de-bai-doc-hieu-ve-chu-de-tinh-cam-gia-dinh

Đề bài: Đọc – hiểu về chủ đề tình cảm gia đình

Chủ đề tình cảm gia đình

Đề bài 1:

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

1. Đọc đoạn văn bản trích sau và trả lời câu hỏi:

“Nhà” đối với những người xa quê hương chính là cái dải đất hình chữ S nhỏ nhắn bên bờ biển Đông, và đối với những phi hành gia làm việc trên trạm không gian, nhà có thể chính là viên ngọc xanh tuyệt đẹp ngoài vũ trụ kia đang quay rất chậm.

“Nhà” cũng có thể là tình yêu của một ai đó dành cho ta, là trái tim ấm áp của một ai đó, nơi mà ta luôn ao ước được chạy đến náu mình. Để tìm lại sự bình yên. “Nhà” chỉ là một từ ngắn ngủi, nó không đồng nghĩa với sự bình yên, nhưng chúng ta vẫn luôn khao khát rằng nó gắn với sự bình yên. Và khi nào “nhà” trái nghĩa với bình yên thì đó là khởi đầu của sự bất hạnh.

Tôi tin rằng, mái nhà nào cũng từng có lúc đồng nghĩa với niềm vui và cả sự bình yên. Nhưng bạn của tôi ơi, sự bình yên của nhà không phải là điều có sẵn. “Nhà” là phần cứng, còn sự bình yên, hạnh phúc, niềm vui là phần mềm. Gia đình là phần cứng, còn tình yêu và sự thấu hiểu là phần mềm.

Vậy cho nên, sự bình yên là thứ phải được thiết lập, và vì thế, có thể tái thiết lập. Nếu ta là một phần của “nhà”, dù chỉ là một phần nhỏ, nếu ta thật mong muốn mái nhà thân yêu của ta có được sự bình yên, hay lại có nó một lần nữa, thì ta phải tham gia vào quá trình thiết lập đó, bằng một nụ cười xoa dịu, bằng một câu nói vị tha, bằng sự yêu thương nhẫn nhịn, bằng trái tim sẵn sàng sẻ chia, bằng một cái nắm tay thấu hiểu, hay có thể bằng một giọt nước mát. Dù thế nào, cũng không phải bằng sự buông xuôi. Để kéo những trái tim về gần với nhau. Để biến “nhà” thành một nơi ta phải luyến tiếc khi rời xa và luôn mong mỏi quay về.

(Trích:“Nếu biết trăm năm là hữu hạn” – Truyện ngắn của Phạm Lữ Ân‎)

Câu 1. Cho biết văn bản trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào? Gọi tên phương thức biểu đạt chính của đoạn trích? (1,0 điểm)
Câu 2. Hãy đặt nhan đề cho đoạn văn? (0,5 điểm)
Câu 3. Theo tác giả, khi “nhà” trái nghĩa với bình yên, điều gì sẽ xảy ra? (0,5)
Câu 4: Quan điểm của anh/ chị về thông điệp sống được truyền tải trong đoạn văn?(1,0)

* Hướng dẫn trả lời:

Câu 1: Văn bản trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nghệ thuật. Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn: nghị luận.

Câu 2: Học sinh đặt nhan đề bao quát, làm nổi bật nội dung đoạn văn: “Nhà”/ Nhà là nơi để về/ Nhà – chốn bình yên, …

Câu 3: Theo tác giả, khi “nhà” trái nghĩa với bình yên, thì đó là khởi đầu của sự bất hạnh.

Câu 4: Đoạn văn truyền tải một thông điệp sống có ý nghĩa sâu sắc:

– “Nhà” là nơi gắn bó thân thiết của chúng ta.

– Mỗi người cần có trách nhiệm xây đắp ngôi nhà thân yêu của mình bằng “tình yêu”, sự “thấu hiểu”, “sẻ chia”, “tấm lòng vị tha”, để gắn kết yêu thương. Để biến “nhà” thành chốn bình yên ta luôn mong mỏi quay về…


Đề bài 2:

I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Xã hội và đời sống đã có nhiều thay đổi thì dù ít dù nhiều nếp nhà có biến đổi cũng là lẽ đương nhiên. Nhưng, quan trọng nhất là hồn cốt của gia phong vẫn còn được giữ, có giá trị định hình, nuôi dưỡng nhân cách của mỗi thành viên, đặc biệt là con cái.

Nếp nhà là sự gắn bó giữa các thành viên, là những người trong gia đình phải biết yêu thương nhau, nhường nhịn nhau, nhưng đùm bọc không có nghĩa là chấp nhận những việc làm sai trái của những người trong gia đình mình. Bảo bọc nhau bằng cách là bảo ban giữ những điều tốt đẹp và để ứng xử với người trong gia đình, với người ngoài xã hội. Nếp nhà mà giữ không tốt thì đừng nói chuyện giữ cho xã hội tốt đẹp được. Điều đáng nói, giữ nếp nhà là giữ những điều tốt đẹp, chứ không phải tự vun vén cho riêng gia đình mình. Quan trọng để giữ nếp nhà là người lớn phải là tấm gương soi chiếu để cho con cái học theo. Cha mẹ mà không tốt – như bây giờ đang có hiện tượng xã hội xảy ra là cha mẹ có quyền có chức mà cố vơ vét rồi tham nhũng khi làm quan – thì con cái không thể nên thành được.

Cho nên, gia đình là cái mốc đầu tiên, gia đình rồi mới tới làng xã, rồi tới môi trường rộng lớn hơn là xã hội. Xã hội có tốt đẹp hay không thì phải xuất phát từ cái gốc quan trọng nhất là gia đình. Văn hóa gia đình mà không lo giữ thì xã hội cũng sẽ loạn.

(Nguyễn Sự – Người lớn phải là tấm gương soi chiếu. Dẫn theo Tuổi trẻ online ngày 5.02.2018)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt của đoạn trích.
Câu 2. Theo tác giả, việc gì là quan trọng để giữ nếp nhà?
Câu 3. Từ nội dung đoạn trích, Anh/Chị hãy rút ra mối quan hệ giữa gia đình và xã hội.
Câu 4. Anh/Chị có đồng ý với quan điểm “Văn hóa gia đình mà không lo giữ thì xã hội cũng sẽ loạn”? Vì sao?

* Hướng dẫn trả lời:

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: Phương thức nghị luận.

Câu 2: Theo tác giả, việc quan trọng để giữ nếp nhà là:

– Người lớn phải là tấm gương soi chiếu để cho con cái học theo.
– Cha mẹ mà không tốt thì con cái không thể nên thành được.

Câu 3: Mối quan hệ giữa gia đình và xã hội:
– Xã hội và đời sống đã có nhiều thay đổi thì dù ít dù nhiều nếp nhà có biến đổi.
– Nếp nhà mà giữ không tốt thì đừng nói chuyện giữ cho xã hội tốt đẹp được.
– Xã hội có tốt đẹp hay không thì phải xuất phát từ cái gốc quan trọng nhất là gia đình. Văn hóa gia đình mà không lo giữ thì xã hội cũng sẽ loạn.

Câu 4: Học sinh có thể trả lời đồng ý hoặc không đồng ý với quan điểm “Văn hóa gia đình mà không lo giữ thì xã hội cũng sẽ loạn” của tác giả.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang