.
– Đứng trước khó khăn, trở ngại quá lớn, con người đôi khi phải chọn đường vòng dẫu mất nhiều thời gian, công sức. Đây là cách lựa chọn linh hoạt, mềm dẻo giúp ta đạt được kết quả tốt đẹp. Nếu liều lĩnh dấn tới, đâm đầu vào núi, có thể sẽ chuốc lấy thất bại.
– Nhưng trước nhiều con đường, có lúc chúng ta cũng cần phải biết mạo hiểm, dũng cảm, sáng tạo, tìm cho mình một lối đi riêng. Lối đi ấy có thể giúp ta đến đích nhanh nhất, biến ước mơ thành hiện thực. Nếu thất bại, đó cũng là bài học quý giá cho thành công tiếp theo.
3. Phê phán.
– Thật đáng trách thay, có những người không thích đi đường vòng như những dòng sông vượt núi và cũng chẳng có đủ dũng khí để mở những lối đi mới qua những khu rừng. Trước nghịch cảnh, họ thường chọn cách thoái lui, chấp nhận thất bại, sống cuộc sống nhỏ bé.
4. Bài học nhận thức và hành động.
– Hai ý kiến trên bổ sung cho nhau, chỉ ra những cách thức khác nhau để giúp chúng ta đạt được thành công trong cuộc sống.
– Chúng ta có lúc cần phải biết linh hoạt, mềm dẻo, có lúc cần mạo hiểm, sáng tạo. Tuy nhiên khôn khéo, cẩn trọng nhưng không ỷ lại, hèn nhát, mạo hiểm không có nghĩa là liều lĩnh, thấy chết mà vẫn lao vào.
III. Kết bài:
– Bằng cách nào bạn đạt đến mục đích không quan trọng, điều quan trong nhất dó là bạn có đạt đến mục đích hay là không. Chấp nhận đi đường vòng như những dòng sông, hay mạo hiểm mở những lối đi mới qua những khu rừng rậm, cả hai cách đều rất đáng để học hỏi và làm theo.