Hình ảnh nhân vật trữ tình trong tập thơ Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh và bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm

hinh-anh-nhan-vat-tru-tinh-trong-tap-tho-nhat-ki-trong-tu-ho-chi-minh

Hình ảnh nhân vật trữ tình trong tập thơ “Nhật kí trong tù” của Hồ Chí Minh và bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm

Về khái niệm nhân vật trữ tình, Từ điển thuật ngữ văn học đinh nghĩa như sau: “Nhân vật trữ tình là con người “đồng dạng” của tác giả – nhà thơ hiện ra từ văn bản của kết cấu trữ tình như một con người có đường nét hay một vai sống động có số phận cá nhân xác định hay có thế giới nội tâm cụ thể đôi khi có cả nét vẽ chân dung…”.

Trong văn chương trung đại, hình tượng nghệ thuật để lại ấn tượng nổi bật về con người đó là hình tượng người ẩn sĩ. Trong môi trường văn hóa trung đại, khái niệm ẩn sĩ dùng để chỉ những nhà Nho vì lí do nào đó mà bộ phận trí thức này có ngã rẽ về phía ẩn dật. Xét về lẽ xuất xử, về cơ bản là họ xa lánh cuộc đời, không màng đến thế sự công danh. Ở những con người này toát lên vẻ đẹp nhân cách cứng cỏi và bản lĩnh kiên cường, luôn làm chủ được hành vi của bản thân. Còn đối với thời cuộc họ bộc lộ sự an nhiên, tự tại của những con người đứng cao hơn hoàn cảnh, họ không màng danh lợi nhưng vẫn gắn bó với cuộc sống của người dân thường. Họ tìm về với thiên nhiên bằng lối sống ẩn dật.

Với Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh, hình ảnh của những bậc hiền triết phương Đông cũng xuất hiện. Chính điều này góp phần mang lại màu sắc cổ điển cho tập thơ. Đọc Nhật ký trong tù, bạn đọc bắt gặp một cái tôi trữ tình ung dung, nhàn dật, một tâm hồn hòa hợp với thiên nhiên mà cách thời đại Nhật ký trong tù bốn thế kỉ về trước cụ Trạng Trình đã từng có:

Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dù ai vui thú nào.
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ ,
Người khôn người đến chốn lao xao.
Thu ăn măng trúc đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao.
Rượu đến cội cây ta sẽ uống,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.

(Nhàn – Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Mãi đến bốn thế kỉ sau, Hồ Chí Minh lại viết bài thơ Tân xuất ngục học đăng sơn:

Phiên âm:

Vân ủng trùng sơn, sơn ủng vân,
Giang tâm như kính tịnh vô trần;
Bồi hồi độc bộ Tây Phong Lĩnh
Dao vọng Nam thiên ức cố nhân.

Dịch thơ:

Mới ra tù tập leo núi

Núi ấp ôm mây, mây ấp núi,
Lòng sông gương sáng, bụi không mờ,
Bồi hồi dạo bước Tây Phong Lĩnh
Trông lại trời Nam, nhớ bạn xưa

Con người xuất hiện trong không gian khoáng đạt, đứng giữa trời đất, đầu đội trời chân đạp đất, nối giữa trời và đất. Tân xuất ngục học đăng sơn là một thi phẩm đẹp bởi nhiều lẽ, trước hết là nhờ cảnh mang một vẻ đẹp hùng vĩ hài hòa, đẹp đến trong suốt. Sau đó là hình tượng nhân vật trữ tình xuất hiện với tư thế điềm nhiên dạo bước giữa thiên nhiên núi rừng như một vị tiên lạc giữa cõi trần.

Đặt bài thơ trong hoàn cảnh ra đời của nó được viết ngay sau khi ra tù, sau hơn một năm bị giam cầm (1942-1943), sức khỏe của Hồ Chí Minh bị giảm sút rất nhiều, đôi chân gần như bị tê liệt; ra tù, Người cố gắng tập leo núi, luyện cho sức khỏe sớm phục hồi để về nước ta mới thấy được bản lĩnh kiên cường, đứng cao hơn hoàn cảnh của người tù Hồ Chí Minh.

Đến với Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm, ta gặp được con người hòa mình với thiên nhiên vui cái thú điền viên để giữ cho tâm hồn được thanh khiết. Đến với Tân xuất ngục học đăng sơn của Hồ Chí Minh, bạn đọc được gặp một con người trước hết vượt lên trên hoàn cảnh khắc nghiệt của bản thân để bộc lộ, giãi bày tấm lòng trong sáng như gương: “Lòng sông gương sáng bụi không mờ”.

Đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm thiên nhiên là điều kiện cần để giữ mình. Đối với Hồ Chí Minh thiên nhiên là phương tiện để bộc lộ mình. Từ giữ mình đến bộc lộ mình là cả một khoảng cách, ở đây giữ thanh khiết là điều hiển nhiên đã đạt được. Rồi sau đó mới xét đến con người ung dung dạo bước giữa sơn thủy hữu tình nhưng tuyệt nhiên không bàng quan trước cuộc đời mà “Dao vọng Nam thiên ức cố nhân”. Đấy chính là những vẻ đẹp cổ điển của hình tượng nhân vật trữ tình trong “Nhật ký trong tù”.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.