Suy nghĩ về lối sống tiêu cực và lối sống tích cực qua ý nghĩa câu chuyện Hai hạt mầm

suy-nghi-ve-loi-song-tieu-cuc-va-loi-song-tich-cuc-qua-y-nghia-cau-chuyen-hai-hat-mam

Suy nghĩ về lối sống tiêu cực và lối sống tích cực qua ý nghĩa câu chuyện “Hai hạt mầm”

Có hai hạt mầm nằm cạnh nhau trên một mảnh đất màu mỡ. Hạt mầm thứ nhất nói: Tôi muốn lớn lên thật nhanh. Tôi muốn bén rễ sâu xuống lòng đất và đâm chồi nảy lộc xuyên qua lớp đất cứng phía trên…

Tôi muốn nở ra những cánh hoa dịu dàng như dấu hiệu chào đón mùa xuân… Tôi muốn cảm nhận sự ấm áp của ánh mặt trời và thưởng thức những giọt sương mai đọng trên cành lá.
Và rồi hạt mầm mọc lên. Hạt mầm thứ hai bảo:

–  Tôi sợ lắm. Nếu bén những nhánh rễ vào lòng đất sâu bên dưới, tôi không biết sẽ gặp phải điều gì ở nơi tối tăm đó. Và giả như những chồi non của tôi có mọc ra, đám côn trùng sẽ kéo đến và nuốt ngay lấy chúng. Một ngày nào đó, nếu những bông hoa của tôi có thể nở ra được thì bọn trẻ con cũng sẽ vặt lấy mà đùa nghịch thôi. Không, tốt hơn hết là tôi nên nằm ở đây cho đến khi cảm thấy thật an toàn đã. Và rồi hạt mầm nằm im và chờ đợi.

Một ngày nọ, một chú gà đi loanh quanh trong vườn tìm thức ăn, thấy hạt mầm nằm lạc lõng trên mặt đất bèn mổ ngay lập tức.

Thảo Nguyên (Theo The Seeds of Life)


  • Mở bài:

Không bao giờ nên cho kẻ chỉ giăng buồm lúc mọi nguy hiểm đã qua ra biển. Đời người là một chặng đường dài với nhiều điều mà ta không thể nào lường trước được, nhưng mỗi chúng ta dù theo cách này hoặc cách khác đều phải lớn lên phải đi qua mọi giông tố. Câu chuyện về suy nghĩ và lối sống tích cực của “Hai hạt mầm” đã để lại cho chúng ta bài học sâu sắc.

  • Thân bài:

1. Ý nghĩa câu chuyện “Hai hạt mầm”:

Câu chuyện kể về hai hạt mầm nằm cạnh nhau trên cùng một mảnh đất. Hạt mầm thứ nhất thì muốn vươn lên mạnh mẽ để đâm chồi, nảy lộc, những điều tốt đẹp trong tương lai, lại được hưởng ánh nắng sương mai rồi chờ những bông hoa thật đẹp. Hạt mầm thứ hai thì ngược lại bi quan, nó nghĩ đến những nguy hiểm trong tương lai rồi sợ sệt không muốn vươn lên và cuối cùng hạt mầm thứ hai bị một chú gà mổ ăn mất.

Qua câu chuyện, ta có thể thấy, suy nghĩ của hạt mầm thứ nhất là suy nghĩ của lối sống tích cực, lạc quan, mạnh mẽ, sẵn sàng đối đầu với khó khăn thử thách luôn mơ ước những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Còn hạt mầm thứ hai lại đại diện cho người có lối sống tiêu cực. Họ luôn sống bi quan, sợ sệt và đầu hàng trước những khó khăn trong cuộc sống luôn nghĩ đến những điều trở ngại, thử thách và dễ nản lòng bỏ cuộc.

Câu chuyện đã để lại cho ta một triết lý, một bài học về cách sống, quan niệm sống sâu sắc. Ở đời, sống phải có ước mơ (mong muốn những điều tốt đẹp trong tương lai), dám đối đầu với khó khăn để biến ước mơ thành hiện thực và tỏa sáng. Sống không có ước mơ, hèn nhát, sợ hãi, thụ động… chỉ nhận được sự thất bại, thậm chí bị hủy diệt.

2. Cách lựa chọn cuộc sống qua câu chuyện “Hai hạt mầm”.

Chúng ta được sinh ra trên đời lớn lên được dưới sự bao bọc chăm sóc của gia đình. Khi chúng ta biết bước đi từng bước vững chãi, biết suy nghĩ bản thân cần gì, muốn gì, là khi chúng ta có thể lựa chọn con đường cho cuộc hành trình làm người của mình. Trong cuộc hành trình đó sẽ có những khó khăn, thử thách, những trở ngại mà chúng ta phải vượt qua. Cuộc sống là bức tranh phong phú đầy màu sắc, mỗi người sinh ra với nhiệm vụ tô vẽ thêm cho bức tranh đó những điều kỳ diệu và tốt đẹp. Khó khăn thử thách của cuộc sống không hoàn toàn là trở lực mà chính là động lực giúp con người thêm trưởng thành trên con đường đến với ước mơ của mình.

Mỗi con người ai ai cũng ấp ủ cho mình những ước mơ, khát vọng, đã là ước mơ thì đương nhiên phải đẹp, phải cao cả. Ước mơ là thứ vô giới hạn và miễn phí chưa cần biết chúng ta có thể đạt được hay không nhưng một khi có ước mơ con người có mục đích, có lý tưởng hơn trong cuộc sống. Như là hạt mầm thứ nhất vậy, mặc dù mới là một hạt mầm bé nhỏ chưa nẩy chồi chưa nở những bông hoa rực rỡ sắc màu, chưa được đón ánh nắng ấm áp của mặt trời, nhưng hạt mầm đã mơ ước và nghĩ đến những điều tốt đẹp đó không cần bận tâm mình sẽ phải trải qua những trở ngại nào để lớn lên.

3. Tại sao sống phải có ước mơ?

Cuộc sống rất đa dạng và phong phú, có cơ hội cho con người lựa chọn nhưng cũng lắm thử thách gian nan. Hành trình sống của con người là không ngừng vươn lên để sáng tạo, in dấu ấn trong cuộc đời. Khó khăn không hoàn toàn là trở lực mà chính là động lực thôi thúc hành động, đạt tới thành công.

Ước mơ tạo nên bản lĩnh, là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn giúp con người vượt qua khó khăn “xuyên qua đá cứng” để sống và tận hưởng hương vị, vẻ đẹp của cuộc đời; là động lực thôi thúc con người tìm tòi, khám phá, đóng góp sức mình làm cho cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn.

Cuộc sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi con người có ước mơ, khát vọng và nỗ lực vượt khó, chinh phục mọi thử thách để sinh tồn và phát triển. Sợ hãi trước cuộc sống, không dám làm bất cứ điều gì, chỉ biết thu mình trong vỏ bọc hèn nhát, thụ động chờ đợi con người sẽ trở nên yếu hèn.

Cuộc sống không ước mơ, không dám đương đầu với thực tế là cuộc sống vô vị, nhàm chán, sống thừa, sống vô ích, con người sẽ chỉ nhận được thất bại, thậm chí có thể tan biến trong cuộc đời.

Hạt mầm thứ nhất đã đặt ra mong muốn với ý nguyện nhất định là được mạnh mẽ lớn lên, dũng cảm trưởng thành, dám mơ ước, dám thể hiện là điều con người nên nhận thức và nên hành động. Con người để lớn lên về mặt thể xác là điều rất dễ dàng, nhưng lớn lên trong tâm tưởng là điều đòi hỏi ở con người sự mạnh mẽ, dũng cảm, tha thiết với cuộc sống.

Ước mơ tiếp thêm cho con người sức mạnh bản lĩnh trước giông tố của cuộc đời, động lực cho con người đâm chồi, nảy lộc, đơm hoa kết trái, thôi thúc con người phát triển, trưởng thành, dũng cảm, lớn lên mạnh mẽ, bước những bước chân vững chắn trên đường đời. Cuộc sống chỉ thật sự ý nghĩa khi con người biết mơ ước, biết lạc quan vươn lên và thành quả chính là sự thành công với ước mơ, là sự mọc lên của một hạt mầm.

Mạnh mẽ vươn lên dũng cảm, ước mơ để khẳng định mình chính là bước đệm vững chãi bước đến một cuộc đời tươi đẹp, còn ngược lại với điều này chính là sự rụt rè, nhút nhát không dám mơ ước đến những điều tốt đẹp như hạt mầm thứ hai. Sống như vậy con người sẽ bị vùi dập, gạt ra khỏi cuộc sống.

Chúng ta không nên có lối sống tiêu cực như thế bởi mỗi người có một cách sống riêng, có một cách nảy mầm riêng. Cũng như trên cùng một mảnh đất màu mỡ “hai hạt mầm”, lại chọn cách sinh tồn khác nhau. Hạt mầm thứ hai là đại diện cho những người hèn nhát, luôn có suy nghĩ tiêu cực về tương lai, sợ sệt trước khó khăn nên vì thế mà không dám ước mơ. Với những giấc mơ như vậy, họ tưởng tượng ra đủ thứ nghịch cảnh, để ngụy biện cho sự hèn nhát của bản thân, sống không có ước mơ họ trở thành những người không có động lực. Họ không có lòng dũng cảm đương đầu với những thử thách. Họ trở nên sợ sệt, e dè trước những khó khăn cuộc đời. Họ sống rất thụ động, rất vô nghĩa, chỉ biết nằm im và chờ đợi nhưng lại chẳng thể hiểu bản thân chờ đợi điều gì, và có đủ bản lĩnh để nắm bắt cơ hội cho mình hay không?

Hạt mầm thứ hai đã có một suy nghĩ tiêu cực: “tốt hơn hết là tôi nên nằm ở đây cho đến khi cảm thấy thật an toàn đã”. Nó bi quan nghĩ đến những rủi ro và những điều đáng sợ do nó tưởng tượng ra mà không hề hay biết nhưng hiểm nguy thực sự sẽ đến nuế nó không chịu vươn mầm. Điều tốt hơn hết mà nó cho rằng là nằm chờ đến khi thật an toàn rồi mới tính tiếp đến việc nảy mầm. Cái khiến ta nực cười là ở chỗ một khi đã thụ động rút nhát như vậy, thì đến bao giờ mới có cảm giác thật sự an toàn. Đây là lỗi suy nghĩ của những con người không có lòng dũng cảm vươn lên và những người đã quen sống trong sự bao bọc, che chở của người khác, với lối sống như vậy con người sẽ thất bại trong cuộc sống, bị đào thải và gạt sang một bên giữa nhịp sống vội vã của cuộc đời, của xã hội.

Chúng ta ai cũng đều biết đến Beethoven, nhà soạn nhạc cổ điển người Đức. Ông là người dám mơ ước và dũng cảm sống mạnh mẽ vượt qua mọi khó khăn, trở ngại trong cuộc sống. Hồi nhỏ Beethoven bị khiếm thính sau đó bị điếc hoàn toàn, sau đó nhờ vào ước mơ cháy bỏng vào sự dũng cảm vượt qua mọi trở ngại. Ông vẫn trở thành một nhà soạn nhạc vĩ đại nổi tiếng thế giới. Beethoven được coi là một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất và có ảnh hưởng tới rất nhiều nhà soạn nhạc khác, nhạc sĩ và khán giả về sau chúng ta thật khâm phục và ngưỡng mộ ông.

Câu chuyện hai con ếch rơi xuống hố sâu, một lần nữa nhắc nhỏ chúng ta phải biết vươn lên, đừng bao giờ bỏ cuộc trước nghịch cảnh. Ếch Xanh và ếch Nâu chẳng may rơi xuống hố sâu. Hố quá sâu lại không có nước, ánh nắng mặt trời như thiêu như đốt khiến hai con ếch nhanh chóng kiệt sức. Bất ngờ rơi vào hoàn cảnh khó khăn, ếch Nâu sau một hồi nỗ lực tìm lối thoát đã bỏ cuộc và oán trách số phận. Còn ếch xanh vẫn cứ kiên trì nhảy…nhảy…nhảy. Cuối cùng, nó cũng đã nhảy được ra khỏi hố. Nó liền chạy ngay vào rừng kêu gọi mọi người tới giúp. Thế nhưng, khi mọi người tới, ếch Nâu đã chết từ lức nào. “Cái chết không phải là điều mất mát lớn nhất trong cuộc đời, sự mất mát lớn nhất là để tâm hồn tàn lụi ngay khi còn sống” 

4. Phê phán:

Trong cuộc sống bên cạnh những người có mơ ước, không ngừng vươn lên để đạt được những thành quả tốt đẹp, cũng có không ít người luôn sợ hãi, rụt rè, nhút nhát trước những khó khăn, thử thách của cuộc sống. Sống không có ước mơ, không học được cách lớn lên và trưởng thành. Ngoài ra có những người có ước mơ nhưng đó lại là những ước mơ nhỏ nhặt, vị kỉ, không mang ý nghĩa cao cả, tốt đẹp. Đó là những ham muốn cá nhân không phải là ước mơ cao đẹp, những người những việc làm như vậy đáng bị chỉ trích, phê phán và dễ bị đào thải giữa cuộc sống hối hả, tấp nập của con người.

5. Bài học nhận thức:

Qua câu chuyện “Hai hạt mầm”, ta rút ra được bài học, hãy luôn mạnh mẽ vươn lên trong mọi hoàn cảnh, dũng cảm lớn lên dám ước mơ, dám thể hiện. Chúng ta là những người trẻ những người đang sống trong khoảng thời gian đẹp nhất tràn đầy sức sống nhất của đời người. Vì vậy chúng ta hãy trở thành những con người sống có lý tưởng, có ước mơ, khát vọng, luôn ước mơ không ngừng cố gắng để vượt lên. Ta được ước mơ, khẳng định chính mình, có như vậy ta mới có thể có một cuộc sống ý nghĩa, trở thành người có ích cho xã hội. Lòng can đảm đưa con người đến với vinh quang, tính hèn nhát dẫn con người đến cái chết.

  • Kết bài:

Khi chúng ta mong ước cuộc đời không nghịch cảnh, hãy nhớ rằng cây sồi trở nên mạnh mẽ trong gió ngược và kim cương hình thành dưới áp lực. Cuộc đời con người không thể tránh khỏi những khó khăn thử thách, nhưng hãy nhớ một điều, đủ nắng hoa sẽ nở, đủ hương gió sẽ bay, đủ yêu thương hạnh phúc sẽ đong đầy. Hãy vứt bỏ lối sống tiêu cực. Hãy chọn cách sống tích cực, cách suy nghĩ tích cực nhất để bản thân được nảy mầm một cách hoàn thiện.

3 Trackbacks / Pingbacks

  1. Nghị luận: Tài sản có giá trị nhất trên đời mà bạn có thể sở hữu chính là một thái độ sống tích cực - Theki.vn
  2. Suy nghĩ về câu chuyện của Hai hạt mầm - Theki.vn
  3. Nghị luận: Sự nhận thức giá trị bản thân của giới trẻ hiện nay - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.