dac-trung-cua-bai-van-nghi-luan

Đặc trưng của bài văn nghị luận

Đặc trưng của bài văn nghị luận

1. Tính lập luận chặt chẽ.

Văn nghị luận là đưa ra lí lẽ, lập luận, lập luận cần có sự lôgic hệ thống và tính chặt chẽ. Chặt chẽ được hiểu trong hệ thống lập luận: luận điểm, luận cứ, luận chứng phải thống nhất. Từng yếu tố một trong lập luận không được mâu thuẫn với nhau, tất cả phải phục vụ cho luận điểm để làm sáng tỏ vấn đề. Thêm nữa chặt chẽ còn trong cách hành văn, văn nghị luận cần có sự cứng mềm nhất định như một nghệ thuật lập luận để thuyết phục.

2. Tính thuyết phục cao:

Đây là một đặc trưng then chốt, một từ khóa quan trọng của văn nghị luận. Trong bài văn nghị luận, cần có sự nhào nặn ngôn từ, vận dụng tư duy và sắp xếp ý tưởng, dẫn chứng để tạo nên bài văn nghị luận đạt tính thuyết phục cao.

3. Tính trang trọng, công khai:

Ngoài đặc trưng về tính chặt chẽ, tính thuyết phục cao thì tính trang trọng, công khai là một đặc trưng không thể thiếu của văn nghị luận. Chúng tôi điểm qua một số văn bản nghị luận xưa: Bình Ngô đại cáo, Phú sông Bạch Đằng, Hịch tướng sĩ… những áng văn ấy đã trở nên bất hủ trong dòng chảy văn học nói chung và trong văn hóa của người Việt Nam nói riêng. Trong các văn bản ấy, tính trang trọng, công khai được tạo nên bởi không khí thời đại và hoàn cảnh tác phẩm ra đời và khoảnh khắc tác phẩm được đến với người đọc vào những thời điểm thiêng liêng của dân tộc ta.

Không dừng lại ở đó, không chỉ có văn nghị luận xưa mới có được đặc trưng trang trọng và công khai mà đến tận ngày hôm nay tính trang trọng và công khai là một đặc trưng cần có khi viết văn nghị luận. Đặt chung với đặc trưng tính chặt chẽ và tính thuyết phục cao, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng: Nếu không công khai có đủ để thuyết phục? Thuyết phục đâu chỉ với một người, một nhóm người mà là rất rất nhiều nguời. Chính vì thế cần có một sự công khai nhất định trong văn nghị luận, công khai về dẫn chứng, lập luận, lí lẽ…

Để làm được tất cả điều đó người viết cần có một sự trang trọng nhất định trong khi hành văn. Trang trọng trong thái độ lập luận và thuyết phục, trang trọng trong việc sử dụng ngôn ngữ để nghị luận. Khi lập luận để thuyết phục cần có một thái độ lắng nghe và trao đổi, không nên áp đặt suy nghĩ của mình lên suy nghĩ của người nghe, người đọc. Khi hành văn cần sử dụng ngôn ngữ bác học, ngôn ngữ viết tránh lối ngôn ngữ nói, không nên dùng khẩu ngữ, cần có sự trau chuốt ngôn từ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang