Bí quyết ôn thi học sinh giỏi văn đạt giải cao

bi-quyet-on-thi-hoc-sinh-gioi-van-dat-giai-cao

Phương pháp luyện thi học sinh giỏi văn đạt giải cao

I. Những điều cần làm của giáo viên

1 . Lựa chọn nhân tố.

Đây là bước quan trọng trước khi bắt đầu ôn luyện bồi dưỡng. Bởi vì, có lựa chọn kĩ lưỡng, đúng khả năng, phát hiện tố chất văn chương của các em thì mới hiệu quả trong công tác bồi dưỡng. Trong khi theo xu thế thời đại, các em ngại học văn, người dạy đội tuyển còn phải vừa dạy vừa “dỗ” rất vất vả. Nhưng giáo viên hãy coi đó là thử thách, vượt qua được sẽ đến thành công.

Bước lựa chọn có thể tiến hành theo cách: Trước hết, giáo viên đứng đội tuyển tìm hiểu lực học môn Ngữ văn THCS của học sinh; đọc kĩ các bài thi kiểm tra thường xuyên trên lớp, các bài thi khảo sát của học sinh. Sau đó lựa chọn những bài đạt điểm cao, trình bày rõ ràng, có cảm xúc. Sau đó, giáo viên tiếp tục ra đề kiểm tra riêng nhóm học sinh đã lựa chọn vào đội tuyển. Các bài kiểm tra phải hướng chọn lựa năng lực, kĩ năng học sinh như: Biết nhận diện phân tích dạng đề, kiểu bài; Kĩ năng lập dàn ý, tạo lập văn bản; Kĩ năng trình bày, diễn đạt các luận điểm; Kĩ năng phân tích cảm thụ từng chi tiết trong tác phẩm; Kĩ năng liên hệ so sánh, bình luận, đánh giá…

VD: Một số đề kiểm tra năng lực, kĩ năng học sinh qua tác phẩm “Thuật hoài” của Phạm Ngũ Lão (SGK Ngữ văn 10):

Câu 1. Chữ “thẹn” trong bài thơ “Thuật hoài – Phạm Ngũ Lão. Bài tập này nhằm kiểm tra năng lực cảm thụ chi tiết trong tác phẩm văn học của học sinh. Học sinh phải lí giải được: Tại sao tác giả lại “thẹn”? Các ý nghĩa của chữ “thẹn”.

Câu 2. Vẻ đẹp người anh hùng trong bài thơ “Thuật hoài” – Phạm Ngũ Lão. Bài tập này nhằm kiểm tra năng lực cảm thụ tác phẩm, các kĩ năng phân tích, so sánh, đánh giá, bình luận của học sinh.
Trong quá trình chấm bài, giáo viên chỉ ra những mặt mạnh và yếu qua bài làm của từng học sinh nhằm tạo sự đồng đều trong cách dạy học và tinh thần học tập lẫn nhau của các em.

2. Bồi dưỡng học sinh giỏi.

* Xây dựng kế hoạch dạy và học:

Xây dựng kế hoạch ôn luyện bồi dưỡng theo các chuyên đề phù hợp với thời gian dự kiến: Chuyên đề rèn luyện kĩ năng làm văn; Chuyên đề lí luận văn học; Chuyên đề nghị luận xã hội; Chuyên đề nghị luận văn học… Tích cực soạn giáo án theo các chuyên đề thật chi tiết, mở rộng nâng cao nhiều kiến thức, hệ thống bài tập phải thật sự phong phú đa dạng. Chấm, chữa bài học sinh cẩn thận và chu đáo sau mỗi chuyên đề giảng dạy. Tạo không khí cởi mở, hứng thú cố gắng khẳng định mình trong các bài viết tiếp theo của học sinh. Cung cấp các tài liệu đọc tham khảo cho học sinh hoặc gợi ý tư liệu cho học sinh tìm kiếm và tự tích lũy.

* Tiến hành bồi dưỡng theo chuyên đề:

Các chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi khá công phu. Để đạt hiệu quả tốt, giáo viên cần phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt các khâu trong quá trình ôn luyện và học tập trên lớp.

Trong dung lượng bài viết này, tôi xin trao đổi một vài kinh nghiệm trong việc ra đề và rèn luyện kĩ năng làm văn của học sinh lớp 10.

* Định hướng ra đề thi:

Việc ra đề là khâu quan trọng đầu tiên của quá trình phát hiện, đánh giá, lựa chọn học sinh giỏi. Bởi vì, đề đúng và hay sẽ kích thích hứng thú sáng tạo trong làm bài của học sinh, tránh đi những lối viết sáo mòn, ghi nhớ máy móc kiến thức. Từ đó, giáo viên có thể đánh giá khách quan, công bằng, chính xác năng lực học sinh.

Đề văn hay trước hết phải là một đề văn đúng: Đề văn thể hiện ở lập trường tư tưởng và quan điểm thẩm mĩ đúng đắn. Đồng thời, tính đúng đắn còn thể hiện ở việc trích dẫn đúng câu chữ và đúng quy cách; đúng phạm vi kiến thức, đúng mức độ, kiểu bài với những yêu cầu sáng sủa rõ ràng. Đề văn hay là đề không chỉ đúng mà còn phải đủ một số điều kiện như: Đề văn phải “vừa lạ vừa quen”; đề phải có chất văn, phải gây được cảm hứng; đề phải phân hóa được đối tượng.

Với những điều kiện cần và đủ như trên của một đề văn hay, cùng với xu hướng đổi mới của Bộ giáo dục dạy học theo hướng đánh giá năng lực của học sinh, tôi ra đề theo hướng mở: Thứ nhất, tăng cường các đề thi tích hợp gắn liền với thực tiễn đời sống, đặc biệt là đề nghị luận xã hội. Có thể ra đề với những vấn đề gần gũi với học sinh như tư tưởng đạo đức lối sống, các vấn đề xã hội mang tính thiết yếu, cập nhật như đọc sách, môi trường, bạo lực học đường… Thứ hai, đặc biệt với các đề nghị luận văn học, cần ra đề nhằm đánh giá năng lực cảm thụ, bình luận, đánh giá, so sánh, sáng tạo của học sinh. Cần có thêm những văn bản tác phẩm ngoài SGK để học sinh vận dụng năng lực đọc hiểu , tích hợp các kiến thức, kĩ năng đã được học phát huy tố chất của mình.

II. Những việc cần làm học sinh.

1. Yêu cầu cơ bản.

– Thường xuyên đọc và tích lũy tài liệu theo hướng dẫn của giáo viên. Làm các bài tập theo chuyên đề ôn luyện, học tập lẫn nhau cùng tiến bộ.

– Mở bài, kết bài phải tỏ ra đầu tư để viết hay, sáng tạo, đó là điểm khác biệt giữa bài văn của học sinh giỏi và bài văn của học sinh trung bình.

– Thân bài phải có bố cục rõ ràng và hành văn sáng.

– Bài viết vừa sâu vừa rộng về kiến thức.

– Tỏ ra am hiểu lí luận, vận dụng mức độ vào tác phẩm văn học cần làm.

– Bài làm phải có sức viết dài, động viên từ ba tờ giấy thi (12 trang) trở lên. Chữ đẹp hoặc dễ đọc, ưa nhìn, không cẩu thả, không được sai Tiếng Việt.

– Tham khảo những bài viết của các nhà phê bình, các bài văn đạt giải cao mấy năm lại đây, những bài viết hay của T.S Chu Văn Sơn, T.S Phan Huy Dũng…và nhiều người khác.

– Không thể áp dụng phương pháp máy móc. Phải chăng, phương pháp tốt nhất là không cần phương pháp?

2. Yêu cầu về năng lực tiếp nhận văn bản.

– Năng lực tiếp nhận văn bản văn học là khả năng nắm bắt đúng thông tin và giá trị của một văn bản văn học. Tức là trả lời các câu hỏi như:

+ Văn bản này nói về vấn đề gì?

+ Vấn đề đó có ý nghĩa như thế nào?

+ Nó được tác giả thể hiện bằng hình thức nghệ thuật nào độc đáo?…

– Năng lực tiếp nhận văn bản còn được đánh giá ở khả năng biết cách tiếp nhận văn bản. Nghĩa là biết phân tích, thưởng thức và đánh giá cái hay, cái đẹp của văn bản một cách khoa học, hợp lí, có sức thuyết phục.

– Muốn có được năng lực tiếp nhận văn bản, cần phải trang bị cả kiến thức, kĩ năng văn học – văn hóa và phải luyện tập nhiều, thực hành nhiều.

a. Về hệ thống kiến thức cơ bản:

– Có kiến thức về tác phẩm văn học:

+ Kiến thức về tác phẩm là toàn bộ các sáng tác văn học cụ thể mà một HS đọc được trong và ngoài chương trình: những bài thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, bút kí, kịch bản văn học, văn nghị luận (nghị luận văn học hoặc chính trị xã hội),…

+ Kiến thức về tác phẩm là một bộ phận quan trọng nhất của hệ thống kiến thức cơ bản về văn học. Vì nếu không nắm được tác phẩm thì coi như mọi kiến thức về văn học đều ít có ý nghĩa.

– Những nhận định về văn học sử hay bất kì một thuật ngữ, khái niệm lí luận văn học nào muốn có sức thuyết phục cũng phải dựa vào những tác phẩm văn học cụ thể, sinh động mà khái quát lên.

– Mặt khác, cung cấp những kiến thức văn học sử hay lí luận văn học trong nhà trường, cũng nhằm để giúp HS hiểu sâu hơn và tốt hơn những tác phẩm văn học cụ thể.

– Đối với hệ thống kiến thức tác phẩm, cần rèn luyện để đạt được các yêu cầu sau: nhiều, chọn lọc, hệ thống và chính xác.

+ Đọc nhiều thể hiện ở số lượng các văn bản văn học đọc được trong quá trình học tập và rèn luyện. Để được coi là đọc nhiều, cần đọc mở rộng ra ngoài chương trình và SGK.

+ Đọc có chọn lọc là nói đến chất lượng của các văn bản văn học đọc được. Đọc nhiều mà không chọn lọc thì không bằng đọc ít hơn mà có chọn lọc. Đọc có chọn lọc tức là đọc một quyển sách thật sự có giá trị. Đọc có chọn lọc gắn liền với đọc kĩ, đọc có suy ngẫm, suy nghĩ sâu xa.

+ Nắm kiến thức tác phẩm một cách chọn lọc, trước hết cần nắm vững các tác phẩm đã được đưa vào chương trình và SGK (kể cả đọc thêm). Sau đó mới tham khảo mở rộng đến những tác phẩm khác ngoài chương trình. (Tránh tình trạng không thuộc, không nhớ những tác phẩm đã học, lại dẫn ra những tác phẩm đọc được ở ngoài chương trình, không tiêu biểu và thiếu tính chọn lọc.)

– Đọc có hệ thống đòi hỏi phải biết sắp xếp các tác phẩm đọc được theo một hệ thống nào đó. Có thể xếp theo lịch sử văn học, thể loại hoặc theo các đề tài lớn. Nghĩa là khi đọc một tác phẩm, cần nắm được bối cảnh lịch sử, hoàn cảnh ra đời, thể loại và đề tài của mỗi tác phẩm văn học.

– Khi tìm hiểu một tác phẩm, cần liên hệ đến bối cảnh lịch sử ấy và so sánh với các tác phẩm cùng thời, cũng như các tác phẩm viết cùng đề tài, cùng thể loại ở các giai đoạn khác nhau để thấy vẻ đẹp của chúng.

Ví dụ, khi phân tích hay bình bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh trong Nhật kí trong tù. Bài viết muốn hay, hấp dẫn và phong phú thì phải biết liên hệ, so sánh với nhiều bài thơ cùng viết về trăng ở trong và ngoài nước.

Người ta có thể so sánh với hình ảnh trăng trong thơ Lí Bạch, Đỗ Phủ, trăng trong ca dao, dân ca, trăng trong thơ Nguyễn Trãi, trong Truyện Kiều của Nguyễn Du,…

Người ta cũng so sánh với trăng trong một số thi phẩm cùng thời với bài Ngắm trăng của Bác: trăng trong thơ Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên,…

“Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá!

Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô”.

Cũng có thể so sánh vầng trăng trong bài Ngắm trăng với các bài khác của Nhật kí trong tù và trong những bài thơ Người viết khi ở chiến khu Việt Bắc,…

Tóm lại, từ chương trình “khung” của SGK, HS có thể đọc rộng ra (đọc toàn bộ tác phẩm, đọc các tác phẩm khác của cùng tác giả, đọc các tác phẩm của các tác giả khác cùng thời hoặc cùng đề tài đó,…).

* Có hiểu biết chính xác về tác phẩm:

– Trước hết là nắm được nội dung tác phẩm: cốt truyện, tính cách nhân vật chính, những tình tiết quan trọng, chi tiết độc đáo,… (tác phẩm tự sự), những câu thơ hay, hình ảnh tinh tế,… (tác phẩm trữ tình – thơ).

+ Có khi cần chính xác đến cả dấu câu và cách ngắt nhịp đặc biệt. Những dấu câu và ngắt nhịp đặc biệt ở nhiều tác phẩm cụ thể trong khi phân tích, bình giảng cần khai thác hết cái hay, cái đẹp vốn có của tác phẩm văn chương.

+ Bài viết sẽ thiếu thuyết phục và ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng nếu trích dẫn thơ văn sai, nhất là các tác phẩm đã học trong chương trình, những câu thơ, lời văn nổi tiếng.

Như thế, người học phải nhớ nhiều, thuộc nhiều. Nên tích luỹ, ghi chép và hệ thống hóa kiến thức tác phẩm theo cách ấy. Làm thế nào để khi bàn về một vấn đề hay viết về một ý nào đó, hay phân tích một câu thơ nào đó, có thể sử dụng dẫn chứng một cách linh họat ở những tác giả khác nhau để thấy tuy cùng viết về một đề tài nhưng cách thể hiện rất đa dạng và phong phú (tuỳ vào yêu cầu của vấn đề mà lựa chọn và huy động một dung lượng kiến thức cho phù hợp).

– Thứ hai, phải hiểu được, nắm được cái hay, cái đẹp, về nội dung và nghệ thuật của những tác phẩm ấy.

+ Nhất là những tác phẩm đã được nghe giảng trên lớp, sau khi học xong, phải đọng lại được những gì đáng nhớ ở tác phẩm ấy (những đoạn thơ, câu thơ hay; những chi tiết, những hình tượng nhân vật đặc sắc,.. kèm theo đó là nhận thức về giá trị nội dung và nghệ thuật cơ bản nhất của tác phẩm). Những kiến thức này được cung cấp rất cụ thể và chi tiết qua các giờ đọc văn.

Ở những tác phẩm đọc thêm, tự đọc, các em cần tự suy nghĩ và xác định lấy theo các yêu cầu trên.

b. Kiến thức văn học sử.

Văn học sử nghiên cứu tiến trình phát triển của văn học, bao gồm quá trình phát sinh và phát triển của các xu hướng, trào lưu, tác gia, tác phẩm,… dưới ảnh hưởng của những điều kiện xã hội – lịch sử nhất định.

Trong nhà trường phổ thông, kiến thức văn học sử thường được trình bày thành những bài Khái quát văn học.

Có kiến thức văn học sử vững chắc là có thể trả lời những câu hỏi khái quát về một nền văn học, một giai đoạn văn học,… Chẳng hạn:.

Văn học Việt Nam có mấy bộ phận? Văn học viết có thể chia làm mấy giai đoạn? Mỗi giai đoạn có những tác giả và tác phẩm tiêu biểu nào? Những chủ đề lớn xuyên suốt nền văn học dân tộc là gì?

Nêu những nét lớn về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của một nhà văn lớn (Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Chí Minh, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu,…). Nội dung tư tưởng chính trong tác phẩm của nhà văn này là gì?

Hoàn cảnh ra đời của một số tác phẩm lớn (Đại cáo bình Ngô, Truyện Kiều)

Những đặc điểm lớn về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm đó.

Nắm vững văn học sử, HS sẽ tiếp nhận văn học một cách cơ bản, có hệ thống, không phiến diện,… để từ đó có một cách nhìn nhận và đánh giá đúng các tác giả và tác phẩm văn học. Văn học sử cũng giúp cảm nhận, phân tích, đọc – hiểu văn bản văn học sâu hơn, đúng hơn.

Rõ ràng, khi phân tích một tác phẩm nào đó, cần xem xét không chỉ những yếu tố trong văn bản mà còn phải căn cứ thêm nhiều yếu tố khác ngoài văn bản, như cuộc đời nhà văn, bối cảnh lịch sử, xã hội, gia đình, bạn bè,… đã góp phần hình thành tư tưởng nhà văn đó như thế nào, rồi hoàn cảnh sáng tác một tác phẩm cụ thể,… Những kiến thức ấy đều do văn học sử cung cấp.

Ví dụ, phân tích bài thơ Ngắm trăng trong tập Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh:

Ở đây, ngoài việc phân tích cái hay, cái đẹp của văn bản, từ văn bản, trong từng câu chữ, ý tứ của bài thơ, nếu chúng ta lại đặt bài thơ trong hoàn cảnh sáng tác của toàn tập thơ, soi rọi nội dung và nghệ thuật bài thơ từ phong cách chung của toàn bộ tập Nhật kí trong tù, rồi lại liên hệ với những sáng tác của các nhà thơ khác ở cùng một giai đoạn, cùng viết về trăng,… chúng ta sẽ cảm nhận bài thơ sâu sắc hơn, thấm thía hơn.

c. Kiến thức lí luận văn học.

– Lí luận văn học nghiên cứu bản chất, chức năng xã hội và chức năng thẩm mĩ, cũng như những quy luật của sáng tác văn học, xây dựng phương pháp luận nghiên cứu văn học và phương pháp phân tích tác phẩm văn học,… lí luận văn học được thể hiện bằng hàng loạt thuật ngữ, khái niệm.

– Các thuật ngữ, khái niệm này có ở :

+ Bất kì bài đọc văn nào trên lớp,

+ Hoặc ở một số bài lí luận văn học giới thiệu, tổng kết về cách đọc các thể loại như đọc truyện và tiểu thuyết, đọc thơ, đọc kịch, đọc văn nghị luận (lớp 11);

Vấn đề Các giá trị văn học và Tiếp nhận văn học, Phong cách văn học và Quá trình văn học (lớp 12).
Chẳng hạn, những thuật ngữ như đề tài, chủ đề, hình tượng, tự sự, trữ tình, anh hùng ca, điển hình, hư cấu, tiểu thuyết, lãng mạn, ước lệ, tượng trưng,…

Trong quá trình tích luỹ kiến thức lí luận văn học, để vận dụng vào bài làm được tốt, cần chú ý hai điểm sau đây:

Một là, bao giờ cũng đặt ra các câu hỏi xung quanh vấn đề và thuật ngữ khái niệm lí luận văn học mà đang cần tìm hiểu.

Ví dụ, khi gặp các thuật ngữ chủ đề, đề tài hay nhân vật, hãy tự đặt ra và tìm cách lí giải các câu hỏi như:

+ Thế nào là đề tài? Thế nào là nhân vật trong tác phẩm văn học?
+ Đề tài khác với chủ đề ở chỗ nào? Đề tài và chủ đề có ý nghĩa như thế nào trong việc tìm hiểu tác phẩm văn học?
+ Nhân vật trong tác phẩm văn học có những loại nào? Tại sao lại chia ra các loại nhân vật như thế?
+ Chia như thế để làm gì và có ý nghĩa gì trong việc phân tích, cảm nhận tác phẩm văn học?

– Sâu sắc hơn nữa, có thể đặt ra các câu hỏi như:

+ Nhân vật trong truyện cổ dân gian có những đặc điểm gì?
+ Loại nhân vật ấy có gì khác so với những nhân vật trong các tác phẩm văn học hiện đại?
+ Tại sao loại nhân vật này miêu tả theo lối tả thực, nhân vật kia lại miêu tả theo lối ước lệ, tượng trưng?,..

Hai là, để hình thành và củng cố các kiến thức lí luận được vững chắc, cần gắn các kiến thức ấy với tác phẩm văn học cụ thể, liên hệ, đối chiếu để làm sáng tỏ những hiểu biết của mình về lí luận văn học qua các hình tượng văn học cụ thể, sinh động, tránh lí luận chung chung, khô khan, trừu tượng.

d. Kiến thức văn hóa tổng hợp.

– Để có năng lực tiếp nhận, còn cần trang bị rất nhiều kiến thức văn hóa phổ thông cơ bản khác.

+ Những kiến thức phổ thông như lịch sử, địa lí, âm nhạc, hội họa, điện ảnh, sân khấu,… và những tập quán văn hóa khác nhau ở những vùng miền khác nhau có vai trò rất to lớn đối với việc tiếp nhận văn bản văn học.

+ Tất nhiên, những kiến thức này chỉ yêu cầu ở một mức độ vừa phải, đúng với tâm lí lứa tuổi và trình độ của cấp học.

– Nhà văn lớn bao giờ cũng đồng thời là nhà văn hóa. Tác phẩm văn học lớn là sự kết tinh của những giá trị văn hóa tổng hợp.

+ Trước những áng văn hay, những tác phẩm văn học lớn, người đọc, người tiếp nhận, phân tích và bình giá tác phẩm văn học cũng phải nâng mình lên “ngang tầm” hoặc ít ra
cũng rèn luyện để có một vốn liếng “văn hóa tổng hợp” khá phong phú thì mới có thể hiểu đúng, cảm nhận đúng để nhờ đó nói đúng, viết hay về tác phẩm văn học.

+ Nhà thơ W. Whitman đã từng khẳng định: “Những tác phẩm lớn cần những độc giả lớn”. Độc giả lớn ở đây chính là những độc giả có vốn văn hóa cao, có nhiều hiểu biết.

– Để có vốn văn hóa tổng hợp, cần biết vận dụng các tri thức của nhiều môn học khác như lịch sử, địa lí, mĩ thuật (nhạc, họa), kể cả kiến thức từ các môn khoa học tự nhiên và đặc biệt là qua các phương tiện công nghệ thông tin, truyền thông (ICT) như internet, truyền hình, báo chí, sách vở,…

– Ngoài ra, người cảm thụ tác phẩm cũng rất cần những hiểu biết về chính trị – đời sống, những kinh nghiệm và sự từng trải cá nhân.

+ Trong thực tế rất nhiều HS không biết đèo Ngang thuộc tỉnh nào, nằm ở vị trí nào, không biết các con sông lớn như sông Hồng, sông Mã, sông Thu Bồn, sông Đồng Nai, sông Hương, sông Đà… chảy qua những đâu, không có những hiểu biết sơ giản về những danh lam thắng cảnh, những di tích lịch sử nổi tiếng của Việt Nam cũng như của thế giới, như thế khó lòng hiểu được tác phẩm.

+ Văn học là một môn nghệ thuật, nó có quan hệ đến nhiều nghệ thuật khác, cho nên những hiểu biết về âm nhạc, hội họa, điện ảnh,… nhất là biết đến các danh nhân và các kiệt tác nghệ thuật cũng hết sức cần thiết.

3. Kĩ năng tiếp nhận văn bản.

– Ngoài việc nắm vững kiến thức, cần rèn luyện để có cách thức tiếp nhận văn bản văn học. Kĩ năng tiếp nhận văn học thể hiện ở khả năng biết cảm thụ, nhận biết, chỉ ra và lí giải được cái hay, cái đẹp của văn bản văn học một cách chính xác, độc đáo, giàu sức thuyết phục.

– Văn bản văn học là một loại văn bản đặc biệt. Nó phản ánh cuộc sống, con người thông qua phương tiện nghệ thuật ngôn từ. Muốn hiểu được cái hay, cái đẹp về nội dung của văn bản văn học trước hết người đọc phải thông qua ngôn từ, vượt qua được bức tường ngôn ngữ và thấy được tác dụng của các hình thức nghệ thuật được sử dụng trong văn bản.

– Như thế, muốn hiểu văn bản văn học, muốn mở cánh cửa bước vào thế giới hình tượng của tác phẩm, phải biết cách; phải rèn luyện nhiều để có kĩ năng tiếp nhận loại văn bản này.* Một số lưu ý về kĩ năng và cách thức tiếp nhận văn bản văn học:

– Nguyên tắc hàng đầu của tiếp nhận văn bản văn học là không được thoát li văn bản – không được suy diễn một cách tuỳ tiện, thiếu cơ sở – mà phải dựa vào câu chữ và các biểu hiện hình thức của văn bản.

+ Cái hay cái đẹp của nội dung phải được phân tích, chỉ ra, thưởng thức và đánh giá thông qua hình thức nghệ thuật của văn bản.

+ Trong quá trình luyện tập phân tích, cảm thụ văn bản văn học, cần nắm được các hình thức nghệ thuật mà nhà văn thường vận dụng để tạo nên hình tượng văn học và thế giới nghệ thuật trong tác phẩm.

+ Các hình thức này không nhiều, nó giống như hệ thống chữ cái trong một ngôn ngữ. Với tiếng Việt chỉ cần 24 chữ cái chúng ta có thể ghép lại thành vô số các từ, ngữ, câu văn,… khác nhau. Nhà văn khi tạo nên tác phẩm của mình cũng dựa trên một số yếu tố hình thức nghệ thuật nhất định.

– Một số yếu tố cơ bản mà bất kì nhà văn nào cũng phải sử dụng. Nghĩa là khi đọc – hiểu, phân tích, cảm nhận văn bản văn học phải dựa vào các yếu tố này để chỉ ra thông điệp nội dung và ý nghĩa của văn bản đó. Các yếu tố đó là:

+ Ngữ âm: vần điệu, thanh điệu, nhịp điệu.
+ Từ ngữ, hình ảnh, các phép tu từ.
+ Không gian và thời gian.
+ Nhân vật: nhân vật trong tác phẩm văn xuôi và trong tác phẩm trữ tình.
+ Cốt truyện: tình huống truyện, các biến cố và cách tổ chức biến cố.
+ Chi tiết.
+ Đặc điểm lời văn.

+ Bút pháp miêu tả: tả người và tả cảnh, tả ngoại hình và tả nội tâm,…

Mỗi văn bản văn học được viết theo một thể loại nào đó và thể loại ấy sẽ “buộc” tác giả lựa chọn một số yếu tố hình thức nghệ thuật phù hợp nêu trên để thể hiện nội dung.

– Quy trình phân tích, cảm thụ (tiếp nhận) một văn bản văn học rất đạ dạng và phong phú, tuy nhiên trong nhà trường phổ thông, trước hết, HS cần rèn luyện theo quy trình ba bước mà nhiều người đã tổng kết (thường gọi là quy trình tổng – phân – hợp):

+ Bước 1 : Xác định và nêu cảm nhận chung về văn bản được phân tích.

Bước 2: Phân tích chi tiết bằng việc đi sâu vào các hình thức nghệ thuật đặc sắc của văn bản để chỉ ra nội dung tiềm ẩn trong đó nhằm làm sáng tỏ cảm nhận chung ở bước 1.

Bước 3: Tổng hợp, khái quát lại những phân tích cụ thể ở bước 2 để nêu lên nhận xét, đánh giá về giá trị, những nét độc đáo của văn bản được phân tích.

* Một số sai sót cần tránh trong phân tích văn bản văn học:

– Kể lại cốt truyện và diễn xuôi nội dung bài thơ. Phân tích tác phẩm Chí Phèo nhưng người viết lại chỉ tập trung kể lại câu chuyện trong đó như là bản tóm tắt tác phẩm; hoặc phân tích bài thơ Tây Tiến thì diễn xuôi nội dung bài thơ ấy thành văn xuôi.

– Không nắm được nội dung cụ thể của tác phẩm (không đọc hoặc nhớ không chính xác) dẫn đến tình trạng lẫn lộn tên nhân vật, các chi tiết, tên tác phẩm và trích dẫn thơ sai,…

– Chỉ nêu nội dung không thấy vẻ đẹp của hình thức nghệ thuật.

– Tách nội dung ra khỏi nghệ thuật, không thấy mối liên hệ và không chỉ ra nội dung từ các hình thức nghệ thuật. Bài viết thường để gần cuối mới nói về nghệ thuật một cách chung chung, chẳng liên quan gì đến những nội dung vừa nêu ở phần trên.

– Suy diễn cứng nhắc, gượng ép, thậm chí thô thiển về nội dung, ý nghĩa cũng như tác dụng của các yếu tố nghệ thuật trong văn bản.

– Nắm chắc cách thức phân tích, cảm nhận văn bản văn học sau đó luyện tập nhiều sẽ tránh được những sai sót vừa nêu.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.