Chủ đề suy nghĩ tích cực và suy nghĩ tiêu cực
I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:
Cùng một cơn mưa, người tiêu cực sẽ bực mình vì phải trùm áo mưa, người lạc quan thì nghĩ đến cây cối xanh tươi, không khí sẽ được trong lành. Và một khi chúng ta không thể thay đổi được hiện tượng xảy ra, tốt nhất là nhìn nó bằng ánh mắt tích cực. Cái thiện có thể sẽ thua cái ác trong một thời điểm nhưng chung cuộc sẽ chiến thắng. Cứ sau một sự cố, con người lại tìm nguyên nhân và khắc phục nó. Sau lũ lụt, phù sa sẽ làm màu mỡ hơn cho cánh đồng, sâu bọ sẽ bị quét sạch ra biển, dư lượng hóa chất trong đất đai sẽ bị rửa sạch. Lỗi lầm của người khác, thay vì giữ trong lòng và tức giận, thôi bỏ qua, mình sẽ thấy thoải mái hơn rất nhiều. Nói một cách khác, nếu bạn được sống 100 năm, xem như là một bộ phim có 100 tập, thì hãy tạo ra ít nhất 2/3 tập có tiếng cười thay vì tập nào cũng rơi vào bi kịch chán chường, đau khổ, chia lìa, mất mát.
Trong từ Hán Việt, nguy cơ bao gồm nguy và cơ. Đối với người có tư duy tích cực, “nguy” (problem) sẽ được họ biến thành “cơ” (opportunity). Người tích cực và lạc quan sẽ có gương mặt sáng bừng, nụ cười thường trực trên môi, sống và cháy hết mình, học tập và làm việc hết mình dù ngày mai trời có sập.
(Trích Tư duy tích cực, Theo Tony Buổi sáng, trên đường băng, NXB Trẻ, 2015)
Câu 1: (0,5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên.
Câu 2: (0,75 điểm) Từ “cháy” trong câu cuối cùng của ngữ liệu trên cần hiểu như thế nào? Từ “cháy” đó được chuyển nghĩa theo phương thức nào?
Câu 3: (0,75 điểm) Anh/chị hiểu như thế nào về câu : “Đối với người có tư duy tích cực, “nguy” (problem) sẽ được họ biến thành “cơ” (opportunity) ”?
Câu 4: (1,0 điểm) Thông điệp nào từ đoạn trích trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị?
* Gợi ý trả lời:
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.
Câu 2: Từ “cháy” trong câu cuối cùng của ngữ liệu cần được hiểu là: con người dám dấn thân, dám đem hết nhiệt huyết để sống trọn vẹn cuộc đời và tỏa sáng. Từ “cháy” được chuyển nghĩa theo phương thức ẩn dụ.
* Lưu ý: HS có thể có những cách trả lời khác nhưng nếu đúng ý, phù hợp vẫn cho điểm tối đa.
Câu 3: Câu nói đó được hiểu như sau: Với những người tích cực, họ sẽ luôn tìm thấy cơ hội tốt trong những cái nguy nan.
Câu 4: Thông điệp: Hãy luôn nhìn mọi thứ theo hướng tích cực nhất có thể.
Đề bài 2:
I. Đọc hiểu (3,0điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
– Ông ơi, cuộc sống là gì? – Một cậu bé da đỏ hỏi ông mình.
– Ông cảm thấy cuộc sống như hai con sói đang đánh nhau, một con thì hung dữ, đầy thù hận, còn một con thì tràn ngập lòng yêu thương, vị tha. – Người ông trả lời.
– Thế con sói nào sẽ chiến thắng hả ông? – Đứa cháu ngây thơ hỏi.
– À, điều này còn tùy vào chúng ta muốn con nào thắng, cháu ạ! – Người ông chậm rãi đáp.
Câu chuyện trên hé mở cho chúng ta thấy một quy luật bất biến của vũ trụ, một quy luật có khả năng thay đổi cuộc đời của mỗi chúng ta. Chúng ta sẽ trở nên những gì mình nghĩ.
Nói một cách đơn giản, nếu chúng ta suy nghĩ tích cực, thì những điều tốt đẹp của cuộc sống cũng đến với chúng ta. Ngược lại, những suy nghĩ tiêu cực chỉ đem lại cho chúng ta những điều không mong đợi. Hãy hình dung ý nghĩ như những hạt giống được gieo trong tâm hồn. Hạt giống tốt sẽ đem về những vụ mùa bội thu, hạt giống xấu chỉ cho quả đắng. Đúng như những gì trong quyển “The power of Positive Thinking” (Quyền năng của suy nghĩ tích cực), tiến sĩ Norman Vincent Peale đã viết: “Hãy kì vọng, chứ đừng hoài nghi. Vì sự kì vọng sẽ giúp bạn vượt qua bất kì khó khăn, trở ngại nào. Còn sự hoài nghi sẽ chỉ ngăn trở bạn mà thôi”.
Do đó, mỗi người trong chúng ta đều có thể tạo nên những điều tốt đẹp nhất cho cuộc sống của mình. Biết bắt tay vào thực hiện những công việc được coi là tốt nhất dành cho mình tức là bạn đang gửi một thông điệp rằng bạn không những biết quý trọng bản thân mà bạn còn mến yêu cuộc đời này biết bao. Với cuộc sống và với cá nhân bạn, không có điều gì là không thể. Bạn hãy tin vào điều đó!
(Trích Điều kì diệu của thái độ sống, Tác giả: Mac Anderson, Dịch giả: Hiếu Dân, Thế Lâm, Văn Khanh, NXB Tổng hợp TPHCM, 2016, tr 05)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính trong văn bản trên?
Câu 2. Nêu tác dụng biện pháp tu từ trong câu: Hãy hình dung ý nghĩ như những hạt giống được gieo trong tâm hồn. Hạt giống tốt sẽ đem về những vụ mùa bội thu, hạt giống xấu chỉ cho quả đắng?
Câu 3. Theo văn bản,thế nào là suy nghĩ tích cực, thế nào là suy nghĩ tiêu cực?
Câu 4. Thông điệp mà anh/chị tâm đắc nhất qua văn bản.
* Gợi ý trả lời:
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính trong văn bản: nghị luận
Câu 2. Biện pháp tu từ trong câu “ý nghĩ như những hạt giống được gieo trong tâm hồn” là biện pháp so sánh; biện pháp đó cótác dụng làm cho nhận định về tầm quan trọng của ý nghĩ có hình ảnh cụ thể. Qua đó, người đọc hình dung rõ hơn tác dụng của ý nghĩ tốt và hậu quả của ý nghĩ xấu.
Câu 3. Cách hiểu về suy nghĩ tích cực, suy nghĩ tiêu cực trong văn bản:
– Suy nghĩ tích cực: là suy nghĩ theo chiều hướng tốt làm cho con người lạc quan, vui vẻ; theo đó những điều tốt đẹp sẽ đến.
– Suy nghĩ tiêu cực: là suy nghĩ theo chiều hướng xấu làm cho con người bất an, lo lắng, chỉ nhận được những điều bất lợi.
Câu 4. Học sinh có thể trình bày thông điệp tâm đắc nhất theo ý riêng. Yêu cầu chung là phải xuất phát từ văn bản, diễn đạt gọn rõ, không vi phạm chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
Xem thêm: