»» Nội dung bài viết:
Để làm nên một áng văn chính luận mẫu mực, một văn kiện lịch sử vô giá, bên cạnh việc xác lập cơ sở pháp lý cho bản tuyên ngôn, tác giả còn đưa ra những lí lẽ đanh thép cùng bằng chứng thuyết phục để đập tan các luận điệu xảo trá, bịp bợm của thực dân Pháp và khẳng định sức mạnh, vị thế của nhân dân ta.
Em hãy làm sáng tỏ điều đó qua tác phẩm “Tuyên ngôn độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
* Gợi ý làm bài:
I. Mở bài:
Giới thiệu: Tác giả, tác phẩm, vấn đề cần nghị luận.
II. Thân bài:
1. Khái quát sơ lược về tác phẩm và nội dung vấn đề phân tích:
+ Hoàn cảnh ra đời.
+ Đối tượng, mục đích.
+ Nội dung: Sau khi xác lập cơ sở pháp lý, Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ ra cơ sở thực tế cho nền độc lập của Việt Nam.
2. Phân tích, chứng minh làm sáng tỏ vấn đề:
* Đập tan mọi luận điệu xảo trá, bịp bợm của thực dân Pháp.
– Với luận điệu pháp đến Việt Nam để khai hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bóc trần luận điệu này bằng hai vũ khí rất lợi hại của văn chính luận là lí lẽ và dẫn chứng. Người đã tố cáo tội ác của pháp trên tất cả các phương diện từ chính trị đến kinh tế, từ văn hóa đến giáo dục:
+ Pháp rêu rao “khai hóa tự do” cho Việt Nam nhưng “lập ra nhà tù nhiều hơn trường học”…
+ Pháp rêu rao “khai hóa bình đẳng” cho Việt Nam nhưng lại “lập ra ba chế độ khác nhau ở Bắc, Trung, Nam để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết”…
+ Pháp rêu rao “khai hóa bác ái” cho Việt Nam nhưng“chúng thi hành những luật pháp dã man”…
– Với luận điệu pháp đến Việt Nam để bảo hộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng sự thật lịch sử để bác bỏ luận điệu này của chúng:
+ “Năm 1940, Nhật đến Đông Dương, thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật”.
+ Năm 1945, Nhật hất cẳng Pháp “Bọn thực dân Pháp hoặc là bỏ chạy, hoặc là đầu hàng”.
+ Khẳng định “Trong 5 năm Pháp đã bán nước ta hai lần cho Nhật”.
– Với luận điệu pháp thuộc phe đồng minh, Hồ Chí Minh đã đập tan luận điệu này bằng cách chứng minh chúng đã phản bội phe đồng minh một cách trắng trợn để tiếp tay cho bọn phát xít:
+ Pháp hai lần bán nước ta cho Nhật.
+ Việt Minh kêu gọi Pháp liên minh chống Nhật thì Pháp lại“thẳng tay khủng bố Việt Minh”.
– Với luận điệu Việt Nam là thuộc địa của Pháp, Hồ Chí Minh một lần nữa đã đập tan luận điệu này bằng giọng điệu chắc nịch, hào hùng. Người khẳng định: “ Sự thật là từ mùa thu năm 1940 nước ta đã thành thuộc địa của Nhật chứ không phải là thuộc địa của Pháp nữa” và “ sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật chứ ko phải từ tay Pháp”. Cụm từ :“sự thật là” đặt ở đầu 2 câu văn đã gián tiếp tô đậm, nhấn mạnh bộ mặt giả dối, bịp bợm của chúng.
⇒ Như vậy, bằng những lý lẽ sắc sảo, bằng những dẫn chứng điển hình, bằng giọng điệu hào hùng và một vài hình ảnh giàu sức gợi, Hồ Chí Minh đã đập tan tất cả các luận điệu xảo trá, bịp bợm của thực dân Pháp để cho thấy chúng không còn bất cứ một tư cách nào trên đất Việt Nam.
* Khẳng định sức mạnh và vị thế của nhân dân Việt Nam và Mặt trận Việt minh.
– Dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, nhân dân ta đã thực hiện được ba nhiệm vụ vĩ đại của lịch sử là đánh đổ thực dan Pháp, làm cho phát xít Nhật phải đầu hàng và vua Bảo Đại thoái vị. Đó là toàn bộ sức mạnh to lớn rất đáng tự hào của người dân Việt Nam.
– Không chỉ khẳng định sức mạnh, Người còn khẳng định tư cách và vị thế của nhân dân Việt Nam khi chứng minh cách ứng xử vô cùng nhân văn mà người Việt Nam dành cho Pháp. (dẫn chứng).
– Từ những lí lẽ đó Người đi đến khẳng định “Nước Việt Nam có quyền” và “Sự thật đã trở thành một nước độc lập”. Đây là lời khẳng định và là lời tuyên bố công khai.
– Bày tỏ quyết tâm “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”, thể hiện quyết tâm, kêu gọi đồng bào cả nước chung sức giữ gìn độc lập, tự do vừa giành được.
3. Đánh giá chung:
– Chỉ với một dung lượng ngắn gọn, Hồ Chí Minh đã từng bước xác lập cơ sở thực tế cho nền độc lập của Việt Nam. Mỗi câu văn của Người đều hàm xúc và chắc nịch, nó hàm chứa trong đó sức mạnh của cả trí tuệ, lý trí và tình yêu thương dành cho nhân dân, tổ quốc.
– Lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, sắc bén, bằng chứng xác thực, giàu sức thuyết phục.
– Ngôn ngữ vừa chính xác vừa gợi cảm.
– Giọng văn linh hoạt, hùng hồn.
III. Kết bài:
– Khẳng định lại ý nghĩa, giá trị của tác phẩm.
– Nêu bài học liên hệ.
- Phân tích bản “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh
- Trình bày những cơ sở lập luận tạo nên tính thuyết phục sâu sắc trong “Tuyên ngôn Độc lập”
- Nghị luận: “Tuyên ngôn Độc lập vừa là một văn kiện lịch sử vô giá vừa là một áng văn chính luận mẫu mực”