Đọc hiểu văn bản “Tuyên ngôn Độc lập” (Hồ Chí Minh)

doc-hieu-van-ban-tuyen-ngon-doc-lap-ho-chi-minh

Đọc – hiểu văn bản:

Tuyên ngôn độc lập
(Hồ Chí Minh)

I. Tìm hiểu chung.

1. Tác giả: Xem Tại đây.

2. Tác phẩm:

– Hoàn cảnh sáng tác: Ngày 26 tháng 8 năm 1945: Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc về tới Hà Nội. Tại căn nhà 48 – Hàng Ngang, Người đã soạn thảo bản “Tuyên ngôn độc lập”. Ngày 2 tháng 9 năm 1945: Hồ Chí Minh thay mặt chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội.

– Thể loại: chính luận.

– Nội dung: Tuyên ngôn Độc lập là văn kiện lịch sử tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới về việc chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến ở nước ta, đánh dấu kỉ nguyên độc lập, tự do của nước Việt Nam mới.

– Bố cục 3 phần

+ Phần 1 (từ đầu đến “không ai chối cãi được”): Nêu nguyên lí chung của bản Tuyên ngôn độc lập (Cơ sở lí luận của bản tuyên ngôn).

+ Phần 2 (tiếp đó đến “phải được độc lập”): Tố cáo tội áo của giặc và khẳng định cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta (cơ sở thực tiễn của bản tuyên ngôn).

+ Phần 3 (còn lại): lời tuyên bố độc lập và ý chí bảo vệ chủ quyền của dân tộc.

– Mục đích sáng tác:

+ Khẳng định quyền độc lập tự do của dân tộc trước quốc dân và thế giới.

+ Tuyên bố chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến; khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và bày tỏ quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc.

II. Đọc hiểu văn bản:

1. Nêu nguyên lí chung về quyền bình đẳng, tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của con người và các dân tộc.

* Điểm đặc biệt: trích dẫn hai bản tuyên ngôn:

– Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ:

+ “Tất cả mọi …mưu cầu hạnh phúc.” nêu nguyên lí chung về quyền lợi của con người.

+ “Suy rộng ra, câu ấy… có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” → từ quyền lợi của con người, Bác nâng lên thành quyền lợi của các dân tộc.(trong đó có Việt Nam)

– Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp năm 1791

– “Người ta sinh ra tự …bình đẳng về quyền lợi.”→ xoáy sâu vào quyền bình đẳng của con người.

Từ quyền bình đẳng, tự do của con người, Hồ Chí Minh suy rộng ra về quyền bình đẳng, tự do , độc lập của các dân tộc, trong đó có Việt Nam. Bác khẳng định dứt khoát “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.”

* Ý nghĩa:

– Hồ Chí Minh tôn trọng và sử dụng hai bản tuyên ngôn của Pháp và Mĩ làm cơ sở lí luận, bởi đó là những lí lẽ đã dược tất cả mọi người thừa nhân, đồng thời đề cao những giá trị tư tưởng nhân đạo và văn minh nhân loại.

– Có tính chiến thuật sắc bén, khéo léo, tạo tiền đề, cơ sở pháp lí cho bản Tuyên ngôn độc lập ra đời. Dùng phép “gậy ông đập lưng ông” bằng cách sử dụng lời lẽ của người Pháp để nói về họ nhằm mở cuộc tranh luận ngầm với họ, mạnh mẽ buộc tội Pháp và ngăn chặn âm mưu tái xâm lược của chúng.

– Đặt ngang hàng cuộc cách mạng và giá trị bản tuyên ngôn của nước ta với hai cường quốc, thể hiện lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

– Tạo tiền đề lập luận cho mệnh đề tiếp theo.

* Nhận xét:

+ Từ quyền dân tộc trong hai bản tuyên ngôn của Pháp và Mĩ, Hồ chí minh mở rộng ra thành quyền dân tộc: “Suy rộng ra…quyền tự do”. Điều này cho thấy sự vận dụng khéo léo, sáng tạo và cách lập luận chặt chẽ của tác giả.

+ Với lời lẽ sắc bén, lập luận chặt chẽ, sáng tạo, khéo léo, ngôn ngữ trang trọng, hùng hồn, Người đã xác lập cơ sở pháp lý của bản Tuyên Ngôn, nêu cao chính nghĩa và đặt ra vấn đề cốt yếu là: độc lập dân tộc.

Bằng lập luận chặt chẽ, chứng cứ xác thực, Hồ chí Minh đã khẳng định quyền bình đẳng, tự do của mỗi dân tộc trong đó có dân tộc Việt Nam làm nguyên lí chung cho bản tuyên ngôn.

2. Tố cáo tội ác của thực dân Pháp và khẳng định quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam.

– Tố cáo tội ác tàn bạo của thực dân Pháp trên mọi mặt đời sống khi cai trị nước ta: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội (liệt kê hàng loạt dẫn chứng đanh thép, hùng hồn về tội ác của Pháp), phủ nhận hoàn toàn thái độ của Pháp, đã phản bội lại lời lẽ của cha ông.

– Vạch rõ bản chất “khai hóa” của thực dân Pháp: thực dân Pháp đã thi hành những chính sách độc ác, dã man trên đất nước ta trên tất cả mọi lĩnh vực từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, xã hội.

– Vạch trần thực chất công cuộc “bảo hộ” nước ta của thực dân Pháp: Pháp quỳ gối đầu hàng mở cửa nước ta rước Nhật, trong vòng 5 năm, hai lần bán nước ta cho Nhật.

– Chỉ rõ luận điệu xảo trá, vạch rõ tội ác của giặc: đầu hàng Nhật, khủng bố Việt Minh, giết tù chính trị của ta.

* Bằng chứng:

– Về chính trị:

+ “Chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào”.

+” Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta”.

+ “Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.”

– Về kinh tế:

+ Cướp không ruộng đất, hầm mỏ, độc quyền in giấy bạc, xuất cảng, nhập cảng, đặt hàng trăm thứ thuế vô lí.

+ Gây ra nạn đói năm Ất Dậu năm 1945 làm 2 triệu đồng bào ta bị chết.

→ những chính sách tàn bạo.

– Về văn hoá:

+ “…thi hành chính sách ngu dân.
Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.”

→ Với biện pháp nghệ thuật liệt kê, phép lặp cú pháp, nhà văn đã vạch rõ âm mưu thâm độc, chính sách tàn bạo của thực dân Pháp.

– Tội ác trong 5 năm (1940-1945): Phản bội Đồng minh, không liên minh cùng Việt Minh để chống Nhật, thậm chí thẳng tay khủng bố, giết nốt tù chính trị của ta ở Yên Bái, Cao Bằng.

→ bác bỏ luận điệu giả dối “bảo hộ” và lên án tội ác dã man, đê tiện, hèn nhát của thực dân Pháp. Bản tuyên ngôn đã khẳng định thực tế lịch sử: nhân dân ta nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

→ Với ngôn ngữ chính luận sắc sảo, lời lẽ đanh thép, bằng chứng xác thực, lập luận chặt chẽ, giọng văn hùng hồn, mạnh mẽ, kết hợp với các biện pháp nghệ thuật liệt kê, phép lặp cú pháp, nhà văn đã vạch trần bản chất xảo quyệt, tàn bạo, man rợ của thực dân Pháp và khơi dậy lòng phẫn nộ, gây xúc động hàng triệu đồng bào.

3. Cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta.

– Nhân dân Việt Nam đã đứng về phe đồng minh, chống phát xít Nhật. Quân và dân ta đã nhiều lần kêu gọi người Pháp cùng chống Nhật nhưng bị từ chối, khi Pháp thua chạy, đồng bào ta vẫn khoan hồng và giúp đỡ họ.

– Nhân dân Việt Nam cướp chính quyền từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp.

– Dân ta đánh đổ các xiềng xích phong kiến, thực dân, phát xít.

* Kết quả:

+ Thoát li quan hệ với Pháp, xóa bỏ hiệp ước Pháp đã kí, xóa bỏ mọi đặc quyền của Pháp.

+ Kêu gọi nhân dân Việt Nam đoàn kết chống lại âm mưu của Pháp.

+ Tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế: kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận độc lập tự do của Việt Nam.

+ Nhân dân ta anh dũng chống phát xít, phải được tự do độc lập.

Khẳng định, đề cao tinh thần xả thân giữ nước, thành quả cách mạng của nhân dân ta. Chúng ta hoàn toàn xứng đáng với nền độc lập có được bởi chính máu xương của mình.

4. Tuyên bố độc lập.

“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập.” → vừa tuyên bố vừa khẳng định một cách mạnh mẽ về: quyền độc lập dân tộc của nước Việt Nam.

“Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết … giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.” → bày tỏ quyết tâm bảo vệ quyền độc lập, tự do ấy của toàn dân tộc.

Lời khẳng định nền độc lập nhắn gọn, đanh thép, trang trọng và đầy sức thuyết phục: “Nước Việt Nam có quyền… nước tự do, độc lập” thể hiện ý chí kiên quyết bảo vệ nền độc lập, tự do cho dân tộc.

5. Ý nghĩa văn bản.

– Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện lịch sử vô giá tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và thế giới về quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam và khẳng định quyết tâm bảo về nền độc lập tự do ấy.

– Kết tinh lí tưởng đấu tranh giải phóng dân tộc và tinh thần yêu chuộng độc lạp, tự do.

– Là một áng văn chính luận mẫu mực.

III. Tổng kết:

1. Nội dung:

– Tuyên ngôn độc lập là văn kiện lịch sử tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và thế giới về việc chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến ở nước ta, đánh dấu kỉ nguyên độc lập, tự do của nước Việt Nam mới.

– Bản Tuyên ngôn vừa tố cáo mạnh mẽ tội ác của thực dân Pháp, ngăn chặn âm mưu tái chiếm nước ta của các thế lực thù địch và các phe nhóm có hội quốc tế, vừa bộc lộ tình cảm yêu nước, thương dân và khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của tác giả.

2. Nghệ thuật:

– Lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, chứng cứ xác thực.

– Ngôn ngữ vừa hùng hồn, đanh thép khi tố cáo tội ác kẻ thù vừa chan chứa tình cảm, ngôn ngữ châm biếm sắc sảo.

– Hình ảnh giàu sức gợi cảm.

 

Phân tích bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Đọc - hiểu văn bản: "Tuyên ngôn độc lập" -Phần tác giả Hồ Chí Minh - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.