phan-tich-y-nghia-chi-tiet-giot-nuoc-mat-cua-chi-pheo

Phân tích ý nghĩa chi tiết giọt nước mắt của Chí Phèo

Phân tích ý nghĩa chi tiết giọt nước mắt của Chí Phèo

  • Mở bài:

Chí Phèo là kiệt tác văn học của nhà văn Nam Cao, là tác phẩm xuất sắc của nền văn học hiện thực phê phán. Trong tác phẩm, ngoài hình tượng nhân vật Chí Phèo, nhân vật thị Nở, bát cháo hành, Nam Cao cũng đã xây dựng rất thành công chi tiết giọt nước mắt của Chí Phèo trên bước đường trở về với ánh sáng của lương tri.

  • Thân bài:

1. Hoàn cảnh dẫn đến chi tiết giọt nước mắt:

– Khát vọng của Chí Phèo và mối tình của anh với Thị Nở bị bà cô Thị Nở, nhân danh làng Vũ Đại và những định kiến trong xã hội cự tuyệt.

– Bị Thị Nở từ chối, Chí Phèo thất vọng và đau đớn: “Hắn nghĩ ngợi tí rồi hình như hiểu”, “hắn bỗng nhiên ngẩn người”, “thoáng một cái hắn như hít lấy hơi cháo hành” rồi “ngẩn mặt không nói gì”.

– Chí Phèo chạy theo nắm tay Thị Nở như là nỗ lực cuối cùng để níu Thị Nở ở lại, nhưng vô vọng è Cùng với sự dứt khoát của thị nở, tình yêu, hạnh phúc, niềm hy vọng của Chí Phèo cũng bị cự tuyệt. Cánh cửa trở lại làm người sập xuống ngỡ ngàng và đau đớn ngay trong khoảnh khắc nhân tính trở về trong Chí Phèo.

– Trước tình cảnh bi đát đó, trong Chí chỉ còn lại nỗi phẫn uất và tuyệt vọng:

+ Chí về nhà uống rượu, “phải uống thật say”, “phải uống thêm chai nữa”, “rồi lại uống”, “rồi lại uống” như để chạy trốn chính mình và chạy trốn hiện thực.

+ Nhưng “càng uống càng tỉnh ra”, “Tỉnh ra, chao ôi buồn”. Khi nhân tính trở về, hắn không còn có thể triền miên trong cơn say để quay về kiếp thú vật được nữa, hơi rượu không giúp hắn trốn tránh thực tại, mà trái lại, bắt hắn nhìn thẳng vào bi kịch và nỗi đau.

+ Hơi cháo hành lại hiện về như một ám ảnh, như một nhát dao khắc sâu thêm nỗi đau của hắn.

2. Chi tiết giọt nước mắt:

– Đau đớn và tuyệt vọng, Chí Phèo “ôm mặt khóc rưng rức”. Hắn khóc như một đứa trẻ. Đó là giọt nước mắt đau đớn đến tận cùng. Chí Phèo khóc thương cho tình yêu và niềm hy vọng tan vỡ không cách gì níu kéo được. Chí Phèo khóc vì cánh cửa trở lại làm người đóng sập ngay khi cuộc sống trở về. Chí Phèo khóc vì nhận ra bi kịch đau đớn không thể cứu vãn.

– Đây là lần đầu tiên và lần duy nhất Chí Phèo khóc trong tác phẩm, giọt nước mắt ấy đã chực rơi nhiều lần nhưng giờ đây mới vỡ òa. Đã nhiều lần giọt nước mắt ấy chực rơi nhưng được tình thương của thị nâng đỡ kìm lại. Lần đầu ngay sau khi tỉnh rượu, khi nghĩ vẩn vơ đau đớn về số phận mình, “nếu thị không vào, cứ để hắn vẩn vơ nghĩ mãi, thì khóc được mất”. Bát cháo hành khiến hắn cảm động mà mơ hồ nhận ra “mắt mình như ươn ướt”, đó đâu phải là khóc, đó là giọt nước mắt của niềm hạnh phúc và niềm yêu thương. Chỉ đến khi thị Nở cự tuyệt, khi sự nâng đỡ của tình yêu tan vỡ, khi mọi điểm tựa tinh thần vỡ nát, khi nhân tính trở về, Chí Phèo mới bật khóc trong nỗi đau tận cùng của số phận.

3. Ý nghĩa chi tiết giọt nước mắt:

– Đối với Nam Cao, giọt nước mắt là miếng kính biến hình vũ trụ, chính là biểu hiện rõ rệt nhất của nhân tính trong mỗi con người.Chí Phèo khi nhìn tình yêu, hạnh phúc và cánh cửa trở lại làm người vụt mất, đã “ôm mặt khóc rưng rức”. Hộ (Đời thừa) sau cơn say tỉnh dậy thấy ấm nước sôi của Từ, thì hối hận.“Và hắn khóc… Ôi chao! Hắn khóc.Hắn khóc nức nở, khóc như thể không ra tiếng khóc. Hắn ôm chặt lấy cá bàn tay bé nhỏ của Từ vào ngực mình mà khóc”

– Giọt nước mắt chính là hiện thân của khả năng xúc cảm, khả năng xúc cảm chính là biểu hiện của nhân tính. Nam Cao tin rằng, khi con người có thể khóc thì khi ấy nhân tính vẫn chưa chết hẳn trong tâm hồn của họ.

– Giọt nước mắt tượng trưng cho những tình cảm rất chân thành trong tâm hồn con người: sự cảm động, tình yêu thương, niềm hạnh phúc, nỗi ăn năn hối hận, sự đau đớn dằn vặt… Nó đối lập hoàn toàn với trạng thái triền miên say đánh mất ý thức, cảm xúc – trạng thái của kiếp sống con người-thú mà cả Chí Phèo và Hộ đều từng trải qua.

4. Bình luận:

– Giọt nước mắt của Chí Phèo ẩn chữa nỗi thống khổ tận cùng không chỉ của Chí Phèo mà còn của người nông dân trong xã hội Việt Nam trước CMT8. Nỗi thống khổ ấy là đỉnh điểm của bi kịch tha hóa và bi kịch bị tước đoạt quyền làm người. Khi chưa thức tỉnh, họ bị bọn cường hào ác bá kéo xuống vũng lầy của sự tha hóa, sống kiếp sống mù tối như thú vật, và đau đớn nhất là họ không nhận thức được hoàn cảnh bi đát của mình. Khi thức tỉnh, thì họ lại rơi vào cảnh: sinh ra là người nhưng không được sống như một con người. Nỗi thống khổ ấy tất yếu dẫn đến cái chết, cái chết về tinh thần ngay khi đang còn sống, hoặc cái chết để bảo vệ các giá trị sống.

– Nỗi thống khổ của Chí Phèo còn là nỗi thống khổ của nhân loại. Từ thuở hồng hoang, sự tồn tại của con người bao giờ cũng là cuộc giằng co không ngừng giữa thiện và ác, giữa cao cả và thấp hèn, giữa con người và con thú trong bản tính mỗi người. Bi kịch đánh mất nhân tính chính là bi kịch đánh mất chính mình, là nỗi mất mát không gì cứu chuộc của bất kì một ai.

– Từ giọt nước mắt ấy, Nam Cao đã khám phá ra vẻ đẹp của tính người. Cho dù bị chà đạp, cho dù bị vùi lấp, thì tính người không bao giờ bị hủy diệt. Hoàn cảnh có thể khuất lấp, bóng tối có thể phủ vùi, nhưng tính người vẫn kiên cường tồn tại, chờ đợi cơ hội để tỏa sáng. Nó chứng minh một điều “Nghệ thuật tạo vẻ đẹp cho những dòng nước mắt và biến nỗi thống khổ của nhân loại thành tiếng hát vô biên”

  • Kết bài:

– Tác phẩm là tấm lòng xót thương, thông cảm đầy đau đớn của một trái tim nhân đạo yêu người yêu đời và đau người đau đời tha thiết. Tiếng hát đau đớn cất lên như một lời tố cáo đanh thép, như một hồi chuông gióng lên đòi hỏi một sự thay đổi… Bằng việc tìm ra vẻ đẹp cho những nỗi thống khổ của nhân loại, mỗi nhà văn trở thành “nhà nhân đạo từ trong cốt tủy” (Trekhov). Đó chính là một tiêu chuẩn, một thước đo cho những kiệt tác bất hủ đi vào lòng nhân loại. Bên cạnh đó, tác phẩm nghệ thuật còn cần một hình thức nghệ thuật độc đáo và phù hợp để biểu hiện trọn vẹn nội dung.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang