»» Nội dung bài viết:
Chứng minh sự tài tình, tinh tế trong nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật của đại thi hào Nguyễn Du được thể hiện qua một số đoạn trích trong Truyện Kiều.
Gợi ý làm bài:
1. Đoạn trích “Trao duyên”:
Sự tài tình, tinh tế trong miêu tả nội tâm nhân vật của Nguyễn Du được thể hiện tập trung qua việc sử dụng thành công đối thoại và độc thoại; kết hợp với thành ngữ dân gian:
– Đoạn trích là sự đồng cảm của Nguyễn Du với Kiều trong hoàn cảnh trao duyên:
+ Từ sự bình tĩnh lúc đầu:
““… Cậy em em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
Giữa đường đứt gánh tương tư,
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.
Kể từ khi gặp chàng Kim,
Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề.
Sự đâu sóng gió bất kì,
Hiếu tình[3] khôn lẽ hai bề vẹn hai.
Ngày xuân em hãy còn dài,
Xót tình máu mủ thay lời nước non.
Chị dù thịt nát xương mòn,
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.“
+ Sự hẫng hụt khi trao kỉ vật:
“Chiếc vành với bức tờ mây,
Duyên này thì giữ vật này của chung.
Dù em nên vợ nên chồng,
Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên.
Mất người còn chút của tin,
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa”.
+ Đến nỗi đau mất mát tưởng như sinh li tử biệt:
“Mai sau dù có bao giờ,
Đốt lò hương ấy so tơ phím này.
Trông ra ngọn cỏ lá cây,
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về
Hồn còn mang nặng lời thề,
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai”
+ Đến sự ám ảnh bởi cái chết:
“Dạ đài cách mặt khuất lời,
Rưới xin giọt nước cho người thác oan”
+ Cuối cùng là cảm giác thương thân, tủi phận, uất ức khôn cùng:
“Bây giờ trâm gãy gương tan,
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!
Trăm nghìn gửi lạy tình quân,
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!
Phận sao phận bạc như vôi!
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.
Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!”
+ Nguyễn Du đã nhập thân vào người trong cuộc để từng câu thơ là từng dòng tâm trạng. Cái tài của Nguyễn Du thể hiện ở việc diễn tả sâu sắc, tinh tế những cảm xúc sâu kín của nhân vật: cảm giác trao đi nhưng không nỡ rời (“của chung”, “hồn còn mang nặng lời thề”); là chút níu kéo cho dù đã quyết lòng dứt bỏ (“ắt lòng chẳng quên”, “rưới xin giọt nước..”); là một chút chạnh lòng khi nghĩ phận mình bèo bọt, thác oan (phận bạc, người thác oan,)… Tất cả những cảm xúc ấy tạo nên sự giằng xé giữa lí trí và tình cảm, giữa hoàn cảnh và khát vọng, trở thành bi kịch.
2. Đoạn trích “Nỗi thương mình”:
– Đoạn trích miêu tả tâm trạng Thuý Kiều qua bút pháp ước lệ tượng trưng, ngôn ngữ nửa trực tiếp; hàng loạt câu hỏi tu từ dồn dập, hàng loạt các thành ngữ, điệp từ để miêu tả chính xác, tinh tế các cung bậc cảm xúc trong nỗi đau khổ, ê chề của Thuý Kiều:
“Biết bao bướm lả ong lơi[,
Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm.
Dập dìu lá gió cành chim,
Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Trường Khanh.
– Bút pháp ước lệ, tượng trưng: bướm, ong, cuộc vui, trận cười → Cảnh sinh hoạt xô bồ, tấp nập ở chốn lầu xanh
– Sử dụng điển cố, điển tích: lá gió, cành chim, Tống Ngọc, Trường Khanh.
– Nghệ thuật tiểu đối, gợi nên sự bẽ bàng, xấu hổ của Thúy Kiều: bướm lả – ong lơi, cuộc vui…- trận cười…., sớm – tối
– Từ ngữ chỉ mức độ: biết bao, đầy tháng, suốt đêm
⇒ Cuộc sống xô bồ ở lầu xanh, Kiều phải tiếp khách làng chơi suốt ngày đêm. Đây là một tình cảnh trớ trêu của cuộc đời Kiều khi bị vùi dập, chà đạp cả thể xác và nhân phẩm.
– Khi sống thật với chính mình, Kiều bàng hoàng , xót xa cho thân phận của mình và phải chăng đó cũng chính là tiếng nói đòi quyền sống cá nhân của con người trong xã hội phong kiến của Nguyễn Du- con người biết nhận thức và ý thức về hạnh phúc của mình:
Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,
Giật mình mình lại thương mình xót xa
Trong chốn lầu xanh nơi mà tất cả đều phù phiếm, đồng tiền lên ngôi, Kiều vẫn cố gắng tách mình ra, tìm một tâm hồn tri âm, thể hiện khát vọng sống trong sạch của Kiều mà ta thật sự đáng trân trọng:
Khi sao phong gấm rủ là,
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường.
Mặt sao dày gió dạn sương,
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân!
Mặc người mưa Sở mây Tần[4],
Những mình nào biết có xuân là gì[5].
Đòi phen gió tựa hoa kề[6],
Nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thâu.
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?
Đòi phen nét vẽ câu thơ,
Cung cầm trong nguyệt nước cờ dưới hoa.
Vui là vui gượng kẻo là,
Ai tri âm đó mặn mà với ai?
3. Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”:
– Nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật của Nguyễn Du đạt đến độ tinh tế, sâu sắc qua bút pháp tả cảnh ngụ tình và ngôn ngữ độc thoại nội tâm:
+ Tác giả dựng lên chân dung tâm cảnh của Kiều vừa trải qua cơn giông tố đầu tiên trong bước trầm luân:
Trước lầu Ngưng Bích khoá xuân,
Vẻ non xa tấm trang gần ở chung.
Bốn bề bát ngát xa trông,
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia.
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.
Tâm trạng chua xót vì nhà tan, tình vỡ:
“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,
Tin sương luống những rày trông mai chờ
Bên trời góc bể bơ vơ,
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.
Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm”.
+ Tâm trạng cô đơn, bơ vơ nơi góc bể chân trời, tương mai mờ mịt, hãi hùng, tuyệt vọng:
Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng canh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.