Vẻ đẹp hiện đại trong sử dụng ngôn ngữ và xây dựng hình tượng trong “Nhật kí trong tù” của Hồ Chí Minh
1. Về sử dụng ngôn ngữ.
Đặc trưng nổi bật của thơ cổ đó là sự trau chuốt về lời. Lời thơ thường là thứ ngôn ngữ kinh điển, bác học, tròn như ngọc, như châu. Tập thơ Nhật ký trong tù có rất nhiều tác phẩm thể hiện đặc điểm đó. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng không ít bài thể hiện tính chất hiện đại trong thơ chữ Hán của Người.
Trong Nhật kí trong tù, Hồ Chí minh tăng cường sử dụng các hư từ. Trong khi thơ cổ điển có xu hướng triệt tiêu các hư từ. Bài thơ Đáp hỏa xa vãng lai tân là một ví dụ.
Phiên âm:
Tuy nhiên chỉ đắc tọa thán thượng,
Tất cánh tỷ đồ bộ phiêu lượng.
Dịch thơ:
Dù rằng chỉ ngồi trên đống than,
Sang gấp mấy lần khi cuốc bộ.
Hoặc như bài Tứ cá nguyệt liễu (Bốn tháng rồi), nhờ sử dụng những hư từ như: nhiên vị (bởi vì), sở dĩ (cho nên), hạnh nhi (may sao), giúp cho bài thơ vốn giàu yếu tố tự sự mà vẫn chặt chẽ. Cấu trúc nội dung của bài được tổ chức theo kiểu quan hệ: nguyên nhân – kết quả – nhưng –
Thứ hai, tác giả có xu hướng đưa các lớp từ khẩu ngữ, cách nói thường ngày vào thơ một cách tự nhiên. Trong bài Đỗ (Đánh bài), Bác viết:
Phiên âm:
Dân gian đỗ bác bị quan lạp
Dịch thơ:
Đánh bạc ở ngoài bị quan bắt tội
“bị quan lạp” nghĩa là bị quan bắt, hoàn toàn mang yếu tố khẩu ngữ, không có gì trau chuốt cả. Câu thơ như lời nói, chất văn xuôi tràn vào thơ.
Hoặc trong bài Tảo 1 (Buổi sớm 1) có câu thứ ba:
Phiên âm:
Khuyến quân thả ngật nhất cá bão,
Dịch thơ:
“Khuyên anh hãy gắng ăn no bụng”
Những hô ngữ, câu cảm thán dạng như giao tiếp hằng ngày cũng được đưa vào thơ làm cho lời thơ đầy ắp giọng điệu cảm xúc khác nhau Dạ bán văn khốc phu (Nửa đêm nghe tiếng khóc chồng) là một ví dụ minh họa cho điều này.
Phiên âm:
Ô hô phu quân, hề phu quân!
Hà cớ phu quân cự khí trần?
Dịch thơ:
Hỡi ơi! Chàng hỡi, hỡi chàng ơi!
Cơ sự vì sao vội lánh đời?
Thứ ba, thành ngữ tiếng Việt cũng được sử dụng nhuần nhuyễn trong thơ chữ Hán của Người.
Điền đông
Phiên âm:
Mỗi xan nhất uyển công gia chúc,
Đỗ tử thì thì tại thán hu;
Bạch phạn tam nguyên bất câu bão,
Tân như quế dã mễ như châu.
Dịch thơ:
Cháo tù mỗi bữa chia lưng bát,
Cái bụng luôn luôn rên rỉ sầu;
Cơm nhạt ba đồng ăn chẳng đủ,
Củi thì như quế, gạo như châu.
Hoặc như bài: Quách tiên sinh
Phiên âm:
“Bình thủy tương phùng”, đàm phiến khắc,
Quách quân đối ngã thậm ân cần;
“Tuyết trung tống thán”tuy nhiên thiểu,
Thế giới nhưng tồn giá chủng nhân.
Dịch thơ:
“Gặp nhau bèo nước”, chuyện gần xa,
Ông Quách ân cần đối đãi ta;
“Rét đến cho than”, không mấy kẻ,
Đời này người thế vẫn còn mà.
Thứ tư, tiếng lóng cũng được đưa vào thơ. Ví dụ như bài Lai Tân có câu: “Huyện trưởng thiêu đăng biện công sự” dịch thơ là “Chong đèn, huyện trưởng làm công việc”. Theo một người bạn Trung Quốc nói với Đặng Thai Mai là “thiêu đăng” theo tiếng lóng của Trung Quốc chỉ việc hút thuốc phiện. Trong bài Nạn hữu Mạc mỡ (Bạn tù họ Mạc) có câu “xa đại pháo tài chân vĩ đại” trong đó “xa đại pháo tài” tiếng lóng có nghĩa là tài nói phét, khoác lác, chém gió.
Thứ năm, là dùng cách viết phiên âm bằng chữ la tinh. Câu đầu trong bài thơ Tân Dương ngục trung hải (Cháu bé trong nhà lao Tân Dương): “Oa…! Oa…! Oaa…!”
Tập thơ có hai bài thơ có nhan đề chỉ là dấu hỏi (?) hoặc dấu chấm than (!). Đó là hai bài được xếp ở vị trí số 107 và 108.
Tóm lại, việc đưa các yếu tố ngôn ngữ đời thường như hư từ, khẩu ngữ, thành ngữ, tiếng lóng… vào trong những bài thơ Đường luật trong tập Nhật ký trong tù có ý nghĩa nhất định của nó. Thứ nhất phù hợp với thể nhật kí của tập thơ, phù hợp với việc thể hiện một cách sinh động những tình huống, sự kiện, hình ảnh, sự việc… diễn ra trong nhà tù. Thứ hai nữa, nó giúp cho bài thơ phát triển năng lực giao tiếp. Đấy chính là điểm khác biệt với ngôn ngữ thơ cổ điển. Đấy cũng là biểu hiện tinh thần Việt hóa thơ Đường theo phong cách của Hồ Chí Minh.
2. Sự vận động của hình tượng thơ
Một đặc điểm nổi bật trong phong cách nghệ thuật thơ Hồ Chí Minh là hình tượng thơ luôn luôn vận động hướng về sự sống, ánh sáng, tương lai. Khi khảo sát Nhật ký trong tù (những bài được viết theo thể tuyệt cú), chúng ta sẽ thấy ở câu cuối, ở phần cuối của bài tác giả thường tô đậm hình ảnh con người hoạt động, hướng về sự sống tươi vui, hướng về bình minh rực rỡ. Bài thơ Tảo giải (Giải đi sớm) là tiêu biểu nhất:
Phiên âm:
I
Nhất khứ kê đề dạ vị lan,
Quần tinh ủng nguyệt thướng thu san;
Chinh nhân dĩ tại chinh đồ thượng,
Nghênh diện thu phong trận trận hàn.
II
Đông phương bạch sắc dĩ thành hồng,
U ám tàn dư tảo nhất không;
Noãn khí bao la toàn vũ trụ,
Hành nhân thi hứng hốt gia nồng.
Dịch thơ:
I
Gà gáy một lần đêm chửa tan,
Chòm sao nâng nguyệt vượt lên ngàn;
Người đi cất bước trên đường thẳm,
Rát mặt, đêm thu, trận gió hàn.
II
Phương đông màu trắng chuyển sang hồng,
Bóng tối đêm tàn quét sạch không;
Hơi ấm bao la trùm vũ trụ,
Người đi, thi hứng bỗng thêm nồng.
Giải đi sớm gồm hai bài thơ thất ngôn tứ tuyệt. Bài thứ nhất tả thực cảnh Hồ Chí Minh bị giải đi lúc nửa đêm. Bài thứ hai tả thực cảnh Hồ Chí Minh bị giải đi đến rạng sáng hôm sau. Giữa bài thứ nhất và bài thứ hai vừa có tính chất tương đối độc lập vừa có tính chất chuyển tiếp bổ sung cho nhau. Độc lập ở chỗ nếu tách hai bài ra thì mỗi bài là một bài thơ tứ tuyệt hoàn chỉnh. Còn chuyển tiếp bổ sung cho nhau ở chỗ từ hình ảnh, tư tưởng, cảm xúc, hình tượng thơ có sự vận động liên tục.
Xét về thời gian, hành trình bị giải đi của Bác chuyển từ ngày cũ sang ngày mới, từ đêm sang ngày, từ bóng tối đến ánh sáng, từ đêm tối rét buốt đến bình minh rực ấm, từ hôm nay đến ngày mai. Ở đây tiếng gà gáy vừa có ý nghĩa chỉ thời gian vừa có ý nghĩa báo hiệu đêm đã qua ngày tới, bình minh cũng sắp đến sẽ xua tan đi sự vắng lặng của đêm tàn.
Không gian cũng nằm trong sự vận động chuyển dịch không ngừng. Từ không gian mặt đất rộn tiếng gà đến không gian bầu trời đầy trăng sao. Sang bài thứ hai là không gian rực sáng của ánh dương.
Hai bài thơ tạo nên hai không gian tương phản nhau về màu sắc và ánh sáng. Nền không gian trong bài thơ thứ nhất là màn đêm, nền không gian trong bài thứ hai là ánh sáng, là màu hồng rực rỡ. Sự tương phản giữa bóng tối và ánh sáng, giữa lạnh lẽo và ấm áp không những mang lại tính thẫm mỹ cho không gian nghệ thuật thơ mà còn có ý nghĩa gợi lên bước chuyển đổi từ cuộc đời tăm tối trong ngục tù tới cuộc sống tự do, từ đau khổ đến hạnh phúc.
Không – thời gian vận động biến đổi, hình ảnh thơ cũng vận động biến đổi, nhân vật trữ tình cũng vận động đổi thay. Tuy Giải đi sớm viết về một cuộc giải tù nhưng đọc hết bài bạn đọc vẫn không hề thấy hình ảnh tù nhân bị giải đi mà chỉ thấy hình ảnh một người chiến sĩ cách mạng bình tĩnh, tự tin vượt qua gian khổ để tiếp cận một bình minh tươi sáng của lịch sử.
Ở bài một, hình tượng nhân vật trữ tình xuất hiện trực tiếp bắt đầu từ câu thứ ba “Chinh nhân dĩ tại chinh đồ thượng”. Con người xuất hiện với tư cách, với tư thế của một chinh nhân (người đi chinh chiến). Dù trước mặt là con đường gập ghềnh xa thẳm thì con người vẫn hiên ngang bước tới với tư thế bình tỉnh, chủ động, tự tin của một người chiến sĩ sẵn sàng đón nhận mọi hoàn cảnh khắc nghiệt chứ không chấp nhận cảnh tù đày nô lệ. Sang bài thứ hai, hình tượng nhân vật trữ tình xuất hiện vơi tư cách là hành nhân “hành nhân thi hứng hốt gia nồng” mà cao hơn nữa là một thi nhân. Từ “Chinh nhân” chuyển thành “thi nhân”. Người đi trong tâm trạng lạc quan, lòng dạt dào cảm hứng thi ca. Đó là cái tôi trữ tình thi sĩ được biểu hiện rõ ràng mà kín đáo. Nhưng thực ra không phải đợi “Phương đông màu trắng chuyển sang hồng” thì cảm hứng thi ca mới đến mà thực ra cảm hứng đã đến từ lúc “Chòm sao nâng nguyệt vượt lên ngàn”. Chỉ có một tâm hồn thơ mới cảnh nhận được sự vận động nên thơ của đất trời trong hoàn cảnh nghặt nghèo như thế!
Có rất nhiều bài thơ trong Nhật ký trong tù, bạn đọc sẽ thấy tư tưởng, cảm xúc và cả hình tượng thơ luôn luôn có sự vận động. Trong những tác phẩm này thường có kết cấu: những câu trên thường miêu tả hiện thực trực quan, câu cuối nâng cánh cảm xúc hướng về tương lai, lí tưởng, sự sống.
Khi khảo sát Nhật ký trong tù trên phương diện này, chúng tôi thấy ngoài bài thơ Giải đi sớm là tiêu biểu như đã chọn phân tích trên, còn nhiều bài khác nữa, chẳng hạn như Chiều tối, Giữa đường đáp thuyền đi Ung Ninh, Buổi Sớm II,…:
Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng.
(Chiều tối)
Đáp thuyền thẳng xuống huyện Ung Ninh,
Lủng lẳng chân treo tựa giảo hình;
Làng xóm ven sông đông đúc thế,
Thuyền câu rẽ sóng nhẹ thênh thênh.
(Giữa đường đáp thuyền đi Ung Ninh)
Sớm dậy người người đua bắt rận,
Tám giờ chuông điểm, bữa ban mai,
Khuyên anh hãy cố gắng ăn no bụng,
Bĩ cực rồi ra ắt thái lai.
(Buổi Sớm II)
Nhà ngục Tĩnh Tây mờ mịt tối
Bỗng thành nhạc quán viện hàn lâm
(Chiều hôm)
Ví không có cảnh đông tàn,
Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân
Nghĩ mình trong bước gian truân,
Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng.
(Tự khuyên mình)
Đêm thu không đệm cũng không chăn,
Gối quắp, lưng còng, ngủ chẳng an;
Khóm chuối trăng soi càng thấy lạnh,
Nhòm sang, Bắc Đẩu đã nằm ngang.
(Đêm thu)
Người biết lo âu, ưu điểm lớn
Nhà lao mở cửa, ắt rồng bay!
(Chiết tự)
Đầu non sớm sớm vầng dương mọc
Khắp núi nơi nơi rực ánh hồng.
(Cảnh buổi sớm)
Mỗi bài, dừng bút nghỉ ngơi
Qua khoảng cửa ngục, ngóng trời tự do.
(Đêm không ngủ)
Sự vật vần xoay đà định sẵn,
Hết mưa là nắng ửng lên thôi;
………………………………….
Người cùng vạn vật đều phơi phới,
Hết khổ là vui vốn lẽ đời.
(Trời hửng)
Từ những ví dụ đã nêu ở trên đủ để ta khẳng định trong Nhật kí trong tù, tư tưởng, cảm xúc và hình tượng thơ đều có sự vận động hướng về sự sống, ánh sáng, tương lai. Đây là kết quả của một tâm hồn lạc quan luôn hướng về phía trước. Nhưng cái gốc chính vẫn là ở Bác có ý niệm biện chứng về thời gian, cuộc sống và thời đại (chữ dùng của giáo sư Đặng Thanh Lê). Thơ ca cổ điển quan niệm thời gian là vòng tuần hoàn. Trong khi ý niệm về thời gian trong Nhật kí trong tù thể hiện nhãn quan của một con người đã lĩnh hội được những quan niệm hiện đại trong đó thời gian đồng nghĩa với sự phát triển. Chính ý niệm đó nên tư tưởng nhấn mạnh sự đổi thay sẽ tốt là điều chắc chắn. Ngày xưa Đặng Dung đã từ bất chí mà cất lên: “Quốc thù vị báo đầu tiên bạch, Vận khứ anh hùng ẩm hận đa”. Hồ Chí Minh cũng có: “Phát bạch liễu hứu đa” nhưng không giống tiền nhân:
Gian khó không lùi, vẫn tiến lên,
Thù nhà nợ nước, nghĩa đương nhiên
Quyết tâm gắng sức và kiên nghị
Nhất định thành công sẽ có phần.
(Đọc lời giáo huấn của ông Tưởng)